Thành quả sau 45 năm
Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975 và sau hơn 4 thập niên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kinh tế Việt Nam được thế giới công nhận là có sự phát triển vượt bậc và ổn định qua các chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng vượt ngưỡng trong hai năm liền 7% (2018) và 7,2% (2019). Chỉ số lạm phát ở mức 2,76%; xuất siêu đạt 9 tỷ đô la Mỹ (USD); lượng kiều hối chảy vào Việt Nam lên đến gần 17 tỷ USD trong năm 2019, được xếp là năm thứ 3 liên tiếp thuộc nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Với những thành quả đạt được như vừa nêu, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng ngày 30/12/19 phát biểu rằng “Ngân hàng Thế giới-World Bank đã nhận định, mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài, thuộc Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam và bị Hà Nội tống xuất đến Đức năm 2018 trong lúc thụ án 15 năm tù giam, lên tiếng với RFA về ghi nhận của ông đối với những thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 45 năm lãnh đạo toàn thể đất nước Việt Nam:
“Sau năm 1975, Cộng sản Việt Nam đã bị Mỹ và nhiều nước trên thế giới áp đặt cấm vận nhưng họ đã thành công trong việc gỡ bỏ lệnh cấm vận đó. Đồng thời trong năm vừa qua, họ cũng đã xây dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược với 4/5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ là nước thứ 5 thì họ xây dựng được quan hệ đối tác toàn diện. Ngoài ra họ còn xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với rất nhiều các cường quốc khác như Nhật Bản, Đức, Australia…Trong kinh tế thì họ cũng hội nhập vào quốc tế khá sâu rộng như là đã tham gia khối AFTA cũng như ký các hiệp định tự do thương mại với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Về an ninh quốc phòng thì tiềm lực được xây dựng khá tốt dù vị thế bị xuống thấp do không tương xứng với mức độ đầu tư quốc phòng và rất yếu kém trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia.
<i>Điều thành công lớn nhất đối với Đảng CSVN là họ đã tạo ra một tầng lớp tư sản đỏ ở trong nước, thuộc dòng dõi con ông cháu cha của họ hay chính bản thân các quan chức cộng sản rất giàu có, thậm chí giàu hơn những người thuộc giới tư bản được gọi là 'tư bản dân tộc' ở trong nước<br/>-Luật sư Nguyễn Văn Đài</i>
Điều thành công lớn nhất đối với Đảng CSVN là họ đã tạo ra một tầng lớp tư sản đỏ ở trong nước, thuộc dòng dõi con ông cháu cha của họ hay chính bản thân các quan chức cộng sản rất giàu có, thậm chí giàu hơn những người thuộc giới tư bản được gọi là ‘tư bản dân tộc’ ở trong nước.”
Từ Paris, Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, một sáng lập viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận xét về tình hình Việt Nam sau 45 năm kể từ ngày đất nước không còn tiếng súng của chiến tranh:
“Theo tôi nếu so sánh Việt Nam năm 2020 với Việt Nam năm 1975 thì phải nói rằng có rất nhiều tiến bộ. Tiến bộ lớn nhất là ở miền Bắc Việt Nam. Trước đây là vùng đất của sự nghèo khổ và dơ bẩn, áp bức, dối trá và ngày hôm nay chúng ta có thể thấy chế độ đó bị hoàn cảnh đưa đẩy và họ đã cố gắng làm cho miền Bắc được thay đổi đáng kể. Nếu chúng ta được gặp gỡ những người dân ở miền Bắc thì đều nhìn nhận rằng đời sống thực chất được cải thiện rất nhiều và mức độ phóng khoáng, tự do cũng tăng lên. Còn ở miền Nam thì phải nói là sau 45 năm và sau một thời gian bị tàn phá thì các vấn đề về kinh tế, xã hội cũng đã có tiến triển nhiều.”
Tuy nhiên, ông Nguyễn Gia Kiểng nhấn mạnh rằng dù Việt Nam có sự phát triển trong hơn 4 thập niên qua như thế nhưng trong bối cảnh tất cả các quốc gia trên thế giới đều bắt buộc phải phát triển thì cần phải nhìn nhận ở góc độ đáng lưu tâm là sự tiến bộ đó có ngang tầm hay bị tụt hậu so với thế giới?
Đảng CSVN mất gì qua hơn 4 thập niên?
Trong khi đó, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất trong Đảng cũng như của quốc gia, ông Nguyễn Phú Trọng có thể nói rất hãnh diện và tự tin qua một tuyên bố rằng mặc dù tệ nạn tham nhũng và cán bộ hư hỏng đều có cả nhưng nhìn tổng quát thì đất nước chưa bao giờ được như thế này.
Từ Hoa Kỳ, Trưởng ban Thường vụ Đảng Dân Chủ Việt Nam, ông Võ Tấn Huân đánh giá về quá trình lãnh đạo đất nước của Đảng CSVN trong hơn 4 thập niên:
“Bên cạnh những tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam vẫn còn nhiều sự bất cập và lãnh đạo Đảng CSVN cầm quyền cần phải thay đổi và điều chỉnh nhanh hơn nữa cho xã hội phát triển một cách toàn diện và mạnh mẽ hơn. Và một trong những điểm chính là thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực dẫn đến sự độc quyền và lạm quyền, tuyên truyền sai sự thật cũng như nạn tham nhũng mà chúng ta đã thấy như ngày hôm nay. Như chúng tôi đã nêu rõ trong năm 2020 thì Việt Nam cần sớm tách biệt sự ảnh hưởng của đảng chính trị ra khỏi lĩnh vực kinh tế để xã hội có thể phát triển một cách công bằng và hiệu quả. Bên cạnh đó chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam luôn mong muốn được thế giới công nhận là một nước có nền kinh tế thị trường tự do. Do đó chúng tôi cho rằng mong muốn đó hoàn toàn đúng đắn và cần sớm trở nên hiện thực.”
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một thành viên của Đảng Việt Tân và từng trở về Việt Nam sinh sống và làm việc trong 20 năm, vào ngày 10/1 lên tiếng chia sẻ với RFA về những gì mà ông quan sát được:
“Trong thời gian 20 năm tôi ở Việt Nam, tôi đã có nhiều cơ hội tiếp xúc đặc biệt với giới trẻ và người dân. Theo đánh giá cảm quan của tôi thì tôi nghĩ rằng càng lúc người ta càng nhìn thấy xã hội Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Ngay ngày hôm nay, chắc mọi người cũng thấy một vấn đề rất lớn là vấn đề đất đai ở Đông Tâm. Chúng ta cũng không quên là chỉ có Đồng Tâm thôi mà còn có Dương Nội, Lộc Hưng và còn nhiều điểm nóng về đất đai nữa. Vấn đề đất đai chỉ là một vấn đề gây ra bức xúc trong người dân và sự bất mãn của người dân còn từ rất nhiều vấn đề nữa như vấn đề kinh tế, vấn đề tự do, vấn đề chênh lệch xã hội giàu nghèo…
Số người tạm gọi là bất mãn với chế độ thì họ không có dịp để bày tỏ, không có cơ hội để nói ra và không có điều kiện để liên kết lại với nhau. Nếu tất cả những việc này xảy ra ở nước ngoài, chắc chắn chúng ta sẽ thấy được sự phẫn nộ của người dân rất lớn chứ không phải như những gì chúng ta đang thấy ở Việt Nam đâu.”
Vào đầu tháng 2 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Vào giữa năm 2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh TP.HCM) cũng cho biết có đến 75% khiếu nại ở thành phố này liên quan nhà đất. Điển hình là vụ việc người dân ở Thủ Thiêm, quận 2 TP.HCM đã khiếu kiện trong hơn 2 thập niên mà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù giới chức lãnh đạo TP.HCM hứa hẹn giải quyết trong năm 2019. Hay mới đây nhất, vụ việc “Khủng hoảng Đồng Tâm” đã kéo dài hơn 2 năm qua và người dân Đồng Tâm đã gửi đơn khiếu nại lên cấp Trung ương nhưng kết quả là một cuộc đụng độ vũ lực giữa lực lượng vũ trang với dân chúng xã Đồng Tâm vào đêm rạng sáng 9/1, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng theo thông báo từ Bộ Công an.
<i>Theo đánh giá cảm quan của tôi thì tôi nghĩ rằng càng lúc người ta càng nhìn thấy xã hội Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Ngay ngày hôm nay, chắc mọi người cũng thấy một vấn đề rất lớn là vấn đề đất đai ở Đông Tâm. Chúng ta cũng không quên là chỉ có Đồng Tâm thôi mà còn có Dương Nội, Lộc Hưng và còn nhiều điểm nóng về đất đai nữa. Vấn đề đất đai chỉ là một vấn đề gây ra bức xúc trong người dân và sự bất mãn của người dân còn từ rất nhiều vấn đề nữa như vấn đề kinh tế, vấn đề tự do, vấn đề chênh lệch xã hội giàu nghèo…<br/>-Giáo sư Phạm Minh Hoàng</i>
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động dân chủ nhiều năm ở trong nước nhận định điều mất mát lớn nhất của Đảng CSVN sau 45 năm độc quyền lãnh đạo là:
“Đảng CSVN bị mất lớn nhất là mất lòng dân. Điều này đã được xác định rất rõ ràng qua cuộc thăm dò dư luận hồi năm 2012 do ông Nguyễn Phú Trọng tiến hành. Qua bản thăm dò do Ban Tuyên giáo thực hiện thì có đến 85% số người được hỏi đều bày tỏ bất bình và mất niềm tin vào Đảng CSVN do vấn đề tham nhũng và vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp. Đấy là cái mất lớn nhất đối với họ.”
Một báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng toàn cầu năm 2018, công bố hôm 29/1/19, đã xếp Việt Nam hạng 117, xuống 10 hạng so với năm trước đó.
Mới đây nhất, Ủy viên Bộ Chính trị- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, diễn ra vào ngày 10/1/2020 cho biết đã thi hành kỷ luật hàng ngàn tổ chức đảng, hàng vạn cấp ủy viên các cấp và xấp xỉ 55 ngàn đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Đảng CSVN phải thay đổi?
Đài RFA ghi nhận hồi tháng 5/2019, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra 3 câu hỏi quan trọng ở Hội nghị Trung ương 10 của ĐCSVN gồm:
1 - Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?
2 - Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?
3 - Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN không?
Trước những câu hỏi của ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra, giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng Đảng CSVN lãnh đạo đã nhìn nhận được vai trò lãnh đạo đất nước của họ cần phải cấp thiết điều chỉnh vì sự tồn vong của chế độ.
Trưởng ban Thường vụ Đảng Dân Chủ Việt Nam, ông Võ Tấn Huân khẳng định với RFA rằng "Đảng CSVN cần phải bắt đầu ngay và bắt đầu từ điều chỉnh tư duy và theo đó từng bước điều chỉnh cơ chế chính trị". Ông Võ Tấn Huân nhấn mạnh mặc dù bước đầu là sẽ khó, nhưng nếu không thực hiện thì sẽ không có những bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Gia Kiểng tiên liệu rằng năm 2020 là một năm rất lúng túng cho Đảng CSVN vì phải chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII trong những điều kiện khó khăn, không loại trừ khả năng hỗn loạn nội bộ trước tình thế diễn biến phức tạp trong khu vực và thế giới. Ông Nguyễn Gia Kiểng lý giải:
“Năm 2020 là năm rất bặc biệt do sự chuyển trục, nói nôm na là thoát Trung theo Mỹ và các nước dân chủ. Đầu tư nước ngoài đổ xô vào Việt Nam. Sự chú ý của quốc tế tập trung vào Việt Nam ở Biển Đông vì tầm quan trọng đặc biệt của khu vực biển này. Và do đó Việt Nam có thể có một ‘ánh sáng cuối đường hầm’ khi xã hội Việt Nam cho là Hoa Kỳ và các nước dân chủ vì quyền lợi chiến lược ở Biển Đông mà sẽ giúp đỡ cho Việt Nam. Và cuộc tranh hùng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các nước dân chủ sẽ càng ngày càng trở nên rõ rệt và căng thẳng hơn vì thế giới nhận ra rằng một khi Trung Quốc mạnh lên, tăng cường về quân sự và vẫn giữ nguyên chế độ độc tài thì sẽ là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Việt Nam ở trong vị trí địa lý chiến lược rất đặc biệt nên sẽ được hưởng sự trợ giúp của thế giới cho nên nhìn về tương lai thì Việt Nam có một cơ hội không thể để mất được. Đó là cơ hội thiết lập dân chủ bởi vì chọn lựa đi với các nước dân chủ cũng là chọn lựa từ bỏ chế độ cộng sản.”
Người sáng lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói rằng Đảng CSVN nên cân nhắc kỹ lưỡng về cơ hội không những thiết lập dân chủ cho đất nước mà còn có điều kiện để phát triển đất nước được giàu mạnh; đồng thời Đảng CSVN cũng cần lưu tâm về thiện chí của tất cả các cá nhân, tổ chức, đảng phái chính trị…vì mục tiêu chung cho việc phát triển đất nước Việt Nam hùng cường.
<i>Mô hình nhà nước chính danh, minh bạch hiệu quả là điều đất nước đang cần. Cho nên chúng ta cần phải xem con người là tài sản quý giá của quốc gia và xem trọng đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực thì mới xem trọng tình đồng bào tình tự dân tộc và từ cách nhìn như vậy thì mới có thể điều chỉnh tư duy và những giải pháp đưa ra cho phù hợp để xã hội và đất nước cùng đi tới mới là dấu ấn để lại cho đảng cầm quyền cũng như để lại cho tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam<br/>-Ông Võ Tấn Huân</i>
Trong Thông điệp 2020 của Đảng Dân Chủ Việt Nam phổ biến hôm 3/1, Đảng Dân Chủ Việt Nam cho biết sẵn sàng hợp tác với Đảng CSVN trong tinh thần xây dựng quốc gia. Ông Võ Tấn Huân diễn giải:
“Mô hình nhà nước chính danh, minh bạch hiệu quả là điều đất nước đang cần. Cho nên chúng ta cần phải xem con người là tài sản quý giá của quốc gia và xem trọng đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực thì mới xem trọng tình đồng bào tình tự dân tộc và từ cách nhìn như vậy thì mới có thể điều chỉnh tư duy và những giải pháp đưa ra cho phù hợp để xã hội và đất nước cùng đi tới mới là dấu ấn để lại cho đảng cầm quyền cũng như để lại cho tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam.”
Để kết thúc bài ghi nhận hạn hẹp này, chúng tôi xin mượn lời nhận định của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan-Tiến sĩ Đinh Hòang Thắng rằng năm 2020, một năm đánh dấu cột mốc lịch sử 45 năm Đảng CSVN lãnh đạo đất nước Việt Nam thống nhất và là năm với nhiều thách thức khi Việt Nam đứng ở vị thế trong mối quan hệ tay ba với Trung Quốc và Mỹ; do đó Việt Nam sẽ có cơ hội để chọn lựa và đưa ra quyết sách lãnh đạo quốc gia một cách hữu hiệu nhất tại Đại hội Đảng XIII.