Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vào ngày 26 tháng 3 năm 2020 ra chị thị số 26 về việc thành lập các tổ công tác để lập điểm kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19, mỗi tổ có từ 10 đến 12 thành viên, nòng cốt của các tổ công tác là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn, hội viên Cựu chiến binh, đảng viên, công an, y tế, đoàn viên thanh niên...
Tuy nhiên với thành phần theo chỉ thị 26 bao gồm cả hội viên Cựu chiến binh, hội người cao tuồi... nhiều người trong tổ công tác là người cao tuổi...
Anh Lương Văn Trinh, một cư dân Hải Phòng, xác nhận với RFA hôm 30/3:
“Trưởng thôn, nhân viên kiểm dịch y tế, người ta đến phát mỗi nhà một tờ phòng chống dịch corona, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay, ra đường đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m, không nên tiếp xúc với người lạ... Nói chung già thì cũng không nên, ngoài 60 là tuổi nghỉ hưu rồi, bây giờ lớp trẻ thiếu gì, học hành có bằng có cấp, làm việc có khoa học, nhanh nhẹn...”
Những đối tượng dễ bị nặng là những người bị bệnh mãn tính, những người bị suy giảm miễn dịch, hay những người cao tuổi. Việc lây lan nó phụ thuộc vào việc mình có tiếp xúc với nguồn dịch hay không.<br/>-BS Phạm Nhật An
Để tìm hiểu thêm về việc người cao tuổi tham công tác cộng đồng nguy hiểm như thế nào, RFA hôm 30/3/2020 liên lạc Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên phó giám đốc kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung Ương, hiện là giảng viên cấp cao Đại Học Y Hà Nội, và được ông cho biết như sau:
“Những đối tượng dễ bị nặng là những người bị bệnh mãn tính, những người bị suy giảm miễn dịch, hay những người cao tuổi. Việc lây lan nó phụ thuộc vào việc mình có tiếp xúc với nguồn dịch hay không. Tuổi cao thì bao giờ khả năng sức đề kháng cũng giảm, cũng như các nước, có nhiều loại vắc xin phải tiêm thêm cho người già để phòng những bệnh nếu người trẻ mắc thì nhẹ, còn người già dễ mắc bệnh nặng. Tức là người già bao giờ chức năng của các cơ quan đều giảm đi, trong đó có hệ miễn dịch giảm.”
Theo Bác sĩ Phạm Nhật An, các nước đều có khuyến cáo về việc này, người già phải hạn chế tiếp xúc cộng đồng, môi trường bên ngoài, để tránh gặp nguồn lây nhiễm mà mình không thể biết. Vì có nhiều người có thể lây bệnh khi họ bị nhiễm nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Theo ông, phải hết sức tích cực tuân theo khuyến cáo này, tức là trừ những trường hợp rất đặc biệt mới ra ngoài, còn lại nên ở tại hộ gia đình, nếu làm được thì khả năng lây nhiễm ít.
Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng, nói với RFA hôm 30/3 về trường hợp của mình:
“Tôi cũng là người trên 60 tuổi, năm nay đã 62, nếu tính theo tuổi ông bà thì đã 63 tuổi, mà hầu như suốt đợt dịch bệnh này mấy khi tôi ở trong nhà. Cũng có nhiều người như tôi, nhưng không phải họ ra đường là bất chấp chuyện khuyến cáo hay không có tinh thần trách nhiệm với xã hội, do mình dễ lây nhiễm. Bản thân tôi nghĩ, còn những người tha nhân, rồi hạn hán thiếu nước... thì có một chút sức tàn cũng cố giúp ích cho xã hội, cố gắng giữ an toàn, lỡ có gì thì cái chết cũng nhẹ nhàng thôi vì cũng sống quá đủ rồi.”
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên. Tuổi cao, theo quy luật sẽ kéo theo sự lão hoá của các cơ quan trong cơ thể, từ hệ cơ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, hệ thống mạch máu. Sự lão hoá còn làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường, tăng khả năng mắc các bệnh lý lây nhiễm từ cộng đồng, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp như COVID-19.
![Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 30/3/2020.](https://www.rfa.org/resizer/v2/73X2QCH4NM4F7HLGKHC6LGKGCA.jpg?auth=41635b5cae8037b74914011e9e996ff76d58157734b4459f8ed3f4c6d6c4ad5c&width=800&height=533)
Tuy nhiên, không phải địa phương nào ở Việt Nam cũng ra chỉ thị như chỉ thị 26 của Hải Phòng, vì nếu tâp trung đông người đến tận nhà tuyên truyền có thể là con dao hai lưỡi. Bác Nguyễn Đình Hòa, một các bộ về hưu nói với RFA từ Hà Nội hôm 30/3:
“Những người trên 60 tuổi thì không nên ra đường, mấy cái ông có cái loa trên phường cứ alo alo nói, chứ ai đến tận nhà vận động làm gì, những người đến tận nhà có khi lại lây nhiễm làm sao, nói chung là không nên tiếp xúc. Đối với các bác thì không nên bia bọt, tụ tập... các bác thì vẫn đi tập thể dục đeo khẩu trang, đứng cách xa nhau 2 mét.”
Tuy nhiên báo chí nhà nước lại dùng trường hợp người cao tuổi tham gia chống dịch ở Hải Phòng để tuyên truyền, ca ngợi những người này đều rất tâm huyết, trách nhiệm, không ngại khó khăn, khổ cực, hiểm nguy... Tất nhiên có trách nhiệm với xã hội là điều đáng khen, tuy nhiên việc tuyên truyền như vậy có thể đem đến kết quả tiêu cực, trái ngược hoàn toàn với mục đích của việc tuyên truyền.
Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một đảng viên đảng cộng sản đã từ bỏ đảng, nhận xét với RFA hôm 30/3:
“Tôi thấy tuyên truyền nhiều khi hơi lố,người ta tuyên truyền những cái mà không phải là đáng khuyến khích,ví dụ như chống dịch này thì bao nhiêu thanh niên tình nguyện, họ khỏe mạnh nhanh nhẹn, thì phải huy động chứ tại sao lại bắt các ông già đi tham gia cái việc đó, dễ lây nhiễm, không cần thiết. Trong khi thủ tướng kêu gọi ai ở đâu ở đó, đặc biệt đối với người già.”
Vì mục đích gì đó, ban tuyên giáo thường động viên sức dân, như chúng tôi vẫn nói là họ kêu gọi đấu tranh bằng máu của người khác. Tôi cho đó là việc ghê tởm, không xứng đáng, nó vi phạm quy chuẩn đạo đức của xã hội.<br/>-Nhà báo Ngô Nhật Đăng
Không chỉ tuyên truyền việc người cao tuổi tham gia chống dịch, báo chí nhà nước còn tuyên truyền nhiều việc được cho là đáng lo ngại, như việc nhân viên y tá mang thai 9 tháng vẫn ở lại bệnh viện chống dịch, hay người già neo đơn, trẻ em miền núi góp tiền cho quỹ phòng chống COVID-19. Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói tiếp:
"Như việc tuyên truyền cô y tá có thai 9 tháng rồi vẫn tình nguyện ở lại thăm nom bệnh nhân qua đêm, thấy rất là ái ngại. Những trường hợp như thế có lẽ không nên tuyên truyền nhiều. Hay có những bà mẹ VN anh hùng hay những bà già, rất vất vả để dành một triệu bạc để dành thuốc thang khi đau ốm tuổi già, bây giờ đem góp cho quỹ phòng chống COVID-19, thì cũng tuyên dương. Tôi thấy rất ái ngại, trong khi đáng lẽ không nên nhận, ghi nhận tấm lòng Cụ thôi, chứ Cụ già thế này rồi, có một triệu để lo lúc ống đau thì Cụ cứ giữ lấy, nhưng vẫn lấy và tuyên dương. Trong khi các quan chức đánh gofl, vé mỗi năm 3 tỷ thì chẳng thấy ông nào ủng hộ gì cả. Hay các em miền núi để dành 200 ngàn đóng góp, mà các quan chức giàu như thế chẳng thấy ông nào bỏ ra vài tỷ, điều đó rất cần thiết lúc này."
Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng, việc tuyên truyền như vừa nêu là một việc đáng ghê tởm, trong khi những người như thế là những người cần được bảo vệ, nhất là bà mẹ mang thai. Ông nói tiếp:
“Đáng lẽ trong nhà nước, những người như thế phải được ưu tiên nghỉ việc, trong khi không thiếu những người trẻ khỏe, thay thế cho những người phụ nữ như thế. Tức là vì mục đích gì đó, ban tuyên giáo thường động viên sức dân, như chúng tôi vẫn nói là họ kêu gọi đấu tranh bằng máu của người khác. Tôi cho đó là việc ghê tởm, không xứng đáng, nó vi phạm quy chuẩn đạo đức của xã hội.”
Theo Bộ Y Tế Việt Nam, tính đến chiều ngày 30 tháng 3 năm 2020, Việt Nam có thêm 9 ca bệnh COVID-19 nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 từ đầu mùa dịch đến nay lên 203 ca.
Tại cuộc họp chính phủ tại Hà Nội vào chiều ngày 30 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với các đề xuất của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 gồm cơ bản dừng vận chuyển công cộng, và các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19.