Vì sao “điểm sàn” vô lý?
Vị giáo sư hiệu trưởng đã nêu luận điểm này trong bài viết tựa đề “Điểm sàn: Một sự vô lý, không hợp lẽ” được phổ biến trên website Bee.net.vn. Ông cho rằng điều vô lý ấy cần được lãnh đạo ngành giáo dục- đào tạo xem xét lại cho cặn kẻ và sớm hủy bỏ. Tác giả bài báo giải thích thêm vấn đề này qua cuộc trao đổi với phóng viên Đỗ Hiếu, RFA. Giáo sư Văn Như Cương giải thích thêm về điểm sàn:
“Phải có một kỳ thi chung để tuyển sinh vào đại học, tổ chức trên toàn quốc, sau khi có kết quả thi rồi, Bộ Giáo dục quy định, chỉ những học sinh đạt trên cái điểm bao nhiêu đó thì mới có quyền vào đại học mà mình muốn. Ví dụ như điểm sàn là 13 hay 14 điểm mà dưới điểm sàn ấy thì không được vào bất kỳ trường đại học nào, đấy là điểm sàn.”
Đỗ Hiếu: Qua một bài viết mới vừa phổ biến trên mạng, ông cho rằng điểm sàn là một sự vô lý. Giáo sư vui lòng giải thích.
tại sao còn đặt ra điểm sàn? Tức là anh không công nhận cái bằng tốt nghiệp, mà khi trao bằng tốt nghiệp có nghĩa là anh công nhận rằng tôi có thể học tiếp được
GS Văn Như Cương
Gs/VNC: “Khi bậc trung học phổ thông đã kết thúc, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp, tức là được công nhận đã làm đủ, đã học qua 12 năm ở bậc phổ thông, đã tốt nghiệp và có điều kiện đủ để có thể học tiếp nếu anh ta muốn và có trường nhận anh ta. Thế thì tại sao còn đặt ra điểm sàn? Tức là anh không công nhận cái bằng tốt nghiệp, mà khi trao bằng tốt nghiệp có nghĩa là anh công nhận rằng tôi có thể học tiếp được. Trong bài viết, tôi lấy ví dụ là các trường đại học có tiếng của nước ngoài, người ta đến Việt Nam cũng chỉ tuyển sinh theo cách là có học bạ, có bằng tốt nghiệp, có thông qua một cuộc phỏng vấn, đó là cách hợp lý. Bây giờ, như tôi thành lập một trường đại học ở Việt Nam và tôi phỏng vấn em đó, có bằng tốt nghiệp, có học bạ đúng đắn, thì tôi nhận em ấy vào, thì làm sao lại đả phá chuyện đó. Không hợp lý, không hợp lẽ là ở chỗ đó.”
Đỗ Hiếu: Cũng có nhiều thắc mắc được nêu lên nói rằng, tại sao dưới điểm sàn thì không được nhận vào trường đại học, hay cao đẳng mặc dù nhà trường đó vẫn còn thừa chỗ.
Gs/VNC: Chính tôi cũng thắc mắc như thế và đấy là sự vô lý. Như tôi vừa nói, thi tốt nghiệp tức là đã học xong bậc phổ thông, với một trình độ như thế nào đó thì tôi có quyền học lên đại học, cũng như một em học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở thi em có quyền vào trường trung học phổ thông, nếu trường ấy nhận em vào. Còn nếu trường ấy, người ta lấy học sinh giỏi, mà em không đủ điểm, không đủ tiêu chuẩn, người ta không nhận vào thi đành vậy. Tức là có trường nhận, tôi có bằng ấy thì tôi được quyền vào, vậy đề ra điểm sàn là vô lý ở chỗ đó.”
Một lời khuyên về giáo dục đại học
Đỗ Hiếu: Giáo sư cho rằng cách thức tuyển sinh tại Việt Nam của các trường đại học có tiếng của nước ngoài, như GS vừa nói, là chính xác, thâu nhận được học sinh đủ khả năng để theo học. Theo giáo sư thì Bộ Giáo dục có cần áp dụng phương cách ấy không?
Gs/VNC: Việt Nam cần áp dụng theo phương cách đó, trước hết là để thừa nhận giá trị của bằng tốt nghiệp phổ thông, giá trị của học bạ rồi sau đó tuyển chọn hay không là thông qua phỏng vấn. Nếu trường thấy em đó thích hợp với cái môn học hay các khoa của mình thì thu nhận. Trường hợp em ấy có đủ trình độ nhưng mà khi vào khoa này , khoa kia, anh chưa đủ điều kiện thì tôi không nhận, bởi vì có người khác đủ điều kiện hơn em ấy. Làm như thế là đúng, tôi cho rằng Việt Nam cần làm như thế.
Đỗ Hiếu: GS có đề nghị gì đối với cấp lãnh đạo ngành giáo dục, đào tạo, về chuyện điểm sàn này, nếu muốn cung cấp thật nhiều nhân tài trong giai đoạn nước nhà cần vươn lên, theo kịp đà tiến hóa của thế giới?
tập trung vào vấn đề làm sao để chất lượng các trường đại học càng ngày càng tăng, muốn vậy thì không nên phát triển các trường đại học một cách ồ ạt về mặt số lượng
GS Văn Như Cương
Gs/VNC: Trước hết là xem xét và bỏ cái điểm sàn, thứ hai là muốn đào tạo nhân tài cho đất nước thì anh phải tăng cường chất lượng của các trường đại học. Hiện nay, vấn đề đại học ở Việt Nam tương đối là bức xúc, rất nhiều yếu kém, nền giáo dục phổ thông ở Việt Nam cũng có nhiều điểm mạnh, điểm tốt, có điểm yếu, nhưng bộ phận ở đại học là rất yếu kém, về mặt chuyên môn, giảng dạy, thực tế cho sinh viên. Tôi chỉ khuyên Bộ Giáo dục- Đào tạo là tập trung vào vấn đề làm sao để chất lượng các trường đại học càng ngày càng tăng, muốn vậy thì không nên phát triển các trường đại học một cách ồ ạt về mặt số lượng, mà cần phải quay trở về để làm cái việc như thế nào cho tốt.”
Xin cám ơn Giáo sư Văn Như Cương đã dành cho RFA cuộc trao đổi hôm nay.