Thẩm phán suốt đời có phù hợp với thể chế chính trị một đảng hay không?

0:00 / 0:00

Ngày 14 tháng 12 năm 2020, Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp cùng Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo đánh giá năm năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014.

Theo Điều 74 của bộ luật hiện hành, nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là năm năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Dự thảo đề nghị sửa đổi theo hướng bổ nhiệm suốt đời nhằm tạo điều kiện cho thẩm phán trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng xét xử.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông qua ứng dụng facebook messenger với RFA về việc này:

“Tôi rất tán thành với đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời như là một trong các biện pháp cải cách tư pháp tại Việt Nam, theo hướng bảo đảm tính độc lập xét xử của các thẩm phán. Tuy nhiên, vẫn phải hiểu rằng chỉ trong phạm vi ấy thì vẫn chưa đủ, mà phải có các biện pháp cải cách đồng bộ.

Có thể kể như: Bãi bỏ các cơ chế phi pháp luật đang can thiệp sâu vào quyết định của các thẩm phán như: Chỉ đạo của Ban nội chính, cơ quan đảng và họp duyệt án...; Bảo đảm đãi ngộ vật chất xứng đáng để thẩm phán không còn bận tâm với mối lo cơm, áo, gạo, tiền chi phối cuộc sống, chi phối vào các quyết định xét xử của họ; Cấm tham gia đảng phái chính trị. Điều này giúp thẩm phán đưa ra các quyết định khách quan, chỉ tuân thủ pháp luật, không bị tác động, chi phối bởi lợi ích đảng phái chính trị.”

Tại buổi hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tòa án Nhân dân Tối cao Ngô Văn Nhàn đồng tình với đề nghị bổ nhiệm thẩm phán suốt đời nhưng trước hết áp dụng với đối tượng là thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Tôi rất tán thành với đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời như là một trong các biện pháp cải cách tư pháp tại Việt Nam, theo hướng bảo đảm tính độc lập xét xử của các thẩm phán. Tuy nhiên, vẫn phải hiểu rằng chỉ trong phạm vi ấy thì vẫn chưa đủ, mà phải có các biện pháp cải cách đồng bộ. -Luật sư Đặng Đình Mạnh

GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp cũng cho rằng nên bổ nhiệm suốt đời đối với thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và thẩm phán cao cấp. Ông Hạnh giải thích việc Hiến pháp Hoa Kỳ ngay từ khi soạn thảo đã đề nghị quy định bổ nhiệm thẩm phán suốt đời là do quyền lực nằm ở cơ quan hành pháp nhiều hơn cơ quan lập pháp và tư pháp. Cơ quan hành pháp có nhiều ảnh hưởng đối với việc bổ nhiệm thẩm phán, do vậy nếu bổ nhiệm theo nhiệm kỳ thì sự chi phối đó sẽ nhiều hơn.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có 7 năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose, nói với RFA về việc bổ nhiệm thẩm phán ở Hoa Kỳ:

“Trong hệ thống tòa án liên bang cũng như tiểu bang, khi một vị thẩm phán được bổ nhiệm thì nhiệm kỳ của họ là suốt đời. Nhưng vì 50 tiểu bang nó có những cách khác nhau cho nên có một vài địa phương của các tiểu bang thì quan tòa cũng có nhiệm kỳ. Ông quan tòa hết nhiệm kỳ cũng phải ra ứng cử trở lại.

Khi đã được bổ nhiệm làm quan tòa trong tòa án liên bang, từ cấp thấp nhất là Dictrict Court (quận) cho tới cấp cao hơn nữa gọi là Appeal Court, cho tới Tối cao Pháp viện thì cũng là suốt đời.

Việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời nó có từ thời lập quốc. Từ thời vị Tổng thống đầu tiên là George Washington. Sở dĩ có khái niệm thẩm phán suốt đời là vì Mỹ có tam quyền phân lập rõ ràng. Tòa án vô cùng độc lập với hành pháp và lập pháp. Cho nên nếu bổ nhiệm một ông thẩm phán mà hết nhiệm kỳ lại phải đi tìm việc khác thì nhiều khi chính cái tương lai chính trị của ổng sẽ ảnh hưởng tới phán quyết của ổng.”

Luật sư Duyên giải thích thêm rằng, một vị thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời sẽ không phải lo lắng cho công việc trong tương lai, không cần phải ‘lấy lòng’ ai để mưu cầu cá nhân khi hết nhiệm kỳ. Việc của họ là bảo vệ danh dự cho chính bản thân họ bằng cách làm việc theo đúng hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ. Tuy vậy, bổ nhiệm thẩm phán làm việc suốt đời cũng có mặt hạn chế, là có thể quan điểm của họ sẽ không còn phù hợp và có những phán quyết lạc hậu trong một xã hội thay đổi chóng mặt về mọi mặt hiện nay.

Tư pháp Việt Nam từ lâu được coi là cánh tay nối dài của đảng khi hệ thống pháp luật được chia làm ba cơ quan. Thứ nhất là cơ quan điều tra tức là bên Bộ Công an, chịu sự quản lý của cơ quan hành pháp (gọi là hành pháp nhưng thực tế VN không có tam quyền phân lập). Nếu nói theo lý luận thì cơ quan điều tra và tòa án là hai cơ quan độc lập.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là người có vị trí cao trong ngành tòa án. Mặc dù trên lý thuyết thì bên công an có vị trí thấp hơn Viện Kiểm sát hoặc tòa án nhưng trong thực tế đôi khi họ lại ở vị trí thường trực hoặc là những vị trí then chốt về đảng từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương. Do đó, có khi bên công an chỉ đạo ngược lại bên Viện Kiểm sát hoặc tòa án.

Đó là thực tiễn được Luật sư Phạm Công Út phân tích với RFA vào tháng 11 năm ngoái, khi ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định với cử tri TP.HCM rằng, pháp luật không để oan sai nhưng cũng không để lọt tội phạm, tất cả mọi việc phải làm theo pháp luật, nếu không có chứng cứ thì không thể buộc tội.

Sở dĩ có khái niệm thẩm phán suốt đời là vì Mỹ có tam quyền phân lập rõ ràng. Tòa án vô cùng độc lập với hành pháp và lập pháp. Cho nên nếu bổ nhiệm một ông thẩm phán mà hết nhiệm kỳ lại phải đi tìm việc khác thì nhiều khi chính cái tương lai chính trị của ổng sẽ ảnh hưởng tới phán quyết của ổng. -Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên

Trả lời báo chí trong nước, chính ông Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, cũng xác nhận thẩm phán ở Việt Nam chưa thực sự độc lập. Họ phải thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo từ cấp ủy, xin ý kiến cấp trên khi xét xử. Nếu không xin ý kiến cấp trên, án bị hủy thì thẩm phán mất thi đua, ảnh hưởng chuyện tái bổ nhiệm.

Chuyện độc lập tư pháp được cho là rất cần thiết trong thể chế chính trị độc đảng như Việt Nam hiện nay. Bởi điều 4 Hiến pháp đã đặt Đảng Cộng sản vào vị thế ‘siêu quyền lực’.

Điều 4 Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1992 xây dựng trên cơ sở điều 4 Hiến pháp 1980, chỉ bỏ đi từ “duy nhất” sau khi chủ nghĩa cộng sản Đông Âu sụp đổ. Phương thức lãnh đạo của Đảng ảnh hưởng rất lớn đối với tòa án và Chính quyền cũng chi phối mạnh tòa án với vai trò bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên kết luận: “Việt Nam muốn bổ nhiệm thẩm phán suốt đời như Hoa Kỳ thì điều đầu tiên là Việt Nam phải có tư pháp, hành pháp và lập pháp hoàn toàn độc lập với nhau.”

Về nguyên tắc, các thẩm phán phải hoàn toàn độc lập và xét xử trên cơ sở luật pháp thì mới đảm bảo được sự công tâm, công bằng. Không thể có một nền tư pháp độc lập khi mà các thẩm phán vẫn là công chức nhà nước, thậm chí là đảng viên.