Báo chí Việt Nam hôm 11/10 đồng loạt đăng tải cảnh báo của các nhà khoa học dự báo tốc độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ tăng thuộc hàng nhanh nhất thế giới và Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ ‘giai đoạn già hóa dân số’ sang ‘giai đoạn dân số già’.
Tỉ suất sinh giảm hay tuổi thọ tăng
Theo cổng thông tin chính phủ, giai đoạn ‘dân số già’ còn gọi là giai đoạn ‘dân số đã già’, là khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số. Còn ‘giai đoạn già hóa dân số’ là sự gia tăng độ tuổi trung vị của dân số một vùng do tỷ suất sinh giảm và/hoặc tuổi thọ trung bình tăng.
Vào năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên trên tổng dân số tăng lên với tốc độ nhanh chóng, từ 8,1% năm 1999 lên 8,6% 2009, và hiện nay là khoảng 12%, tương đương khoảng 11,9 triệu người.
Tất nhiên văn hóa VN là trọng người già, như là một cái phúc cho gia đình, ai cũng mong muốn như vậy. Tuy nhiên ta phải hiểu rằng người già không có sức lao động như người trẻ, và người già thì cần được chăm sóc, như vậy những gánh nặng đó sẽ được dồn vào thanh niên.<br/>-TS. Phạm Quỳnh Hương
Liên quan vấn đề này, nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hôm 11/10, đưa ra nhận định với RFA:
“Tỷ lệ dân số già tăng lên sẽ là gánh nặng về kinh tế cũng như chăm sóc người già. Tất nhiên văn hóa VN là trọng người già, như là một cái phúc cho gia đình, ai cũng mong muốn như vậy. Tuy nhiên ta phải hiểu rằng người già không có sức lao động như người trẻ, và người già thì cần được chăm sóc, như vậy những gánh nặng đó sẽ được dồn vào thanh niên.”
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, khi tỷ lệ dân số trẻ nhiều thì gánh nặng đó không nhiều nhưng khi tỷ lệ dân số già tăng lên thì số người trẻ phải gánh vát cho người già sẽ tăng, đè nặng lên vai thanh niên hiện nay và trong vài thập niên tới. Ngoài việc xu hướng chậm sinh con trong giới trẻ, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương giải thích thêm vì sao tỷ lệ dân số già tăng lên nhanh chóng:
“Nhìn chung, đó là do điều kiện kinh tế và y tế tốt lên thì tuổi thọ cũng tăng lên. Ở VN hiện nay dù kinh tế và y tế có tốt hơn trước kia, nhưng để mà chăm sóc cho tỷ lệ người già cao như thế này thì chưa đáp ứng được nhu cầu. Trước đây chăm sóc người già do gia đình và cộng đồng, nhưng trong xã hội hiện đại thì xã hội sẽ phải gánh phần lớn, từ vai con cháu sẽ chuyển sang các tổ chức xã hội. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay thì những tiết chế như thế chưa phát triển. Chính vì thế gánh nặng gia đình chăm sóc, cộng đồng chăm sóc ngày càng nặng hơn.”
Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người già tăng vọt như vậy là do tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76,6 tuổi hiện nay. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là tỷ lệ sinh giảm do chính sách hai con được thực hiện tại Việt Nam lần đầu năm 1960 ở miền Bắc là lần thứ hai vào năm 1990.
Cần giải bài toán an sinh xã hội
Giải bài toán dân số là vấn đề cần thiết hiện nay tuy nhiên liệu lãnh đạo VN có nhận ra được những thách thức lớn và hệ lụy về kinh tế, xã hội khi lực lượng lao động suy giảm và ngân sách phải tăng cho vấn đề an sinh xã hội?
Trao đổi với RFA hôm 11/10, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Viện Xã hội học VN, nhận định:
“Chắc chắn các nhà quản trị đất nước cũng đã thấy rồi, đã chuẩn bị để thích ứng, dù những giải pháp không hẳn là tích cực, chẳng hạn như chuẩn bị cho người cao tuổi không chỉ là lực lượng trí tuệ của cộng đồng mà còn tiếp tục là lực lượng sản xuất. Bằng chứng là đang tìm cách kéo dãn tuổi nghỉ hưu. Chuẩn bị kịch bản tái thiết kinh tế để thích ứng với tình hình đó, phải có những hoạt động cấp tốc, tập trung tối đa, như để giảm dân số già thì tích cực đào tạo cho người lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu việc làm cho toàn xã hội…”
Theo Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, Việt Nam không tận dụng được kỷ nguyên dân số vàng vì chuyển rất nhanh từ dân số trẻ sang dân số già, và người già Việt Nam hiện vẫn tự bươn chải kiếm sống, người già ở Việt Nam, những người có trí thức, có kỹ năng lao động thì hầu hết họ tự bươn chải. Lương chính thức của xã hội Việt Nam thấp nên người già đến tuổi nghỉ hưu vẫn phải làm.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, tính đến nay đã gần 10 năm, trên thực tế hiện nay người cao tuổi về hưu ở Việt Nam được hỗ trợ gì từ chính phủ? Để tìm hiểm thêm, RFA liên lạc Ông Nguyễn Đình Hòa, một cán bộ đã nghỉ hưu ở Hà Nội, và được ông cho biết về những trợ giúp cho người già, cán bộ nghỉ hưu mà ông đang được nhận:
“Nói chung những người về hưu ở đây được chăm sóc sức khỏe là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… và đồng lương… thế thôi. Ngoài ra có chăm sóc gì đâu. Nếu là về hưu thì được 100% bảo hiểm y tế, nhưng bảo hiểm y tế VN thì chỉ phát đơn thuốc theo bảo hiểm thôi, bị các bệnh hiểm nghèo thì hầu như mua thuốc ngoài hết, chả có gì ưu tiên cả. Ngoài ra ở Hà Nội thì người trên 60 tuổi được đi xe buýt miễn phí trong 5 năm… nhưng già rồi đi đâu mà miễn phí… Ngoài đồng lương hưu họ còn bắt người già phải ủng hộ lũ lụt, 27/7, gia đình khó khăn…”
Ở Hà Nội thì người trên 60 tuổi được đi xe buýt miễn phí trong 5 năm… nhưng già rồi đi đâu mà miễn phí… Ngoài đồng lương hưu họ còn bắt người già phải ủng hộ lũ lụt, 27/7, gia đình khó khăn…<br/>-Nguyễn Đình Hòa
Theo một thống kê khác của The Economist thì ở Việt Nam hiện nay, lớp người trên 60 tuổi đang chiếm tỷ lệ khoảng 12% dân số, và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên mức 21% vào năm 2040, một trong những tỷ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới.
Một người dân ở Sài Gòn, hôm 11/10 chia sẻ với RFA về cuộc sống của những người cao tuổi trong gia đình anh:
“Nhà tôi ở Sài Gòn, tổng số người già nhà tôi có 4 người, cùng hộ khẩu thì có 3 người già, ba người già nhà tôi thì đều trên 80 tuổi, đều được trợ cấp của chính phủ như tiền già trên 80 tuổi thì được ba trăm mấy chục ngàn một tháng, ngoài ra còn có bảo hiểm y tế miễm phí, không phải trả gì hết. Tất nhiên những yêu cầu riêng như phòng lạnh thì mình phải trả, còn tiền thuốc bình dân hay nằm viện bình dân theo kiểu chung phòng, chung giường thì miễn phí. Tất nhiên những thuốc mạnh thì mình phải tự mua. Nếu mà không có tiền để dành hay không có con cái lương cao, thì với ba trăm mấy mỗi tháng chỉ đủ ăn xôi mỗi sáng thôi.”
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, để chuẩn bị đối phó những thách thức và hệ lụy liên quan dân số già, VN cần học kinh nghiệm của các nước đi trước. Trong đó phải đặc biệt quan tâm đến các quỹ như bảo trợ xã hội, quỹ lương hưu cho người già, quỹ chăm sóc người già, nhà dưỡng lão…
Việt Nam chỉ đơn giản là học hỏi theo thôi nhưng cần phải có chính sách thích hợp… Tuy nhiên bà lo lắng, liệu nghiên cứu xong thì nhà nước có đưa vào chính sách được hay không? Và năng lực về kinh tế của Việt Nam có đáp ứng được hay không? Vì theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, cần rất nhiều tài chính để cho các quỹ chăm sóc người già này hoạt động. Và, tất nhiên điều đó đồng nghĩa với việc nhà nước VN phải tăng ngân sách cho vấn đề an sinh xã hội, trong khi ngân sách mỗi năm đều bội chi…!