Hội luận của giới trẻ trong và ngoài nước về điều 4 Hiến Pháp (phần cuối)

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trên Diễn Đàn mấy tuần gần đây, 3 bạn trẻ ở hai miền Nam-Bắc và 1 thanh niên từ hải ngoại đã trao đổi quan điểm về các nội dung chính trong điều 4 Hiến pháp.

Party10Youth200.jpg
AFP PHOTO

Về nội dung thứ nhất quy định Đảng cộng sản là đại diện giai cấp công-nông và đại diện cả dân tộc, thì đa số ý kiến ủng hộ quan điểm của Phương từ Mỹ:

"Đảng đại diện cho giai cấp công nông đó, thì tôi thấy giai cấp công nông bây giờ hiện tại ở Việt Nam hình như đảng đã bỏ rơi họ rồi, thành ra không thể nào mà nói họ vẫn còn đại diện cho giai cấp công nông."

Bàn tới luận điểm thứ hai trong điều 4 nói rằng Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam, bạn Quang từ Sài Gòn khẳng định:

"Nói về cái tư tưởng HCM, nói về cái chủ nghĩa Mác-Lê đó, thì tôi thấy là đàng cộng sản muốn lấy tử tưởng gì, muốn lấy chủ nghĩa gì làm đường lối phát triển cho mình thì đảng cộng sản có quyền lấy, thậm chí cái đường lối đó, cái tư tưởng đó sai trái hoặc nó viễn vông như thế nào, cái đó là cái quyền của đảng cộng sản. Nhưng mà đừng có đánh lận con đen bằng cách lấy cái điều đó, lấy cái tư tưởng đó, lấy cái chủ nghĩa đó áp đặt lên đất nước Việt Nam bằng cách lồng ghép nó vào, ép nó vào những cái điều trong hiến pháp và mặc nhiên bắt cả nước phải đi theo những cái chủ nghĩa đó, những cái tư tưởng đó. Cái đó là cái điều mà tôi cảm thấy là không chấp nhận được."

Nói về nội dung cuối cùng trong điều 4 cho phép Đảng cộng sản độc tôn lãnh đạo nhà nứơc và xã hội, bạn Sơn, sinh viên khoa Sử-Văn từ Hải Phòng, cho rằng:

"Nếu như có đa đảng thì tất nhiên sẽ có sự đấu tranh, nhưng có sự đấu tranh như vậy mà chia rẽ cả dân tộc, không có sự thống nhất về tư tưởng và hành động."

Nhưng ba bạn trẻ còn lại trong cuộc hội luận là Phương, Tuấn, và Quang thì cùng chung nhận xét:

"Đảng cộng sản theo chủ thuyết Mác-Lênin ngay từ những cái bài học sơ đẳng nhứt của chủ thuyết mác-lênin. Người ta nói là phải có mâu thuẫn, khi mà có mâu thuẫn mới có đấu tranh, và khi mà có đấu tranh giải quyết cái mâu thuẫn đó thì mới có phát triển. Trong khi anh lại phủ nhận cái chuyện có hai đảng để cạnh tranh với nhau, đấu tranh với nhau, để mà cùng tìm ra một đảng nào tốt hơn để mà phát triển, như vậy là anh không có áp dụng được cái chủ thuyết Mác-lênin trong cái lập luận của anh rồi. Có sự cạnh tranh giữa đảng này và đảng nọ sẽ dẫn tới sự phát triển, cho nên anh cần phải xác định rõ khi nào là xáo trộn và khi nào là sự đấu tranh để mà phát triển."

Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết

Sau các cuộc tranh luận về nội dung điều 4 Hiến pháp trên Diễn Đàn trong mấy tuần qua, các bạn trẻ của chúng ta cảm nhận như thế nào về lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, rằng "bỏ điều 4 Híên pháp là chúng ta tự sát"?

Đó cũng chính là nội dung của phần thảo luận cuối cùng xoay quanh chủ đề này mà Trà Mi muốn gửi đến quý vị trong chương trình hôm nay. Mời quý vị cùng tái ngộ với các bạn Sơn, sinh viên khoa sử-văn tại Hải Phòng, Tuấn sinh sống ở Hà Nội, Quang định cư ở Sài Gòn, và Phương từ Mỹ:

Phương: Khi mà ông Nguyễn Minh Triết nêu lên rằng "bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát" thì ta thấy điều ổng nói đó đã chứng tỏ được là ổng biết trong thâm tâm của ổng rằng đảng cộng sản không nên để điều 4 đó trong hiến pháp, đó là cái thứ nhứt. Cái thứ hai nữa, ổng đã nhìn thấy được là điều 4 nằm trong hiến pháp là sự sai lầm, là sự bóp nghẹt dân tộc Việt Nam của mình trên đà phát triển.

Và bởi vì ổng biết được điều đó và ổng đã thấy nhiều người cùng nói lên một ý kiến như thế, thành ra, để mà củng cố lại, muốn giữ được cái quyền lực của đảng cộng sản, những người đang ngồi trên những cái ghế lãnh đạo bây giờ muốn giữ được cái ghế của mình, muốn giữ được quyền lực của mình thì làm sao phải giữ cho được điều 4 hiến pháp. Chỉ giữ cho được nó để mà được quyền lợi thôi, chứ không phải giữ nó để mà đưa dân tộc phát triển. Đó là cái ý nghĩa rất sâu xa trong câu nói của ông Triết.

Bạn nghĩ gì về những ý kiến này? Xin gửi email về Vietweb@rfa.org hoặc tham gia Diễn đàn RFA

Mà tại sao ông Triết nói với quân đội? Trong khi ổng nên nói với đảng viên thôi, trong cái bộ chính trị thôi, mà tại sao ổng lại đi nói với quân đội? Bởi vì đảng cộng sản này đã và đang muốn quân đội chỉ phục vụ cho đảng cộng sản chứ không phục vụ cho nhân dân. Đó là cái điểm mà tại sao ông Triết lại nói như vậy, mà cái điều đó là điều không đúng. Quân đội là của nhân dân chứ không phải của đảng. Tại sao đảng lại dùng quân đội để bảo vệ cho quyền lực của mình?

Trà Mi: Để bàn sâu về cảm nghĩ của người trẻ trước lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thì Tra Mi xin phép được ghi nhận ghi ý kiến của anh Sơn. Ý kiến của anh như thế nào về việc "bỏ điều 4 là tự sát"? Như ý kiến của anh Phương và anh Tuấn đưa thì họ không nghĩ là tự sát mà có vẻ là "tự cứu" thì hơn. Theo ý kiến của anh thì tự sát là ai tự sát? Đảng cộng sản tự sát hay toàn dân Việt Nam tự sát?

Sơn: Thứ nhất, chúng tôi tiếp thu, tiếp nhận cái lời tuyên bố của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết theo con đường không chính thức, một điều rất là đáng tiếc. Nhưng tuyên bố của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trước quân đội thì thứ nhất nó xuất phát từ một thực tế: trong đảng đang có những mâu thuẫn, và đó là một khẳng định quyết tâm, quyết định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và đó là một quyết tâm sắt đá. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết truyền đạt cho quân đội cũng như là các cơ quan chính quyền nhà nước được biết để nắm được tinh thần quyết tâm đó.

Bỏ Điều 4 là tự sát?

Trà Mi: Nhưng mà câu hỏi đặt ra là theo anh, "bỏ điều 4 là tự sát" là ai tự sát? Đảng cộng sản tự sát hay là toàn dân Việt Nam tự sát? Anh hiểu như thế nào mới đúng?

Sơn: Đó là, theo ý của tôi, đó là một sự từ bỏ hoàn toàn lý tưởng của cả một dân tộc, cả một dân tộc đang phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trà Mi: Nếu anh nói cái lý tưởng đó, toàn dân tộc phấn đấu cho cái lý tưởng đó thì câu nói này cũng nên được kiểm chứng lại. Có phải toàn dân tộc đi theo cái lý tưởng đó hay không? Hay là cái lý tưởng đó...

Tuấn: Như vậy lại mở ra chủ đề mới, thì mọi người vẫn chưa hiểu về chủ nghĩa cộng sản với lại chủ nghĩa xã hội, vân vân.

Sơn: Tôi có ý kiến thế này. Cuộc tranh luận giữa hai luồng tư tưởng này bao gồm một quá trình đấu tranh rất dài từ trước tới nay và nó sẽ không sẽ không kết thúc. Chỉ khi nào những thành quả cách mạng, cái kết quả của cuộc đấu tranh này, kết quả của thành quả cách mạng mà đi đúng hướng của Việt Nam, đó sẽ là minh chứng tốt nhất cho ta nhận ra chân lý đó thuộc về ai, để thực tế cuộc sống họ chứng minh.

Phương: Tôi nghĩ thế hệ cuả mình và con cháu chưa chắc nhìn thấy đâu anh à.

Tuấn: Tôi nghĩ như thế đấy vì hiện nay mọi chuyện tiến triển rất là tốt đẹp.

Sơn: Tôi nói đây là một cuộc tranh luận chứ không là một cuộc tranh cãi để tìm ra cái chân lý đó, tìm ra cái sự thật.

Phương: Tôi hỏi anh Sơn một điểm này. Tại Việt Nam mình bây giờ có bất cứ phương tiện thông tin nào của nhà nước mà cho mình có được một cuộc tranh luận như vậy không?

Sơn: Ví dụ báo Dân Trí chẳng hạn, báo Dân Trí trên mạng đó cũng nói rất nhiều.

Trà Mi: Nhưng mà trong những tờ báo trong nước thì anh thấy những ý kiến được nêu lên công khai trong dư luận là những ý kiến tương tự như anh hay là có những ý kiến khác biệt với anh?

Sơn: Rất là khác biệt. Ví dụ chẳng hạn như họ đả kích cả cái tệ văn hoá phong bì chẳng hạn đó. Thậm chí báo Thanh Niên tôi nhớ không nhầm, một nhà báo Nguyễn Thị Lan Anh đã điều tra cả vụ liên quan đến Vietnam Pharma gì đó - công ty tăng giá thuốc đó.

Trà Mi: Dạ, xin mời nhận xét khác của một người trong nước, anh Tuấn.

Sơn: Cái quá trình đấu tranh đó đôi lúc nó sẽ vấp phải những vật cản ngầm. Đó là cái chuyện rất bình thường trong đấu tranh mà tìm ra chân lý thôi.

Phương: Anh có nghe người luật sư đang bảo vệ cho cô Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài không? Cuộc thảo luận của luật sư trong nước và ngoài nước về vấn đề luật pháp Việt Nam hay không, anh Sơn? Anh thấy rõ ràng người luật sư đã là thầy giáo của tất cả những người luật sư bây giờ, ổng đã nói lên ý kiến của ổng, nhìn nhận những điều mà thật sự ra nó không nên xảy ra ở Việt Nam. Anh có nghe được điều đó chưa?

Sơn: Tôi rất tiếc rằng tôi không có thông tin về những điều này.

Trà Mi: Chương trình đó đã được phát thanh trên Đài RFA vào đầu tháng 10. Đó là một cuộc hội luận 3 kỳ giữa luật sư Trần Lâm - nguyên Chánh án Toà Án Nhân Dân Tối Cao ở Việt Nam và hiện là luật sư bào chữa trong một số vụ án chính trị ở Việt Nam, và luật sư Trần Thanh Hiệp - một cựu luật sư các toà thượng thẩm ở Sài Gòn trước đây và ở Paris sau này. Tuấn: Tôi xin đóng góp như thế này. Để buổi sau có thể nói thêm một chút tại vì mình nói luật pháp thì tôi nghĩ rằng chỉ một mớ những văn bản ghi trên giấy tờ gọi đấy là luật pháp thì đấy không phải là luật pháp đâu.

Phương: Mọi việc còn đang xảy ra thành ra mình không thể kết luận được. Thành ra mình nên mở một kết luận mở để cho mọi người cùng suy nghĩ thì tốt hơn.

Sơn: Tôi cũng đồng ý với các anh để kết luận mở, để thực tế đất nước phát triển hay không, có sự chuyển biến tích cực hay không mới có thể chứng minh được. Và chúng ta trong 4 người hôm nay, tôi thắng hay các anh thắng. Chân lý sẽ thuộc về ai.

Phương: Tôi nghĩ nếu một ngày nào đó có thể khi đất nước tiến lên, tôi nhìn thấy tương lai đất nước không phải dưới sự lãnh đạo riêng của đảng cộng sản. Đó là ý kiến của tôi.

Tuấn: Tôi thì thực tế hơn. Tôi muốn mọi người tìm hiểu lịch sử Việt Nam cặn kẽ một chút.

Phương: Cái mấu chốt tại sao ông Triết nói lên điều đó bởi vì có sự không chắc chắn về đảng cộng sản trong lòng của dân tộc thành ra ổng nói lên điều đó. Khi mà mình nói lên cái điều đó có nghĩa là mình có cái gì đó, mình suy nghĩ về điều đó rồi. Nó không thực sự là của dân tộc rồi. Nó không thực sự là của người dân mình.

Nếu mình tự tin thì mình không đặt ra điều đó và mình sẽ không bao giờ phải kêu là đừng bao giờ phải bỏ điều đó, bỏ là tự sát. Nếu đảng cộng sản tự tin về những gì mình đã làm và những gì dân tộc, nhân dân nghĩ về mình thì đảng cộng sản không cần phải nói điều đó, ông Triết không cần phải nói điều đó. Đảng cộng sản sẽ tồn tại dài dài nếu đảng cộng sản làm tốt.

Trà Mi: Nhưng mà vì sao đảng cộng sản lại thiếu tự tin?

Phương: Vì họ đã làm sai nhiều quá. Nhân dân bây giờ đã nhìn thấy.

Mời các bạn cùng tham gia Diễn đàn với đề tài thảo luận là: "Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nước chậm tiến trên thế giới?" Quý vị và các bạn muốn tham gia hoặc góp ý với chương trình, xin email về vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775.

Trà Mi: Như vậy thì cái lý tưởng mà anh Sơn vừa đưa ra sẽ mở ra một cuộc tranh luận mới là cái chủ nghĩa xã hội...

Tuấn: Thực sự là thế nào ấy, nó là hoang tưởng...

Trà Mi: Cái đó là lý tưởng hay là hoang tưởng thì Trà Mi xin hẹn gặp lại ý kiến của những người trẻ trong một chương trình sau.

Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn quý thính giả trong và ngoài nước đã quan tâm theo dõi và chia sẻ quan điểm với "Diễn đàn" trong suốt loạt chương trình hội luận của giới trẻ về điều 4 Híên pháp.

Bắt đầu từ tuần sau, mời các bạn trẻ hãy cùng tham gia Diễn đàn với đề tài thảo luận là: "Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nước chậm tiến trên thế giới?"

Quý vị và các bạn muốn tham gia hoặc góp ý với chương trình, xin email về vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775.

Rất mong đựơc hội ngộ cùng quý vị và các bạn trên "Diễn đàn" vào mỗi buổi sáng thứ tư. Trà Mi thân ái kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào sáng thứ tư tuần sau.