Xử lý tin giả hay ‘bịt miệng’ đối lập?

0:00 / 0:00

Hơn chục ngày trước khi Đại Hội Đảng thứ 13 khai mạc, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông vào hôm 13 tháng 1 đã tăng cường hợp tác với mục tiêu được nói nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Đại hội Đảng và các sự kiện quan trọng của đất nước. Cụ thể, theo báo chí Nhà nước thì Bộ Tư lệnh 86 thuộc Bộ Quốc phòng và Cục An toàn Thông tin thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông đã ký kết Quy chế phối hợp công tác về an toàn thông tin không gian mạng.

Từ nhiều năm nay đã có sự phối hợp giữa Bộ Tư lệnh 86 và Cục An toàn Thông tin, như chia sẻ thông tin tấn công trang thông tin của nhà nước, phối hợp xử lý, đấu tranh với các hoạt động bị cho lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Việt Nam được xếp đứng hạng 7 trên thế giới về sử dụng mạng xã hội Facebook.
Việt Nam được xếp đứng hạng 7 trên thế giới về sử dụng mạng xã hội Facebook. (RFA)

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình thì việc ký kết quy chế ngày 13 tháng 1 là một sự nâng cấp trong chiến dịch kiểm soát thông tin trên không gian mạng của nhà nước. Ông chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn:

“Thường Bộ Quốc phòng không tham gia sâu về không gian mạng với cơ quan dân sự. Họ có tham gia đấu tranh chống diễn biến hòa bình. Họ có chương trình không gian mạng của họ nhưng là riêng quân đội. Vậy nên việc kết hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông như thế này là mới. Ý nghĩa của nó là tăng cường trong đấu tranh chống diễn biến hòa bình”.

Tại hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản toàn quân năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng những bài viết tuyên truyền đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chống diễn biến hòa bình, phòng chống ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ được các cơ quan báo chí tiếp tục duy trì tốt.

Ngày 12 tháng 1, Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương Trung tâm Xử lý Tin giả trên nền tảng trực tuyến để tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả. Truyền thông trong nước dẫn lời ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử, rằng Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam được xây dựng “để trở thành một trung tâm xử lý tin giả mang tính quốc gia, với sứ mệnh lan tỏa sự thật”.

Một số nhà báo mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc đều đồng ý với nhận định là tin giả trên không gian mạng trong nhiều năm qua đã trở thành một vấn nạn, không riêng gì ở Việt Nam, mà cả thể giới đang phải đương đầu đối phó. Thế nhưng họ tỏ vẻ không thuyết phục về chức năng của Trung tâm Xử lý Tin giả với mục tiêu “lan tỏa sự thật” như ông Lưu Đình Phúc đã nêu.

Ai định nghĩa sự thật?

Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh cho rằng việc xử lý tin giả là chính đáng, nhưng cần hiểu rõ, ai là người đứng ra định nghĩa thế nào là tin giả, thế nào là tin thật. Ông lập luận:

"Tôi nghĩ rằng mọi cái cần đúng thực chất của nó cho nên việc xử lý tin giả là cần thiết. Đó là điều thứ nhất. Ý thứ hai là, như thế nào là tin giả? Theo định nghĩa của họ tin giả là không do Đảng đưa ra. Chỉ có tin của Đảng đưa ra là tin thật. Thế nhưng khổ là trong thực tế, chính tin họ đưa ra mới là tin giả.

Ý thứ ba, là bây giờ mà nói chuyện nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra một cái gọi là xử lý tin giả thì tôi nghĩ rằng đó cũng là một công cụ để họ bịt miệng người khác bởi vì chúng ta thấy rằng, chẳng hạn như vừa qua, một số nhà báo độc lập và người đấu tranh cho dân chủ bị bắt, thì họ đều kết luận rằng những người đó đưa tin xuyên tạc, đưa tin sai sự thật rồi bôi xấu này kia. Thực chất khi mà họ nói thật thì nhà cầm quyền cho là tin giả. Còn khi nhà cầm quyền đưa tin giả thì họ cho là tin thật. Cái nguy hiểm ở Việt Nam là họ đảo luôn khái niệm, tin giả tin thật là vậy".

Ông Hùng Nguyễn, giảng viên báo chí kỹ thuật số tại Đại học Goldsmiths, University of London, chuyên về xác thực thông tin cho các kênh truyền thông, trong đó có BBC, ghi nhận về sự hữu hiệu của một Trung tâm xử lý tin giả của Bộ Thông tin và Truyền thông:

"Liệu có phải có một cơ quan nhà nước tham gia vào hoạt động đó không? Có lẽ câu trả lời là cũng chưa chắc. Vì bản thân các báo tôi theo dõi, tôi thấy ví dụ như TTXVN, họ cũng là cơ quan nhà nước, họ cũng đang làm việc đó cũng khá . H ọ có một số nhà lãnh đạo trẻ và khá năng động. Họ đã nhìn thấy trước vấn nạn tin giả, v à ngay từ đầu năm 2020 họ đã lên Tik Tok họ lập account mang tên là Fact Check VN. Account đó tôi có theo dõi, thấy họ làm cũng khá và k hông thấy có cái gì mà họ làm mà trang chống tin giả của Cục Phát thanh và Truyền hình lại khác biệt cả. Thành ra c ũng có thể nó có một sự chồng chéo mà không nhất thiết là cần thiết".

Ông ghi nhận thêm rằng thông tin giả cũng nhiều lúc đến từ cá nhân. Trường hợp này, một trung tâm để xử lý tin giả trên lý thuyết có tác dụng của nó nếu triển khai theo đúng mục tiêu được đề ra. Ông giải thích:

"Chúng ta đều biết trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa rồi, những tin sai sự thật mà được lan truyền lại chính từ người từ Việt Nam chứ không phải từ Mỹ. Dĩ nhiên từ Mỹ hiển nhiên là nhiều, vì nó là chuyện của Mỹ mà. Thế nhưng mà có một nhóm rất là cuồng nhiệt trong việc lan tỏa thông tin không đúng lại là những người ở Việt Nam , m à không phải là họ không biết gì đâu , m à là những người cũng có tiếng, phải nói là về mặt trình độ học thức cũng không phải là kém. Thế nhưng mà có thể do định kiến sẵn có của họ nên họ sẵn sàng đưa những tin mà trên thực tế không chính xác. Bởi vậy thì Trung tâm chống tin giả cũng có cách đề làm việc khác đi, nhưng đúng có một sự trùng với những gì mà các hãng tin đã làm rồi, thì liệu mình có cần thêm một trung tâm xử lý thông tin giả lấy tiền thuế của nhà nước ra để làm một việc tương tư hay không ".

“Cái quan trọng nhất có lẽ là nguồn tin. Chẳng hạn như nguồn chưa chắc đáng tin cậy, ít nghe tới, nguồn mới được thành lập cách đây khoảng độ sáu tháng, thì độ tin cậy rất ít. Ở Việt Nam nữa, một số tin nhất định, như các tin chính trị thì nguồn nhà nước cũng cần phải kiểm chứng. Thứ hai, khi nói đến video và ảnh, thì mình phải đặt câu hỏi ảnh đó có bị photoshop không? Ảnh đó có đúng ở đúng địa điểm mà họ nói không hay được chụp ở một chỗ khác rồi mang đến địa điểm mới. Video cũng vậy, bây giờ còn có nạn deepfake, người ta dùng trí tuệ nhân tạo để người ta làm ra những cái thứ giả mà rất ấn tượng. Tất cả những cái đó đều rất khó, và đòi hỏi chúng ta xử lý thông tin chậm hơn”. - Hùng Nguyễn

Cần kiểm chứng Cơ quan Kiểm chứng?

Câu trả lời là chưa chắc cần thiết, ông nói, vì trung tâm xử lý tin giả không có chức năng hơn những gì báo chí Nhà nước có thể làm, ngược lại cũng phải chịu sự kiểm soát độc đảng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Hoàn toàn có nguy cơ là Trung tâm chống tin giả đó có thể bản thân họ sẽ lại đưa những tin mà không hoàn toàn là khách quan. Cái đấy thì rất rõ bởi vì tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam đều phải chịu sự kiểm soát chung của nhà nước, và khó có thể đưa tin trái ngược với những gì họ được phép. Bởi vậy, không phải tất cả cái gì họ kiểm chứng và đưa ra thì chúng ta có thể tin được 100% là sự thật, nhất là những cái gì mà nó có liên quan trực tiếp đến chính quyền, chẳng hạn như lực lượng công an, chẳng hạn liên quan đến các bộ, các ngành.

Và đấy cũng là điều hơi trớ trêu là chính các hãng tin có nhiều lúc đưa tin sai, có nhiều lúc buộc phải đưa tin sai , c ó nhiều lúc không giám kiểm chứng . Chẳng hạn như khi công an họ đưa ra điều gì , t rong một số trường hợp nhạy cảm chính trị thì các báo chí cũng đâu có dám kiểm chứng gì đâu. Có đưa ra cái gì thì cứ thế mà đăng thôi , không dám hỏi vận lại. Bởi vậy trong một số lĩnh vực nhất định có lẽ chúng ta cũng phải kiểm chứng thêm cả các nguồn khác nữa đề mà kiểm chứng các cơ quan kiểm chứng nữa ".

Khi lướt qua trang mạng của Trung tâm xử lý tin giả, độc giả không chỉ thấy những bản tin được cơ quan này “đóng dấu” là “tin giả”, mà trung tâm còn có cả trang tiếp nhận phản ánh tin giả cũng như ghi rất lớn số điện thoại.

Theo nhà báo, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, thì đây cũng là chiêu bài để gây thêm hoang man trong cư dân mạng.

"Thực chất là h ọ muốn lũng đoạn mạng xã hội và phương tiện nào mà người dân có thể lên tiếng được. Ta phải định nghĩa ở đây giả có nghĩa là không đúng ý với đảng. Chứ giả không có nghĩa là không đúng sự thật".

Làm sao để nhận diện tin giả?

Các nhà báo nhận xét, việc nhận diện tin giả ngày càng khó với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, cũng như phần mềm có thể giúp tạo hình ảnh hoặc video giả.

Giáo viên Hùng Nguyễn chia sẻ bốn yếu tố để giúp độc giả nhận diện:

"Cái quan trọng nhất có lẽ là nguồn tin. Chẳng hạn như nguồn chưa chắc đáng tin cậy, ít nghe tới, nguồn mới được thành lập cách đây khoảng độ sáu tháng, thì độ tin cậy rất ít. Ở Việt Nam nữa, một số tin nhất định, như các tin chính trị thì nguồn nhà nước cũng cần phải kiểm chứng. Thứ hai, khi nói đến video và ảnh, thì mình phải đặt câu hỏi ảnh đó có bị photoshop không? Ảnh đó có đúng ở đúng địa điểm mà họ nói không hay được chụp ở một chỗ khác rồi mang đến địa điểm mới. Video cũng vậy, b ây giờ còn có nạn deepfake, người ta dùng trí tuệ nhân tạo để người ta làm ra những cái thứ giả mà rất ấn tượng. Tất cả những cái đó đều rất khó, và đòi hỏi chúng ta xử lý thông tin chậm hơn".

Và yếu tố cuối cùng giúp đọc giả đánh giá thông tin, ông nhấn mạnh, là nhận thức về mục tiêu của tác giả bài viết hay sản phẩm thông tin.