Thêm người trẻ ra tòa vì quan điểm đối lập

0:00 / 0:00

Tòa án Việt Nam gần đây tuyên những bản án tù nặng nề cho những tiếng nói đối lập. Theo lịch thì vào ngày 28 tháng 3, thanh niên Nguyễn Viết Dũng, người được biết đến với một số hoạt động liên quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây sẽ ra tòa. Vì sao nhiều người trẻ tại Việt Nam hiện nay không sợ tù tội khi bày tỏ chính kiến khác biệt của họ như anh Nguyễn Viết Dũng?

Tin cho biết anh Nguyễn Viết Dũng từng đoạt giải nhất một kỳ thi tháng của Chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2004. Trong kỳ thi đại học cùng năm, Dũng đậu Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 29/30, đứng đầu tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, người thanh niên này sẽ ra tòa vào ngày 28 tháng 3 sắp tới đây với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ mà Công An tỉnh Nghệ An đưa ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2017 trong thông cáo báo chí về việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng.

Ngay sau khi Dũng bị bắt, Hội sinh viên Nhân quyền Việt Nam ra thông báo trong đó có đoạn viết: "Khoảng 10 tay an ninh đã lôi Dũng lên xe và đưa đi đâu không rõ. Họ không đọc lệnh bắt hay có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc bắt. Lúc bắt Dũng, họ không có bất cứ ai mặc sắcphục hay giấy tờ gì chứng minh họ là công an. Họ còn đánh đập xô xát với mấy em đi cùng."

Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Viết Dũng bị bắt và đưa ra tòa. Trước đây anh từng bị bắt khi tham gia cuộc tuần hành chống chặt cây xanh tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 4 năm 2015. Khi đó Nguyễn Viết Dũng mặc chiếc áo thun đen có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và dòng chữ tiếng Anh có nghĩa ‘dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân’. Lần đó anh bị án tù 12 tháng.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong hai luật sư nhận bào chữa vụ này cho chúng tôi biết ông mới gửi thủ tục bào chữa vào Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, ông sẽ sắp xếp vào sao chụp hồ sơ vụ án làm cơ sở bào chữa cho thân chủ của mình.

Trả lời câu hỏi vì sao ông lại nhận bào chữa cho một vụ án chính trị như vậy, ông trả lời:

" Lu ật sư ở Việt Nam không thiếu, nhưng những người có đủ trí tuệ, dũng khí và bản lĩnh để bảo vệ những người bất đồng chính kiến thì không nhiều, chỉ trên dưới 10 người, và họ thường bị cô lập trong các hoạt động hàng ngày , cho nên tôi muốn tham gia để thắp lên ngọn lửa dũng khí cho chính những đồng nghiệp của mình, và hơn hết là góp phần bảo vệ cho những người có suy nghĩ tiến bộ nhưng theo tư tưởng, theo chế độ hiện tại thì họ bị xem là không phù hợp nên họ bị hắt hủi, bị ghẻ lạnh trên chính quê hương của mình."

Theo ông, các bản án đối với những người bất đồng chính kiến chủ yếu xét xử dựa vào thái độ nhiều hơn là phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Ông nhận định Nguyễn Viết Dũng không phạm tội. Ông nói thêm:

“Thực tế các phiên xử những người bất đồng chính kiến mà tôi tham gia khoảng trên một chục vụ thì thái độ của người bị xét xử trước phiên tòa quan trọng hơn nội dung những lời biện hộ của luật sư trước tòa. Trường hợp của Nguyễn Viết Dũng cũng không phải là ngoại lệ. Theo nhận định của tôi thì thái độ của Dũng trước phiên tòa sẽ quyết định nhiều đến mức án của Dũng hơn là những gì mà tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành bào chữa cho Dũng.”

Nhận thức, đấu tranh…

Một nhà hoạt động tại Việt Nam hiện nay, anh Dương Đại Triều Lâm. Lý giải lý do vì sao Nguyễn Viết Dũng lại chọn con đường công khai chính kiến để rồi lâm cảnh tù tội:

"Nhờ sự tác động của internet, sự mở mang tiếp cận mọi ngóc ngách của cuộc sống nên Dũng tìm thấy nền giáo dục cũ Việt Nam Cộng Hòa có những giá trị về nhân văn, về tự do dân chủ rất tốt đẹp, trái ngược hẳn với những gì Dũng được nhồi sọ trên ghế nhà trường. Từ đó Dũng bắt tay vào hành động để mang lại những giá trị tốt đẹp của nền Việt Nam Công Hòa cũ trở lại với người dân Việt Nam hiện tại. Đó là những điều Dũng làm."

Trả lời câu hỏi liệu khi tham gia những hoạt động như vậy thì các bạn trẻ có lo sợ rằng một ngày nào đó họ cũng sẽ bị bắt, cũng sẽ bị tù tội hay không, anh Dương Đại Triều Lâm thừa nhận:

"Bản thân mình cũng lo ngại khi tham gia các sự kiện về chính trị hay ủng hộ các tù nhân lương tâm, mình cũng bị đánh đập, bị bắt, bị nhốt. Không thể nói là không lo sợ, nhưng mình phải làm sao để đồng hành với nỗi lo sợ đó. Khi mình đồng hành được thì mình mới hoạt động được. Còn việc bị bắt thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những người hoạt động trong nước. Quan trọng là mình hoạt động như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất cho những giá trị mà mình muốn đóng góp cho xã hội này."

… tù tội

Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại về những bản án nặng nề mà nhà cầm quyền Việt Nam tuyên cho những người bất đồng chính kiến, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho rằng đây là một chủ trương trong thế cùng bởi chính quyền đang muốn dập tắt phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ bằng những bản án nặng nề. Nhưng theo ông thì đây là suy nghĩ sai lầm, bởi những người thực sự tâm huyết với đất nước thì dù có tử hình người ta cũng đấu tranh chứ không chỉ án tù mười mấy năm.

Trong thời gian qua, chính phủ Hà Nội tuyên những bản án nặng nề cho các bạn trẻ tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước, như Trần Hoàng Phúc, thành viên trẻ của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á- YSEAL; sinh viên Phan Kim Khánh, nhà hoạt động sử dụng công cụ mạng xã hội để nói lên tình trạng tham nhũng và các vấn đề xã hội khác tại Việt Nam. Tất cả đều với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Nhận định về việc này, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng:

“Năm ngoái đến năm nay thì mọi người quan sát đều thấy rằng thay vì khép vào tội 258 thì bây giờ họ khép vào tội 88 hay 79. Chỉ là bày tỏ bất đồng chính kiến thôi nhưng lùa vào những tội có khung án rất nặng. Cho nên không chỉ dành cho người trẻ mà dành cho bất kỳ ai.”