Trà Mi, phóng viên đài RFA
Những tuần qua, chúng ta đã nghe 4 bạn trẻ từ hai miền Nam-Bắc và cả ở hải ngoại thảo luận về nội dung đầu tiên trong điều 4 Hiến pháp, nói rằng Đảng cộng sản là đại diện giai cấp công-nông và đại diện của cả dân tộc. Trà Mi xin trích lời bạn Quang ở Sài Gòn để tóm tắt ý chính mà các bạn thanh niên đã nêu ra trong các cuộc hội luận xoay quanh nội dung đó:
![Party10Youth200.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/HQHPENPQKDK352HLZ5LPJQV6DY.jpg?auth=a395c7ffc675fdeb07557b2a104d2ebdd2eebaa85a290b7976494bc9e2021b2c&width=400&height=266)
Quang: Sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản ở đất nước Việt Nam này chính đó là sự áp đặt của đảng cộng sản. Cái vấn đề quyền lợi cho nên người ta cố gắng áp đặt những quyền lợi của đảng cộng sản lên nhà nước này càng nhiều càng tốt. Và khi người ta đã áp đặt cái quyền lợi của người ta lên rồi thì tất yếu người ta sẽ bỏ quên những quyền lợi của nhân dân, quyền lợi của nông dân, và quyền lợi của công nhân.
Và điển hình đó là gì? Khi quyền lợi của nông dân bị bỏ quên thì người ta từ dưới các miền quê người ta kéo lên Sài Gòn, người ta kéo lên quốc hội, người ta kéo lên văn phòng thủ tường, chính phủ để người ta biểu tình, người ta đòi lại quyền lợi của người ta. Bởi anh đâu có "của dân", anh đâu có "vì dân", anh đâu có "do dân" đâu!
Và công nhân thì khi cảm thấy quyền lợi của mình không được bảo vệ, không được đầy đủ thì bắt đầu người ta kéo ra ngoài đường, ngưòi ta đình công mà thôi.
Cho nên tôi thấy bản thân điều 4 hiến pháp nó rất là khập khiễng, nó rất là mâu thuẫn. Những lập luận của anh Sơn cũng rất là khập khiễng, cũng rất là mâu thuẫn với nhau. Nó là như vậy.
Chủ nghĩa Mác-lê và Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trà Mi: Và bây giờ, mời quý vị cùng Trà Mi bứơc vào phần trao đổi của giới trẻ về nội dung thứ hai ghi trong điều 4 Hiến pháp, với sự tham gia của Sơn từ Hải Phòng, Tuấn, ở Hà Nội, Quang tại Sài Gòn, và Phương từ Mỹ.
Hôm nay chúng ta bước qua điểm thứ hai trong điều 4 hiến pháp cũng gây tranh cãi khá nhiều, đó là đảng định hướng là dùng tư tuởng mác-lê cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh làm đuốc soi đường. Riêng điểm này thôi thì ý kiến của các người trẻ trong và ngoài nước như thế nào? Các bạn đồng tình hay phản đối?
Phương: Xin để anh Tuấn nói trước tại vì anh sống trong nước thì vấn đề này có thể anh thấy rõ.
Trà Mi: Anh Tuấn, anh nhận xét như thế nào?
Tuấn: Cái đảng cộng sản không chính danh thì điều sau đó chắc chắn là sai trái rồi.
Trà Mi: Cho dù không có chính danh nhưng nếu chủ nghĩa mác-lê và tư tưởng Hồ Chí Minh để làm một chính sách phát triển kinh tế Việt Nam thì anh có tán thành hay không?
Tuấn: Chủ nghĩa mác-lê đã sai lầm rồi, còn tư tưởng Hồ Chí Minh thực ra là không có. Theo tôi thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Một cái là sai lầm, một cái vừa không có, thì chắc chắn là sai. Tôi không đồng ý chuyện đó.
Trà Mi: Anh Tuấn không đông ý. Thế còn ý kiến của anh Sơn?
Bạn nghĩ gì về những ý kiến này? Xin gửi email về Vietweb@rfa.org hoặc tham gia Diễn đàn RFA
Sơn: Nếu các anh không đồng ý thì tôi hỏi các anh cái tư tường nào đã dâbx đường chỉ lối để cho chúng ta có thể thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh vừa rồi? Nếu không có chủ nghĩa mác-lênin kết hợp tư tưởng Hồ CHí Minh, và tư tưởng Hồ Chí Minh là gì, là sự kết hợp chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đến hiện nay ai lập ra?
Phương: Cái chủ nghĩa mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh áp dụng cho Việt Nam ở giai đoạn giải phóng dân tộc, bởi vì giai đoạn đó dân tộc đang bị đô hộ, đang bị áp bức bởi thực dân Pháp. Thành ra cái tư tưởng đó là chủ nghĩa dân tộc chứ không thể nào áp dụng cái tư tưởng chủ nghĩa mác-lênin tư tưởng Hồ Chí MInh cho được, cho đường lối phát triển kinh tế của đất nước được. Bởi vì cái chủ nghĩa mác-lênin là cộng sản, lấy tất cả tài sản của nhân dân cộng chung lại để đưa vào hệ thống quốc doanh, hệ thống hợp tác xã.
Điều đó đã đưa đất nước từ năm 1945 ở ngoài Miền Bắc cho tới năm 1975 bắt đầu áp dụng cho Việt Nam, rồi tới năm 1986 trước khi đổi mới, dất nước đi vào kiệt quệ. Tất cả cái gì cũng vào hợp tác xã, tất cả những tài sản tư nhân đều tập trung vào hợp tác xã, quốc doanh. Những cái đó là đã chết, nó không làm nên được gì hết, nó đã giết cả nền kinh tế Việt Nam từ năm 1945 tới năm 1986.
Sơn: Tôi đồng ý với anh đó là cái sự sụp đổ của một mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ, nhưng đó là sự sụp đổ của mô hình kinh tế chứ không phải là sự sụp đổ của lý tưởng chủ nghĩa xã hội.
Phương: Lý tưởng chủ nghĩa xã hội của anh là như thế nào? Là anh đem tất cả mọi người đều sử dụng bằng nhau, không có sự phân biệt giai cấp trong xã hội. Nhưng mà thứ nhứt xã hội luôn luôn có sự phân chia giai cấp, thư hai nữa không thể nào cộng sản lấy tất cả của người dân cộng lại để rồi phân chia đều với nhau được, bởi vì như vậy sẽ không bao giờ phát triển được. Mà nếu đảng cộng sản tiếp tục áp dụng chủ nghĩa mác-lênin tư tuởng xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh mà đưa đất nước đi theo con đường kinh tế đó thì hoàn toàn sai.
Đảng cộng sản đã thay đổi. Bây giờ đảng cộng sản đã không còn là đảng cộng sản nữa, bởi vì bây giờ những thành phần kinh tế tư nhân đã phát triển, không còn hệ thống tập trung hợp tác xã nữa. Anh thấy rõ ràng bây giờ, anh cứ thử đi kêu gọi người ta vô hợp tác xã đi, có ai vô hợp tác xã không?
Những công ty quốc doanh còn lại của nhà nước thì có công ty quốc doanh nào mà làm ăn lời hay là không? Toàn là lỗ lã. Rồi cái tiền mỗ đó ai chịu trách nhiệm? Toàn bộ dân tộc 84 triệu dân Việt Nam phải chịu, phải nai lưng ra đóng thuế để trả cho cái tiền đó.
Ngay cả tiền đang nợ nước ngoài bây giờ ai sẽ trả đây? Dân tộc Việt Nam sẽ phải trả. Mà tiền nợ đó do ai làm sai? Do đảng cộng sản làm sai. Đảng cộng sản có chịu trách nhiệm vấn đề đó không?
Định hướng thị trường theo chủ nghĩa xã hội
Trà Mi: Xin mời ý kiến của anh Quang và anh Tuấn. Nói về chủ nghĩa mác-lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì xin mời các anh tiếp tục đóng góp ý kiến. Cùng một lúc đi theo chủ nghĩa mác-lê và tư tưởng Hồ CHí Minh và cùng một lúc chuyển hướng sang kinh tế thị trường thì các bạn có cảm thấy đây là một sự mâu thuẫn?
Tuấn: Cái đó là không tưởng đấy. Cái chủ nghĩa mác-lênin thực ra là không tưởng nên họ theo tư bản đấy. Cộng sản làm gì có tồn tại. Ma đấy, vẽ ma dễ mà.
Phương: Theo tôi, điều 4 hiến pháp này là nên lấy nó ra bởi vì nó không còn phù hợp nữa. Cái điều 1 mình đã nói cái vấn đề đại diện cho cả dân tộc, cho giai cấp công nông tôi thấy nó đã không còn phù hợp nữa, nên lấy cái phần đó ra. Cái phần 2 này nói về chủ nghĩa mác-lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, đường hướng xã hội chủ nghĩa thì bây giờ cũng không còn phù hợp đối với các điều kiện của Việt Nam tại vì kinh tế của Việt Nam bây giờ, nên lấy cái phần đó ra luôn.
Quang: Tôi xin có ý kiến thế này. Nói về tư tưởng Hồ CHí Minh, nói về chủ nghĩa mác-lê, thì tôi thấy đảng cộng sản muốn lấy tư tưởng, muốn lấy chủ nghĩa gì làm đường lối phát triển cho mình thì đảng cộng sản có quyền lấy. Thậm chí đường lối đó, tư tưởng đó nó sai trái hoặc nó viễn vông như thế nào thì cái đó là cái quyền của đảng cộng sản. Nhưng mà đừng đánh lận con đen bằng cách lấy điều đó, lấy tư tưởng đó, lấy chủ nghĩa đó áp đặt lên đất nước Việt Nam bằng cách lồng ghép nó vào, ép nó vào cái điều trong hiến pháp và mặc nhiên bắt người dân ở trong nước, bắt cả nước phải đi theo những cái chủ nghĩa đó, những cái tư tưởng đó. Cái đó là điều mà tôi cảm thấy là không chấp nhận được.
Thứ hai, nói về vai trò của đảng cộng sản hoặc đường lối của đảng cộng sản, mà hiện tại đang là nền kinh tế thị trường "theo định hướng xã hội chủ nghĩa", thì tôi nghĩ đây chì là những trò chơi chữ và những trò đánh lận con đen thôi. Kinh Tế thị trường thì có nghĩa là tư bản và cá thể thì không thể theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành của công, sẽ trở thành của tập thể được.
Hiện tại cả nền kinh tế này đang dần dần chuyển sang tư bản chủ nghĩa, đó là tất cả các công ty đều cổ phần hoá, không phải của sở hữu nhà nước nữa. CHo nên nền kinh tế dân dần chuyển hướng theo nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, thì tôi nghĩ là bắt buộc đến một lúc nào đó hiến pháp cũng phải thay đổi theo nền chính trị của tư bản chủ nghĩa. Rồi lúc đó mới tính tiếp hoặc mới định hướng tiếp hoặc là mới tiến xa hơn như thế nào. Tôi nghĩ lúc đó cũng còn xa lắm.
Phương: Tôi muốn thêm vấn đề nữa. Cái định hướng xã hội chủ nghĩa rất là nguy hiểm nếu như đảng cộng sản tiếp tục đi theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi vì bây giờ hệ thống kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu phát triển theo hệ thống kinh tế mở, kinh tế thị trường, tư nhân hoá. Nếu như họ tiếp tục giữ cái định hướng xã hội chủ nghĩa thì tới một ngày nào đó, sau khi đất nước phát triển kinh tế phát triển thì đùng một cái họ quay trở lại cái thời cải cách ruộng đất ngày xưa, năm 1945 tới năm 1955 đó, hoặc năm 1975 cho tới năm 1979 đánh tư sản trong Nam đó. Thì có nghĩa là họ sẽ quay trở lại họ lấy tất cả những gì do mồ hôi công sức của mình đổ ra, tạo dựng nên, họ sẽ tước hết những cái đó tập trung về nhà nước rồi nhà nước sẽ ban phát.
Các bạn nghĩ lại đi, từ xưa tới giờ, sau năm 1975 Miền Bắc đánh chiếm Miền Nam, tất cả của cải trong Nam đều đã đem ra Bắc. Rồi nhân đân Miền Bắc được cái gì trong số của cải của Miền Nam? Những của cải đó bây giờ đảng cộng sản cất hoặc đã bỏ đi đâu, mình không biết. Cho vào túi ai mình cũng không biết. Nhưng mà lượng tiền, lượng tài sản trong Nam chở ra ngoài Bắc sau 1975 rất là lớn. Ngay cả ngân khố quốc gia của Việt Nam Cộng Hoà - tôi nhớ là cách đây 2 năm báo Tuổi Trẻ đã nói về việc bàn giao ngân khố quốc gia của chế độ Cộng Hoà năm 1975, lượng tiền (vàng) còn y nguyên trong đó, bây giờ lượng tiền (vàng) đó ở đâu?
Nếu mà muốn cộng sản lại để phân chia đều thì ai đã được hưởng? Điều đó cho tới bây giờ mình không biết nó đi đâu, nó nằm ở đâu. Mà nhân dân cũng không được hưởng.
Đó là ý kiến của tôi theo vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó rất là nguy hiểm. Nó sẽ tạo thêm sự xáo trộn trong đất nước thêm một lần nữa.
Sơn: Tôi xin xác nhận với anh là chúng ta không nên đi vào những chi tiết nhỏ nhặt như vậy mà không có bằng chứng cụ thể. Chúng ta nên quay trở lại. Tôi có ý kiến. Các anh nói rằng chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa bình quân, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, là đưa vào hợp tác xã, là đưa vào mô hình kinh tế quốc doanh, đó là đặc điểm của của chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, đó là mô hình kinh tế chủ nghĩa xã hội kiểu cũ. Còn hiện nay anh biết rằng không có cái gì là bất biến cả, chủ nghĩa mác-lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có sự vận động, sáng tạo, vận dụng một cách sáng tạo và phù hợp với điều kiện của kinh tế Việt Nam.
Phương: Anh nói không có điều gì bất biến thì cái đảng cộng sản cũng phải thay đổi theo thời gian, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng sẽ phải thay đổi, đuờng lối kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng phải thay đổi, vậy anh có thấy rằng tư bản đem lại cuộc sống tốt hơn cho con người không? Anh thấy tất cả những nước tư bản có nước nào nghèo hay không? Trong các nước tư bản có người nào sợ chính phủ, sợ nhà cầm quyền hay không? Chỉ có trong những nươc độc tài, đảng trị, những nước một đảng! Bởi vì sao? Bởi vì tiếng nói của họ khi phát ra sẽ bị đàn áp, sẽ bị bỏ tù.
Sơn: Tôi xin nói thế này. Các anh phải xem lại các nước tư bản chủ nghĩa. Nó cũng đã phải trải qua một thờì kỳ trong nước nó phải đấu tranh và sau đó chủ nghĩa tư bản đã phải tự điều chỉnh.
Phương: Nhưng không ai bị bỏ tù vì đấu tranh cả.
Sơn: Sao lại không có. Tôi lấy ví dụ ở nước Mỹ một nhà lãnh đạo.
Phương: Không ai bị bỏ tù bởi vì đấu tranh, vì tư tưởng của mình cả.
Sơn: Có chứ, có nhiều người. Thậm chí có nhiều người phản đối chiến tranh kia mà.
Phương: Họ chỉ là phản đối chiến tranh, nhưng mà không có bị bắt. Họ hoàn toàn không bị bắt, không bị bỏ tù, không bị đàn áp. Ở Việt Nam nếu nói một điều gì, giả sử ngày mai, sáng sớm mai anh ra ngoài đường và chỉ cần anh hô "Tôi không thích đảng cộng sản. Tôi chống đảng cộng sản", anh thử nói câu đó coi. Chuyện gì sẽ xảy ra với anh?
Mọi người đều có tư tưởng riêng. Anh có tư tưởng thích mẹ anh, anh có tư tưởng thích ba anh. Đâu thể nào ai bắt buộc anh phải thích ba không thích mẹ. Không ai được quyền đó hết. Nhưng đảng cộng sản đang áp dụng điều đó. (Đảng) nói anh thích người thì anh phải thích, anh không được thích người đó thì anh không được thích. Nếu anh đi ngược lại điều đảng cộng sản nói anh sẽ bị bắt.
Trà Mi: Giờ này, tuần sau, các bạn trẻ của chúng ta sẽ trở lại Diễn đàn với phần thảo luận về nội dung tiếp theo của điều 4 Hiến pháp, quy định "Đảng độc tôn quyền lãnh đạo nhà nứơc và xã hội". Mong quý vị nhớ đón nghe.
Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.
Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org. Trà Mi kính chào.