AirVisual biến mất và trở lại
Vào tối ngày 8/10, ứng dụng quan trắc chất lượng không khí AirVisual đã cho phép người Việt tải lại app này sau khi tạm dừng 2 ngày do nhận được những tin nhắn đe dọa, xúc phạm trên mạng xã hội.
Đây cũng là vấn đề thuộc dạng cốt lõi của xã hội VN. Khi người nổi tiếng có quyền lực, nhưng thiếu khả năng, giống ở VN hay nói, ngu dốt cộng nhiệt tình thì thành phá hoại. Và chúng ta đã thấy kết quả. - Dưa Leo
AirVisual là hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới được thu thập từ các trạm quan trắc không khí của nhiều chính phủ và tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu. Riêng tại Hà Nội, IQAir AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm có 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và các tổ chức phi chính phủ. Tại TP HCM, AirVisual có dữ liệu từ 7 trạm gồm Lãnh sự quán Mỹ và các tổ chức phi chính phủ.
Ứng dụng này được đánh giá cao về độ chính xác và được rất nhiều người Việt tải về điện thoại trong thời gian vừa qua.
Trước đó vào tối ngày 6/10, nhiều người dùng Việt cho biết họ không thể tải ứng dụng AirVisual cho người thân với dòng nhắn "Mục này không có sẵn ở quốc gia của bạn". Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể theo dõi chỉ số đo lường chất lượng không khí trên trang web của AirVisual.
Thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội (MXH) và các diễn đàn kèm theo ảnh chụp màn hình từ bài viết của Facebook Vũ Khắc Ngọc, với những lập luận của ông cho rằng người Việt đang bị dẫn dắt trước những thông tin không chính xác từ AirVisual, nhất là khi ứng dụng này xếp hạng Hà Nội dẫn đầu danh sách thành phố ô nhiễm không khí. Facebooker Vũ Khắc Ngọc bình luận rằng thông tin sai lệch của AirVisual sẽ làm tổn hại đến du lịch Việt Nam, nên ông thúc giục mọi người đánh giá xấu cho phần mềm đó, đồng thời không nên sử dụng ứng dụng này nữa.
Đáng chú ý, vụ việc lần này tuy xảy ra ở Việt Nam những đã được các hãng thông tấn lớn ở nước ngoài như Reuters, AFP và The New York Times loan tin vào ngày 7/10. Trong đó, cả AFP và Reuters đều viết rõ rằng “Cuộc tấn công này xuất hiện sau khi một Facebook người Việt với tài khoản Vũ Khắc Ngọc, một thầy giáo dạy Hóa trực tuyến với 350.000 người theo dõi trên Facebook, trong một bài viết rất dài, đã cáo buộc AirVisual tự thao túng dữ liệu của họ để bán máy lọc không khí do công ty mẹ của họ là IQair sản xuất.”
Theo bà Lousie Watt, Giám đốc PR và Truyền thông của Công ty IQAir (đơn vị sáng lập và điều hành AirVisual), thì việc chặn app AirVisual ở Việt Nam là do có quá nhiều tài khoản từ Việt Nam vào đánh giá 1 sao nên bên bà quyết định tạm dừng cung cấp ứng dụng cho tài khoản Việt.
Nhận xét về sự việc này, một bạn trẻ hiện đang ở Sài Gòn cho biết:
“Em nghĩ đấy là một dấu hiện không tốt khi người ta đã làm ra một cái app để đo sự ô nhiễm thì mình sẽ biết nơi nào cần tránh chỗ ô nhiễm đấy ra, tốt cho sức khỏe của mình thì mình lại đi report, làm app đó không ứng dụng ở Việt Nam được nữa.”
Trao đổi với RFA qua Facebook Messenger, diễn viên hài độc thoại Dưa Leo cho rằng:
“Chuyện này là chuyện bình thường ở VN. Một người nổi tiếng kêu gọi fan vote 5 sao hay vote 1 sao rất phổ biến hiện tại. Nhưng đây cũng là vấn đề thuộc dạng cốt lõi của xã hội VN. Khi người nổi tiếng có quyền lực, nhưng thiếu khả năng, giống ở VN hay nói, ngu dốt cộng nhiệt tình thì thành phá hoại. Và chúng ta đã thấy kết quả.”
Trong khi đó, một người dân khác hiện cũng đang sống tại Sài Gòn lại dí dỏm bày tỏ sự bất đồng ý kiến với những người làm theo lời ông Vũ Khắc Ngọc:
"Việt Nam ở trên mạng có một câu rất vui là không đánh 1* không phải Việt Nam. "
Phía IQAir sau đó đã có những bài viết trả lời báo chí Việt Nam, cho biết chỉ số đo chất lượng không khí mà ứng dụng này đăng tải được tính toán theo công thức tính AQI của Mỹ và trình bày dữ liệu theo thời gian thực, không sử dụng phương pháp tổng hợp dữ liệu trong 24 giờ rồi lấy giá trị trung bình. Đối với chỉ số AQI đại diện của một thành phố, AirVisual lấy giá trị trung bình của các điểm quan trắc mà IQAir có.
Trước những lý giải rõ ràng mà IQAir cung cấp, cộng thêm hàng loạt phản đối từ phía người dân cũng như vụ việc được truyền thông trong và ngoài nước đăng tải rộng rãi, ngày 8/10, ông Vũ Khắc Ngọc đã tháo bài viết của mình xuống, đồng thời gửi lời xin lỗi công khai đến ‘Đội ngũ Phát triển AirVisual’ cũng như không quên đánh giá 5* và chào mừng ứng dụng này trở lại thị trường Việt Nam.
Chính phủ vẫn im lặng
Trong tháng 9 vừa qua, nồng độ bụi PA2.5 ở Hà Nội đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây và Tổng cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường đã khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Những lùm xùm xung quanh việc đánh giá kết quả không khí của Hà Nội qua ứng dụng quan trắc môi trường AirVisual trong những ngày qua không khiến giới chức Hà Nội lên tiếng bày tỏ thái độ đồng ý hay phủ nhận kết quả xếp hạng. Trong khi đó người dân vẫn tiếp tục hoang mang về tính xác thực của mức độ ô nhiễm không khí tại đất nước mình đang sống khi trên các bảng thông báo tình trạng không khí được chính quyền lắp đặt trên các tuyến đường vẫn hiện lên dòng chữ: chất lượng không khí tốt.
Một bạn nam hiện đang ở Sài Gòn bày tỏ sự thất vọng:
Việc bưng bít thông tin đó là một điều phi nhân đạo vì chúng ta cần sống trong một xã hội, đất nước và môi trường mình phải biết được mình đang bị gì. Có thể chúng ta không được bảo vệ từ những cơ quan, nhà thẩm quyền nhưng chúng ta cần phải biết để tự bảo vệ mình. - Người dân
" Em cảm thấy việc bưng bít thông tin đó là một điều phi nhân đạo vì chúng ta cần sống trong một xã hội, đất nước và môi trường mình phải biết được mình đang bị gì. Có thể chúng ta không được bảo vệ từ những cơ quan, nhà thẩm quyền nhưng chúng ta cần phải biết để tự bảo vệ mình. "
Một bạn trẻ khác cũng đồng ý với quan điểm vừa nêu:
" Việt Nam mình về vấn đề đấy thì khá kém, em cảm giác là họ chưa chú trọng ô nhiễm môi tường, bụi mịn. Trong khi các quốc gia khác cảnh báo, cho học sinh, trẻ em nghỉ học ở trong nhà để tránh khói bụi thì Việt Nam mình vẫn chưa có biện pháp nào để giảm thiểu hay để tránh. "
Đồng suy nghĩ như trên, một bạn nam khác cho rằng việc chính phủ không quan tâm đến dân đã có từ xưa nay:
" Việc đợi đến mức ô nhiễm bây giờ là mức báo động đỏ mới được thông báo đến dân đã là quá muộn và những hành động như trồng cây xanh, giảm thiểu lượng rác nhựa bây giờ cũng là đáng để báo động, là chậm rồi. Những nhà máy lớn ở Sài Gòn vẫn đang giữa lòng thành phố: những nhà máy lớn, những ống xả cực kỳ lớn vẫn đang nằm giữa lòng thành phố và khói rất nhiều mà chính phủ không có biện pháp ngăn chặn, thậm chí ủng hộ vì họ quan tâm đến lợi nhuận và kinh tế nhiều hơn môi trường."
Không chỉ riêng VN, 92% dân số khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phải hứng chịu ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, giới chức nhiều nước trong đó có Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hongkong đã đầu tư nhiều biện pháp như dùng máy bay không người lái phun nước, làm mưa nhân tạo, máy lọc không khí đặt ngoài trời để cải thiện chất lượng không khí. Còn ở VN, giới chức lãnh đạo đang dùng quyền “im lặng” để người dân tự lo...