Tỉnh Đắk Nông vừa đặt mục tiêu trồng hơn hai triệu cây xanh, tương đương gần 3.600 ha rừng cho chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Điều đáng nói là mới đây, lãnh đạo tỉnh này lại thừa nhận, tình trạng chặt, phá rừng đang rất “nóng”.
Trồng rừng theo phong trào
Phong trào “Tết trồng cây” được ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch chính quyền cộng sản Việt Nam khởi xướng và phát động từ tháng giêng năm 1959. Theo ông Hồ, trồng cây là công việc tốn kém ít mà ích lợi nhiều; là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia.
Phong trào này được duy trì cho đến hôm nay nhưng số cây trồng được hàng năm chẳng bù đắp được với số cây rừng bị phá.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, chuyên gia Quản lý tài nguyên, môi trường nêu quan điểm của ông với RFA hôm 22/6:
“Tất nhiên là chính sách khuyến khích trồng rừng là có và cũng tạo ra được những cánh rừng mới. Nhưng chỉ có điều rừng từ khi trồng cho tới khi thành rừng thì cũng phải mất cả chục năm. Thế thành ra là cái sự bù đắp này tính ra có vẻ như là một phương án đáng phấn khích nhưng hiệu quả thực thì không cao.
Điều thứ hai nữa là người ta trồng thì cũng là để người ta khai thác. Và đến một lúc nào đó thì người ta cũng chặt đi để người ta kiếm sống từ việc trồng rừng. Nó không thể bù lại rừng tự nhiên đã mất mà đáng ra chúng ta phải giữ gìn cẩn thận.”
Cũng mới đây, liên quan đến việc trồng rừng hay chuyển mục đích sử dụng rừng sang dự án đầu tư kinh tế khác, Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm ở thành phố Đà Lạt xác nhận với báo chí Nhà nước rằng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Trúc Lâm Yên Tử qua Trung tâm đón tiếp Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Điều đáng bàn là khu rừng ‘bị” chuyển đổi mục đích là rừng thông ba lá được trồng vào năm 1985, trữ lượng 658 cây và Ban quản lý đã đóng một khoản tiền vào ngân sách nhà nước để trồng rừng khác thay thế.
Tất nhiên là chính sách khuyến khích trồng rừng là có và cũng tạo ra được những cánh rừng mới. Nhưng chỉ có điều rừng từ khi trồng cho tới khi thành rừng thì cũng phải mất cả chục năm. Thế thành ra là cái sự bù đắp này tính ra có vẻ như là một phương án đáng phấn khích nhưng hiệu quả thực thì không cao. - Giáo sư Đặng Hùng Võ
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đại học Cần Thơ, nêu ý kiến của mình với RFA cùng về vấn đề trên:
“Rừng trồng không thể nào có giá trị như rừng tự nhiên, bởi vì rừng trồng thì sau này người ta cũng sẽ khai thác. Hơn nữa, rừng trồng thì bộ rễ không thể phát triển như rừng tự nhiên và giá trị đa dạng sinh học cũng không có. Rừng tự nhiên thì có rất nhiều loại cây, nhiều tầm phát triển khác nhau, bộ rễ đi rất sâu có tác dụng rất lớn trong việc điều tiết lũ, kiểm soát tình trạng sạt lở. Do đó rừng tự nhiên có giá trị rất lớn, ngoài giá trị kinh tế còn giá trị khác như du lịch, giáo dục... nó còn bảo vệ đất, nguồn nước, cũng như điều hòa về mặt khí hậu.”
Phá rừng không kiểm soát
Song song với việc trồng rừng thì những năm gần đây, hầu hết các tỉnh, thành tại Việt Nam, tình trạng chặt phá cây rừng, thậm chí phá cả rừng phòng hộ diễn ra rầm rộ. Nhiều tỉnh báo cáo không chỉ phá rừng ở mức độ thưa thớt và tự phát mà ngược lại, việc phá rừng được thực hiện khá quy mô, từ hàng chục năm qua.
![000_Hkg8397030.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/UQGCKRUOFUDNBIDSITDCVOQFLM.jpg?auth=7f14f57fd90d0de6be6542dd1de04a01c7f00835de6b05f815760fc2772708d0&width=800&height=532)
Những điển hình có thể nêu như ở khu rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên được truyền thông loan đã bị san bằng để xây khu du lịch; đất rừng phòng hộ tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc bị phá để xây công viên nghĩa trang; phá rừng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng xây hàng chục móng khách sạn; 21.000 ha rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị chặt phá nghiêm trọng, hoặc ở Đắc Nông -tỉnh vừa triển khai trồng hàng triệu cây xanh, được nói việc phá rừng, chiếm đất đã rất nóng, trải qua nhiều thời kỳ.
Đã từng có dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh phá một diện tích không nhỏ rừng phòng hộ có chức năng chắn gió, sóng biển… với lý do “nhầm lẫn”.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được coi là một nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng. Tại hội nghị lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu hồi tháng 11 năm 2021, Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia cam kết làm việc chung để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, đồng thời nỗ lực để bảo tồn rừng và các hệ sinh thái trên cạn khác, tạo thuận lợi cho các chính sách thương mại không làm mất rừng, phát triển nông nghiệp bền vững và công nhận nhiều giá trị của rừng, bảo tồn và phục hồi rừng, đồng thời hỗ trợ người bản địa và cộng đồng địa phương...
Hiện nay cũng đã có nhiều báo cáo, trong đó có những bài viết của tôi, là hãy nghiên cứu chế độ rừng cộng đồng. Giao cho các cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số đang có những luật tục thì khi đó họ sẽ nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Khi họ biết đây là rừng của họ, của cộng đồng họ thì họ sẽ không phá nữa. - Giáo sư Đặng Hùng Võ
Việc phá rừng vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu kiểm soát tốt là nhận định của Giáo sư Đặng Hùng Võ. Nguyên nhân theo ông, là do giải pháp về “rừng cộng đồng” vẫn chưa hình thành trong hệ thống pháp luật về đất rừng cũng như là về rừng. Ông nói tiếp:
“Phá rừng hiện nay vẫn do lâm tặc. Vẫn có tác động nhưng có thể là có giảm. Thế nhưng điều quan trọng chính là người dân tại những nơi đáng nhẽ phải giữ rừng thì họ phải chuyển đất rừng thành đất sản xuất vì họ không có đất sản xuất. Rồi nhiều người dân di cư từ các tỉnh khác cũng do cuộc sống khó khăn, và họ tham gia vào việc phá rừng để có đất sản xuất. Do đó, tình trạng người dân phá rừng để kiếm đất sản xuất là khá rõ.
Hiện nay cũng đã có nhiều báo cáo, trong đó có những bài viết của tôi, là hãy nghiên cứu chế độ rừng cộng đồng. Giao cho các cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số đang có những luật tục thì khi đó họ sẽ nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Khi họ biết đây là rừng của họ, của cộng đồng họ thì họ sẽ không phá nữa”.
Hiện nay, chính sách về rừng của Việt Nam vẫn dựa vào tổ chức của Nhà nước để bảo vệ rừng. Theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng là 50.000 đồng/ha; kinh phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung là 900.000 đồng/ha, được bố trí trong tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, cấp cho các đơn vị, địa phương thực hiện Chương trình.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, mức kinh phí như thế không thể thực hiện việc bảo vệ rừng, mà phải dựa vào dân. Ông kết luận:
“Đây là chính sách rất sai lầm bởi vì phải dựa vào ngân sách Nhà nước. Mà ngân sách Nhà nước có bao nhiêu để tung ra bảo vệ rừng? Chắc chắn là không có.
Thành ra, điều quan trọng là phải dựa vào sức dân. Khi gắn lợi ích của họ đối với rừng, lợi ích của họ từ rừng thì họ mới là người bảo vệ các cánh rừng chặt chẽ nhất. Nó liên quan đến sinh kế của họ.”