VN tổ chức hội nghị quốc tế thường niên của ADB

Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB khai mạc vào ngày 3 tháng 5, 2011 tại Hà Nội, kéo dài 4 hôm, với sự tham gia của gần 4000 đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia.

0:00 / 0:00

Đây là lần đầu tiên Việt Nam là nước chủ nhà đứng ra tổ chức hội nghị quốc tế có tầm vóc quan trọng như thế.

Tấm vóc quốc tế

Ban tổ chức cho biết các phái đoàn tham dự hội nghị thường niên đã lần lượt đến trung tâm hội nghị quốc gia ở Hà Nội, số 4000 đại biểu ghi danh gồm có cấp lãnh đạo quốc gia, các bộ trưởng kinh tế, tài chánh, thống đốc ngân hàng trung ương các quốc gia thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các tập đoàn tài chánh, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức xã hội, dân sự, giới doanh nhân, đại diện cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các đề tài chính đang thu hút sự quan tâm của công luận quốc tế về thị trường tài chánh, giá cả lương thực, phát triển năng lượng, biến đổi khí hậu, tạo sự ổn định, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và đặt hướng phát triển thịnh vượng chung của Châu Á.

Diễn giả tại cuộc hội thảo sẽ là Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda, các nhà lãnh đạo, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế, chuyên gia, học giả nổi tiếng cùng các trường đại học hàng đầu thế giới.

Thông tin về hội nghị lần thứ 44 của ADB được đăng tải trên trang web toàn cầu và hiện đã có hơn 400 nhà báo từ khắp thế giới ghi tên tham dự để đưa tin và hình ảnh trực tiếp từ các phiên họp.

Quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới là chuyện rất khó đảo ngược, hoặc ra khỏi xu hướng đó, vì đó là khuynh hướng của thời đại.

GS Nguyễn Đức Thành

Được biết, Việt Nam gia nhập ADB từ năm 1966, rồi sau một thời gian gián đoạn, đến tháng 10 năm 1993, mới chính thức kết nối lại với định chế tài chánh này. Hiện nay Việt Nam là quốc gia thứ 3, sau Bangladesh và Pakistan được vay vốn ưu đãi để ưu tiên sử dụng vào các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, cải cách chính sách của chánh phủ về an sinh xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Nhận lãnh trọng trách tổ chức hội nghị, Việt Nam sẽ có dịp để chứng tỏ về khả năng quản lý, uy tín và sự tin cậy đối với các thành viên khác của ADB.

Theo báo chí trong nước thì hội nghị thường niên của hội đồng thống đốc ngân hàng ADB kỳ này là cơ hội thuận lợi để Việt Nam quảng bá với thế giới về hình ảnh của đất nước, con người, và sự vươn lên trong công cuộc hội nhập trong khu vực và trên toàn cầu.

Cơ hội cho VN

Ban Việt Ngữ chúng tôi đã liên lạc với ba chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước để ghi nhận ý kiến của các ông về sự hội nhập của Việt Nam và cơ hội mở cửa ra với thế giới bên ngoài.

000_Hkg104223-200.jpg
Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda trong một cuộc trò chuyện với giới trẻ HN năm 2008. AFP photo (Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda trong một cuộc trò chuyện với giới trẻ HN năm 2008. AFP photo)

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học quốc gia Hà Nội nói:

“Ở đây tôi thấy cũng bình thường thôi, vì đối với các sự kiện quốc tế, hiện nay Việt Nam giao lưu nhiều với các nước thì cứ tổ chức luân phiên, đây là một việc tốt cho Việt Nam.”

Theo ông thì hội nghị ADB sẽ là cơ hội giúp Việt Nam mở rộng kinh tế với các đối tác trong khu vực:
"Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục giao lưu, mở rộng cửa với thế giới, không phải chỉ thuần túy về kinh tế mà cả các vấn đề quan hệ có chiều sâu hơn, bàn bạc về chính sách và từ đó chúng ta có thể đúc kết thêm kinh nghiệm, từ các bè bạn quốc tế, hay các nước láng giềng để đưa ra những suy nghĩ, quan niệm phù hợp hơn với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay."

Đánh giá về tiến trình và quyết tâm hội nhập của Việt Nam vào sinh hoạt kinh tế khu vực và thế giới, giáo sư Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh:

“Quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới là chuyện rất khó đảo ngược, hoặc ra khỏi xu hướng đó, vì đó là khuynh hướng của thời đại. Qua mấy năm vừa rồi, chúng ta hội nhập rất mạnh với thế giới, thông qua việc gia nhập WTO, nay tiếp tục đẩy mạnh thì có nhiều khó khăn, có sự bất cập giữa trong nước và ngoài nước, giữa tình hình của chúng ta với tình hình của thế giới. Chúng ta cần giải quyết những khó khăn hay mâu thuẫn đó thì quá trình hội nhập sẽ êm thấm và sẽ bớt những cú sốc hơn.”

Kế đó, giáo sư tiến sĩ Hà Huy Thành, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng trình bày những suy nghỉ của ông về hội nghị thường niên ADB sắp họp tại Hà Nội:

“Tôi cho rằng đây là sự kiện rất quan trọng đối với Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử có một tổ chức ngân hàng quốc tế họp ở Việt Nam, điều đó có nghĩa là có rất nhiều kinh nghiệm, nhiều ý kiến về quá trình quản lý về kinh tế qua hệ thống ngân hàng thế giới, người ta đã thực hiện như thế nào từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

... bây giờ Việt Nam tiếp tục mở cửa, tạo ra hội nhập, trước đây là hội nhập kinh tế, bây giờ hội nhập trên nhiều lãnh vực khác.

GSTS Nguyễn Quốc Tế

Việt Nam, qua đó đã học được rất nhiều kinh nghiệm của thế giới, đất nước Việt Nam cũng đã có những tiến bộ nhất định, trong những lần xử lý về chính sách ngân hàng, chống đô la hóa, rồi tích trữ vàng, đô la, mà không đưa vào đầu tư…Hội nghị kỳ này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam.”

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quốc Tế, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh xem đây là một cơ hội giúp Việt Nam hội nhập toàn diện với bạn bè năm châu:

“Trong điều kiện đang gặp khó khăn, mọi thứ, nhưng mình cố gắng thực hiện, nội dung cụ thể, tôi chưa có điều kiện tìm hiểu, nhưng những hội nghị như vậy là rất tốt. Việc mở cửa thì thật ra đã tiến hành bao nhiêu năm rồi, bây giờ Việt Nam tiếp tục mở cửa, tạo ra hội nhập, trước đây là hội nhập kinh tế, bây giờ hội nhập trên nhiều lãnh vực khác.”

ADB có trụ sở chính đặt tại thủ đô Manila của Philippines, với mục tiêu chiến lược là xóa đói giảm nghèo tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương, được thành lập từ năm 1966 và hiện có 67 thành viên, trong đó 48 nước thành viên thuộc Châu Á.

Theo dòng thời sự: