“Đây là cái đạp vào Nhân quyền”
Video clip này được quay bằng điện thoại cầm tay cho thấy cảnh một công an chìm đứng trên xe đạp liên tục vào mặt một thanh niên đang bị bốn công an khác khiêng ngửa người này ném lên xe đem về trụ sở công an.
Kẻ ra tay là đại úy công an tên Minh, đội phó an ninh Công an quận Hoàn Kiếm Hà Nội một đơn vị ngay tại trung tâm thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cái đạp của viên đại úy công an này như một thùng thuốc súng, ban đầu tiếng nổ còn thưa thớt nhưng càng về sau khi dư luận đã xác định viên công an này là người thật việc thật thì tiếng phê phán ngày một mạnh mẽ hơn. Phê phán không chỉ dành riêng cho kẻ bị dư luận đặt tất cả những cái tên xấu xa nhất, mà những chủ nhân của kẻ này cũng bị nêu đích danh ra trước công luận.
Cái đạp vào mặt người dân của viên an ninh chìm mang tên Minh đã lập lại vòng quay lịch sử.
Những sai lầm mà hơn sáu mươi năm trước đây một bộ phận ác ôn rải rác trên cả nước đã làm và đã bị tiêu diệt được công an Minh diễn lại trong một video clip đang được lan truyền khắp thế giới.
Cái đạp này không thể có diễn tả nào chính xác hơn như nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết là “đạp lên mặt nhân dân, đạp lên mặt tổ quốc”. Không biết những người có họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần có ai là người không xúc động trước hành vi này hay không nhưng cho tới nay các người cùng mang những họ như vậy đang ngồi phía sau viên công an Minh của quận Hoàn Kiếm vẫn im lặng một cách nguy hiểm khi khuôn mặt tổ quốc, nhân dân đang bị bộ hạ của họ làm cho lem luốc, nhơ bẩn.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng cái đạp phát xuất từ lòng căm thù người dân của viên an ninh này cao lắm mới có thể thúc đẩy một con người đối xử với một người khác như thế, ông nói:
Tất cả các người trách nhiệm từ ông cao nhất cho tới những người trực tiếp trong ngành đó là ngành công an cho đến hôm nay không ai lên tiếng cả.
Nhà văn Nguyên Ngọc
"Chỉ có lòng căm thù người dân sâu sắc lắm thì người ta mới dám đạp vào mặt người dân như thế. Anh này là một an ninh bên ngành công an mà lại căm thù dân thì anh ta yêu ai? Anh ta căm thù dân tức là kẻ thù của nhân dân mà như thế thì cần phải xử lý nghiêm túc.
Tôi đề nghị Bộ công an không được dung thứ những hành động này trong lực lượng của mình. Ở đây cái hành động này người ta nói con sâu làm rầu nồi canh, nhưng tôi nghĩ nói như ông Trương Tấn Sang bây giờ thì quá nhiều sâu rồi nên rất nguy hiểm."
Tại sao guồng máy an ninh của Bộ Công an lại lộng hành như thế, và những kẻ coi thường dư luận nhân dân này có phải được bảo kê từ một thế lực nào đó hay không? Nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ nhận xét:
"Chuyện công an lộng hành đó là do họ được phép lộng hành. Họ được phép nên mới lộng hành chứ! Sự lộng hành của họ không nguy hiểm bằng cái việc họ được dung túng để lộng hành. Những lộng hành này lâu nay rất phổ biến, càng ngày càng phổ biến đặc biệt trong việc đàn áp những biểu lộ thái độ của nhân dân bất bình về hững hành động của Trung Quốc, tôi cho rằng sự dung túng đó còn nguy hiểm hơn sự lộng hành vì cái lộng hành đó nó không thể như thế và đặc biệt đối với chuyện biểu tình chống Trung Quốc vừa rồi thì càng ngày càng lộng hành hơn, quyết liệt hơn mà không ai nói cả.
Tất cả các người trách nhiệm từ ông cao nhất cho tới những người trực tiếp trong ngành đó là ngành công an cho đến hôm nay không ai lên tiếng cả."
Được dung túng để lộng hành
Đối với nhà giáo Phạm Toàn, người đã bỏ ra cả đời mình để viết những cuốn sách xây dựng cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên một ý thức văn hoá mang tính nhân văn, cũng như trân trọng các giá trị đạo đức của xã hội. Ông đã không dằn lòng được khi cho rằng cái đạp này do cả hệ thống thai nghén và bảo trợ, thậm chí lưu manh hoá cả ngành an ninh để cai trị, ông nói:
"Tôi thì tôi vẫn nghĩ rằng bọn công an nó phải nghĩ lại, nó phải có chỉ thị cho cán bộ của nó, đấy là mình quá tốt nên mình hy vọng thế thôi chứ còn việc nó đánh người bao nhiêu lâu nay rồi có bao giờ nó có chỉ thị gì đâu?
Tỉnh nào cũng có đánh người, tỉnh nào cũng có làm chết người, tỉnh nào cũng bắt nạt, tỉnh nào cũng có những chuyện như thế.
Thế nhưng lần này chuyện xảy ra của một thằng cha công an thuộc quận Hoàn Kiếm là một quận văn minh nhất của thủ đô Hà Nội. Thế mà họ tuyển dụng lưu manh! Hoặc là họ tuyển dụng người tử tế rồi lưu manh hoá.
Không thể tưởng tượng được nó đạp vào mặt người khác được! Kể cả một xác chết cũng không được đạp vào mặt người ta, thế mà nó dám đạp thì không hiểu cái đầu nó là đầu thú vật chứ không phải là người được. Nó lưu manh, thú vật, xúc vật! Họ sẽ phải nghĩ lại nếu không thì họ sẽ hoàn toàn mất dân. Mà mất dân thì Tàu nó vào lúc nào cũng được."
Nhà văn Nguyên Ngọc nhớ lại hành động của những kẻ ác ôn trong cuộc chiến tranh vừa qua và ông liên tưởng tới cái đạp của viên công an cho thấy có sự liên hệ mật thiết với cường hào ác bá ngày xưa, ông nói:
Thế nhưng lần này chuyện xảy ra của một thằng cha công an thuộc quận Hoàn Kiếm là một quận văn minh nhất của thủ đô Hà Nội. Thế mà họ tuyển dụng lưu manh! Hoặc là họ tuyển dụng người tử tế rồi lưu manh hoá.
Nhà giáo Phạm Toàn
"Cái vụ đó nó cực kỳ thô bạo, dã man tôi gọi là ác ôn. Ở miền Nam ngày xưa loại ác ôn tức là loại cùng cực trong chế độ mà ngày xưa ác ôn thì chỉ có diệt thôi. Việc đó nhất định phải làm rõ và những người có trách nhiệm như Bộ trưởng Bộ Công an, toàn bộ Bộ công an, lãnh đạo thành phố Hà Nội, công an Hoàn Kiếm….
Nhưng theo tôi nó còn cao hơn nữa rất nhiều bởi vì việc này chắc chắn là có chủ trương. Cái người thực hiện chủ trương đó có thể thô bạo hơn bởi bản chất lưu manh vốn có của chúng."
Cái đạp này không dừng lại ở những góc nhìn xã hội và đạo đức, nó chứa đựng nhiều câu hỏi lớn hơn trước các hoạt động của trung tâm bộ máy cai trị đang vận hành khi các nỗ lực xâm lấn biển Đông của Trung Quốc xảy ra. Liệu “cái đạp” này có liên quan gì đến các thoả thuận mà ông đặc phái viên Hồ Xuân Sơn mang về trình cho Ban bí thư Bộ Chính Trị sau khi công cán Bắc Kinh hay không?
Hèn với giặc, ác với dân
Nhà văn Nguyên Ngọc, người nhiều lần kiên trì kiến nghị nhà nuớc thay đổi các chính sách sai lầm nhưng cuối cùng không còn kiên nhẫn trước những chuỗi sự việc đáng ngờ dẫn tới cái đạp lịch sử này, ông nói:
"Tôi cho là còn có cái gì đó phía sau nó nữa và hôm nay tôi có thể nói rõ ra như thế này: đó là không thể không sâu chuỗi những việc gọi là thông tin báo chí chung mà Trung Quốc nó đưa tin là Việt Nam đã ký. Rồi Bộ Ngoại giao quanh co trong chuyện nhân sĩ yêu cầu làm rõ thông báo đó và từ đó đi đến những hoạt động đàn áp biểu tình. Tôi cho rằng có sự khuất tất ở phía sau. Rõ ràng muốn hay không người ta cũng liên hệ ngay tới hai việc này. Từ khi có cái ông đặc phái viên Hồ Xuân Sơn đi Trung Quốc về thì những đàn áp biểu tình ngày càng dữ dội, quyết liệt và thô bạo hơn.
Còn những tên thủ phạm ác ôn mà nó đang làm tôi cho là nhất định họ làm theo một cái chủ trương, một cái lệnh. Đây là điểm nguy hiểm nhất. Vậy thì chủ trương tối cao đối với Trung Quốc là như thế nào? Mà tại sao người dân lại không có quyền đặt câu hỏi đó.
Tôi cho đây là điểm nguy hiểm chứ mấy thằng lưu manh đó do được dạy dỗ tuy là rất bậy bạ nhưng điều quan trọng hơn vẫn là chỗ dựa của đám này. Có sự thay đổi nào trong chủ trương, trong cái quan hệ với Trung Quốc mà anh quay lại anh đàn áp dân của mình như vậy?
Có sự thay đổi nào trong chủ trương, trong cái quan hệ với Trung Quốc mà anh quay lại anh đàn áp dân của mình như vậy?
Nhà văn Nguyên Ngọc
Nếu như thế thì đừng có hy vọng là người ta có lòng tin, mà khi dân không có lòng tin nữa thì cực kỳ nguy hiểm, nhất là trong tình hình đất nước như thế này. Chúng ta đang đứng nguy cơ xâm lược mà có lẽ là nóng bỏng nhất từ sau cuộc chiến tranh vừa qua."
Người biểu tình chống Trung Quốc đã bị cái đạp này làm chùn lại bởi nỗi sợ bị đàn áp, tấn công. Thế nhưng không phải ai cũng sợ nếu được trang bị bằng lòng yêu nước nồng nàn và lòng tự hào dân tộc không thể chịu nhục trước ngoại bang lớn hơn nỗi sợ.
Cái đạp này sẽ là cái đạp lịch sử, đạp mạnh vào hàng triệu trái tim, đánh thức và báo động mối hoạ thù trong giặc ngoài ngày càng lộ rõ hơn qua cách hành xử đầy bí ẩn của những người thiếu đức kém tài hiện nay.