Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hôm 14/1, nói với các văn nghệ sĩ tại tại đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025, rằng các hội này cần phải tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đồng thời bà Ngân cũng khẳng định Đảng và nhà nước luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Thắt chặt quyền tự do sáng tác của văn nghệ sỹ
Nhà phê bình văn học, dịch giả Phạm Xuân Nguyên, cựu chủ tịch hội Nhà văn Hà Nội cho rằng phát biểu của bà Kim Ngân không có gì lạ. Việc tuân thủ theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản là một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi văn nghệ sỹ. Chính yêu cầu này gây ra nhiều khó khăn cho người sáng tác:
"Thứ nhất là ở nước Việt Nam, chính thể Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo và họ có đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, được quán triệt trong tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Đó cũng là một đòi hỏi thử thách đối với giới văn nghệ sĩ đứng giữa tự do sáng tạo của người nghệ sỹ, cá tính của người nghệ sĩ, với yêu cầu của một tổ chức Đảng phái. Nhưng tôi nghĩ là một người nghệ sĩ giỏi, họ sẽ tìm cách vượt qua để có thể có được những tác phẩm tốt, sáng tạo riêng của người nghệ sĩ.”
Nhà văn Võ Thị Hảo, người đã tuyên bố từ bỏ hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2015, nói với đài Á châu Tự do từ Berlin, Đức, rằng bà khá ngạc nhiên khi bà Kim Ngân là Chủ tịch Quốc hội, là người đại diện cho quyền lợi giám sát của cử tri đối với hệ thống tư pháp và hành pháp, mà lại đến một đại hội phát biểu như thể đang thay mặt cho Tổng bí thư hay trưởng ban Tuyên giáo, chỉ đạo rằng phải quán triệt sâu sắc đường lối, nghị quyết của Đảng. Theo bà Hảo, điều đó cho thấy việc nhà nước đang muốn thắt chặt hơn quyền tự do sáng tác của văn nghệ sỹ:
"Như chúng ta cũng thấy rằng các nghị quyết và chủ trương của Đảng chủ từ trước đến giờ thì không có gì ngoài việc hạn chế tự do sáng tác, tự do ngôn luận của văn nghệ sĩ, cũng như người dân Việt Nam.
Việc chỉ đạo từ trước đến giờ đã thô bạo rồi, nhưng đặc biệt lần này Chủ tịch Quốc hội lại quá sốt sắng trong vấn đề ca tụng công ơn của Đảng đối với giới văn nghệ sĩ, cũng như chỉ đạo phải bám sát nghị quyết, thì đây là một triệu chứng có lẽ là một thời kỳ thắt chặt một cách càng kinh khủng hơn việc hạn chế tự do sáng tác của các văn nghệ sĩ.”
Theo thống kê, số văn nghệ sỹ thuộc Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam lên đến hơn 40.000 người. Nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng, văn nghệ sỹ hay người viết Việt Nam có tính nô lệ, ích kỷ quá cao, đâu có mấy ai dám lên tiếng cho những bất công, vấn nạn của xã hội:
"Qua con số thống kê mà đại hội này đã đưa ra thì hiện nay ở Việt Nam có hơn 40.000 văn nghệ sĩ thì đúng là quá buồn. Vì tại sao đến 40.000 văn nghệ sĩ nhưng số người dám lên tiếng một cách chính trực về những sự tham nhũng, đàn áp, án oan, bất công ở Việt Nam lại quá ít như vậy.
Trong dịp đại hội Nhà văn cũng có rất là nhiều ý kiến bày tỏ sự coi thường những văn nghệ sĩ Việt Nam, và tôi nghĩ họ coi thường là có lý.
Điều kiện tiên quyết của một nhà văn nghệ sĩ là phải có tinh thần khai sáng, lòng tự trọng, chính trực, sự quan tâm đến cộng đồng và đất nước. Những điều đó thì văn nghệ sĩ Việt Nam có quá ít.”
Mạnh tay đàn áp các Văn nghệ sỹ độc lập
Số ít những văn nghệ sỹ độc lập dám lên tiếng trước những vấn đề sai trái, bất công xã hội, hầu hết họ phải đối mặt với sự đàn áp, sách nhiễu theo nhiều cấp độ từ phía nhà cầm quyền.
Điển hình là các thành viên thuộc Ban vận động Văn đoàn độc lập, được thành lập vào năm 2014. Một trong 3 sứ mạng chính của tổ chức này là “bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.”
Nhà văn Võ Thị Hảo cũng là một thành viên trong Ban vận động của Văn đoàn độc lập cho biết kể từ ngày thành lập, chính quyền đã có nhiều hành động áp lực, ngăn cản và phá hoại nhiều hoạt động của hội:
"Những thành viên trong Văn đoàn độc lập luôn luôn phải đối diện với nguy hiểm, nhưng vẫn đủ dũng cảm để giữ cái Văn đoàn độc lập. Phải nói là có sự khôn ngoan và đầy kinh nghiệm của nhà văn Nguyên Ngọc, là một người có nhiều kinh nghiệm để đấu tranh cho sự độc lập tương đối để tồn tại cùng với sự bóp nghẹt tự do về sáng tác của Việt Nam. Những cuộc gặp của họ luôn luôn bị công an chìm đến để canh giữ, và đó cũng là một sự ngầm đe dọa.
Tôi cũng rất trân trọng cảm phục các anh chị đã dám dũng cảm để cho tờ Văn Việt (trang web của Văn đoàn độc lập – PV) được tồn tại từ lâu nay.”
Hồi tháng 3/2018, Ban tuyên giáo ra văn bản yêu cầu bộ Giáo dục và Đào tạo rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Văn đoàn độc lập ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới, với lý do "Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới phải bám sát định hướng của Đảng.”
Nhà văn, nhà báo tự do Phạm Thành, chủ blog “Bà Đầm Xòe”, bị bắt hồi tháng 5/2019. Sáu tháng sau, ông bị chuyển từ trại tạm giam Hỏa Lò đến viện Pháp y tâm thần trung ương để giám định và kiểm tra sức khỏe.
Năm 2019, ông Phạm Thành tự xuất bản sách chỉ trích Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam mang tên "Nguyễn Phú Trọng: Thế Thiên Hành Đạo Hay Đại Nghịch Bất Đạo”.
Mới đây, ngày 8/1, tờ báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng, đăng tải bài viết với tiêu đề “Nấp bóng truyền bá tri thức để kích động, chống phá đất nước” có nội dung chỉ trích nghệ sỹ hài độc thoại Dưa Leo tìm cách kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hòng tác động làm lung lạc lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, phục vụ cho mục đích đen tối của các thế lực thù địch”. Cùng với đó là lời đe dọa “đừng để "thần khẩu hại xác phàm" thì nguy khốn cho một đời còn lai láng ở phía trước”.
Nghệ sỹ hài độc thoại Dưa leo thường xuyên làm và đăng tải các video lên YouTube với mục đích cung cấp kiến thức về văn hóa, xã hội và lịch sử cho giới trẻ Việt Nam. Chính ông cũng từng khẳng định rằng mình không làm clip có nội dung về chính trị.
Phí phạm ngân sách tuyên truyền cho Đảng
Mỗi năm, ngân sách cấp 85 tỷ đồng cho Liên hiệp các các hội Văn học nghệ thuật hoạt động. Ngoài ra, còn có các hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách của địa phương.
Theo quan điểm của nhà văn Võ Thị Hảo, con số 85 tỷ chủ yếu là để duy trì một bộ máy hành chính cồng kềnh của các hội Văn học nghệ thuật. Đó là chi tiêu một cách phí phạm. Thay vào đó, Việt Nam nên học tập các nước dân chủ, phát triển khác trên Thế giới là để những hội đoàn văn nghệ sỹ có thể tự bán tác phẩm của mình, hoặc gây quỹ tư nhân để hoạt động:
"Tôi nghĩ rằng nhà nước không nên bao cấp cho các hội Văn học nghệ thuật hoạt động mà nên học cách của các nước phát triển, các nước dân chủ, chẳng hạn như nước Đức hay Mỹ.
Còn nếu như nhà nước mà mang tính độc tài, độc Đảng thì việc tiếp tục bao cấp cho những hội đó chỉ là cánh tay nối dài của Tuyên giáo, của Đảng để tiếp tục kiềm chế tự do sáng tác của văn nghệ sĩ.”
Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng nếu nhà nước xoá bỏ bao cấp cho các hội văn học nghệ thuật thì sẽ không còn ai sáng tác đề tài phục vụ chính trị.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng không đồng ý chuyện nhà nước tiếp tục bao cấp cho các tổ chức như vậy hoạt động. Theo ông, Việt nam cần phải có luật lập hội để các hội nhóm tư nhân có thể được thành lập và tự hoạt động mà không cần đến ngân sách nhà nước:
"Ở Việt Nam không có các tổ chức tư nhân, không có các hội đoàn tư nhân, mà mọi hội đoàn muốn thành lập đều phải được nhà nước cấp phép. Nhà nước cho phép hoạt động thì cũng sẽ phải cấp ngân sách cho nó. Cho nên, gần đây có rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải có luật lập hội. Hiện nay luật lập Hội vẫn chưa có.
Và khi đã có luật lập hội thì cá nhân có thể lập hội và hoạt động theo luật pháp, và đương nhiên là nhà nước không phải trợ cấp tiền cho họ, phải tự tạo ra chi phí của mình một cách hợp pháp. Phải để cho các hội đoàn tự tìm cách gây quỹ tạo kinh phí để hoạt động, nhà nước không nên cấp tiền.”
Dự luật về Lập hội đã được Chính phủ soạn thảo từ hơn 10 năm trước, nhưng Chính phủ đã nhiều lần xin hoãn lại việc trình lên Quốc Hội để thông qua.
Vào tháng 6/2017, dự thảo luật về Hội dự kiến sẽ được bỏ phiếu thông qua nhưng một lần nữa bị rút khỏi nghị trình làm việc của Quốc Hội. Theo chính phủ, đây là dự án “phức tạp, việc chuẩn bị chưa đảm bảo chất lượng” nên xin hoãn. Từ đó đến nay, không thấy Quốc hội đưa vấn đề này ra bàn bạc thêm một lần nào nữa.