Nỗi buồn biểu tình ngày 10 tháng 7

Cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm chủ nhật ngày 10 tháng 7 vừa qua tại Hà Nội có thể nói không diễn ra suông sẻ, sôi nổi như những cuộc biểu tình đầu tiên ngày 5 tháng 6, cũng như ngày 3 tháng 7.

0:00 / 0:00

Tuy nhiên cuộc biểu tình mà lần đầu tiên công an Hà Nội và cơ quan an ninh mạnh tay ngăn chặn cuộc biểu tình tuần hành qua việc câu lưu hơn chục người ngay khi mới khởi phát đã để lại nhiều dư âm trong những ngày qua.

Gia Minh trình bày.

Công an mạnh tay

Tin tức về tình hình bắt người biểu tình, trong đó có cả những phóng viên Việt Nam và nước ngoài tác nghiệp ghi lại sự kiện đó được nhiều hãng thông tấn quốc tế loan tin ngay vào ngày hôm sau diễn ra sự việc.

Đến ngày 12 tháng 7, Spero News đăng lại bản tin của Asia News cho rằng biện pháp cấm đoán của công an Việt Nam đặc biệt mạnh vào ngày chủ nhật vừa rồi đối với cuộc biểu tình yêu nước chống hoạt động ra oai và bạo lực của Trung Quốc tại Biển Đông.

Biện pháp mạnh tay đó là việc bắt giữ hơn chục người đưa về trụ sở công an tại huyện Từ Liêm cũng như phòng PA24 thuộc Công an Hà Nội tại số 8 phố Quang Trung, Hà Đông.

Anh thanh niên đội mũ tai bèo với cái hình
Anh thanh niên đội mũ tai bèo với cái hình "Tôi Yêu Việt Nam" và chỉ ít phút sau anh bị an ninh bao vây trấn áp rồi đè xuống đất... RFA/Source Blog VKAL (RFA/Source Blog VKAL)

Một người bị bắt và phải làm việc với cơ quan an ninh từ khi tham gia vào đoàn biểu tình cho đến khi được thả ra vào lúc sau bốn giờ chiều là anh Ngô Duy Quyền, chồng của nữ luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân, cho biết về việc bản thân anh cũng như một số người biểu tình khác:

“Cách xa Đại sứ quán Trung Quốc, tôi nhập vào đoàn. Từ khi nhập vào đoàn đến khi bị bắt rất nhanh. Tôi thấy trước tôi chị Dương Thị Xuân bị bắt tôi chạy đến muốn ngăn lại nhưng hai mật vụ kèm sát hai bên tôi, rồi có một người chỉ vào mặt tôi nói ‘Bắt thằng này’.

Có thêm chừng 10 người đẩy tôi vào một xe nhỏ màu đen. Khi vào xe tôi thấy chị Xuân đang nằm vắt trên ghế như bị choáng. Khi tỉnh lại chị kể cho tôi đầu chị bị đụng vào đâu đó. Khi lên xe có hai mật vụ ngồi phía trước và hai mật vụ ngồi phía sau, đưa thẳng chúng tôi về Hà Đông.”

Không chỉ những người tham gia biểu tình bị bắt đi làm việc, mà tin tức từ các hãng thông tấn quốc tế còn cho biết có những phóng viên của các cơ quan truyền thông nước ngoài như một phóng viên người Việt tên Đinh Hậu làm việc cho AP, một phóng viên đài truyền hình NHK của Nhật và một phóng viên của tờ báo Ashahi Shimbun cũng của Nhật nữa.

Trước những thông tin bắt bớ đó, chúng tôi cũng liên lạc với người phụ trách công an Hà Nội và cũng là phó tổng cục trưởng Cục An Ninh II, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh để xác minh, thì ông này bác bỏ:

Tôi thấy trước tôi chị Dương Thị Xuân bị bắt tôi chạy đến muốn ngăn lại nhưng hai mật vụ kèm sát hai bên tôi, rồi có một người chỉ vào mặt tôi nói <i>'Bắt thằng này'</i>.

Anh Ngô Duy Quyền

“Tôi là ông Nhanh đây. Chúng tôi không có bắt ai hết, sau khi xác định nhân thân thì trả tự do hết. Chúng tôi chỉ mời về để giải thích và 12 giờ cho về hết. Còn bà Dương Thị Xuân và ông Ngô Duy Quyền còn liên quan đến nhiều việc khác nữa như khiếu kiện chứ không phải biểu tình không mà thôi…”

Trên các trang mạng lề trái như blog Dân Làm Báo…, trong những ngày qua xuất hiện bài viết của nhà báo Phi Khanh kể lại sự việc bị bắt đưa lên xe buýt đến trụ sở Công an Mỹ Đình, huyện Từ Liêm làm việc. Tại đó ông phải làm việc với thiếu tá công an Trần Quốc Hà với nội dung vì sao đi biểu tình.

Nhà báo Phi Khanh cho biết ông không đi biểu tình mà đến nhà bạn chơi và thấy sự việc thì tác nghiệp. Ông này cũng kể lại việc ghi biên bản cho rằng công an giữ ông như thế là vi phạm luật báo chí. Làm việc xong công an bảo ông tự về nhưng ông cương quyết không chịu bảo phải đưa trả ông về lại chỗ họ đưa ông đi. Nhà báo Phi Khanh cho biết có gọi điện cho trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nhưng ông này không bắt máy. Cuối cùng công an tại đó cũng phải đưa cho ông 50 ngàn để đi xe ôm về lại địa điểm Cột Cờ.

Bản lĩnh dân tộc bị đồng hóa và ngu muội

bus-to-congan-250.jpg
Những công dân bị đưa lên xe bus về cơ quan Công an Mỹ Đình. Nguồn Nguyen Thanh Cao's blog.

Sự kiện vào ngày 10 tháng 7 vừa qua ở Hà Nội làm cho những người trong cuộc bức xúc như phát biểu sau đây:

“Tình hình Việt Nam hiện nay theo cảm giác của tôi đang bị khống chế nhiều mặt, chứ không phải là một nước độc lập về chính trị, về kinh tế, về văn hóa… Nguời Việt Nam giờ hèn lắm không như xưa nữa rồi, mai một và ngu muội. Bản lĩnh dân tộc bị đồng hóa và ngu muội rồi. Nếu tôi là nguời lãnh đạo tôi xuống thì ai dám chỉ trích tôi.”

Anh Nguyễn Tiến Nam, người từng tham gia vào những cuộc phản đối chống Trung Quốc từ hồi năm 2008 đến những chủ nhật vừa qua cũng nói lên suy nghĩ của bản thân:

“Khi vào Công an Phường Tràng Tiền, các bạn đứng trước hô lớn nói “Thả người vô tội’, ‘Yêu nước không có tội”… Tôi cảm thấy hành động đó là vượt lên sự sợ hãi, điều này khác với trước đây vào ngày 23 tháng 12 năm 2007 khi tôi bị bắt vào công an phường Quốc Tử Giám vì chống biểu tình cùng bác Nguyễn Xuân Nghĩa, rồi ngày 29 tháng 4 năm 2008 tôi cùng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh… biểu tình phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh; tôi bị đánh rất dã man nhưng không ai lên tiếng gì. Vừa qua thì mọi người đã có ý kiến, như thế đã vượt qua sự sợ hãi của chính họ rồi.”

Bản lĩnh dân tộc bị đồng hóa và ngu muội rồi. Nếu tôi là nguời lãnh đạo tôi xuống thì ai dám chỉ trích tôi.

Tác giả ký tên Phương Bích có bài xuất hiện trên các trang mạng lề trái với tựa 'Nỗi buồn biểu tình ngày 10 tháng 7: Giữ lửa không đều e khó nhóm lại'.

Tác giả kể lại việc bị bắt giữ, rồi không khí làm việc tại cơ quan công an Mỹ Đình , huyện Từ Liêm nơi chị nhận ra nhà báo Phi Khanh của báo Hội Người Cao Tuổi, rồi bác Thanh, anh thanh niên tên Ngữ… cũng phải làm việc tại đó.

Ngay sau khi xảy ra việc bắt giữ người biểu tình và cả nhà báo trong và ngoài nước hôm ngày 10 tháng 7, các tổ chức theo dõi nhân quyền như Human Rights Watch và Tổ chức Bảo vệ Ký giả đã lên tiếng chỉ trích biện pháp đó.

Một số người phải làm việc với an ninh như anh Ngô Duy Quyền, chị Dương Thị Xuân nhận được cảnh báo không được tham gia biểu tình nữa, nếu không phải chịu hậu quả; trong khi đó những bạn như Phương Bích thì cho hay nay tại cơ quan an ninh họ còn hẹn nhau chủ nhật tuần này lại đi ra chỗ tập trung để biểu tỏ lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của phía Trung Quốc.

Theo dòng thời sự: