Lại xuất hiện clip hành xử không nhân bản với trẻ em

0:00 / 0:00

Mới đây, một video clip lan truyền trên mạng xã hội với nội dung bị cho là phản giáo dục. Nội dung clip thể hiện, một số em nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo được cho là bị phạt phải đưa tay vào một tấm bìa được khoét nhìn như một chiếc còng tay với tấm bảng được ghi các dòng chữ viết những lỗi của trẻ như “ẻ nhiều nhất lớp; sơ hở là khóc, thánh dỗi của lớp; ăn chậm nhất lớp; bà tám của lớp...”

Xâm phạm quyền trẻ em: đáng lên án

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nêu quan điểm của bà với RFA:

“Điều đó chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ con. Ảnh hưởng luôn đến cách hành xử và nhân cách của trẻ con. Một đứa trẻ được tôn trọng thì mới có lòng tự trọng và mới hành xử một cách tôn trọng người khác. Một đứa trẻ bị người lớn đối xử như thế sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ nữa. Trẻ sẽ không tự tin và khi ra đời cũng sẽ không tôn trọng nhân cách người khác. Đó là điều chúng ta đáng bàn”.

Không phải bạo hành thể xác trẻ em, nhưng video clip trẻ mẫu giáo phải đưa tay vào chiếc còng bằng bìa được cho là một hình thức bạo hành tinh thần trẻ. Trao đổi với RFA, một giáo viên yêu cầu ẩn danh nhận định sự việc trên:

"Nhìn vào câu từ trên các tấm bìa mà các em nhỏ đang đeo, chúng ta có thể đoán người đạo diễn này còn trẻ, rất cập nhật xu hướng trên mạng xã hội và có vị trí nhất định để có thể quản lý và điều khiển các em nhỏ làm theo ý mình. Chúng ta chưa thể xác minh người lớn này là ai, có phải là giáo viên của các em hay không.

Đặt giả thiết người này là giáo viên, tôi cho rằng anh ta hoặc cô ta không có ác ý sỉ nhục các em bé mà chỉ là quá vô tư cộng thêm sự thiếu nhạy cảm mà chúng ta hay gặp ở những người trẻ hiện nay. Xét sâu hơn là do những giáo viên này đã không được đào tạo hoặc đào tạo chưa đủ, chưa đúng ngay khi họ học trường sư phạm”.

Theo nhà giáo này, lâu nay vẫn cónhiều đoạn phim do các phụ huynh và giáo viên quay về trẻ em trong một số tình huống xảy ra tại nhà hay tại lớp học. Sau đó họ phát tán các clip đó với mục đích giải trí nhưng đó là cách giải trí thiếu trách nhiệm và xâm phạm quyền trẻ em. Nhà giáo này nói thêm:

"Đã đến lúc chúng ta gióng lên hồi chuông cảnh báo không những trong môi trường giáo dục mà còn trong gia đình và trên môi trường mạng xã hội để bảo vệ các trẻ em. Qua vụ việc này, giáo viên và nhà trường cần nghiêm túc nhìn nhận lại việc tuân thủ vấn đề nhân quyền; quyền trẻ em và phương pháp sư phạm đúng đắn. Phụ huynh cần phải nắm luật để có thể nhận biết được những hành vi vi phạm và xâm phạm trẻ em, từ đó lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ con mình đồng thời cũng tránh vô tình xâm phạm tới chính con cái mình.

Cơ quan chức năng cũng cần tăng các biện pháp răn đe và xử phạt thật nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm cũng như thêm các điều luật cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Tất cả chúng ta không nên tiếp tục “ngây thơ” và xem mọi chuyện như “trò chơi con nít” như thế nữa vì những tác hại và nỗi đau chúng ta vô tình gây ra cho những đứa trẻ sẽ còn theo chúng mãi, thậm chí được chúng “ngây thơ” truyền lại cho những thế hệ tiếp nối”.

Cần đổi mới giáo dục

Đây không phải lần đầu những video clip liên quan cách hành xử thiếu trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em và được lan truyền trên mạng xã hội, hay được báo chí chính thống đưa tin. Cách đây vài tháng, báo nhà nước đưa tin về các trường hợp như: bé trai một tuổi ở Trường mầm non Sơn Ca, tỉnh Sơn La được đưa đi cấp cứu với kết luận chấn thương não; cô giáo ở Trường mầm non 4 ở quận 3, Sài Gòn túm đầu trẻ, tát trẻ ngã dúi dụi trong giờ ăn trưa; bé trai hai tuổi Trường mầm non Thanh Nê, tỉnh Thái Bình bị cô giáo tát bầm má; bé trai hai tuổi một trường mầm non ở Biên Hòa, Đồng Nai bị cô giáo tát 31 cái trong bữa ăn; bé trai 17 tháng tuổi tại một cơ sở trông giữ trẻ ở Hà Nội tử vong do bị hai bảo mẫu đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu…

Nói về clip các bé mẫu giáo đưa tay vào tấm bìa khoét lỗ, ông Thái, một phụ huynh ở Quảng Nam cho rằng, người làm video clip này có thể là một giáo viên mầm non. Đó là điều không chấp nhận được mà chưa thấy cơ quan chức năng lên tiếng:

“Tôi có con đang học tiểu học, có con sắp vào mẫu giáo. Tôi ngạc nhiên là đã mấy ngày qua, khi clip này được lan truyền trên mạng xã hội mà Bộ Giáo dục, những người có trách nhiệm vẫn chưa lên tiếng, chưa có một đề nghị hay ý kiến gì cả. Cách hành xử trong clip đó làm tổn thương tâm lý đứa trẻ ngay từ nhỏ, làm ảnh hưởng đến nhân cách của đứa trẻ đó sau này.

Thay vì được học những giá trị tự do, những giá trị thuộc về nhân bản thì nó phải chịu cảnh đưa tay vào còng. Mặc dù đó chỉ là chiếc còng bằng giấy nhưng ý niệm về chiếc còng đó sẽ bám chặt vào não trạng đứa trẻ đến khi nó lớn. Điều đó rất nguy hiểm.

Thứ hai nữa, cần đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp của giáo viên mầm non vì sau này, giáo viên được đào tạo một các bài bản, àm bây giờ lại có những giáo viên hành xử ấu trĩ như vậy, hết sức nguy hiểm cho trẻ”.

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, chuyện bạo hành trẻ em dù thể xác hay tinh thần đều thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục. Do đó, theo tiến sĩ Quỳnh Hương, nhà nước cần cải cách giáo dục theo hướng đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đào tạo.

Tại một hội nghị về giáo dục hôm 13 tháng 12 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước. Do đó, quá trình thực hiện chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công”.