Bản án vi phạm pháp luật
Nhà báo Lê Hà, phụ trách kênh truyền hình độc lập “Tiếng Dân Tivi”, vào tối ngày 6/1, lên tiếng với RFA rằng bản án 37 năm tù mà Tòa án Việt Nam tuyên cho 3 thành viên “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn là vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như vi phạm quy chuẩn của quốc tế.
“Theo quan điểm cá nhân của người tham gia trong lĩnh vực báo chí độc lập thì tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí độc lập, họ nói lên tiếng nói và họ viết những bài phản biện đúng trong Hiến pháp Việt Nam về các quyền căn bản của công dân cũng như đúng theo các công ước quốc tế về nhân quyền. Họ thực hiện các quyền đó là các quyền đương nhiên và căn bản. Vậy thì với bản án tuyên với mức án như vậy nhằm để răng đe và dập tắt các tiếng nói của những người đang tham gia trong lĩnh vực báo chí còn lại ngoài xã hội. Tôi cho rằng các bản án đó vi phạm về mặt pháp luật cũng như vi phạm cả về các quy tắc theo quy chuẩn của quốc tế.”
Đài RFA ghi nhận trong thông cáo báo chí của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), phổ biến hôm 5/1, Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, ông Daniel Bastard nhấn mạnh rằng Chính quyền Việt Nam thường sử dụng Điều 117 Bộ luật Hình sự để quy kết tội đối với những người bất đồng chính kiến và giới nhà báo độc lập, mà mới nhất là đối với 3 thành viên “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” để bịt miệng những ai lên tiếng khác với đường lối tuyên truyền của Đảng CSVN lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Daniel Bastard chỉ rõ rằng Điều 117 Bộ luật Hình sự bị mâu thuẫn với Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam, hiến định về quyền tư do truyền thông của công dân Việt Nam.
Trong cùng ngày 5/1, Đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), ông Shawn Crispin, tuyên bố trong thông cáo báo chí của tổ chức này rằng “các bản án tù tàn nhẫn dài hơn một thập niên của Chính quyền Việt Nam đối với mỗi nhà báo gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cho thấy Hà Nội không hề có ý định cho phép thậm chí là các yếu tố căn bản nhất của tự do báo chí hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam”.
Theo quan điểm cá nhân của người tham gia trong lĩnh vực báo chí độc lập thì tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí độc lập, họ nói lên tiếng nói và họ viết những bài phản biện đúng trong Hiến pháp Việt Nam về các quyền căn bản của công dân cũng như đúng theo các Công ước Quốc tế về nhân quyền. Họ thực hiện các quyền đó là các quyền đương nhiên và căn bản. Vậy thì với bản án tuyên với mức án như vậy nhằm để răng đe và dập tắt các tiếng nói của những người đang tham gia trong lĩnh vực báo chí còn lại ngoài xã hội. Tôi cho rằng các bản án đó vi phạm về mặt pháp luật cũng như vi phạm cả về các quy tắc theo quy chuẩn của quốc tế-Nhà báo Lê Hà
Tình hình tự do báo chí sẽ thế nào?
Nhà báo Võ Văn Tạo, vào tối ngày 6/1, từ Nha Trang lên tiếng với RFA liên quan bản án tù 37 năm vừa được tuyên cho 3 nhà báo độc lập ở Việt Nam.
“Sau vụ án vừa rồi nhắm vào ‘Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam’, do ông Phạm Chí Dũng làm Chủ tịch hội, thì cho thấy dấu hiệu nhiều người cũng lo ngại trong thời gian tới đây tình hình tự do báo chí và nhân quyền ở Việt Nam sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn. Tôi cho rằng lo ngại đó không phải là không có căn cứ, nhưng theo tôi nghĩ thì còn phụ thuộc vào thay đổi nhân sự của Đảng CSVN sau Đại hội Đảng XIII.”
Nhà báo Võ Văn Tạo nhắc lại ông từng đưa ra nhận định về tình hình tự do báo chí và nhân quyền ở Việt Nam gặp khó khăn sau Đại hội Đảng CSVN XII. Nguyên nhân được nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra là do các thành phần công an và quân đội tràn ngập trong các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN cũng như trong hệ thống tư pháp. Vì thế, thời kỳ vừa qua là một giai đoạn đầy chông gai đối với giới đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Với lập luận tương tự, nhà báo Võ Văn Tạo nêu lên quan điểm của ông về tình hình tự do dân chủ và nhân quyền cũng như tự do truyền thông tại Việt Nam trong thời gian tới, sau Đại hội Đảng CSVN XIII.
“Nếu như những thành phần trẻ, cấp tiến và không nhiễm nặng giáo điều Chủ nghĩa Marx-Lenin mà chiếm đa số, thay thế cho những nhân sự cũ thì tôi nghĩ rằng tình hình không đến nỗi tồi tệ lắm. Còn nếu như ngược lại, thì tình hình càng ngày càng bi đát.”
Trả lời câu hỏi của RFA liệu rằng những nhà báo đang bị Chính quyền Việt Nam giam giữ như Phạm Đoan Trang và Phạm Thành sẽ phải đối diện các bản án tương tự như 3 thành viên “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” hay không, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định rằng dù chính trường Việt Nam thay đổi thì cũng không thể lạc quan về số phận của những nhà báo này.
“Số phận của những người chưa bị đưa ra tòa, như các nhân vật khá nổi tiếng Phạm Đoan Trang và Phạm Thành…theo tôi nghĩ thì về mặt cơ bản, họ sẽ đưa ra xét xử trong thời gian gần. Và nếu có sự thay đổi trong chính trường Việt Nam theo chiều hướng tiến bộ thì cũng chưa kịp triển khai để cho phép những ngành hữu quan như là công an, tòa án, viện kiểm sát thay đổi đâu. Tôi nghĩ rằng khó có khả năng xảy ra. Nói chung là tương lai của những người đấu tranh dân chủ mà chưa bị đưa ra tòa, chưa kết án thì có vẻ như cũng rất là ảm đạm.”
Số phận của những người chưa bị đưa ra tòa, như các nhân vật khá nổi tiếng Phạm Đoan Trang và Phạm Thành…theo tôi nghĩ thì về mặt cơ bản, họ sẽ đưa ra xét xử trong thời gian gần. Và nếu có sự thay đổi trong chính trường Việt Nam theo chiều hướng tiến bộ thì cũng chưa kịp triển khai để cho phép những ngành hữu quan như là công an, tòa án, viện kiểm sát thay đổi đâu. Tôi nghĩ rằng khó có khả năng xảy ra. Nói chung là tương lai của những người đấu tranh dân chủ mà chưa bị đưa ra tòa, chưa kết án thì có vẻ như cũng rất là ảm đạm-Nhà báo Võ Văn Tạo
V ẫn tiếp tục theo đuổi tự do báo chí!
Trong khi đó, nhà báo Lê Hà cho rằng theo ghi nhận của ông thì dù cho bối cảnh chính trị ở Việt Nam được đổi mới hay không và dù cho các bản án tù dành cho giới nhà báo độc lập khắc nghiệt đến đâu cũng không thể cản bước những người đã chọn con đường hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tự do.
“Tôi nghĩ rằng sẽ gây ảnh hưởng đến một số blogger và các nhà báo độc lập một phần nào đó. Tuy nhiên theo quan điểm của mình, mặc dù bản án có tuyên thế nào chăng nữa thì tiếng nói của những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông độc lập chắc là họ cũng chẳng sợ đâu. Tại vì đó là quyền căn bản nhất và khi người ta đã xác định được rằng có thể sẽ bị nhà cầm quyền chụp mũ, bắt bớ hoặc là ép vào tù bằng các bản án tuyên không đúng pháp luật. Những người tham gia trong lĩnh đấy cũng sẽ không dừng lại. Họ vẫn tiếp tục con đường họ đã chọn để làm công việc đó.”
Nhà báo Đỗ Cao Cường, người từng tuyên bố “giết tôi, rồi hãy bắt tôi im lặng”, vào ngày 6/1, chia sẻ với RFA như một sự xác quyết về ghi nhận của nhà báo Lê Hà.
“Nói chung là nhà báo khi thấy bất công thì mình lên tiếng. Mình làm đúng thì mình cứ làm thôi, tiếp tục công việc khai dân trí được hiệu quả để giúp cho nhiều người.”
Nói chung là nhà báo khi thấy bất công thì mình lên tiếng. Mình làm đúng thì mình cứ làm thôi, tiếp tục công việc khai dân trí được hiệu quả để giúp cho nhiều người-Nhà báo Đỗ Cao Cường
Qua trao đổi với các nhà báo độc lập trong nước, chúng tôi được nghe họ nhận xét rằng tình hình tự do báo chí và dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam có thể là một bức tranh thêm nhiều gam màu tối, qua bản án tù 37 năm đối với 3 thành viên “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”. Tuy nhiên, Chính quyền Hà Nội cũng sẽ phải đối diện không ít thách thức trong vấn đề bang giao với thế giới, sau khi ra quyết định cầm tù 3 nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.
Một ngày sau khi Tòa án Việt Nam tuyên tổng cộng 37 năm tù giam và 9 năm quản chế đối với 3 thành viên “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”, Liên minh Châu Âu công bố thông cáo khẳng định Việt Nam gia tăng bắt bớ và kết án những nhà báo cùng những nhà bảo vệ nhân quyền là đi ngược lại với Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, bao gồm cả ‘Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự”. Đồng thời Liên minh Châu Âu nhắc lại Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị để đảm bảo và dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt, trong khuôn khổ của Đánh giá Định kỳ Phổ quát, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UPR).
Liên minh Châu Âu cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng tất cả các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.