Cô Nguyễn Thị Như Huỳnh là giáo dân tị nạn Cồn Dầu thứ năm đến Mỹ, sau gia đình ông Nguyễn Hữu Hải gồm 4 người đến Hoa Kỳ hồi tháng Năm và hiện định cư tại North Carolina.
Thông tín viên Ngọc Lan của đài Á Châu Tự Do đã có cuộc chuyện trò cùng cô Nguyễn Thị Như Huỳnh ngay khi cô vừa đặt chân xuống phi trường LAX thuộc thành phố Los Angeles, thuộc miền Nam California.
Sau khi cùng ca đoàn thuộc giáo xứ Cồn Dầu tham gia đưa đám tang cụ bà Maria Ðặng Thị Tân vào tháng Năm, năm 2010, cô Nguyễn Thị Như Huỳnh đã “bị hai cảnh sát cơ động dùng ba-ton đánh vào vai, đá vào hông và tiếp tục xách nách quăng xuống đường”. Sau khi vùng chạy thoát, cô Như Huỳnh đã bắt đầu hành trình chạy trốn từ Đà Nẵng sang Lào, đến Thái Lan, và cuối cùng đã đặt chân đến Hoa Kỳ theo qui chế tị nạn chính trị với sự vận động giúp đỡ của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và tổ chức BPSOS.
Rất vui mừng
Cô Như Huỳnh chia sẻ sự xúc động trong những giờ phút đầu tiên khi vừa đặt chân đến mảnh đất tự do:
“Con không thể nói được cảm giác của con lúc này. Con mừng lắm. Khi mà rời Việt Nam và đặt chân đến một đất nước xa lạ thì một kẻ tù tội giống như con đây trốn chui trốn nhũi ở một đất nước thì con nghĩ cuộc sống dường như đã mất tất cả rồi và không dám mơ gì hết, mà hiện tại thì con đã được đứng ở đây, đứng ở nơi tìm lại được tự do cho chính bản thân mình và con rất là mừng. Mặc dù điều đó buộc con phải xa gia đình và một số người thân.
Khi lên máy bay thì cũng có vài người thân đưa ra máy bay ở Bangkok. Đi qua đây thì ngồi máy bay buồn lắm, không có một người Việt nào hết, mình rất muốn nói một vài chữ mà cũng không có nữa. Em nhớ má, nhớ ba mẹ lắm. Tại vì mình nghĩ là dễ gì có được ngày như thế này. Không bao giờ mơ được nhưng hôm nay lại có được như vầy thì rất là hạnh phúc và điều này thì ba mẹ con rất là trông chờ để có được ngày như vậy. Con biết là con may mắn hơn mọi người và con cũng tin chắc rằng mọi người phía sau con, những người còn ở Bangkok thì họ cũng sẽ đến được đây tốt như con.”
Ngọc Lan: Em có dự tính là em sẽ đi như vậy hay không, hay là trong đầu em chưa bao giờ có ý định sẽ rời khỏi quê hương của em như vậy?
Như Huỳnh: Dạ không bao giờ mình nghĩ là đi hết, tại vì là hồi nhỏ giờ cũng chưa bao giờ bước ra khỏi đất Cồn Dầu, chỉ là đi học qua bên phố, chiều về nhà thôi. cũng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ đi xa như thế này và cũng chưa bao giờ có một ý định là mình trở thành một người tị nạn.
Ngọc Lan: Khi từ Việt Nam trốn sang Lào rồi sang Thái Lan, thì trong thời gian ở Thái Lan hai năm mấy, nỗi sợ có là một ám ảnh đối với em thường xuyên không?
Cô Như Huỳnh
Như Huỳnh: Dạ có. Khi ngày đầu bước chân qua Lào, lúc nào mình cũng sợ hoảng cái lúc mà mình bị đánh, bị công an bếu áo làm nó ghim trong đầu mình. Có lúc ngủ mà mình cứ nghe bên tai mình tiếng súng nổ, tiếng đánh tiếng ré của trẻ con và của những người lớn, rất là hoảng sợ. Ở Lào được một ngày thì bắt đầu sang Thái. Sang Thái thì cuộc sống rất là khó khăn mà nhờ sự giúp đỡ, chúng con được sự giúp đỡ của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và nhà thờ gần đó là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, và chúng con đã bắt đầu từng bước từng bước đi đến việc tị nạn.
Ngọc Lan: Khi lên máy bay và khi đặt chân xuống phi trường Los Angeles này thì hiện tại em còn nỗi sợ nào nữa không?
Như Huỳnh: Đối với em giờ này hạnh phúc quá to lớn, không thể diễn tả được mà con chỉ lo cho những anh em còn lại đang ở Bangkok có một số gia đình mới qua chưa được tị nạn và cuộc sống của họ lúc nào cũng là sự lo lắng và hoảng sợ. Con cũng lo cho tương lai con không biết sao này con sống như thế nào và nó có dễ dàng như trước đây mình đã từng trải qua hay không hay là mình phải bắt đầu lại một điều gì đó mới lạ mà mình chưa bao giờ mình từng biết.
Ngọc Lan: Em có suy nghĩ những ngày tới của em sẽ là gì và em muốn làm gì cái gì không?
Như Huỳnh: Trước hết ước mơ của em là muốn được đi học muốn được tiếp tục việc học nhưng mà trái lại tiếng Anh của em lại không tốt thì nó sẽ không hiệu quả khi mình đến trường thì năm đầu em sẽ làm một việc gì đó để kiếm tiền chi phí cho việc học, sau đó thì muốn làm một việc thật có ý nghĩa để giúp đồng bào mình đang còn tị nạn tại Bangkok cũng như nhiều đồng bào Việt Nam tị nạn.
Biết ơn
Cô Nguyễn Thị Như Huỳnh cũng cho biết thêm về tình hình của người dân Cồn Dầu hiện đang còn kẹt tại Thái Lan:
“Tình hình hiện giờ là tất cả mọi người nói chung là mỗi ngày đi qua là một sự lo lắng vì lo việc an nguy có được hay không, lo ngày mai mình sống như thế nào, mình ăn uống như thế nào và cuộc sống có rất là nhiều nguy hiểm rình rập.
Chúng em ở chung với nhau thì khi nỗi sợ ùa tới thì cùng chia sẻ với nhau để sống qua những ngày đó, và rất là cám ơn tất cả mọi người. Con xin chân thành cám ơn tất cả mọi người đầu tiên là tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và hội Cứu Người Vượt Biển của chú đã đồng hành cùng chúng con từng miếng ăn đến giấc ngủ và đặc biệt là việc can thiệp về mặt pháp lý để cho chúng con có được ngày hôm nay được tự do và được hạnh phúc.
Sau đó, con xin cám ơn một người nữa, là một người mẹ đã cùng làm việc với chú Thắng nhưng mà chúng con không thể nhắc tên được, người này đã chật vật cùng chúng con trong cuộc sống khi những ngày đầu bước chân sang Thái
Con cũng xin cám ơn cha Hùng, cha Cường, cha Tâm và một số các linh mục khác đã giúp chúng con cùng Thầy Thích Thiền Việt Nữ. Các Ngài đã luôn an ủi chúng con, lo chúng con cuộc sống, sợ chúng con buồn rồi sợ chúng con bị đau bị ốm.
Cô Như Huỳnh
Con xin cám ơn các đồng bào hải ngoại đã đấu tranh cùng chúng con, đấu tranh cho chính quê hương mình. Xin cảm ơn các giới truyền thông chính là tiếng nói lớn đã góp phần thúc đẩy và đấu tranh cùng đoàn Cồn Dầu.
Một lần nữa con xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả mọi người, các vị dân biểu Mỹ, cũng như đất nước Mỹ đã chấp nhận con đến đây tìm được tự do. Đối với con, tất cả mọi người là một sự khắc sâu trong trái tim con."
Sau khi dừng chân tại Los Angeles một đêm, cô Nguyễn Thị Như Huỳnh sẽ tiếp tục lên đường bay sang tiểu bang Tennessee sống cùng với gia đình người dì ruột.
Theo lời Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng thì qua sự vận động của BPSOS, trong số hơn 80 người còn kẹt ở Thái Lan, 54 người đã có quy chế tị nạn, còn hơn 30 người chưa có. Tuy nhiên, trong số này, có 5 người bị Cao Ủy Liên Hiệp Quốc khước từ quy chế tị nạn. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết ông cùng tổ chức BPSOS "đang trong tiến trình xem xét để kêu gọi Cao Ủy tái cứu xét những trường hợp này."
"Mục tiêu cuối cùng của BPSOS là giúp tất cả những người này được định cư" , tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng kết luận.
Theo dòng thời sự:
- 49 giáo dân Cồn Dầu được cấp qui chế tị nạn
- Người Houston giúp người Cồn Dầu tị nạn
- Cồn Dầu căng thẳng trở lại
- Giáo dân xứ Cồn Dầu kêu cứu
- Công an Đà Nẵng đánh chết một giáo dân Cồn Dầu
- Công an tấn công xe tang, cướp quan tài ở Cồn Dầu
- Người Việt xin tị nạn tại Thái hiện ra sao?
- Hoàn cảnh người Việt tỵ nạn tại Thái Lan
- Chuyện về người Việt tị nạn tại Thái