Biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 5

Chủ nhật 3 tháng 7 là chủ nhật thứ 5 liên tiếp, nhiều người dân tại Hà Nội biểu tình cùng nhau nói lên lòng yêu nước, chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam bất chấp cản trở của phía cơ quan an ninh, công an…

0:00 / 0:00
bieutinh070311-250.jpg
Đoàn người biểu tình tuần hành trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội sáng Chủ nhật 03-07-2011. NguyenXuanDien's blog.

Vào 8:30 sáng 3 tháng 7, Đài chúng tôi liên lạc với một thanh niên có mặt khu vực đường Điện Biên Phủ và được người này cho biết:

“Bây giờ được khoảng trên 50 người, công an chính quyền đang bảo mọi người giải tán. Họ bảo đó không phải là nơi tụ tập. Mọi người tập trung từ lúc bảy giờ. Hôm nay chính quyền đông hơn nên người ta đứng tản mát; riêng chỗ đó thôi là 50 người.

Tuần này cà phê Cột Cờ cũng đóng cửa, nhưng bán qua hàng rào, một ly 40 ngàn; ở ngoài cao lắm là 15 ngàn.

Tuy nhiên mọi người rất nhiệt huyết, có thể cuộc biểu tình đông vì mọi người chung một lòng yêu nước, mọi người không sợ đâu.”

Đến 9 giờ 15’, một người khác tham gia vào đoàn biểu tình thuật lại quang cảnh trong tiếng hô của những người biểu tình và tiếng nhắc nhở của công an giao thông:

“Giờ có khoảng 100 người. Đang ở đầu phố Điện Biên Phủ. Cảnh sát chỉ không cho đi xuống lòng đường. Có nhiều phóng viên quay phim chụp ảnh.
Nhiều thành phần tham gia, cả lớn, trẻ, sinh viên học sinh.”

Bây giờ được khoảng trên 50 người, công an chính quyền đang bảo mọi người giải tán. Họ bảo đó không phải là nơi tụ tập.

Một thanh niên biểu tình ở Hà Nội

Chừng 15 phút sau một bạn nữ tham gia trong đoàn biểu tình cũng cho biết:

“Mọi người rất quyết tâm. Đang ở số 293 Hai Bà Trưng. Lần này số lượng tham gia tương đương ngày 5 tháng 6. Đây là lòng yêu nước của mọi người cho nên không nên ngăn cản. Luật biểu tình của Việt Nam chưa rõ ràng; trong khi đó chính quyền sợ biểu tình gây ảnh hưởng quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Nếu có lời kêu gọi em sẽ sẵn sàng tham gia, gác công việc lại để tham gia.”

Theo nhận xét của bạn nữ tham gia cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày chủ nhật 3 tháng 7 thì số người biểu tình phản đối Trung Quốc lần này tại đó cũng tương đương chủ nhật ngày 5 tháng 6.

Trong đoàn biểu tình tại Hà Nội trong ngày 3 tháng 7, có một số trí thức tại Hà Nội tham gia như tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu thuộc Viện Văn Học, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, các giáo sư Ngô Đức Thọ, Hoàng Xuân Phú, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên…

nguyenquanga-250.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Ngô Đức Thọ tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 3-7-2011.

Đoàn biểu tình lần này đã đến truớc Nhà Hát Lớn như trình bày của bạn nữ tham gia biểu tình vào lúc 10:30 phút:

“Cơ quan an ninh không cho lên sảnh, nhưng mọi người đã phá rào lên đó hát quốc ca, và một bạn thanh niên đại diện đoàn biểu tình đọc tuyên cáo và một số phát biểu khác nữa.

Trước đó lực lượng an ninh không cho tụ tập nhưng người biểu tình nói không có biển cấm nên được phép.

Cảm giác của em rất xúc động trước lòng yêu nước của mọi người.”

Một điểm khác cũng được bạn này cho biết là việc bắt người nhưng vì cương quyết của đoàn biểu tình nên công an phải thả ra:

“Khi đoàn đang đi thì có người chạy ra hô ‘có bắt người’; thế là đoàn biểu tình quay lại trụ sở công an gần đó. Đoàn người hô khẩu hiệu ‘Thả người’, ‘Đoàn kết’ thì chừng ba phút sau họ phải thả người ra.

Cơ quan an ninh không cho lên sảnh, nhưng mọi người đã phá rào lên đó hát quốc ca, và một bạn thanh niên đại diện đoàn biểu tình đọc tuyên cáo và một số phát biểu khác nữa.

Một bạn nữ biểu tình ở Hà Nội

Em tin rằng việc biểu tình không tác động đến tâm trạng của người dân trong nước mà cả thế giới, để rồi Trung Quốc phải có suy nghĩ khác đối với Việt Nam.”

Trong khi đó chỉ có một lần được biểu tình hôm ngày 5 tháng sáu và trong những chủ nhật tiếp theo đến nay ở Sài Gòn mọi nỗ lực tập trung biểu tình phản đối Trung Quốc đều bị phía an ninh, công an chặn đứng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày thứ bảy 25 tháng 6, một số trí thức và sinh viên căng biểu ngữ chống việc xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc nhưng chỉ được một lúc cũng bị giải tán.

Hôm ngày 25 tháng 6 vừa qua, chỉ một tháng sau vụ việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của Tàu Bình Minh 02 trong địa phận 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến nhiều người dân bất bình xuống đường biểu tình phản đối, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã sang Trung Quốc gặp ông ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc, Đới Bỉnh Quốc, và được ông này yêu cầu phải định hướng dư luận để không gây phương hại cho quan hệ hai nước.

Theo dòng thời sự: