Hy vọng gì ở Biển Đông?

Tình hình Biển Đông trở nên phức tạp khi Trung Quốc ngày càng có hành động tùy tiện và gây hấn đáng ngại trong khu vực, nhất là đối với VN.

0:00 / 0:00

Hiện, xem chừng như có dấu hiệu Hoa Kỳ cùng các nước trong khu vực, kể cả Úc, xúc tiến hợp tác trước mối đe dọa của Bắc Kinh.
Những diễn tiến đó có ý nghĩa ra sao? Và có thể có lợi cho VN như thế nào? Thanh Quang và Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ có cuộc trao đổi quanh vấn đề này.

Thanh Quang: Thưa GS, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản vừa phối hợp tập trận ở Biển Đông sau khi Philippines đã kết thúc 11 ngày thao dợt hải quân với Mỹ ở vùng biển gần Biển Đông, và VN cùng Hoa Kỳ cũng có kế họach tập trận ở Biển Đông nội trong tháng này. Những diễn tiến khá dồn dập như vậy, theo GS, có ý nghĩa ra sao liên quan đến hành động gây hấn ngày càng đáng ngại của TQ ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Về những lời tuyên bố chính thức, vì Trung Quốc đã chỉ trích những hành động như vậy là không tốt, thì Hoa Kỳ nói rõ là những hoạt động này đã được chuẩn bị từ lâu rồi, và diễn ra vào thời điểm này là chuyện trùng hợp thôi.

Nhưng trên thực tế chúng ta thấy đây là sự biểu dương lực lượng Hoa Kỳ để chứng tỏ lời tuyên bố từ lâu của Hoa Kỳ là không chấp nhận Biển Đông là vùng đặc quyền của ai cả, mà phải mở vùng này cho tự do lưu thông, và Hoa Kỳ vẫn là cường quốc ở vùng Á Châu-Thái Bình Dương.

Chính Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, Đô Đốc Mike Mullen đã nói rõ trong chuyến viếng thăm TQ mới đây rằng Hoa Kỳ là cường quốc hiện diện ở trong vùng, và Hoa Kỳ chỉ thực thi quyền này thôi. Đây là một sự biểu dương lực lượng để chứng tỏ Hoa Kỳ quyết tâm thi hành, bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ lập trường của mình.

000_Hkg5102253-250.jpg
Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bính Đức (thứ hai từ phải) trong cuộc họp với Đô đốc Mỹ Mike Mullen tại Bắc Kinh ngày 11 tháng Bảy năm 2011. AFP photo (Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bính Đức (thứ hai từ phải) trong cuộc họp với Đô đốc Mỹ Mike Mullen tại Bắc Kinh ngày 11 tháng Bảy năm 2011. AFP photo)

Thanh Quang: GS vừa nhắc tới Đô Đốc Mike Mullen, Tổng Tham Mưu Trường Liên Quân Hoa Kỳ, thì đúng là ông có khẳng định với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ quyết tâm duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực. Theo GS thì cụ thể Đô Đốc Mike Mullen muốn nhắn gởi điều gì với Bắc Kinh ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hoa kỳ thứ nhất đã khẳng định mình là cường quốc ở Á Châu-TBD, thứ hai là Hoa Kỳ quan tâm đến tự do lưu thông ở Biển Đông, và thứ ba là Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng này. Thì qua những cuộc tập trận hỗn hợp đó, Hoa Kỳ muốn chứng tỏ sức mạnh của mình ở vùng này.

Thanh Quang: Thưa GS, những diễn tiến tập trận vừa nói có phải là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng can thiệp quân sự một khi xung đột võ trang xảy ra ở Biển Đông, dù đó là cuộc hải chiến giữa VN và TQ ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hoa kỳ không nói rõ như vậy. Hoa Kỳ để cho TQ tự đóan lấy. Đó là một ẩn ý về chiến lược.

Thanh Quang: Thưa GS, tình hình xem chừng như Hoa Kỳ và những nước trong khu vực, kể cả VN, xúc tiến hợp tác nhằm đối trọng hành động gây hấn và tùy tiện ngày càng trắng trợn của Bắc Kinh có thể giúp ích cho VN ra sao trước hiểm họa của Phương Bắc ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng : Giúp ích một phần nào, bởi vì khi những nước nhỏ ở bên cạnh nước lớn thì họ muôn luôn phải tìm cách một mặt hòa hõan với nước lớn này, mặt khác thì tìm những đồng minh ủng hộ cho mình. VN cũng trong trường hợp như vậy. Vậy thì sự hiện diện hải quân Hoa Kỳ, và nhất là VN ngày càng muốn có sự hiện diện hải quân của nhiều nước khác là một hình thức giúp VN giảm bớt những áp lực từ phía TQ.

Thanh Quang: Cảm ơn GS Nguyễn Mạnh Hùng rất nhiều.