Cây dó bầu, nguyên liệu sản xuất trầm hương

Cây dó bầu vẫn được xem là loại thực vật thích hợp cho việc cấy tạo trầm hương, một dược liệu đắt tiền và hiếm quý của Việt Nam.

0:00 / 0:00

Thông tín viên Nhân Khánh tìm hiểu mấu chốt thành công giữa các phương pháp cấy tạo trầm và hướng phát triển của ngành sản xuất trầm nhân tạo tại Việt Nam.

Nguồn trầm hương cạn kiệt

Trên thị trường quốc tế, giá 1 kg trầm hương khoảng 150 triệu đồng, còn giá 1 kg kỳ nam thì sấp xỉ chừng 7 tỉ đồng. Thị trường trầm hương trên thế giới hiện nay cung không đủ cầu. Điều này còn kéo dài không dưới 10 năm nữa.

Khi nguồn trầm hương tự nhiên ở rừng Việt Nam gần như cạn kiệt thì việc trồng cây dó bầu để tạo trầm nhân tạo không ngừng phát triển. Diện tích cây dó bầu trồng trong vườn nhà và trang trại hiện có khoảng 20.000 ha. Dó bầu được trồng nhiều ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung, kể cả một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Bắc. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Hợp, Chủ tịch Hội Trầm hương, Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á có điều kiện địa lý, khí hậu để phát triển cây dó bầu tạo trầm hương có chất lượng tốt nhất. Về thực tế trồng cây dó bầu trong nước, chúng tôi được Tiến sĩ Trần Hợp, cho biết như sau:

"Hiện nay, người dân có phong trào trồng rất nhiều. Người ta cũng đã cấy, đã trích ra dầu và bán được rồi. Nhưng trầm thực tốt thì chưa có, về chất lượng thì chưa đạt yêu cầu lắm. Nếu so với cao su, với các cây trồng rừng khác thì trồng cây dó là cao nhất rồi. Nhưng chưa phải là kỳ vọng cuối cùng."

Dó bầu là một loại cây dễ trồng, dễ sống. Vốn là cây rừng nên không cần bón nhiều phân. Cách chăm sóc chỉ bằng 1/2 so với cây ăn trái. Theo Hội Trầm hương, công nghệ tạo trầm hiện nay vẫn là một thách thức lớn. Trong thực tế có không ít tường hợp sau vài năm trồng cây dó đã đành chuyển sang thu hoạch gỗ. Do cách trồng và phương pháp tạo trầm, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân nên hiệu quả không cao.

Cần phải xác định rằng, mỗi địa phường trồng dó bầu có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Nên hầu như không có một công thức cấy tạo trầm chung cho cả nước. Liều lượng dung dịch xúc tác cần điều chỉnh cho phù hợp từng vùng. Về khả năng tạo trầm từ cây dó bầu sau khi được cấy men, chúng tôi được ông Hồ Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty Tinh Đất Việt cho biết:

"Trong 1 cây có nhiều lỗ khoan. Mà vị trí nằm mỗi lỗ khoan vì lý do nào đó, có những bộ phận dầu nhiễm nhiều, là loại 5 chẳng hạn. Còn những phần dầu nhiễm ít là loại 6. Những phần ít nữa là loại 7. Tức là trong một cây, sản phẩm của nó chia làm nhiều loại. Loại 5 bây giờ khoảng 12 triệu."

Ngoài trầm miếng, hiện nay tinh dầu trầm là sản phẩm thu hoạch chủ yếu từ cây dó bầu. Sau khi chiết xuất, tinh dầu trầm của thị trường Dubai được lưu giữ trong 2 năm mới bán. Tinh dầu trầm Việt Nam thì lại bán ngay, nên giá thấp hơn so với thị trường đến 3-4 lần. Chúng tôi cũng có trao đổi về thời gian thu hoạch sau khi cấy tạo trầm, thì được ông Hồ Ngọc Vinh cho biết:

"Khoan rồi, mình bỏ men vi sinh vô thôi. 2 tháng sau, kiểm tra là biết nó có trầm hay không. Còn để thu hoạch thì khoảng 1,5 – 2 năm thì mình thu hoạch được rồi. Nếu mình để càng lâu thì tinh dầu nó nhiều hơn, bán càng nhiều tiền. Nếu 2 năm thu hoạch thì mình bán cây khoảng 3 triệu. Nếu để 3 năm thì sẽ bán lên 4 triệu, để 4 năm thì bán lên 5 triệu."

Cần nhà nước hỗ trợ

tno-dobau.-200.jpg
Trầm hương trong cây dó bầu. Photo courtesy of tno (Trầm hương trong cây dó bầu. Photo courtesy of tno)

Do vốn đầu tư lớn và chu kỳ kinh doanh dài, nên ngành sản xuất trầm hương nhân tạo chưa phát triển rộng. Ngoài trầm hương và tinh dầu trầm, các sản phẩm chế tác từ cây dó bầu còn có nhang trầm, đồ thủ công mỹ nghệ. Mỗi năm, xuất khẩu theo đường chính ngạch trung bình khoảng 25 triệu USD. Việc trồng cây dó bầu được nhìn nhận như thế nào về mặt chính sách và mục tiêu hướng tới của Hội Trầm hương, Tiến sĩ Trần Hợp cho biết:

"Trầm hương đang có được 2 ưu điểm. Một là đã được Chính phủ công nhận đây là cây người dân trồng sản xuất, cho nên xuất khẩu hiện nay, miễn thuế hoàn toàn. Thứ hai là Công ước CITES bảo vệ cây dó, hiện nay chúng tôi làm Chứng chỉ rừng, để xác định cây dó là do người dân trồng. Cho nên xuất khẩu không phải qua CITES. Giá trị cao nhất là kỳ nam. Hiện nay, Hội chúng tôi đang phấn đấu nuôi cấy hoặc trồng với điều kiện nào đó để ra được kỳ nam."

Chính phủ cần có chính sách nghiên cứu cụ thể về hiệu quả cây dó bầu. Hiện nay, toàn ngành vẫn chưa có quy chuẩn cho vấn đề giống, phương pháp tạo trầm cũng như chất lượng sản phẩm... Trầm hương Việt Nam dù được đánh giá cao, nhưng do chất lượng không ổn định nên chỉ bán được 1/4 giá thị trường. Theo Tiến sĩ Trần Hợp, để việc trồng cây dó bầu đạt hiệu quả cao nhất, Hội Trầm hương có hướng giải quyết như sau:

"Chúng tôi đang định làm trong năm nay, xin một đề tài nghiên cứu của Nhà nước, sẽ nghiên cứu vùng phân bố trồng cây tốt nhất. Để khuyến cáo người dân, chỉ nên tập trung ở điều kiện môi trường sinh thái của cây dó, thì mới trồng trầm được. Chứ không trồng tràn lan như ngày xưa nữa."

Chúng tôi đang định làm trong năm nay, xin một đề tài nghiên cứu của Nhà nước, sẽ nghiên cứu vùng phân bố trồng cây tốt nhất.

Tiến sĩ Trần Hợp

Theo dân gian, hương trời theo gió quấn quýt thân cây dó bầu. Trầm là thứ hương trời thấm đẫm trong lõi cây dó. Còn về mặt khoa học, những cây dó bầu cho trầm thường là những cây bị thương tích. Khi cơ thể bị tổn hại, cây sẽ tiết ra nhựa để làm lành vết thương. Thứ nhựa đó là trầm. Với câu hỏi về giá trị thật của trầm hương, Giáo sư Tiến sĩ Đinh Xuân Bá, một trí thức được giới nghiên cứu về trầm hương mệnh danh là “giáo sư trầm-kỳ”, đã trả lời:

"Chính một câu hỏi mà tôi vẫn chưa giải đáp xong. Xét về trầm hương, thì không thể nào chỉ căn cứ vào khía cạnh khoa học của nó. Mà phải căn cứ vào cả các khái niệm về giả khoa học và tiền khoa học thì mình mới đánh giá được nó. Vì bất kể một ngành khoa học chính thống nào, thế nào cũng qua thời kỳ giả khoa học, rồi đến thời kỳ tiền khoa học."

Những hiệu quả và giá trị kinh tế từ việc trồng cây dó bầu, nếu được đầu tư cách bài bản hơn, có khả năng mở ra một hướng đi mới cho mô hình phát triển vườn rừng trang trại ở Việt Nam. Con đường đi từ việc trồng cây dó bầu đến tạo ra trầm thương phẩm còn lắm gian nan. Ngoài sự kiên trì của nông dân còn đòi hỏi nỗ lực của những trí thức có lòng với người dân lao động.