Lối thoát cho công nhân?
Theo số liệu từ Bộ Nội Vụ Mã Lai, tổng số Công nhân lao động bất hợp pháp tại đây tính đến cuối tháng 9 năm 2011 là 1,3 triệu người. Trong đó, công nhân Việt Nam lao động bất hợp pháp tại đây là 13.515 người. Với mục đích tăng cường sự quản lý và ngăn chặn các tội phạm liên quan đến vấn đề nhập cư, từ ngày 1 tháng 8, chính quyền Mã Lai đã công bố chính sách ân xá và hợp thức hóa giấy tờ cho những công nhân này. Chính sách này đã đáp ứng được nguyện vọng của công nhân đang phải sống ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Mã Lai nên hàng chục ngàn công nhân đã ra trình diện để mong hợp thức hóa tình trạng làm việc của mình. Chị Dung được biết tin này trên đài truyền hình :
«Đợt vừa rồi hắn có thông báo là cho người Việt Nam mình làm hộ chiếu trên đất Mã. Các nước Li-ban, Indo, Việt Nam, tất cả các nước đều làm hộ chiếu cả chứ không riêng gì Việt Nam mình. Đợt vừa rồi thông báo trên TV, những người Tàu họ biết tiếng họ nói con này không làm hộ chiếu thì bị bắt thế nọ, thế kia. Có nghĩa là nếu không làm hộ chiếu, hắn bắt được là hắn đưa đi tù. Thế là cái tin đó đồn khắp đất nước Mã Lai này, tất cả mọi người ra ngoài hầu như em nghĩ đến 80-90% đã làm hộ chiếu rồi chị ạ.»
Qua công ty môi giới của người Tàu, chị Dung cũng đã ra trình diện, lấy dấu vân tay để làm lại hộ chiếu. Chị xin vào làm cho hãng dép với điều kiện như sau :
«Chính em cũng đã đến chỗ môi giới lấy giấy vân tay với lại đóng mấy trăm tiền Mã Lai thôi. Em xin vào xưởng dép làm thì hắn bảo không có hộ chiếu thì hắn không nhận. Mày mà vào xưởng tao làm thì đi lấy dấu vân tay làm hộ chiếu đi, tao cho mày một nửa tiền, còn một nửa mày phải chịu, nhưng hàng tháng thì tao cắt của mày mấy trăm, em bảo là tao đã lấy dấu vân tay rồi, tao đóng 350 rồi, thì em đưa cho hắn cái giấy, hắn nhận em vào làm thì hắn nói 6 tháng sau mới có hộ chiếu. Tức là em mới nộp có 350 với cái giá hộ chiếu là 3800. Tháng này em mới làm tháng lương đầu tiên, chưa lấy lương nên không biết nó có cắt không chị ạ.»
Đợt vừa rồi hắn có thông báo là cho người Việt Nam mình làm hộ chiếu trên đất Mã. Thế là cái tin đó đồn khắp đất nước Mã Lai này, em nghĩ đến 80-90% đã làm hộ chiếu rồi chị ạ.
Chị Dung, ở Mã Lai
Chi phí để làm hộ chiếu cũng rất là tùy tiện, có nơi chỉ đóng 2400 Ringgit, nhưng có nơi lại phải đóng đến 4000 Ringgit, tuy chủ nhân hứa là sẽ đóng cho một nửa, nhưng 2000 Ringgit cũng là một số tiền quá lớn đối với tiền lương ít ỏi của anh công nhân A Dìn :
«Chủ nó nói là nếu em chịu làm hộ chiếu, em đăng ký lấy dấu vân tay làm hộ chiếu thì chủ nó bảo nó chịu cho một nửa, nhưng mà em cảm thấy….đến cuối tháng này lãnh lương em hỏi xem. Em nghe chủ nói sơ sơ qua rồi, nó bảo là 4000 Ringgit, em chịu một nửa, chủ chịu một nửa. Em thấy cao quá.»
Và vì không thể trả nổi số tiền 2000 Ringgit để làm hộ chiếu, anh A Dìn cũng dự định lại một lần nữa bỏ đi để tìm một nơi làm khác, nếu không tìm được chủ mới, anh đành phải chấp nhận trở về nước :
«Em thì bây giờ lấy dấu vân tay thuộc bang Ipoh, không biết là em đi chỗ khác em có làm được không ? Em định là nếu chủ nó bảo là 2000 thì em không làm mà đi chỗ khác làm. Nếu không làm được em về vì em thấy quá cao so với lương em làm chị ạ. »
Tâm lý hoang mang
Các công nhân Việt nam tại Mã Lai hầu như không có một thông tin chính xác nào, không có một giải thích rõ ràng nào từ phía chính quyền Mã Lai cũng như tòa đại sứ Việt Nam. Họ không được hướng dẫn rõ ràng về các thủ tục hành chánh trong chính sách 6P của chính quyền Mã Lai (tức là lấy dấu tay, phân loại, ân xá và trục xuất) Phần lớn họ đều rất hoang mang về số phận của họ. Hầu như các công nhân Việt Nam đều không đến tòa đại sứ để làm lại hộ chiếu mà họ làm qua các công ty môi giới của người Tàu :
«Em cũng chả biết như thế nào, người Việt Nam mình làm tại những cái văn phòng, các trụ sở của người Tàu họ làm thôi chứ không có làm với người Việt Nam.»
Con đường làm lại hộ chiếu qua tòa đại sứ Việt Nam tại Mã Lai cũng không phải dễ dàng, cũng phải nhờ vả, cũng phải quen biết và nhất là cũng không phải là con đường rẻ nhất cho những công nhân nghèo khổ :
«Bạn bè của em lên đại sứ làm, bọn nó lên đó làm cũng đắt lắm chị ạ. Không biết là vì mình không quen biết hay sao, cũng khoảng 3600 đó. Cũng qua đường dây này, đường dây nọ mới tới đại sứ chứ không phải là mình tự vào thẳng vì mình không quen biết mà. Lại qua người này dẫn dắt đi đến đó làm, cũng người Việt thôi, dẫn dắt đi đến đó làm cũng mất 3600 Ringgit.»
Để có thể làm lại hộ chiếu ở tòa đại sứ thì công nhân phải có giấy giới thiệu của chủ nhân. Mà chủ nhân thì không muốn cấp giấy giới thiệu. Mà không có giấy giới thiệu của chủ nhân thì không làm được hộ chiếu, và không có hộ chiếu thì không có việc làm. Người công nhân tội nghiệp cứ phải xoay trong cái vòng luẩn quẩn, tối mù như thân phận của họ. Chung quanh họ, tất cả đều muốn làm khó dễ để có thể kiếm tiền trên mồ hôi và nước mắt của người lao động Việt Nam :
«Đi lên tòa đại sứ mình làm thì phải có thư bảo lãnh của chủ thì mới làm được hộ chiếu. Nếu mà mình không có thư bảo lãnh thì không làm được hộ chiếu. Và nếu mà mình lên đại sứ quán thì có thể về Việt Nam ! Thế mà chủ nó không cho mình thư bảo lãnh thì mình lại không làm được. Thư bảo lãnh đấy lại còn phải bao gồm cả cái pho-to giấy phép kinh doanh của nó này, và cả giấy chứng minh nhân dân pho-to nữa, nhưng mà nó không đồng ý cho mình những thứ đấy. Thứ hai là : nếu như mà có thư bảo lãnh của chủ thì có thể làm hộ chiếu, nếu không có thư bảo lãnh thì có thể về Việt Nam ! Có thể về Việt Nam chị ạ !»
Đi lên tòa đại sứ mình làm thì phải có thư bảo lãnh của chủ thì mới làm được hộ chiếu. Nếu mà mình không có thư bảo lãnh thì không làm được hộ chiếu. Và nếu mà mình lên đại sứ quán thì có thể về Việt Nam !
Một công nhân VN ở Mã
Lại thêm một lần nữa công nhân bị chủ nhân lừa với những lời hứa hẹn cầm chừng để giữ chân họ lại bán sức lao động với đồng lương rẻ mạt :
«Trường hợp em thì ngày xưa em làm cho chủ thì nó có nói với em là em làm được một năm thì nó cho em 1000-2000 gì đấy, nhưng giờ em làm đây được hơn 1 năm rồi nó nói là nó lo giấy tờ cho em. Chủ nó bảo là nó phụ nhưng em chưa rõ được. Bây giờ bọn em lại muốn bỏ đi vì bọn em làm cho chủ này 4-5 tháng nay rồi chủ không trả tiền cho bọn em. Hôm nay hỏi nó bảo ngày mai, ngày mai hỏi nó bảo ngày kia."
Bị chủ lừa
Chủ nhân hứa làm hộ chiếu cho họ nhưng không làm và cũng không cấp giấy chứng nhận để họ tự đi làm, cứ giả vờ hứa hẹn để họ cứ phải làm việc không lương. Công nhân Việt nam bị chủ nhân lừa một cách trắng trợn mà không biết phải kêu cứu với ai :
«Chủ không phải là nó không giúp đỡ mình mà nó cứ lừa…Nó cứ lừa là nó tự đi làm hộ chiếu cho, nó cứ lừa là nó làm thôi chứ nó không làm hộ chiếu cho mà nó cũng không trả lương. Nó cứ giữ lại nó bảo là nay trả lương, mai trả lương còn hộ chiếu nó sẽ tự làm cho. Nó cứ nói thế thôi ! Kể cả anh người Việt nam ở bên đây lâu rồi, anh bảo nói thẳng với chủ. Chủ nó lại không đồng ý, mà nó cũng không trả lương để cho công nhân đi. Bây giờ là nó chả cho công nhân xu nào hết. Nó bao ăn bao ở là cứ làm thôi. Chứ còn nó chả cho đi mà nó cũng chả cho những thứ đấy để làm hộ chiếu. Có nghĩa là chủ nó lừa !»
Sau khi lấy dấu tay, công nhân bất hợp pháp được cấp cho một loại giấy chứng nhận. Nếu được môt công ty nhận thì chủ nhân công ty này sẽ qua một công ty môi giới làm lại một hộ chiếu khác cho công nhân. May mắn thì tìm được người chủ trả cho phân nửa tiền hộ chiếu, nếu không, công nhân phải mượn nợ công ty để trả. Và, nếu không trả nổi tiền làm hộ chiếu thì với tờ giấy đăng ký lấy dấu vân tay, công nhân phải tự mua vé máy bay trở về nước. Chấm dứt giấc mộng xuất khẩu lao động :
«Chủ nó gọi một thằng môi giới đến, đưa em đi vào đồn cảnh sát lấy dấu vân tay để cấp lại hộ chiếu, người ra ngoài không có hộ chiếu đấy. Một là cấp lại hộ chiếu, hai là để chính phủ Mã Lai nắm biết thông tin để biết còn lại có bao nhiều người sống bất hợp pháp ở Mã Lai này đó. Bây giờ là nó muốn : một là người nó sử dụng phải có hộ chiếu nếu mà không thì nó làm tờ giấy này thì nó bảo nó cho về, nó đuổi về đấy ! Dùng tờ giấy này có hơn trăm đô thôi chị ạ. Mình về đến Nội Bài mình đấy !»
Đến cuối năm 2011, chính sách hợp pháp hóa cho các công nhân trốn ra ngoài sẽ chấm dứt và chính phủ Mã Lai sẽ bắt đầu những cuộc truy lùng, nếu bắt được, hình phạt là nhốt tù và phạt tiền :
Chủ không phải là nó không giúp đỡ mình mà nó cứ lừa…Nó cứ lừa là nó tự đi làm hộ chiếu cho, nó cứ lừa là nó làm thôi chứ nó không làm hộ chiếu cho mà nó cũng không trả lương.
Một công nhân VN ở Mã
«Sau chiến dịch này mà không làm hộ chiếu thì nó truy quét. Có nghĩa là hết đợt cho làm hộ chiếu này, người ra ngoài mà không làm, hết đợt này nó mà bắt được, người không có hộ chiếu mà không làm hộ chiếu thì nó phạt tù 2 năm và phạt 10 nghìn.»
Bộ Nội vụ Mã Lai cho biết, tính đến tháng 11 đã có tổng cộng 25.561 người lao động bất hợp pháp đã rời nước này theo chương trình 6P, trong đó có 930 người Việt Nam. Ngoài ra có 27.514 công nhân Việt Nam đã làm xong thủ tục hợp thức hóa với 2.208 chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, các thể thức hợp pháp hóa cho đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Công nhân không được hướng dẫn rõ ràng về các thủ tục hành chính nên đa số vẫn còn rất hoang mang. Cầm nhà, thế đất, bỏ quê hương, bỏ ruộng vườn ra đi chỉ để mong tìm được một cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo khó. Thế nhưng, sao bao nhiêu năm vất vả ở xứ người họ lại phải trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Cái hy vọng ở một thiên đường xuất khẩu lao động với nhiều công nhân chỉ còn là một ảo vọng.