Luật phòng, chống tham nhũng 2018 của Chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu được thi hành vào đầu tháng 7 tới đây và cơ quan chức năng tiến hành tham vấn về Dự thảo Nghị Định Hướng dẫn thi hành luật này. Một trong những nội dung của Dự thảo Nghị Định là quan chức phải từ chối quà được tặng không đúng quy định, hay việc xử phạt tham nhũng sẽ được áp dụng cho cả khu vực ngoài nhà nước.
Những qui địinh như thế có khả thi, giúp xóa bỏ tình trạng tham nhũng trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay hay không?
Người dân: “Chuyện thường ngày ở huyện”
Trong buổi tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội hôm 27/3 vừa qua, Thanh tra chính phủ Nguyễn Tuấn Anh nêu ra một số nội dung mới trong số 11 chương của Dự thảo.
Một trong những nội dung mới đáng chú ý được công bố là người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và nộp lại quà tặng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
<i>Quy định cho vui vậy thôi chứ tính khả thi là rất ít.<br/>-Nhà báo Võ Văn Tạo</i>
Nội dung quy định về việc xử lý quà tặng nêu rõ: quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì sẽ được thủ trưởng nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định; quà tặng bằng hiện vật thì sẽ được xác định giá trị và bán công khai để nộp ngân sách.
Trò chuyện với RFA, Nhà báo Võ Văn Tạo, một cựu chiến binh cộng sản hiện sinh sống ở Nha Trang, kể lại chuyện thời sinh viên của ông từ những năm 70s khi đi thực tập đã phải chấp hành những quy định khắt khe về chuyện nhận quà tặng dù rất nhỏ như cây viết, hộp quẹt. Ông chia sẻ:
Sinh viên mình thấy thế thì chấp hành nghiêm túc, nhưng sau này ra đi làm mới thấy chuyện biếu xén quà cáp ở Việt Nam hiện nay trở thành văn hóa rồi. Nếu mà ai không nhận thì thành ra cái gì đó “quái dị” lắm. Buồn như thế đấy!
Từ đó, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định:
Quy định cho vui vậy thôi chứ tính khả thi là rất ít.
Đánh giá việc ban hành và thực thi Luật phòng, chống tham nhũng, Lan, một phụ nữ trẻ làm trong ngành truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết quan điểm:
Hình thức vẫn là cái nên có nhưng việc thực thi và áp dụng hình thức đó đến đâu thì lại tùy thuộc vào hệ thống bộ máy nhà nước. Hiện nay thì niềm tin đặt vào bộ máy nhà nước Việt Nam của người dân thì rất thấp. Thật ra tôi nghĩ người dân cũng chẳng quan tâm và họ cũng chẳng tin vào bản chất của cán bộ và nền giáo dục của đất nước này.
Lan giải thích thêm lý do mà cô cho rằng người dân bị “mất niềm tin”:
Nếu mà tin, thì họ đã chẳng phải vi phạm hối lộ. Làm việc ấy giống như “chuyện thường ngày ở huyện’! Ví dụ như giải quyết giấy tờ cũng phải nhét tiền cho cán bộ, đi ra ngoài đường bị công an thổi cũng phải nhét tiền cho công an.
Doanh nghiệp: “Công cụ để kiểm soát”
Một nội dung mới khác được đánh giá là khó lần đầu tiên Việt Nam quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng 2018 là việc áp dụng các biện pháp Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Theo đó, việc xử phạt hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước quy định: hành vi hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị cảnh cáo và phạt tiền 5 – 10 triệu đồng; hành vi tham ô, nhận hối lộ chưa đến mức bị truy cứu hình sự sẽ bị phạt 10 – 20 triệu đồng. Mức phạt cao nhất lên tới 100 triệu dành cho biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân để vi phạm; sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Nhận định về phạm vi áp dụng cho khu vực ngoài nhà nước, chủ một doanh nghiệp đang phát triển ở Bình Dương nói với RFA:
Ra luật hối lộ mà phạt luôn doanh nghiệp thì cái đó về hình thức răn đe để người ta thượng tôn pháp luật thì không có, nhưng mà thay vì vậy, Nhà nước lại có một công cụ để kiểm soát doanh nghiệp nữa. Bởi vì bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào ví dụ như trốn thuế hay hối lộ thì đều phải trải qua hết. Vấn đề là có lôi ra hay không thôi.
Dẫn chứng một ví dụ, người doanh nhân trên nói riêng với chúng tôi rằng các doanh nghiệp vào cuối năm thường đều phải khai trả tiền lương và thưởng của công nhân ít hơn thực tế đồng nghĩa với hành vi trốn thuế. Người doanh nhân nói nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ giữ được tiền để trả thêm cho công nhân, thay vì phải đóng những khoản phí bảo hiểm, phí công đoàn cho Nhà nước. Anh nói thêm:
Khi mà quyết toán thuế thì nó (cán bộ thuế) hiểu hết câu chuyện đó. Nó thả mà, để cuối năm nó hốt một cái.
Vẫn hình thức!
Truyền thông trong nước nói Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nhiều nội dung trước đây nằm trong nhiều văn bản liên quan khác nhau.
Bên cạnh đó, chiến dịch chống tham nhũng của Ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ít nhiều được dư luận cho rằng đã mang ra ánh sáng nhiều nhân vật các quan chức cao cấp, công an liên quan các đại án tham nhũng như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa…
<i>Chúng ta không có đối trọng, không có đa nguyên, đa đảng, không có báo chí đối lập thì không cách nào chống được tham nhũng.<br/>-Nhà báo Võ Văn Tạo</i>
Tuy vậy, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định về chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay:
Có những biện pháp ráo riết một thời gian, gọi là “làm màu làm mè” thế thôi, tạm lắng chỗ này chỗ kia thế thôi nhưng bản chất thì không thay đổi được.
Nói về bản chất khiến nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam hiện nay, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định:
Có một cái ai cũng thấy rất rõ. Dễ mà khó, khó mà dễ! Đó là quy luật về mặt chính trị: chúng ta không có đối trọng, không có đa nguyên, đa đảng, không có báo chí đối lập thì không cách nào chống được tham nhũng.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nền báo chí và thể chế đa nguyên sẽ đóng vai trò quan trọng giải quyết nạn tham nhũng bằng việc tố giác, lên án và chỉ trích từ các phe đối lập. Trong khi đó, điều này khó có thể thực hiện được với thể chế độc đảng và giới lãnh đạo cao cấp muốn duy trì quyền lực tuyệt đối như ở Việt Nam hiện nay.