Quốc hội Việt Nam chưa đưa quy định “uống rượu bia không lái xe” vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do dưới 50% Đại biểu bỏ phiếu không thông qua vào ngày 3 tháng 6.
Dưới 50% phiếu thông qua
Đại biểu Quốc hội, vào ngày 3 tháng 6, tiến hành bỏ phiếu cho việc đưa Quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn” vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Hai phương án được đề xuất cho việc bỏ phiếu bao gồm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định và cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.
Cuộc bỏ phiếu phải thực hiện hai lần vì do lỗi kỹ thuật, và kết quả của cả hai lần đều không quá 50% số phiếu thông qua.
Quốc hội cho biết theo quy định khi không đạt 50% thì không được bổ sung vào dự thảo luật.
Bác sĩ Trần Tuấn, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, là người dốc sức tham gia gửi thư kiến nghị đến Quốc hội, kêu gọi đặc biệt quan tâm đúng mức đến việc xem xét và thông qua Dự luật rượu, bia cho biết ông rất thất vọng trước kết quả bỏ phiếu này. Bác sĩ Trần Tuấn chia sẻ:
“Với một kết quả biểu quyết như vậy thì có thể thấy rằng trong kỳ họp Quốc hội lần này, số Đại biểu không quan tâm tình hình thực tế của đất nước, tức là gần nhất trong tháng vừa rồi thôi đã xảy ra một loạt các vụ tai nạn ngay tại Hà Nội bởi do lái xe mà uống rượu bia gây ra, thế mà vẫn có thể biểu quyết được như vậy. Trong khi các nước xung quanh hoặc là đi ra nước ngoài thì thấy rằng việc kiểm soát bia rượu liên quan đến lái xe rất chặt chẽ, thậm chí họ coi đó là tội ác. Vậy mà ở Việt Nam có đến non nửa Đại biểu Quốc hội không nhất trí đưa vào luật để kiểm soát thì tôi cho rằng thật sự nhóm người đó nếu không nói là vô tâm, vô cảm thì chắc là có liên quan đến lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia.”
<i>Với một kết quả biểu quyết như vậy thì có thể thấy rằng trong kỳ họp Quốc hội lần này, số Đại biểu không quan tâm tình hình thực tế của đất nước, tức là gần nhất trong tháng vừa rồi thôi đã xảy ra một loạt các vụ tai nạn ngay tại Hà Nội bởi do lái xe mà uống rượu bia gây ra, thế mà vẫn có thể biểu quyết được như vậy. Trong khi các nước xung quanh hoặc là đi ra nước ngoài thì thấy rằng việc kiểm soát bia rượu liên quan đến lái xe rất chặt chẽ, thậm chí họ coi đó là tội ác. Vậy mà ở Việt Nam có đến non nửa Đại biểu Quốc hội không nhất trí đưa vào luật để kiểm soát thì tôi cho rằng thật sự nhóm người đó nếu không nói là vô tâm, vô cảm thì chắc là có liên quan đến lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia<br/>-Bác sĩ Trần Tuấn</i>
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong năm 2018, tại Việt Nam đã xảy ra hơn 18 ngàn vụ tai nạn giao thông, trong đó chiếm đến 70% số vụ tai nạn giao thông là do lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông khiến cho 8.125 người thiệt mạng và 14.194 người bị thương nặng nhẹ.
Còn theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phổ biến hồi năm 2016 cho biết khi khảo sát hơn 18 ngàn nạn nhân tai nạn giao thông tại Việt Nam thì có đến 36,5% người điều khiển xe máy và 66,8% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. WHO xếp hạng Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỷ lệ 26,1/100.000 người.
Đài RFA ghi nhận qua các số liệu vừa nêu, không ít tiếng nói của cử tri và dư luận kêu gọi Quốc hội gia tăng biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn để hạn chế tối đa những hậu quả do tác hại của việc uống bia rượu gây ra, như cấm lái xe khi uống bia rượu. Tuy nhiên, với kết quả bỏ phiếu dưới 50% thông qua của các Đại biểu Quốc hội cũng nhận được sự đồng thuận. Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên lý giải:
“Phần lớn những người không bỏ phiếu (thông qua) là người hiểu biết vì họ không để luật chồng luật vì ở đây nằm trong mục tác dụng và tác hại của thực phẩm. Còn nói về quy định của Luật Giao thông đường bộ thì đã có luật quy định cấm các tài xế như thế nào rồi mà.”
Luật Giao thông đường bộ năm 2018, Khoản 8, Điều 8 quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Mức phạt khác nhau từ 2-3 triệu đồng cho đến 30 triệu đồng khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở và khi vượt quá mức quy định này cho tới mức vượt hơn 80mg/100ml máu hoặc 0,4mg/1 lít khí thở.
Quốc hội không phải không muốn xử phạt
Trong vai trò điều hành phiên chất vấn vào ngày 4 tháng 6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng giải thích rằng không phải Quốc hội không muốn xử phạt lái xe uống rượu bia, với kết quả bỏ phiếu dưới 50% mà luật hiện hành đã có quy định xử phạt người lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên đồng thuận với Quốc hội thì với tình trạng nhũng nhiễu, ăn hối lộ của cảnh sát giao thông góp phần làm cho việc thực hiện luật định không hiệu quả:
"Thật sự dân nhậu ở Việt Nam trong tiềm thức không coi cảnh sát giao thông ra gì và không nghiêm túc tuân thủ luật lệ giao thông nên lúc xỉn thì làm càng luôn. Lực lượng giao thông làm cho ý thức của người chuẩn bị nhậu thấy rằng chuyện đó là bình thường, vất cho cảnh sát giao thông tiền thì được đi ngay."
<i>Phần lớn những người không bỏ phiếu (thông qua) là người hiểu biết vì họ không để luật chồng luật vì ở đây nằm trong mục tác dụng và tác hại của thực phẩm. Còn nói về quy định của Luật Giao thông đường bộ thì đã có luật quy định cấm các tài xế như thế nào rồi mà<br/>-Một người dân</i>
Còn theo quan điểm cá nhân của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) và Thành viên Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thì ông cho rằng Quốc hội cần thiết luật hóa quy định cấm lái xe khi uống rượu bia. Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh:
“Tôi rất lấy làm tiếc khi Quốc hội chưa thông qua hai phương án trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo quan điểm của tôi, việc đã uống rượu bia thì không lái xe. Tôi thấy ở các nước họ chế tài rất mạnh bởi vì trước tay lái của họ là mạng sống của rất nhiều người. Do đó, chỉ có một nguyên tắc là khi uống rượu bia là không làm chủ được tốc độ cho nên tôi cho rằng cần có một thời gian để các Đại biểu Quốc hội hiểu được điều đó. Tôi nghĩ rằng nếu thông qua điều luật uống rượu bia không lái xe thì mới đảm bảo sự an toàn cho người dân khi tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là trên đường cao tốc.”
Trong khi đó, không ít ý kiến trong dư luận cho rằng lời kêu gọi của ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Quốc gia rằng cả xã hội cùng chung tay thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu bia, không lái xe” để hạn chế tai nạn giao thông sẽ vô tác dụng khi Quốc hội Việt Nam đã không đưa vào luật quy định này.