Từ ngày 1 tháng 8 đến 30 tháng 8 là thời gian để các công nhân bất hợp pháp ra đăng ký. Sau đó, bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, các cơ quan thẩm quyền Malaysia tiến hành song song hai bước ân xá và hợp pháp hóa cho người lao dộng. Chương trình sẽ được chấm dứt vào ngày 31 tháng 12 năm 2011. Nếu sau thời điểm này, công nhân nào vẫn chưa có giấy tờ lao động hợp pháp thì sẽ bị trục xuất về nước.
Tại sao lại chính quyền Mã Lai lại phải áp dụng chính sách này? Nó có ảnh hưởng gì đến số phận của trên 50.000 công nhân Việt Nam đang lao động trên đất Mã?
Qua bài tường thuật gồm hai phần của thông tín viên Tường An, chúng ta cùng theo dõi một số thảm cảnh não lòng qua lời kể của một số công nhân đã ra trình diện theo lời kêu gọi của chính phủ Mã Lai.
Bị công ty môi giới lừa
Theo chính sách xóa đói giảm nghèo bằng chương trình xuất khẩu lao động của chính phủ Việt Nam, kể từ đầu thập niên 2000, cho tới nay đã có hàng trăm ngàn công nhân Việt Nam làm việc trên 40 quốc gia trên thế giới. Hàng ngàn tin rao về lãnh vực xuất khẩu lao động xuất hiện, hàng trăm công ty môi giới mọc lên, họ đi tới tận cùng ngõ ngách của đất nước, từ vùng làng mạc sâu xa đến vùng rừng núi Tây Nguyên để tuyển người. Khắp nơi rộ lên cơn sốt ra nước ngoài làm việc với hy vọng thoát được cái nghèo.
Trong đó, Mã Lai là một thị trường hấp dẫn cho giới nông dân, thành phần nghèo nhất trong xã hội Việt Nam bởi, công nhân đi Mã Lai lao động không đòi hỏi tay nghề, chi phí thấp (chỉ cần từ 19 đến 21 triệu đồng VN) và không cần học tiếng Mã. Với những dòng chữ kêu gọi hấp dẫn của các công ty môi giới như : “Xuất khẩu lao động tại Malaysia không những mang lại lợi ích về kinh tế, rèn luyện cho người lao động tác phong công nghiệp mà còn giúp họ có một nghề nhất định cho bản thân khi về nước”; “Đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, cơ hội thoát nghèo” v.v…và v.v…
Bị lôi cuốn bởi những lời kêu gọi hấp dẫn đó, hàng chục ngàn thanh niên từ Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, Thái Bình …….đã bỏ làng mạc thân yêu, để lại mẹ già, em dại ra đi mong nắm bắt cơ hội để nhanh chóng thoát cảnh nghèo như lời hứa hẹn của các công ty môi giới dù phải cầm nhà, thế đất, mượn nợ để được thực hiện giấc mơ đổi đời.
Nhưng trên thực tế, những gì đã chờ đợi những người nông dân chất phác này trên mãnh đất xa lạ ấy ? Đến nơi, họ bị bắt phải ký hoặc lăn tay vào những hợp đồng mà bản thân họ cũng không biết được nội dung vì lẽ đơn giản là đa số những thanh niên này không biết chữ. Sau đó, Chủ nhân tịch thu hộ chiếu để họ không thể bỏ đi dù có bị hành hạ, ngược đãi. Khi biết mình bị công ty môi giới lừa thì đã trễ, gọi về thì không ai trả lời, nếu có người bắt máy thì câu trả lời thường là : “qua đến bên đó thi công ty môi giới bên đó lo, bên đây không còn trách nhiệm nữa”. Anh A-Dìn, quê ở Phú Thọ than thở :
“Lúc em qua thì công ty môi giới bảo là em sang bên này làm gỗ ép điện tử, lương tối thiểu là 720 đồng (Ringgit, đơn vị tiền tệ của Mã Lai. 1USD # 3 Ringgit RM). Mà đến lúc em qua bên này làm được nửa tháng thì bọn em thấy lương thấp vậy, không có làm thêm, bọn em gọi về môi giới Việt Nam thì nó đã thay SIM (Sim card điện thoại) rồi, không gọi được nữa. Công ty môi giới Việt Nam IMS ở huyện Thanh Xuân bây giờ nó bán mình qua đây, nó được tiền rồi nó đổi SIM cho bọn em gọi mãi không được nữa”
Sau khi bị lừa bởi các công ty môi giới Việt Nam– đồng hương của chính mình - công nhân Việt Nam còn bị lừa bởi các chủ nhân ông người Tàu giàu có trên đất Mã :
“……….Năm, sáu tháng rồi nó không trả lương cho bọn này, mà bọn này nó cứ tiếc tiền nó không đi. Tức là chủ nó cứ lừa thôi………”
Ngoài ra, công nhân còn phải đối diện với một sự thật phũ phàng là sự bạc đãi của chủ nhân : họ phải làm việc từ 12-15 tiếng mỗi ngày, nhưng không được trả tiền phụ trội, chị Dung kể :
Lúc em qua thì công ty môi giới bảo là em sang bên này làm gỗ ép điện tử, lương tối thiểu là 720 đồng, đến lúc em qua bên này làm được nửa tháng thì bọn em thấy lương thấp vậy, không có làm thêm, bọn em gọi về môi giới Việt Nam thì nó đã thay SIM (Sim card điện thoại) rồi, không gọi được nữa.
Anh A-Dìn, quê ở Phú Thọ
“Em ký hợp đồng là có OT (tiền overtimes- tiền tăng ca) nhưng thực tế em vào công ty làm 2 năm chả có tí ưu đãi gì mà OT cũng không có. Có nghĩa là tiền tăng ca cũng không có, em ốm em nghỉ một ngày hoặc hai ngày thì em không có tiền mà chủ còn cắt tiền nữa cơ ! Nó cắt của em mỗi tháng mấy chục Ringgit đó !”
Có những trường hợp vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta như tình trạng của công nhân công ty xuất khẩu linh kiện điện tử Min-Alk ở Melakka. Công nhân tại đây phải mua thực phẩm, nhu yếu phẩm trong một cửa hàng do một nhân viên người Ấn của công ty quản lý với giá rất đắt hơn ngoài chợ hoặc các cửa hàng khác. Nếu mua tại các cửa hàng khác thì sẽ bị cha con nhân viên này chửi mắng, thậm chí đánh đập. Một công nhân giấu tên cho biết :
“Bọn em ở đây thì nó có thuê người quản lý riêng. Ông ấy là người cho công ty thuê nhà, ký túc xá và là người đưa đón bọn em đi làm. Theo em được biết thì ông ấy cũng là trùm xã hội đen của bang Melakka đấy chị ! Ổng ấy có một cái quán riêng, bọn em chỉ được mua hàng quán nhà họ chứ tụi em không được phép mua quán khác ! Thậm chí ở đây thứ tư hàng tuần có chợ đêm họp bọn em cũng không được ra mua luôn. Ví dụ những món quán ông không có mà quán khác có, bọn em cũng không được sang mua. Thế mà những món ở quán ông ấy thì cũng đều mắc hơn ở ngoài rất là nhiều, thế thì bọn em cũng phải bắt buộc đó chị !”
Theo lời kể của một nhân chứng, một công nhân Việt Nam mua một thẻ điện thoại ở một cửa hàng khác, khi về đến ký túc xá, bị cha con người quản lý chận lại xét và đánh đến hộc máu mồm trước sự chứng kiến của nhiều công nhân khác mà không ai dám can thiệp. Công ty này có trên 300 công nhân Việt Nam làm việc, thế mà không một ai dám lên tiếng về sự bất công này. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được môt nữ công nhân dám nói lên sự thật dù đã dặn đi dặn lại là không được nêu tên cô ra :
“Bọn em mua ở quán bên, đến khi về đến cửa nhà thì nó gọi người ra nó thu lại, la, mắng, thậm chí còn đánh chửi cũng có ! Bọn em ở đây không ai dám nói ra cả bởi vì ai cũng như ai thôi. Ở đây thì có người Myrma (Miến Điện), người Việt mình, người Nepal, người Bang-la (Bangladest), tất cả chẳng ai dám cãi lại hết !
Tiền lương quá thấp, bị lừa gạt, bị đối xử bất công, hạ nhục nhân phẩm là những lý do chính để các công nhân này phải bỏ công ty trốn đi. Mặc dù biết trốn đi là sống cuộc đời bất hợp pháp vì không có giấy tờ, nhưng họ không còn chọn lựa nào khác. Một công nhân đã trốn đi và bị bắt vào tù cho biết :
“Có một lần con bị ốm, con không đi làm được một tháng. Chủ nó không cho con nghỉ phép mà chủ nó đã trừ lương con, phạt con một ngày 50 Ringgit, con không có tiền trả, con phải bỏ đi”
Tiếp tục làm việc thì không có tiền, trở về quê hương thì xấu hổ. Họ chỉ còn một lựa chọn:
«Em làm công ty En-Ta, công ty không làm ăn được, về thì xấu hổ. Làm ăn không được thì em bỏ ra ngoài.”
“Trước khi em sang thì môi giới họ cũng bảo sang kỳ này thì công việc nó ổn định, OT nhiều nên mấy người 6 anh em cùng sang thì em là người hơi thiếu may mắn một chút. Công việc thì có nhiều công đoạn ấy, em ở công đoạn mà có khi cả năm 1 hoặc 2 tháng có OT, còn đâu là về 5 giờ thôi chị ạ. Lúc mới sang làm chỉ để trả nợ tiền qua đây 400, thì em còn lại khoảng 170, tiền ăn các thứ không đủ, đôi khi em phải đi vay mượn những anh em cùng sang, lắm lúc em nghĩ cũng chán quá, mình sang đây mình đi kiếm tiền mà sang đây mình phải đi vay tiền ăn thì em ra ngoài em làm. Em ra ngoài làm cũng gần 1 năm rồi chị !"
Bị bóc lột sức lao động
Đến Mã Lai tháng 7 năm 2005, anh công nhân A Dìn cũng chung số phận, bị chủ nhân hãng gỗ Chin-Pong-Chan lừa với những lời hứa hẹn từ tháng này qua tháng khác, anh cũng phải trốn ra ngoài :
“Công ty gỗ bọn em làm mệt lắm ! Một tháng chỉ có 500 Ring thôi, em làm được 4 năm. Sang năm thứ ba thấy lương khá khá hơn tí, em ở lại thêm được 1 năm nữa, ở lại vài tháng thì lại không có làm nữa. Cứ hưởng lương cơ bản có 500 đồng thôi. Bọn em ăn xong còn có đồng nào gửi về nữa đâu ? Còn cắt 100 đồng thuế, còn có 400 đồng thì ăn hết rồi ! Về sau lương thấp quá, hết hợp đồng 4 năm thì em bỏ ra ngoài được 2 năm rồi chị ạ !"
Chị Dung đến Mã Lai năm 2006, làm việc được 2 năm, bỏ ra ngoài đã được 3 năm cho biết :
“À, tức là em cũng là người ra ngoài, chị ạ ! Ra ngoài mấy năm nay rồi. Trước đây em sang công ty em làm thì lương rất là thấp mà chủ cũng không tốt. Thì bọn em ra ngoài nhiều lắm. Em ký hợp đồng là có OT, có tiền thưởng, tiền nọ tiền kia. Nhưng thực tế thậm chí có tháng 240, 250 tiền Mã Lai, tức chỉ hơn 1 triệu tiền Việt nam, nên bọn em mới ra ngoài. Bọn em ra ngoài thuê một cái nhà chị em ở chung với nhau. Phần lớn người Việt Nam ra ngoài rất là nhiều !"
Từ Việt Nam bị công ty môi giới lừa, rồi qua đến Mã lai lại chủ nhân lừa bằng những lời hứa suông là nguyên nhân khiến cho anh Hoàng cùng 5 anh em khác, làm cho công ty xây dựng tại bang Ipoh cũng phải trốn ra ngoài sau 1 năm chịu đựng :
“Ngày xưa ở Việt Nam em có hợp đồng với công ty là không phải em làm ở ngoài trời, em làm ở trong nhà. Thế khi em sang bên này thì em phải đi làm ở ngoài trời, làm công ty xây dựng. Đấy là điều thứ nhất, điều thứ hai em sang bên này thì em xa nhà, xa cửa mấy tháng thì em chẳng có người Việt Nam nào cả, bọn em làm một mình. Hai ba tháng nó chẳng trả tiền lương.
Cả tuần nó chỉ ứng có 10 Ring tiền ăn. Khổ quá nên em phải bỏ ra ngoài. Em làm được 1 năm trong công ty em bỏ ra ngoài ! Em bỏ ra ngoài em làm thạch cao, em sơn nhà, chị ạ ! Đi làm thạch cao được mấy tháng, bạn em bị công an bắt. Vào lúc 2 giờ đêm, công an vào bắt 1 người, còn lại 3 anh em thì mỗi người một đường đi rồi chị ạ. Trong thời gian đấy, em mới lại đi làm quán ăn chị ạ !"
Em ký hợp đồng là có OT, có tiền thưởng, tiền nọ tiền kia. Nhưng thực tế thậm chí có tháng 240, 250 tiền Mã Lai, tức chỉ hơn 1 triệu tiền Việt nam, nên bọn em mới ra ngoài. Phần lớn người Việt Nam ra ngoài rất là nhiều.
Chị Dung
Để có thể yên ổn làm việc một cách bất hợp pháp, đôi khi họ phải hối lộ cho cảnh sát Mã Lai :
“Nó kiểm tra giấy tờ, mình không có giấy tờ mình kẹp vào mấy đồng tiền uống nước…. Đấy là cái bọn đi xe máy chị ạ, cái bọn đi ô-tô với xe thùng thì nó xúc luôn. Nhưng mà em ít gặp chúng nó lắm, 7 năm sang đây em đối diện công an có 2 lần !"
Và dĩ nhiên họ phải chấp nhận mọi bạc đãi của chủ nhân để có thể ở lại trên đất Mã mà làm việc :
“Bây giờ ra ngoài thì ai cũng lệ thuộc vào công việc rất nhiều, không giống như trong công ty. Trong công ty thì có nhiều công nhân khác làm, mình xin nghỉ 1 ngày, 2 ngày thì nó rất chi là đơn giản. Thí dụ như em bây giờ ra ngoài làm gà chẳng hạn, thì chủ của em nó mổ rất chi là nhiều gà nhưng chỉ có một mình em làm thôi. Thế bây giờ mà em xin nghỉ 1-2 ngày rất chi là khó khăn. Em làm 1 tháng chỉ được nghỉ có 2 ngày thôi chị ạ."
Trong những hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, chương trình ân xá của chính phủ Mã Lai có phải là một lối thoát cho những công nhân bất hạnh này ? Xin mời quý vị theo dõi tiếp phần hai.