Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, đã công bố quy hoạch tổng thể trí tuệ nhân tạo của Việt Nam ngay trước thềm Quốc hội triệu tập vào tuần này, khi ban lãnh đạo mới được bầu tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng Giêng ra mắt. Tờ Nikkei Asia đưa tin như vừa nêu vào ngày 23/3.
Trước đó, vào ngày 26/1/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Quyết định 127 có chỉ rõ rằng, trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Trí tuệ nhân tạo nhất thiết phải được vận dụng ở Việt Nam vì trí tuệ nhân tạo là nhân tố rất quan trọng của kinh tế số hóa và việc vận dụng các công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. – TS. Lê Đăng Doanh
Trao đổi với RFA tối 24/3, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định:
“Trí tuệ nhân tạo nhất thiết phải được vận dụng ở Việt Nam vì trí tuệ nhân tạo là nhân tố rất quan trọng của kinh tế số hóa và việc vận dụng các công nghệ tiên tiến vào Việt Nam.
Nếu vận dụng trí tuệ nhân tạo có thể tăng thêm năng suất lao động của rất nhiều công việc.
Vấn đề ở đây là trí tuệ nhân tạo không phải chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn vì trí tuệ nhân tạo có thể sẽ thay thế sẽ thay thế chỗ làm việc của một loạt những lao động nguy hiểm như trong hầm lò hay độc hại, hoặc lao động lặp đi lặp lại trong ngày như ngành dệt may, da giày. Đấy là những cái thách thức rất lớn mà Việt Nam sẽ cần phải kết hợp vận dụng trí tuệ lao động với việc nâng cao chất lượng người lao động ở Việt Nam.”
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, khi kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo mục tiêu được đề ra, Việt Nam sẽ đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Cụ thể, Hà Nội sẽ vào top 4 ASEAN và 50 nước hàng đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nhận xét về tình hình phát triển công nghệ tại Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Điện-Điện tử và Tin học TP.HCM, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM cho rằng cách mạng công nghiệp thứ tư Việt Nam vẫn không làm được gì thì ông không hy vọng gì ở phát triển trí tuệ nhân tạo.
Vẫn theo TS. Nguyễn Bách Phúc, tất cả những cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, thứ hai, thứ ba đến nay Việt Nam vẫn chưa làm được gì, thuộc loại thấp nhất thế giới thì làm sao làm được cách mạng công nghiệp thứ tư.
Theo nội dung Nikkei dẫn tài liệu và đăng tải, “chiến lược Cách mạng Công nghiệp thứ tư của Việt Nam, hay còn gọi là Công nghiệp 4.0, là phát triển các sản phẩm và dịch vụ AI mà đất nước đã có với lợi thế cạnh tranh hơn trên toàn cầu”.
Theo TS. Nguyễn Bách Phúc, nội dung vừa nêu mang tính lạc quan nhưng chưa thực tế. Ông lập luận:
“Thử hỏi Việt Nam có trí tuệ nhân tạo nào chưa mà dám nói lợi thế trên toàn cầu?
Bây giờ những nước mạnh nhất là Nhật, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Thụy Điển, Đức, Pháp cũng không dám nói là họ lợi thế trên toàn cầu. Thật ra họ chỉ mới làm được mấy trò chơi, còn ứng dụng vào công nghiệp dùng trí tuệ nhân tạo thì đã làm được gì.
Bây giờ, mấy nước đó đang cố gắng thí nghiệm ứng dụng cụ thể là xe ô tô tự lái mà cũng chỉ mới trong quá trình thí nghiệm.”
Chính phủ Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn trí tuệ nhân tạo sẽ nâng cao năng suất của khu vực công, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến để giảm thời gian xử lý và chờ đợi, số lượng công chức và các chi phí khác.
Bên cạnh đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tăng cường an ninh quốc gia cũng là mục tiêu cao trong chương trình nghị sự.
TS. Nguyễn Bách Phúc cho rằng có sự nhầm lẫn trong mục tiêu vừa nêu vì những nguyên nhân sau:
“Dịch vụ công mà ở Việt Nam gọi là chính phủ điện tử không phải là trí tuệ nhân tạo, nó hoàn toàn là một chương trình máy tính, chương trình IT, chỉ là một chương trình phần mềm máy tính giống như tất cả chương trình phần mềm máy tính khác.
Nó là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba, nên gán cái đó vào trí tuệ nhân tạo là không đúng.”
Theo TS. Nguyễn Bách Phúc, Chính phủ điện tử Việt Nam mới làm vài năm nay và vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh, can thiệp.
Do đó, TS. Nguyễn Bách Phúc nhận định:
"Chính phủ điện tử Việt Nam đi sau chính phủ điện tử các nước tiên tiến, đó là nói hiện tại. Trong khi các nước tiên tiến còn chẳng nói đến trí tuệ nhân tạo với chính phủ điện tử của họ thì mình làm sao vượt lên trên họ được."
Dịch vụ công mà ở Việt Nam gọi là chính phủ điện tử không phải là trí tuệ nhân tạo, nó hoàn toàn là một chương trình máy tính, chương trình IT, chỉ là một chương trình phần mềm máy tính giống như tất cả chương trình phần mềm máy tính khác. - TS. Nguyễn Bách Phúc
Trong kế hoạch đề ra, Chính phủ Hà Nội có nhắm đến mục tiêu xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực, phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao, kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời, đến năm 2030 sẽ hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Hiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho 16 Bộ cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu về những nội dung được đưa ra trong Quyết định 127 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo.