Thêm một công dân chết trong đồn công an

Truyền thông trong nước vừa đưa tin anh Lê Văn Trận, trú tại xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đã bị phát hiện tự sát bằng cách treo cổ tại phòng tạm giữ công an huyện khi anh này bị bắt vì tình nghi có liên quan đến một vụ án hiếp dâm.

0:00 / 0:00

Sư việc làm dấy lên nghi ngờ của dư luận về cái chết bất ngờ của anh Trận trong lúc tình trạng nghi phạm chết trong khi điều tra ngày càng nhiều. Để rộng đường dư luận, Quỳnh Chi hỏi chuyện anh Tí, anh ruột của anh Lê Văn Trận.

Trình diện rồi bị bắt luôn

000_Hkg5133013-200.jpg
Công an Việt Nam, ảnh minh họa. AFP photo (Công an Việt Nam, ảnh minh họa. AFP photo)

Quỳnh Chi: Chào anh, anh vui lòng cho biết người mất bao nhiêu tuổi và tên gì ạ?

Anh Tí: Tên là Lê Văn Trận, 29 tuổi.

Quỳnh Chi: Còn anh tên gì và quan hệ như thế nào với anh Trận thưa anh?

Anh Tí: Tôi tên Tí, là anh ruột của Trận.

Quỳnh Chi: Hiện tại anh vẫn còn ở chung nhà với anh Trận đúng không ạ?

Anh Tí: Tôi ở chung nhà với Trận. Nhà tôi có 3 anh em. Người anh lớn lấy vợ rồi và đã ở riêng.

Quỳnh Chi: Anh Trận bị bắt vì lý do gì thưa anh?

Anh Tí: Em tôi nhậu chung với khoảng 7-8 thanh niên và hai cô gái. Em tôi bị liên can thôi vì mấy thanh niên kia có "quan hệ" với các cô gái ấy còn em tôi thì không. Sau đó hai cô gái kia lên xã báo là bị hiếp dâm.

Em tôi bị bắt lúc vô (huyện) đầu thú vào ngày 10 Âm lịch (tức 11 Dương lịch), tức là hai ngày sau khi xảy ra sự việc. Em tôi vô đầu thú còn những thanh niên kia là do bị bắt.

Quỳnh Chi: Nhưng theo lời anh nói thì em của anh chỉ bị liên can thôi và không có hành động giao cấu với hai cô gái kia; vậy tại sao anh ấy lại ra đầu thú?

Anh Tí: Ý là em tôi nghĩ là nó có liên can, nó có nhậu chung khi xảy ra sự việc cho. Nó không hiếp dâm hai cô gái nên nghĩ không có gì. Em tôi thấy công an truy bắt nên tính là lên để công an lấy lời khai là xảy ra chuyện như vậy. Nó nghĩ là tội của nó nhẹ thôi.

Em tôi thấy công an truy bắt nên tính là lên để công an lấy lời khai là xảy ra chuyện như vậy. Nó nghĩ là tội của nó nhẹ thôi.

Anh Tí

Quỳnh Chi: Sau đó thì gia đình nhận được tin anh Trận mất khi nào?

Anh Tí: Sáng ngày 13.

Quỳnh Chi: Lúc ấy anh có ở nhà không?

Anh Tí: Không, lúc ấy tôi không có ở nhà. Sau đó tôi chở mẹ tôi lên Huyện nhưng mà chỉ có một mình mẹ tôi được vào bên trong còn tôi bị chặn lại trước cổng. Lúc họ đến nhà tôi báo tin thì cũng không nói rằng em tôi mất, mà chỉ nói là "lên Huyện có việc" thôi.

Gia đình không được nhận xác

Quỳnh Chi: Báo chí đưa tin là gia đình anh không nhận xác anh Trận về, vì sao thế?

CA-Trinh-xuan-Tung-HN2-305.jpg
Gia đình ông Trịnh Xuân Tùng trong đám tang ông. Ảnh minh họa (Gia đình ông Trịnh Xuân Tùng trong đám tang ông. Ảnh minh họa)

Anh Tí: Vì "người ta" không cho thì mình đành chấp nhận chứ biết làm sao hơn.

Quỳnh Chi: Gia đình anh có được nói lý do vì sao không được nhận xác thưa anh?

Anh Tí: Lúc đầu thì họ có kêu gia đình tôi ra Huyện ký giấy tờ để nhận xác về. Sau đó chúng tôi ra Huyện ký giấy thì họ đổi ý, họ không cho ký, họ nói để họ tự mai táng. Họ chôn Trận lúc trưa ngày 15.

Quỳnh Chi: Vì sao anh biết được ngày chôn anh Trận, họ có báo với anh không?

Anh Tí: Tôi biết vì nhà tôi ở gần bệnh viện, nơi thi thể em tôi được khám nghiệm.

Quỳnh Chi: Anh Trận chết có phải do treo cổ tự tự không thưa anh?

Anh Tí: Không phải treo cổ tự tử mà do người ta đánh chết.

Quỳnh Chi: Xin chia buồn cùng gia đình anh. Nhưng căn cứ vào đâu mà anh nói như thế?

Anh Tí: Bây giờ công an báo là em tôi treo cổ chết nhưng thật ra không phải, vì nếu là treo cổ tự tử thì phải cho người nhà xem tử thi khi chết chứ. Đằng này họ không cho, họ còn tự làm hồ sơ và chở tử thi đi khám nghiệm mà gia đình hoàn toàn không biết gì cả.

Quỳnh Chi: Vậy là từ lúc anh Trận bị bắt đến lúc chôn tử thi, gia đình vẫn không được nhìn mặt lần cuối đúng không ạ?

Lúc đầu thì họ có kêu gia đình tôi ra Huyện ký giấy tờ để nhận xác về. Sau đó chúng tôi ra Huyện ký giấy thì họ đổi ý, họ không cho ký, họ nói để họ tự mai táng. Họ chôn Trận lúc trưa ngày 15.

Anh Tí

Anh Tí: Không!

Quỳnh Chi: Khi anh Trận lên đầu thú là bị bắt luôn. Vậy khi đi anh Trận có mang theo quần áo hay dây nhợ gì không?

Anh Tí: Tôi nghĩ ở phòng tạm giam thì không có dây nhợ gì đâu bởi khi mình vô phòng tạm giam là người ta khám xét và cũng không cho mang cái gì vào cả.

Quỳnh Chi: Vâng, gia đình của anh sinh sống bằng nghề gì?

Anh Tí: Gia đình tôi làm biển và Trận cũng vậy.

Quỳnh Chi: Trước đây anh Trận có tiền án tiền sự gì không thưa anh?

Anh Tí: Không có.

Quỳnh Chi: Cho đến bây giờ phía chính quyền có đến thăm hỏi gia đình không anh?

Anh Tí: Lúc chưa chôn thì công an xã có đến nhưng khi chôn rồi thì không thấy ai cả.

Quỳnh Chi: Dạ vâng, xin phép được hỏi anh câu cuối, trong thời gian tới gia đình anh có định làm gì để kêu oan cho anh Trận không?

Anh Tí: Chuyện ấy tôi cũng chưa biết. Nhưng mà lỡ mất rồi thì thôi chứ biết làm gì nữa.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn anh đã dành thời gian cho chúng tôi. Một lần nữa xin thành thật chia buồn cùng gia đình anh.

Còn nhiều khuất tất

Vừa rồi là cuộc trao đổi của Quỳnh Chi với anh Tí, anh ruột của anh Lê Văn Trận, trú tại xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Xin được nhắc lại, anh Lê Văn Trận là một trong 8 nghi can dính líu đến một vụ hiếp dâm 2 cô gái. Theo các cơ quan truyền thông trong nước, hai cô gái này khi đi tắm biển ngày 9 tháng 8, đã bị một nhóm thanh niên 8 người cho uống rượu rồi hãm hiếp. Theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 11 tháng 8, Công an huyện Đông Hòa, Phú Yên đã bắt khẩn cấp 8 nghi can, bao gồm anh Lê Văn Trận.

Ngày 13 tháng 8, Đại tá Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công anh Tỉnh Phú Yên cho báo chí biết anh Trận đã bị phát hiện chết trong tư thế treo cổ đêm 11 tháng 8. Theo báo Pháp Luật TP.HCM, anh Trận treo cổ “bằng dây vải trong lưng quần kéo dành cho phạm nhân”. Cũng theo lời Giám đốc công an tỉnh Phú Yên, sau khi tử thi được khám nghiệm, gia đình đã được yêu cầu mang xác về mai táng nhưng “có người kích động nên gia đình lúc đồng ý nhận xác, lúc lại không đồng ý”. Vẫn theo lời của ông Hóa, cơ quan công an đã chôn cất anh Trận trưa ngày 13 tháng 8.

Qua cuộc trao đổi Quỳnh Chi và chính người nhà nạn nhân, có thể thấy những ý kiến trái ngược giữa phía gia đình anh Trận và phía chính quyền, nếu không muốn nói là có nhiều khuất tất trong cái chết đột ngột của anh Lê Văn Trận. Sự việc này làm người ta nhớ đến những cái chết của người dân tại cơ quan điều tra ngày càng nhiều mà gần đây nhất là cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng và anh Nguyễn Công Nhựt.

Theo dòng thời sự: