Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa

Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia ở Việt Nam hôm qua tiếp nhận tấm bản đồ cổ có tên Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Toàn Đồ, do nhà Thanh bên Trung Quốc xuất bản từ năm 1904, cho thấy lãnh hải Trung Quốc chấm dứt ở vùng cực Nam đảo Hải Nam chứ không vươn ra tới Hoàng Sa và Trường Sa.

0:00 / 0:00

Người hiến tặng tấm bản đồ này là tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, trước làm trưởng phòng tư liệu thư viện trong Viện Hán Nôm, nay là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Phả Học Việt Nam.

Trả lời Thanh Trúc trong bài phỏng vấn hôm nay, tiến sĩ Mai Ngọc Hồng trình bày về lai lịch bản đồ cổ mà ông cho là một cơ duyên suýt vuột khỏi tầm tay:

Cơ duyên có được tấm bản đồ cổ

Tiến Sĩ Mai Ngọc Hồng: Cuối năm 70 tôi là trưởng phòng giữ kho sách Hán Nôm. Tôi có nhiệm vụ bảo quản và sưu tầm bổ sung những sách Hàn Nôm cổ của Việt Nam trong kho. Có những người người ta đi tìm ở trong dân gian người ta đem đến bán, thường xuyên là có hai ba ông cụ cứ bán sách cho tôi.

Có một hôm thì một ông bảo tôi là đi một tuần về nhưng lần này không kiếm được sách, chỉ có mỗi quyền này. Tôi mở ra xem thì thấy là bản đồ của Trung Quốc, tôi bảo là cơ quan tôi mua sách cổ chứ không mua sách của Trung Hoa, cơ quan tôi không có nhiệm vụ giữ bản đồ trong nước cũng như nước ngoài. Thì ông bảo ông là cộng tác viên thường xuyên bán sách cho tôi, đi một tuần về râu dài quá cằm mà già lão như thế..Tôi có phần ái ngại, bảo thế cụ bán bao nhiêu, ông bảo bảy tám chục. Thế là tôi mua để dành của riêng chứ tôi không có ý mua để nghiên cứu vì tôi không có khả năng nghiên cứu. Tôi mua rồi tôi lại biếu thêm cụ, bảo thôi cụ lấy một trăm. Trong cơ quan không duyệt cái giá ấy đâu, lúc bấy giờ lương của tôi chỉ có bảy chục thôi mà tôi đưa cho cụ một trăm tức là gần tháng rưỡi lương.

Tôi có phần ái ngại, bảo thế cụ bán bao nhiêu, ông bảo bảy tám chục. Thế là tôi mua để dành của riêng chứ tôi không có ý mua để nghiên cứu vì tôi không có khả năng nghiên cứu. Tôi mua rồi tôi lại biếu thêm cụ, bảo thôi cụ lấy một trăm.

Tiến Sĩ Mai Ngọc Hồng

Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, trong một lần mới đây khi kiểm kê thì ông đã thấy lại tấm bản đồ, ông đã bỏ công nghiên cứu, dịch bài dẫn rồi ghi chú trên bản đồ và tìm ra được giá trị pháp lý của công trình này. Xin ông trình bày tiếp:

Tiến Sĩ Mai Ngọc Hồng: Từ đấy đến giờ tôi không nghiên cứu, tôi cất biến đi. Gần đây, khoảng tháng Năm, thấy tình hình Trung Quốc lấn chiếm vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lúc bấy giờ tôi lục ra, tôi nhờ anh học trò bảo anh đem đi hiến cho tôi. Anh đi hiến cho Viện Bảo Tàng thì tôi đồng ý, xong rồi anh ấy lại tìm mấy anh phóng viên báo An Ninh Thủ Đô đến. Họ yêu cầu tôi nói rõ nội dung thì tôi chỉ nói sơ sơ thôi. Phóng viên đến thì tôi chưa đọc kỹ chưa nghiên cứu gì đâu, tôi không nghiên cứu bản đồ làm gì.

Sau này vì thấy tình hình Trung Quốc thì đầu tháng Bảy tôi mới nghiên cứu, tôi mới thấy cái đủ để khẳng định rằng bản đồ này của Trung Quốc, rất có ý nghĩa cho việc đấu tranh giữ bản quyền Hoàng Sa và Trường Sa bởi vì cái tính pháp lý là nó vẽ theo kiểu hiện đại nhất, kỹ nghệ phương Tây mới làm được. Bản đồ này có kinh vĩ tuyến là những nơi định vị, có tên là Trung Quốc Địa Dư Toàn Đồ, gọi là toàn đồ tức là toàn vẹn rồi, không có ra ngoài, và cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có bóng dáng Trường Sa và Hoàng Sa vào đấy. Họ đã nói địa dư toàn đồ thì như thế là toàn vẹn lãnh thổ đã ghi trong bản đồ rồi, không có Hoàng Sa Trường Sa thì dứt khoát là đúng rồì, Trường Sa Hoàng Sa của Việt Nam chứ còn của ai nữa.

Còn miền Bắc mà giáp với đảo Hải Nam thì họ nói là Việt Nam Đông Kinh, họ dịch từ chữ Tonkin ra. Vịnh Hạ Long thì gọi là Vịnh Tonkin. Như vậy là toàn đồ của họ, toàn vẹn lãnh thổ thì họ khẳng định rồi, không có Hoàng Sa Trường Sa thì mình cãi làm gì, ý kiến của tôi thế.

Bản đồ này có kinh vĩ tuyến là những nơi định vị, có tên là Trung Quốc Địa Dư Toàn Đồ, gọi là toàn đồ tức là toàn vẹn rồi, không có ra ngoài, và cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có bóng dáng Trường Sa và Hoàng Sa vào đấy

Tiến Sĩ Mai Ngọc Hồng

Thanh Trúc: Theo ý tiến sĩ phải bảo quản tấm bản đồ này như thế nào, cần sử dụng yếu tố mạnh về pháp lý của nó như thế nào?

Tiến Sĩ Mai Ngọc Hồng: Tôi nghĩ bây giờ nhà nước và quốc gia phải bảo vệ bản đồ này, và được nhân ra và các báo chí đều đăng lên, tung ra cả thế giới để cho nhân loại người ta hiểu hơn. Nhân dân Trung Quốc cũng biết mà nhân dân Việt Nam cũng biết đây không phải ta làm mà người Trung Quốc đã khẳng định năm 1904, dưới tập thể khoa học là các giáo sĩ phương Tây và các nhà khoa học ở Trung Quốc.

Ta không chỉ nói như thế với Trung Quốc mà nói với nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng lãnh thổ của chúng ta là từ sau cái đảo Hải Nam của Trung Quốc và từ trên đỉnh là vịnh Tonkin tức vịnh Bắc Bộ là của Việt Nam, không ai cãi với ta, chẳng có nước nào ngoài Trung Quốc tranh dành. Cái bản đồ 1904 là do các giáo sĩ, những người có tên tuổi được ghi trong tự điển Trung Quốc, những người đã giúp vua Thanh, Khang Hy, lập bản đồ này. Họ đã ghi tên tuổi trong tự điển Trung Quốc thời Trung Hoa Dân Quốc, cả tên ta tên Tây tên Trung Quốc của họ đấy.

Địa Dư Toàn Đồ mười lăm tỉnh Trung Quốc xuống phía Nam của đảo Hải Nam không có gì của Trung Quốc cả, họ đã nói toàn vẹn lãnh thổ rồi, những kinh , vĩ tuyến là nhìn được cái định vị chắc chắn nhất rồi, có ranh giới Đông Tây rồi, cái đấy nghiễm nhiên rồi. Coi như năm 1904 họ đã khẳng định bản đồ ấy là bản đồ toàn vẹn của đất nước Trung Hoa, không ai cãi được với những người đã làm ra bản đồ ấy.

Thanh Trúc: Thưa trong bối cảnh biển Đông đang nóng lên vì những hành động lấn lướt và ngang nhiên của Trung Quốc, xâm nhập lãnh hải Việt Nam, lập thành phố Tam Sa trên khu vực Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, thì phản ứng của nhà nước Việt Nam như thế nào về tấm bản đồ quí giá này?

Tiến Sĩ Mai Ngọc Hồng: Tôi chưa thấy nhà nước có gì phản ứng lớn cả, chỉ thấy nhân dân thôi. Từ hôm qua nay có một cô từ Bắc Giang đến chỗ bàn giao song không gặp được tôi. Sau đó cô gọi điện cho tôi, xưng chỉ là một người dân bình thường, thấy Trung Quốc như thế mà lúc này đưa ra một báu vật như vậy để tranh biện thì cô ấy mừng lắm.

Còn bạn bè tôi khắp các tỉnh đều gọi điện về chúc mừng là có một tài liệu rất đanh thép để khẳng định Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, Trung Quốc làm cái việc ấy là việc lấn áp mà hình như các thượng nghị sĩ Mỹ cho đến các nước Đông Nam Á trong ASEAN là họ rất phản đối Trung Quốc.

Đây là một bằng chứng về cái người Trung Quốc làm. Nếu bây giờ Trung Quốc vẫn lấn chiếm Hoàng Sa Trường Sa thì họ làm ngược lại những qui định của quốc tế về biển đảo và cũng làm ngược lại cái lịch sử mà cha ông họ khẳng định trong bản đồ Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Toàn Đồ.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn thời giờ và những lời giải thích của tiến sĩ Mai Ngọc Hồng.

Theo dòng thời sự: