Hội luận của giới trẻ trong và ngoài nước về điều 4 Hiến Pháp (phần 6)

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

"Diễn đàn" hôm nay, mời quý vị cùng bước vào phần thảo luận về nội dung thứ ba trong điều 4 Hiến pháp quy định Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Khách mời của chương trình là 4 bạn trẻ ở hai miền Nam-Bắc và cả từ hải ngoại: Sơn, sinh viên khoa sử-văn, cư ngụ ở Hải Phòng, Tuấn sinh sống tại Hà Nội, Quang định cư ở Sài Gòn, và Phương từ Mỹ.

YouthVote150.jpg
AFP PHOTO

Trà Mi: Chúng ta đang bước qua điểm thứ ba trong điều 4 hiến pháp nói về đặc điểm độc tôn quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội của đảng cộng sản, xin mời ý kiến của các anh là những người trẻ trong và ngoài nước tiếp tục bàn luận thêm việc độc đảng lãnh đạo hay đa đảng lãnh đạo lợi hại ra sao. Xin mời các anh phân tích thêm. Các anh ủng hộ chiều hướng nào?

Quang: Theo ý kiến cá nhân của tôi thì tôi ủng hộ đảng nào mà đường lối điều hành người ta biết cách lo cho dân, thương dân, người ta biết cách ủng hộ những ý nguyện của nhân dân. Và khi người ta không ủng hộ ý nguyện của nhân dân nữa, khi người ta không lo cho dân nữa thì tôi có cái khác để tôi lựa chọn.

Còn ở tại Việt Nam, tôi không có sự lựa chọn nào hết ngoài một sự áp đặt, bắt buộc tôi phải như vậy, tôi phải như thế kia. Cho nên tôi ủng hộ chuyện mình phải có những đảng khác đối lập cạnh tranh, bình đẳng với nhau, hợp pháp với nhau, và không có chuyện độc tôn lãnh đạo, Khi mà độc tôn lãnh đạo thì ắt sẽ sinh ra chuyện độc đoán và chuyên quyền.

Trà Mi: Xin mời anh Tuấn.

Tuấn: Hiển nhiên mọi ngưòi đều thấy rằng đa đảng là rất tốt. Một Đảng cộng sản không ai muốn cả.

Trà Mi: Tốt là tốt như thế nào? Xin anh phân tích rõ.

Tôi muốn phát biểu trước. Ba mục mà Trà Mi mới vừa đưa ra đó, đảng đại diện giai cấp công nông đó, thì tôi thấy giai cấp công nông bây giờ hiện tại ở Việt Nam hình như đảng đã bỏ rơi họ rồi, thành ra không thể nào nói là họ vẫn còn đại diện cho giai cấp công nông.

Tuấn: Trước giờ như nước Nga chẳng hạn. Trước đây là một nước Xô Viết hùng mạnh, bây giờ người dân nắm quyền có thể hoàn toàn thay đổi, lập nên đảng cộng sản kết hợp chế độ chuyên chính chẳng hạn, nhưng họ đâu có làm. Mỹ cũng vậy, Đông Âu, hay các nứơc cộng sản cũ cũng vậy, nếu chế độ cộng sản tốt đẹp thì họ đã dựng lên chế độ cộng sản nắm quyền rồi.

Tôi thấy thực sự ra ngay anh Sơn nói chủ nghĩa xã hội nó sụp đổ là sụp đổ mô hình, thì bây giờ nếu thấy là sai thì mọi ngừơi đã quay lại rồi. Anh coi lại đi. Tôi chắc là chẳng bao giờ có chuyện đó. Con ngừơi chui ra khỏi củi có ai chịu quay lại vào trong đó làm gì cả. Tất nhiên đa đảng là tốt.

Trà Mi: Nhưng có quan điểm cho rằng một đảng cai trị thôi thì nó sẽ tránh được sự cạnh tranh quyền lực, từ đó sẽ tránh được những sự xáo trộn trong xã hội. Luận điểm này có thuyết phục giới trẻ hay không?

Phương: Một đảng cai trị đó nó sẽ tạo ra chuyện đặc quyền đặc lợi cho những người đảng viên của cái đảng đó. Chỉ có duy nhứt những người thuộc cái đảng đang cai trị người ta được quyền điều hành, ra lệnh bất cứ điều gì theo ý của họ mà không bao giờ nghe theo ý của bất cứ một người nào khác. Cái đó là cái rất là nguy hiểm. Độc tài đảng trị, ý kiến của họ, họ luôn luôn cho là đúng, và không có ai được quyền đưa ý kiến khác, và họ không bao giờ biết sửa đổi.

Cái đa đảng, tất cả mọi nứoc trên thế giới mà nước nào đa đảng thì có sự đấu tranh. Sự đấu tranh đó mới đưa tới sự hoàn thiện. Nếu mà không có đấu tranh thì không bao giờ hoàn thiện được hết. Không ai đúng hoàn toàn. Thành ra đảng cộng sản không thể nào nói mình là người lúc nào cũng đúng. Đảng cộng sản chỉ 3 triệu đảng viên thôi. Không thể nào nói 3 triệu đó thông minh hơn 84 triệu dân trong đất nước Việt Nam. Đó là cái thứ nhứt.

Thứ hai nữa, bởi vì họ độc tài, họ độc đảng, họ không cho những ý kiến khác phát biểu, làm sao biết được là sai, là đúng, hoặc là xấu. Phải cho người ta nói thì họ mới biết được cái nào tốt cái nào hay.

Trà Mi: Vâng. Nhưng mà trước luận điểm cho rằng nêú như có nhiều đảng cạnh tranh quyền lực chính trị, cạnh tranh tầm ảnh hưởng thì có một vài người đưa ra những ví dụ điển hình, ví dụ tình hình Thái Lan chẳng hạn, do đa đảng cho nên lâu lâu lại thấy một cuộc lật đổ, lâu lâu lại thấy xáo trộn chính trị, rồi lại có bạo động. Điều đó ở Việt Nam hoàn toàn không có.

Phương: Vần đề là tại sao Việt Nam trong khoảng thời gian 32 năm nay, từ khi giải phóng tới bây giờ không có vấn đề lộn xộn là bởi vì nhân dân Việt Nam trải qua thời gian chiến tranh quá nhiều rồi, người dân hiểu được giá trị của hoà bình như thế nào thành ra họ không muốn có sự đổ máu nữa, thành ra họ chẳng thà im lặng để cuộc sống của họ được bình yên, không phải có chiến tranh, không có đổ máu nữa.

Thành ra họ chưa lên tiếng. Nhưng mà họ không chấp nhận những gì đang đè trên cổ họ. Tất cả những đảng phái trên thế giới này khi mà họ đấu tranh với nhau họ sử dụng ngôn từ chứ họ không sử dụng bạo lực. Những nước văn minh trên thế giới này ở thế kỷ 21 này, phương tiện thông tin phát triển, con người nói chuyện với nhau sử dụng thông tin. Cái thông tin đó để trao đổi với nhau cái ý tưởng, tư tưởng chứ không phải dùng bạo lực để trao đổi tư tưởng, để mà ép buộc tư tưởng của mình đối với người khác.

Trước hết tôi xin nói là bản văn của hiến pháp đấy, tính hợp pháp của nó phải đặt trên ngày đầu tiên. Tôi xét lại từ năm 1946 đến nay thì bản văn đó hoàn toàn phi pháp.

Sơn: Tôi xin trình bày ý kiến của tôi. Nếu như có đa đảng thì tất nhiên nó sẽ có sự đấu tranh, nhưng có sự đấu tranh như vậy mà chia rẽ cả dân tộc, không có sự thống nhất về tư tưởng và hành động. Thứ hai nữa là tôi muốn hỏi bên cạnh đảng cộng sản thì có lực lượng nào để xứng đáng mà đại diện cho mọi tầng lớp để làm đối trọng với đảng cộng sản hiện nay?

Phương: Anh hỏi câu đó rất là sai bởi vì đảng cộng sản không cho bất cứ lực lượng nào tồn tại mà phát triển hết trơn. Bất cứ lực lượng nào có ý tưởng khác với đảng cộng sản, dù một người, hai người, hoặc một nhóm người thì đảng cộng sản đều triệt tiêu họ hết. Đảng cộng sản không cho cơ hội để những người có tư tưởng khác mình phát triển, không cho cơ hội để những người có tư tưởng khác mình được nói lên ý kiến của họ. Thành ra anh hỏi câu hỏi rất là sai.

Sơn: Nhưng mà anh thử xem Thái Lan họ cũng đa đảng, họ cũng bạo động bằng vũ khí, bằng súng đạn. Và ở Mỹ thậm chí người ta ám sát cả tổng thống vì bất đồng quan điểm chính trị. Những cái điều đấy nếu mà đưa vào một nước kém phát triển, dân trí thấp như ở nước ta, thì tất yếu nó sẽ đưa tới tình trạng lộn xộn và loạn lạc.

Phương: Nếu như đảng cộng sản sẵn sàng tiếp nhận ý kiến khác mình để mình sửa đổi, đó là vấn đề khác. Còn bây giờ hoàn toàn đảng cộng sản không cho ai góp ý kiến gì hết. Và tôi lập lại với anh, anh so sánh Thái Lan với Việt Nam, điều này rất khác nhau, bởi vì Việt Nam đã trải qua một ngàn năm dưới sự đô hộ của Tàu, môt trăm năm dưới sự đô hộ của Pháp, hai mươi năm nội chiến từ Bắc chí Nam đánh với nhau, người Việt Nam đánh với người Việt Nam, dân Việt Nam đã rất mổi mệt với chiến tranh và họ ý thức được chiến tranh là một điều không tốt trên đất nước Việt Nam. Họ không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam nữa.

Thành ra tất cả những chuyện gì xảy ra trong tương lai tôi dám đoan chắc với anh là nhân dân Việt Nam chỉ dùng tiếng nói của mình để thay đổi thôi chứ không bao giờ họ dùng bạo lực. Và anh nên nhớ là đảng cộng sản dựa trên ý tưởng là giải phóng Miền Nam khỏi giặc Mỹ, thành ra đảng cộng sản mới có cái lý để đánh chiếm Miền Nam, chứ nếu như đảng cộng sản không có cái lý giải phóng Miền Nam khỏi Mỹ thì đảng cộng sản chưa chắc đã được toàn bộ dân Miền Bắc ủng hộ để đánh chiếm Miền Nam đâu.

Trà Mi: Bây giờ xin hỏi anh Quang và anh Tuấn, giữa hai sự lựa chọn - tạm gọi là sự lựa chọn đi, một bên là đi theo chế độ đa đảng trước những rủi ro nguy cơ của xáo trộn xã hội do khả năng cạnh tranh quyền lực gây ra, một bên là đường lối độc tôn một đảng lãnh đạo để giữ ổn định xã hội, nhưng mà quyền lực không có ai cạnh trạnh nên xảy ra tiêu cực đối với những người đảng viên, những người nắm quyền, thì các anh sẽ chấp nhận sự chọn lựa nào?

Quang: Tôi xin có ý kiến với anh Sơn như thế này. Bản thân anh, anh ủng hộ đảng cộng sản và anh ủng hộ những chủ thuyết của đảng cộng sản, nhưng mà anh chưa có hiểu rõ và chưa có áp dụng đúng. Nghĩa là sao?

Đảng cộng sản theo chủ thuyết mác-lênin và anh nên nhớ là ngay từ những bài học sơ đẳng nhứt của chủ thuyết mác-lênin người ta nói là phải có những mâu thuẫn, khi mà mâu thuẫn thì mới có đấu tranh, và khi mà có đấu tranh giải quyết cái mâu thuẫn đó thì mới có phát triển. Trong khi đó anh lại phủ nhận chuyện có hai đảng để cạnh tranh với nhau, đấu tranh với nhau để cùng tìm ra đảng nào tốt hơn để mà phát triển. Như vậy là anh không có áp dụng được chủ thuyết mác-lênin vào trong lập luận của anh rồi.

Thứ hai là anh nói nếu có đấu tranh như vậy sẽ có những cái bất ổn và xáo trộn tỷ như là Thái Lan, tạị sao anh không dẫn chứng những nước như nước Anh, nước Pháp hoặc rất là nhiều nước tư bản chủ nghĩa khác người ta rất là đa đảng và người ta đã phát triển, phải nói là phát triển vượt bậc. Và anh đi tìm chỉ một vài nước thôi, tôi nói chính xác là chỉ có vài nước rất là nhỏ mà thôi, và người ta có những cái xáo trộn. Nhưng mà thật ra ở Thái Lan chẳng có gì là xáo trộn sau khi quân đội đảo chánh lên nắm chính quyền thì lập tức một hai tháng sau người ta bắt buộc phải trưng cầu ý dân để xem có nên thay đổi hiến pháp theo như thế này như thế khác hay không.

Tôi xin thưa với anh, đầu thế kỷ 20 có 3 xu hướng. Xu hưóng thứ nhất là xu hướng Cần Vương, quân chủ phong kiến. Phong trào do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo bị thất bại. Phong trào thứ hai Khởi Nghĩa Thái Nguyên bị Pháp chia rẻ, và các phong trào có xu hướng cộng sản cũng thất bại. Và phong trào thứ ba là Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường là con đường theo chủ nghĩa Mác Lê-nin thì lại thành công.

Đó, đó chính là cái người ta có sự cạnh tranh giữa đảng này và đảng nọ cho nên người ta sẽ dẫn tới sự phát triển thôi. Cho nên anh cần phải xác định rõ khi nào là xáo trộn và khi nào là sự đấu tranh để mà phát triển. Ý kiến cá nhân của tôi là như vậy.

Trà Mi: Xin mời anh Sơn.

Sơn: Tôi muốn các anh xem mô hình của Trung Quốc. Họ áp dụng cái mô hình kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Tại sao một nước như vậy mà hiện nay trở nên hùng cường? Ngay sát cạnh chúng ta và cũng là những người cộng sản anh em của chúng ta, tại sao họ phát triển, họ trở thành một cường quốc trên thế giới mà họ vẫn giữ được đặc điểm xã hội chủ nghĩa? Tôi chỉ muốn hỏi các anh như thế.

Phương: Anh nói về Trung Quốc. Chỉ có năm năm vừa rồi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế. Anh biết tại sao Trung Quốc bây giờ có tiền nhiều không? Bởi vì nhà nước đã rút tất cả tiền của nhân dân về tay nhà nước. Thật sự người dân Trung Quốc rất là nghèo khổ, chỉ có một thiểu số được đặc quyền đặc lợi bởi vì họ là đảng viên hoặc là gia đình thân nhân của đảng viên, họ mới giàu phát triển thôi. Chứ người dân Trung Quốc, giai cấp nông dân và công nhân vẫn nghèo. Anh đừng nói Trung Quốc là phát triển, giàu. Trung Quốc chỉ có nhà nước giàu, nhân dân rất là nghèo.

Cái thứ hai anh thấy Hồng Kông, sau khi đã sáp nhập với Trung Quốc tại sao dân Hồng Kông bây giờ vẫn còn muốn Hồng Kông được tách riêng ra khỏi Trung Quốc. Họ không muốn chịu sự điều hành của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Mời các bạn tham gia vào mục Diễn Đàn RFA

Bởi vì sao? Bởi vì họ thấy được cái sai lầm của chế độ cộng sản ở Trung Quốc. Cho tới bây giờ người dân Hồng Kông vẫn đấu tranh mỗi một lần có bầu cử quốc hội, người dân Hồng Kông vẫn đấu tranh biểu tình, muốn Hồng Kông được quyền tự bầu người chủ tịch của Hồng Kông. Anh đưa Trung Quóc ra làm ví dụ nhưng mà anh không suy nghĩ, anh không thấy hết những vấn đề của Trung Quốc.

Trà Mi: Cuộc thảo luận của chúng ta vẫn chưa tới hồi kết, với rất nhiều, rất nhiều những ý kiến tranh cãi sôi nổi giữa các bạn trẻ trong và ngoài nước, nhưng rất tiếc, tới đây thời lượng dành cho chương trình cũng đã hết. Mời quý vị đón theo dõi phần tiếp theo trong chương trình sáng thứ tư tuần tới. Trà Mi kính chào.

Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.