Nhiều bệnh tật sau bản án 18 năm tù
Đài RFA liên lạc viễn liên với ông Y Ngũn Knul vào tối ngày 5/3 và được ông chia sẻ về nguyên nhân vì sao ông bị đi tù:
“Nhóm của tôi biểu tình hai lần trong năm 2004 để đòi lại nhà thờ. Hồi xưa đi lễ thờ phượng Chúa khó khăn lắm, bị chính quyền cấm. Một số người thì đất đai tổ tiên ngày xưa để lại cũng mất hết nên đòi lại đất đai của dân. Thứ ba nữa là đòi lại quyền con người được sống, được ăn, được mặc, được nói. Tất cả quyền đó không còn nữa cho nên người ta bức xúc. Lúc đó, tôi đứng lên kêu gọi ai có hoàn cảnh như thế thì đi biểu tình.”
Theo trình bày của chính bản thân ông Y Ngũn Knul, hậu quả của việc đứng lên kêu gọi biểu tình là ông bị Tòa án tỉnh Đắk Lắk tuyên án tù:
“Trong nhóm, tôi bị xử nặng nhất, 18 năm tù, bị ghép tội ‘phá hoại chính sách đoàn kết’ cùng với tội ‘phá hoại tài sản nhà nước’. Họ gán ghép những tội như thế! Thực sự, tôi là người không rượu chè, tin Chúa, theo đạo Tin lành thì làm gì mà đi phá hoại, rồi phá, rồi cướp? Tôi cay đắng lắm, nhưng bị như thế thì biết nói với ai, kêu với ai? Thành ra phải chấp nhận đi tù hết bản án rồi về trong đau đớn.”
<i>Bây giờ tôi bị đau rất nặng, bị suy thận và huyết áp cao. Tôi bị xuất huyết dạ dày một lần rồi. Bây giờ chỉ ăn cơm được 1 chén. Cái bụng bị trương to, khó thở. Người tôi thì to nhưng tôi bị mệt mỏi lắm do cơ thể bị tích nước nên đi lại cũng khó khăn. Chân bị phù. Tôi cũng muốn đi khám bệnh nhưng tiền bạc lại không có<br/>-Cựu tù nhân Y Ngũn Knul</i>
Ông Y Ngũn Knul cho RFA biết ông được 6 lần giảm án, tổng cộng là 2 năm 6 tháng. Trong suốt gần 16 năm tù, ông Knul đã ở qua hai trại giam Nam Hà và Thanh Chương, Nghệ An. Ông được gia đình đi thăm 4 lần trong ngần ấy thời gian, nhưng không được tiếp tế đồ ăn hay tiền bạc gì do gia đình rất nghèo khó.
Ông Knul bày tỏ rằng được sum họp với gia đình là một niềm hạnh phúc, nhưng ông không biết cuộc sống của ông sẽ thế nào khi mang trong người nhiều bệnh tật:
“Bây giờ tôi bị đau rất nặng, bị suy thận và huyết áp cao. Tôi bị xuất huyết dạ dày một lần rồi. Bây giờ chỉ ăn cơm được 1 chén. Cái bụng bị trương to, khó thở. Người tôi thì to nhưng tôi bị mệt mỏi lắm do cơ thể bị tích nước nên đi lại cũng khó khăn. Chân bị phù. Tôi cũng muốn đi khám bệnh nhưng tiền bạc lại không có.”
Kêu gọi sự giúp đỡ
Lời kêu gọi giúp đỡ cho tù nhân tôn giáo Y Ngũn Knul, vừa mãn án 18 năm tù giam vào ngày 28/2/20, được khởi nguồn từ bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức.
Qua trang Facebook cá nhân, vào ngày 4/3, bà Thanh cho biết ông Y Ngũn Knul ở chung Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An cùng với chồng bà trước khi được mãn án tù trở về quê nhà ở Đắk Lắk.
Ông Y Ngũn Knul tâm tình với bà Thanh rằng ông rất vui được đoàn tụ với gia đình cùng bà con và bạn bè sau thời gian dài ở trong tù. Tuy nhiên, hiện tình trạng sức khỏe của ông rất yếu dù hình hài to mập. Bên cạnh đó, gia đình đang rất khổ vì không còn nhà cửa, đất đai, luôn bị chính quyền địa phương trù dập và còn có một cháu gái bị tâm thần, hay bị động kinh co giật.
Trước tình cảnh thương tâm đó, bà Thanh kêu gọi sự hỗ trợ về y tế cho ông Y Ngũn Knul cũng như giúp đỡ cho ông được hòa nhập với gia đình và cộng đồng sau thời gian gần 16 năm nơi chốn lao tù.
Không chỉ là trường hợp cá biệt
Cựu tù nhân lương tâm-Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ trên tài khoản Facebook của ông về người bạn tù, tên Y Ngũn Knul. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh rằng những người Thượng bị hoàn cảnh tù đày thường được gọi là tù “mồ côi” vì họ không có thân nhân thăm nuôi. Thời gian ở chung tại Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An, một số tù nhân chính trị như Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, Kỹ sư Phạm Văn Trội thường chia sẻ đồ ăn với các tù nhân người Thượng, trong đó có ông Knul, mỗi khi được gia đình thăm nuôi.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cũng nhắc lại một lần ông Knul bị biệt giam 10 ngày do đã phản ứng lại với quản giáo trại giam. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa viết trong status:
“Anh Knul bị cùm 1 chân 24/24h vào song ngang cuối bệ xi măng, không được nhận thăm nuôi, giúp đỡ... của tù nhân khác và chỉ được một chai nước đựng trong vỏ cocacola/ngày để dùng cho tất tần tật mọi nhu cầu, từ uống đến vệ sinh. Đây cũng là nguyên nhân ban đầu để anh Hải Điếu Cày, vì bênh vực Knul, bật lên phản đối ban giám thị, rồi bị kỷ luật giam riêng, dẫn đến vụ tuyệt thực 33 ngày chấn động dư luận”.
Từ Hoa Kỳ, Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải kể lại vụ việc ông Knul bị biệt giam 10 ngày với RFA:
“Anh Knul bị đưa đi cùm 10 ngày. Lúc bị cùm thì Knul đã không tháo cái quần tù ra cho nên khi đi vệ sinh bị vướng. Muốn tháo ra thì không được do cái chân bị cùm, thế là Knul xé đường chỉ may của ống quần để tháo cái ống quần ra. Trại giam bảo anh phá hoại tài sản của trại và đã cùm anh Knul thêm ít ngày vì việc này.”
Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải còn kể lại ông Knul từng bị tra tấn trong thời gian đầu mới bị bắt:
“Anh Knul lúc bị bắt thì anh bị đánh rất dã man. Anh Knul bị treo như hình chữ thập và bị đánh, bị đá vào bụng nhiều nhất, dẫn đến hậu quả là anh bị thủng dạ dày. Bị đánh như thế đến khi vào trong trại trên người anh còn nhiều vết sẹo.”
Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, người bị Chính quyền Việt Nam tống xuất hồi năm 2014, cho biết trường hợp ông Y Ngũn Knul không phải là cá biệt mà hầu như các tù nhân người Thượng đều cùng chung cảnh ngộ, từ cuộc sống đời thường cho đến trong 4 bức tường nhà giam.
<i>Những người đã bị đi tù và trở về rồi thì nhiều lúc có một số người chỉ sống một vài tuần thôi rồi bị chết. Đặc biệt những tù nhân lương tâm về vấn đề tôn giáo thì sức khỏe của họ không được tốt. Như vừa rồi có trường hợp ở tại huyện Chu Puh (Gia Lai), có một người vừa về từ trại cải tạo được khỏang hơn 2 tuần thì bị bệnh rồi chết luôn. Những người đi tù về thì thứ nhất là họ bị quản chế vô thời hạn, thứ hai nữa thì khi họ về lại và không có hy vọng gì để được sống lâu<br/>-Mục sư A Ga</i>
“Anh em Tây nguyên sống rất khó khăn vì gia đình đi thăm nuôi một năm một lần và chỉ tiếp tế được 300 ngàn đồng. Tiền đó do nhà thờ Tin lành giúp. Có những chuyến đi do người thân của họ kết hợp nhau lại, thuê nguyên chuyến xe đi từ Tây Nguyên ra đến Yên Bái, vòng về Nam Hà, rồi vòng về Trại 5, Trại 6 ở Nghệ An, lần lượt ghé thăm như vậy. Anh em cũng kể lại có chuyến đi mà khi gia đình trên đường về ở đoạn dọc đường Trường Sơn, xe bị lật khiến 2 người bị chết và bị thương cả chục người.”
Mặc dù nhiều người con của núi rừng Tây Nguyên là những tù nhân “mồ côi” vẫn chịu đựng được hoàn cảnh khắc nghiệt ở các trại giam tại Việt Nam và vẫn sống sót trở về nhà sau các bản án quá dài; thế nhưng:
“Những người đã bị đi tù và trở về rồi thì nhiều lúc có một số người chỉ sống một vài tuần thôi rồi bị chết. Đặc biệt những tù nhân lương tâm về vấn đề tôn giáo thì sức khỏe của họ không được tốt. Như vừa rồi có trường hợp ở tại huyện Chu Puh (Gia Lai), có một người vừa về từ trại cải tạo được khỏang hơn 2 tuần thì bị bệnh rồi chết luôn. Những người đi tù về thì thứ nhất là họ bị quản chế vô thời hạn, thứ hai nữa thì khi họ về lại và không có hy vọng gì để được sống lâu.”
Đây là ghi nhận của Mục sư A Ga và ông đã trình bày với Quốc hội Hoa Kỳ hồi năm 2019, liên quan vấn đề vừa nêu cũng như tình hình Chính quyền Việt Nam bách hại tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Thượng Tây Nguyên.
Trở lại với ông Y Ngũn Knul, ông kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng thế giới vì quyền con người và quyền tự do tín ngưỡng của người Thượng ở Việt Nam, mà trong đó ông là một nạn nhân:
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế phải bảo vệ cho chúng tôi có quyền con người được nói và được nghe. Chúng tôi bị cấm khẩu đâu khác gì như con thú đâu? Vừa nói vừa chạy! Vừa nghĩ vừa sợ! Chúng tôi mong các tổ chức có thẩm quyền bảo vệ, còn nếu không thì chúng tôi còn rất nhiều khó khăn lắm.”