Những ý kiến khác biệt của giới trẻ về “biểu tình” (phần 4)

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Cuộc thảo luận trên Diễn đàn tuần qua, tuy 3 bạn trẻ trong nứơc là Tuấn, Thanh, và Huy có những quan điểm và nhìn nhận khác nhau về ý nghĩa của hoạt động biểu tình trong đời sống xã hội, nhưng tất cả đều có cùng một nhận xét là có sự mâu thuẫn giữa Hiến pháp và thực tế đối với quyền biểu tình của công dân, bởi lẽ Hiến pháp công nhận nhưng nếu đem thực thi vào cuộc sống thì liền bị chính quyền dẹp ngay bằng mọi giá.

Danoanvinhphuc200.jpg
Dân Oan Tỉnh Vĩnh Phúc. Hình của Uỷ Ban Yễm Trợ Người Khiếu Kiện >> Xem hình lớn hơn

Chương trình hôm nay, ba bạn trẻ của chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi ý kiến và thái độ tiếp nhận của họ đối với sinh hoạt biểu tình.

Một lần nữa, Trà Mi xin đựơc giới thiệu sự góp tiếng của các bạn: Thanh, ngừơi Bình Thuận, sinh viên khoa lịch sử đảng vừa tốt nghiệp; Tuấn và Huy, hai thanh niên thuộc thế hệ 7X đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn:

E dè với hai chữ "biểu tình"

Tuấn : Anh muốn hỏi Thanh, em đã từng chứng kiến một cuộc biểu tình nào chưa?

Thanh: Dạ chưa.

Trà Mi: Bạn chưa chứng kiến một cuộc biểu tình nào cả à?

Thanh: Em chưa từng kiến trực tiếp. Em chỉ thấy trên tivi ở nước ngoài mà thôi chứ chưa được thấy ở Việt Nam, và trực tiếp thì chưa hề.

Nếu khi mình biết một thông tin rằng nếu mình chụp hình hoặc là tham gia vào cuộc biểu tình đó thì sẽ bị kỷ luật hay này kia thì thực sự em không dám. Nhưng em nghĩ rằng đứng xem họ làm gì, những biểu ngữ của họ nói lên cái gì, họ làm vì mục đích gì thì em nghĩ là em có thể làm vì em nghĩ điều đó không có gì sai cả.

Trà Mi: Các cuộc biểu tình diễn ra khoảng thời gian gần đây vào cuối tháng 7 đó thì mọi người ở các nơi đều biết mà tại sao Thanh ở ngay Sài Gòn lại không biết?

Thanh: Tại vì em ở Thủ Đức đi xe buýt lên Sài Gòn học rồi về nên không biết.

Trà Mi: Báo chí, trưyền thanh, truyền hình trong nước không có đề cập đến chuyện này hay sao?

Thanh: Dạ, có thể em không đọc báo chí nên không biết.

Trà Mi: Bây giờ Trà Mi hỏi Thanh như vầy. Giả sử trên đường đi mà tình cờ bạn gặp một cuộc biểu tình của người dân thì phản ứng đầu tiên của bạn sẽ như thế nào? Bạn tò mò muốn biết lý do, bạn tới gần quan sát họ, hỏi han họ, hay là bạn tránh né, vội chạy đi chỗ khác, gỉa vờ như không thấy vì sợ đến gần sẽ bị liên luỵ?

Thanh: Nói chung, phản ứng đầu tiên của em khi thấy bất kỳ một sự kiện gì hay một sự việc gì thì trong đầu em bao giờ cũng đặt ra câu hỏi là người ta đang làm gì. Em chưa từng thấy một cuộc biểu tình mà giả sử em thấy thì em tò mò…

Trà Mi: Bạn có dám tới gần hỏi han không? Hay là bạn sợ tới gần sẽ bị liên luỵ? Như người bạn trước của bạn nói rằng chụp hình thôi cũng đã bị đập máy hoặc bị tịch thu rồi.

Thanh: Nếu khi mình biết một thông tin rằng nếu mình chụp hình hoặc là tham gia vào cuộc biểu tình đó thì sẽ bị kỷ luật hay này kia thì thực sự em không dám. Nhưng em nghĩ rằng đứng xem họ làm gì, những biểu ngữ của họ nói lên cái gì, họ làm vì mục đích gì thì em nghĩ là em có thể làm vì em nghĩ điều đó không có gì sai cả. Chỉ là sự tò mò của con người thôi. Còn nếu bảo em tham gia vào hay là bảo em chụp hình thì em không dám làm vì em biết rằng làm như thế sẽ là sai.

Trà Mi: Như vậy là người dân Việt Nam rất sợ hai chữ "biểu tình" phải không?

DanoanTuyenquang200.jpg
Dân Oan Tỉnh Tuyên Quang. Hình của Uỷ Ban Yễm Trợ Người Khiếu Kiện >> Xem hình lớn hơn

Thanh: Dạ, đúng rồi chị.

Tuấn : Nghe Thanh nói thì anh có một ý kiến nho nhỏ rất vui như thế này. Tại sao người ta biểu tình mà mình đứng chụp hình là sai. Người ta biểu tình là chuyện của người ta còn mình chụp hình là việc của mình chứ? Hành vi chụp hình của mình có gì là sai trái về pháp luật đâu. Trong pháp luật không có quy định cấm chụp hình người biểu tình. Và cũng chưa ai nói với mình việc đó cả. Vậy đứng về quyền công dân thì người dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Như vậy tại sao em lại tự nhận là em sai khi em đứng lại chụp hình nguời biêủ tình?

Thanh: Theo những người bạn em và những thông tin mà em nghe được thì những cuộc biểu tình đều có lý do, có âm mưu gì đó thì chắc chắn là mình không tới đó. Và không phải chỉ riêng em mà người dân Việt Nam khi nói tới biểu tình là đều e ngại.

Trà Mi: Tức là sợ bị liên luỵ phải không? (Mọi người cùng cười). Như vậy chẳng khác gì có nhiều người Việt nam cho rằng biểu tình chỉ một hoạt động mất thời gian, vô ích mà thôi. Nhiều khi còn rước hoạ vào thân nữa. Ý kiến của các bạn như thế nào? Các bạn có chia sẻ điều này không?

Tuấn : Em thì em không nghĩ như vậy, chị. Đúng là người dân thơ ơ với biểu tình tại vì người dân nói chung, về nhận định chính trị của họ thì mình không đề cập tới, nhưng vẫn còn một số người giống như Trà Mi nói, nhưng đại đa số quần chúng trong suốt 32 năm nay luôn có một bất mãn này hay bất mãn kia nhưng cái quan trọng là họ có nhắc tới hay không thôi. Và vấn đề mà Tuấn muốn nói là cái bất mãn đó là đúng nhưng cái yếu của người dân là người ta không thể hiện ra. Mình không nói là người dân thể hiện bằng cách biểu tình mà biểu tình chỉ là một trong những phương cách thôi. Nhưng người ta không biểu tình thì cũng nên bày tỏ bằng một cách khác cũng được, ôn hoà hơn. Thành ra điều căn bản của biểu tình là bày tỏ ý kiến và có thể người này làm theo cách này, người kia làm theo cách kia. Nhưng đối với hành động biểu tình thì hiên nay nhiều người Việt Nam còn thấy xa lạ. Thí dụ những đứa trẻ sinh sau 1980 thì họ không biết làm việc này để làm gì nữa. Thật ra hoạt động biểu tình rất hữu ích. Bản thân tui thì tui hổng có thích người dân biểu tình, nhưng ý kiến của tui là nếu người dân có những bức xúc trong cuộc sống mà lâu dài không được giải quyết thì người ta nên biểu tình để được nhà nước giải quyết. Theo ý của tui là như vậy.

Trà Mi: Xin nghe ý kiến của Thanh. Anh Tuấn đã phân tích vế thứ nhất là không phải là ai cũng thờ ơ với hoạt động biểu tình ở Việt Nam, còn vế thứ hai mà Trà Mi có nhắc tới là người ta sợ rước hoạ vào thân, thì ý kiến của Thanh như thế nào?

Thanh: Dạ, một khi biểu tình mang ý nghĩa xây dựng thì đúng là cần thiết vì nó nói lên nguyện vọng của người dân và nhà nước muốn lắng nghe dân thì người dân phải được nói bởi vì người ta có nói lên nguyện vọng của người ta thì mình mới nghe được. Em nghĩ biểu tình là cần thiết.

Biểu tình, có cần thiết hay không?

Trà Mi: Đó là ý kiến của Thanh. Còn anh Huy, anh có ý kiến gì xin mời anh phân tích thêm về lợi hại của biểu tình.

Huy: Người dân bây giờ rất quan tâm tới bỉểu tình. Nếu họ nghe được ở đâu có biểu tình thì dù có ngăn cấm thì họ cũng lén chạy xe ngang qua để biết cuộc biểu tình này như thế nào. Nhưng có một điều phải nói thẳng là hệ thống luật pháp Việt Nam quá ư là chằng chịt từtrên xuống dưới, từ hiến pháp tới điều luật, xuống tới thông tư, rồi xuống tới nghị định, tùm lum hết, nên người dân Việt Nam không nắm được luật của Việt Nam như thế nào. Và sự sợ hãi của người dân đối với chính quyền. Thí dụ ở nước ngoài cảnh sát tới nhà thì họ phải xin phép vào nhà và nếu chủ nhà không cho phép thì họ không được vào nhà. Còn ở Việt Nam thì sao? Công an mà vào nhà ai thì cả nhà xanh mặt hết vì không biết chuyện gì xảy ra cho mình đây. Như vậy là người dân vẫn còn mù mờ về quyền của mình, về những gì luật pháp quy định. Điều đó làm cho người dân không dám bày tỏ quan điểm của mình mặc dù họ có quan tâm dó. Thản hoặc nếu có quan tâm thì cũng chỉ ngồi ở quán cà phê chữi đổng, chữi ông này ông kia, chứ không có làm gì để bày tỏ quan điểm của mình một cách rõ ràng.

Điều căn bản của biểu tình là bày tỏ ý kiến, và có thể người này làm theo cách này, người kia làm theo cách kia. Bản thân tui thì tui hổng có thích người dân biểu tình, nhưng ý kiến của tui là nếu người dân có những bức xúc trong cuộc sống mà lâu dài không được giải quyết thì người ta nên biểu tình để được nhà nước giải quyết.

Trà Mi: Các bạn khác có chia sẻ ý kiến này của anh Huy không?

Tuấn : Thực ra những vấn đề anh Huy nói đều đúng đó. Thực tế xã hội đang diễn ra như vậy và nếu cứ tiếp tục như vậy mãi thì người dân bị thiệt hại thôi.

Trà Mi: Anh Tuấn đã đồng tình, còn Thanh thì sao?

Thanh: Em không có ý kiến.

Trà Mi: Có hai luồng dư luận nhận định về biểu tình như thế này. Một bên cho rằng biểu tình là một hành động phạm pháp, gây mất trậ tự xã hội, sẽ gây liên luỵ hoặc phiền toái cho nhà nước. Một bên coi biểu tình là cách bày tỏ thái độ, nguyện vọng của người dân một cách bình thường mà thôi, là một sinh hoạt cần thiết để phát huy tính dân chủ trong xã hội, vậy Thanh theo phía bên nào?

Thanh: Dạ em thấy hai ý kiến đều đúng đối với mỗi trường hợp. Thí dụ theo ý kiến đầu là gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng tới giai cấp cầm quyền gì đó, thì em nghĩ rằng ý kiến đó đúng đối với những trường hợp biểu tình gây bạo động hoặc mang tính cách chính trị.

Trà Mi: Mình chỉ nói tới các cuộc biểu tình ôn hoà thôi, còn biểu tình bạo động thì dĩ nhiên mình không bàn tới. vì nó không còn là biểu tình nữa rồi.

Thanh: Dạ không, ý em muốn nói là nếu cuộc biểu tình đó bị lợi dụng. Thí dụ người dân biểu tình vì lợi ích của người ta nhưng nếu bị một nhóm nào đó xúi giục hay lợi dụng thì thay vì người dân có chính nghĩa lại thành ra làm sai và trái pháp luật. Và ý thứ hai biểu tình là bày tỏ nguyện vọng của người dân thì em nghĩa rằng chuyện đó là đúng, hợp lý.

Trà Mi: Nếu Thanh cho rằng biểu tình là một sinh hoạt cần thiết, hợp lý trong đời sống xã hội để phát huy tính dân chủ thì trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay làm cách nào để có thể thực hiện được điều này một cách gọi là "hợp pháp" không, để thể hiện được thái độ của người dân đối với nhà nước và cũng để phát huy nếp sống tư duy dân chủ cho mọi người?

Tuấn : Thật ra như thế này. Trong xã hội Việt Nam bây giờ nếu nói biểu tình là hợp pháp (hợp pháp trong ngoặc kéo hay không ngoặc kép gì cũng vậy) thì đảng và nhà nước không chấp nhận. Nhưng nói như Trà Mi là có ý kiến cho rằng biểu tình là "vi phạm luật pháp" (tôi dùng nguyên văn câu của Trà Mi) thì tôi thấy không đúng. Trên nguyên tắc thì người dân có quyền làm những gì mà nhà nước không cấm - điều này tôi đọc trong tất cả các quy định về luật hình sự và tố tụng hình sự thì không thấy cấm người dân biểu tình gì cả. Như thế thì người dân cứ làm vì pháp luật không cấm. Chừng nào pháp luật cấm người dân biểu tình thì người dân mới không nên biểu tình.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ: vietweb@rfa.org

Trà Mi: Thưa anh, trên thực tế là hễ có cuộc biểu tình nào thì chính quyền đều dẹp bỏ hết thì người ta lại nghĩ rằng điều đó chứng tỏ rằng đây là việc làm bất hợp pháp.

Tuấn : Cái đó là do thiếu hiểu biết pháp luật của người dân. Người ta nên nói thẳng với nhà nước là tại vì không cấm nên tôi làm, còn không thì anh cứ cấm đi thì tôi không làm. Nhưng thực sự thì nhà nước không thể cấm điều này bằng văn bản vì nó sẽ vi phạm các công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã ký với Liên Hiệp Quốc. Thành ra nhà nước Việt Nam không thể cấm chính thức được nhưng họ sẽ dùng vũ lực để đàn áp.

Trà Mi: Trà Mi rất tiếc là phải chia tay với quý vị tại đây. Diễn Đàn Bạn Trẻ sẽ trở lại với phần tiếp theo cũng vào giờ này, sáng Thứ Tư tuần sau.

(xin mời theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên) Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.

Trà Mi kính chào.