Đại Biểu Quốc Hội tự chấm điểm về công tác có hợp lý?

0:00 / 0:00

“Nói là cử tri ưng mình 100% thì tôi nghĩ chưa phải, mà được khoảng 70%, như vậy cũng là một vinh dự cho bản thân.”

Đó là phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, khi trả lời báo chí nhà nước Việt Nam hôm 15/2, vào lúc nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 sắp kết thúc.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, người dân kỳ vọng vào ĐBQH rất lớn, nhiều vấn đề cử tri muốn làm nhưng việc truyền tải chưa đến nơi, do sức lực của mỗi ĐBQH cũng có hạn. (!?)

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA hôm 16/2 từ Thanh Hóa, nhận định về phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu:

“Ý kiến của Đại biểu Cầu là mang tính cá nhân tự đánh giá, tự nhận xét, chứ không phải ý kiến của cá nhân hay tổ chức có trách nhiệm nào phát ngôn. Dù trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi thấy Đại biểu Cầu cũng là một trong những đại biểu hoạt động tích cực, năng nổ... Việc tự chấm điểm 7/10 của đại biểu thì tôi không bình luận vì đây là vấn đề cá nhân đại biểu Cầu tự đánh giá thôi. Theo tôi, hoạt động của ĐBQH phải được cử tri ghi nhận, đánh giá nhận xét... lấy ý kiến cử tri rồi cơ quan tổng hợp lại thì có cơ sở hơn định lượng hơn, chứ đây là đại biểu tự nhận như thế thôi.”

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, hoạt động của ĐBQH rất rộng lớn, không phải chỉ có phát ngôn trên nghị trường, mà trong cuộc sống thực tế vai trò của đại biểu cũng hết sức quan trọng, nó tác động đến hiệu quả của ĐBQH. Vì vậy, theo Ông Lê Văn Cuông, giữa nói và làm, giữa phát ngôn trên Quốc hội và việc làm của đại biểu trong thực tế phải đạt được những kết quả cụ thể, thì mới đánh giá chính xác được.

Người dân không quan tâm vì như khoai đã sắp vào nồi rồi, nó chuẩn bị sẵn cả rồi, không có gì mà bàn cãi cả, cho nên dân người ta cũng không quan tâm chuyện Quốc hội.
-Anh Bảo Nam

Đại biểu Quốc hội có thật sự đại diện cho dân không mà tự chấm điểm cho mình về việc hoàn thành trách nhiệm trước cử tri?

Anh Bảo Nam, một người dân sinh sống ở tỉnh Nghệ An, khi trả lời RFA hôm 16/2, nhận xét:

“Người dân Nghệ An cũng có những bức xúc, nhưng người ta ít trình lên Quốc hội, có lẽ những bức xúc đó không đến nỗi phải trình lên Quốc hội. Có những cái ở xa xôi luất khuất đâu đó thì tôi không biết, còn ở Nghệ An thì không thấy họ trình lên Quốc hội. Tôi thấy Quốc hội thì chẳng ai quan tâm đâu, kệ họ thôi, người dân không quan tâm Quốc hội khóa 13... 17 gì đâu. Người dân không quan tâm vì như khoai đã sắp vào nồi rồi, nó chuẩn bị sẵn cả rồi, không có gì mà bàn cãi cả, cho nên dân người ta cũng không quan tâm chuyện Quốc hội.”

Bầu cử Đại biểu Quốc hội, đối với các nước dân chủ là cử tri chọn người làm đại diện, người dân thích ai thì bầu. Quan trọng nhất trong bầu cử là các ứng viên tự ứng cử và tranh cử. Nhưng tại Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, thực chất là bộ phận nối dài của Đảng, giới thiệu người vào danh sách đề cử, mà chính quyền hay gọi là “Đảng cử dân bầu”.

Vào năm 2016, khi diễn ra bầu cử Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, đã xuất hiện một phong trào tự ứng cử bởi các ứng viên độc lập vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc ở Việt Nam. Tuy nhiên các ứng cử viên ĐBQH tự do khi đó đã gặp rất nhiều khó khăn, bị gây khó dễ, bị đấu tố. Chưa kể ứng viên còn bị kỷ luật vì đã đi biểu tình chống TQ, bị cho là gây rối trật tự.

Kết quả Quốc hội Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, được bầu vào ngày 22 tháng 5 năm 2016 với 496 đại biểu. Trong đó, có 21 người ngoài Đảng trúng cử ĐBQH, chiếm 4,20%. Tuy nhiên, dư luận cho rằng số đại biểu không phải đảng viên đó cũng phải được qua bốn năm lần sàng lọc, để đảm bảo chắc chắn rằng họ có thể đóng một vai trò làm cảnh cho nó đẹp.

tuong-nguyen-huu-cau-lam-dai-bieu-qh-toi-cham-minh-duoc-7-diem-1.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Courtesy VNN.

Trả lời RFA từ Việt Nam hôm 16/2, nhà hoạt động Trần Bang, nhận định:

“Quốc hội Việt Nam thì các đại biểu họ đề là đảng viên Đảng Cộng sản, do Đảng Cộng sản cơ cấu để ứng cử ĐBQH và sau đó họ trúng cử... Còn những người đại diện cho nhân dân thật tự ứng cử thì họ gạt từ vòng gởi xe rồi. Họ tìm cách đấu tố từ vòng hiệp thương ở cấp địa phương, cấp phường, cấp xã, chưa bao giờ lên được cấp huyện, cấp tỉnh. Họ cho dư luận viên, lực lượng bên tuyên giáo, AK47... bôi nhọ xúc phạm. Thành ra người đại diện cho dân không có trong Quốc hội, họ chỉ đại diện cho Đảng CS. Ông Nguyễn Hữu Cầu là tướng công an, chắc chắn là đảng viên Đảng CS, cho nên ổng chấm 7/10 thì đúng cho đảng của ổng, chứ không phải cho nhân dân.”

Theo ông Trần Bang, nhân dân đòi hỏi Luật Biểu tình bao lâu rồi, nhưng Quốc hội cũng không thông qua được, đòi hỏi trưng cầu dân ý cũng không được, đòi hỏi sửa Hiến pháp để bỏ điều 4 cũng không được... trong khi nếu có tự do lập hội, lập đảng thì mới có cạnh tranh chính trị, thì dân mới có tiếng nói. Ông bang nói tiếp:

“Ông Nguyễn Hữu Cầu nói nghe dân mà họ không cho dân lập hội, lập đảng, không cho dân biểu tình. Như tất cả vụ việc xảy ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh quê ổng, như Formosa, nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện than... xả độc, hay các nhà máy thủy điện đến mùa lũ xả lũ chồng lũ thì ông Cầu cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hay là vấn đề dân sinh, ổng để cho dân Nghệ An, Hà Tĩnh đi tứ tán các nước. Năm 2019, vụ 39 người chết trong container đông lạnh ở Anh thì cả thế giới biết là quê ổng rồi. Thì ổng hoàn thành thế nào khi không giải quyết được việc làm, không giải quyết được môi trường, không giải quyết được luật.”

Hồi tháng 4 năm 2016, Công ty thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh - một công ty con của tập đoàn Nhựa Formosa ở Đài Loan đã gây ra thảm họa môi trường cho 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Công ty sau đó đã đồng ý đền bù 500 triệu đô la Mỹ thông qua nhà nước Việt Nam để bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của thảm họa này.

Hàng trăm người ở Nghệ An đã nhiều lần đến Tòa án Vũng Áng, Hà Tĩnh để nộp đơn kiện công ty này do không được nhận đền bù thỏa đáng nhưng bị chính quyền ngăn chặn và nhiều người bị công an, côn đồ đánh đập. Anh Nguyễn Văn Hóa, một phóng viên của Đài Á Châu Tự Do khi ghi hình các vụ kiện này đã bị bắt giữ và kết án 7 năm tù giam.

Ông Nguyễn Hữu Cầu là tướng công an, chắc chắn là đảng viên đảng CS, cho nên ổng chấm 7/10 thì đúng cho đảng của ổng, chứ không phải cho nhân dân.
-Trần Bang

Hôm 23/10/2019, cảnh sát hạt Essex, Anh phát hiện 39 nạn nhân người Việt nhập cư lậu vào Anh bị chết trên một chiếc xe container đông lạnh.

Tỉnh có đông nạn nhân nhất là Nghệ An với 21 người chết, tiếp theo là Hà Tĩnh với 10 người, còn lại là các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng và Hải Dương.

Ngoài ra, theo ông Bang, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu còn không dám đại diện dân nói tiếng nói của dân phản đối Trung Quốc xâm lược, mà chỉ nói ‘tàu lạ’, ‘nước lạ’... Ông Cầu cũng không cùng dân đi tưởng niệm những người hy sinh trong chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược 17/2/1979, nay đã 42 năm:

“Ông Nguyễn Hữu Cầu có bao giờ đi tưởng niệm chưa? Có bao giờ nên lên việc Trung Quốc giết hại 100 ngàn đồng bào ta chưa? Hay là ổng chị sợ Trung Quốc nó phun bí mật này kia của ổng thì ổng sẽ mất cả chức. Vì thế nên tôi cho rằng ông Cầu không đại diện cho nhân dân.”

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đem 60 vạn quân với chín quân đoàn chủ lực cùng 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tấn công vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979. Cuộc tấn công đã làm hàng ngàn người dân Việt Nam thiệt mạng và hàng chục ngàn bộ đội Việt Nam tử thương.

Nhiều người dân quan tâm hằng năm đều có hoạt động tưởng niệm những binh sĩ và nạn nhân bỏ mình trong cuộc chiến biên giới phía bắc. Họ từng bị ngăn chặn, thậm chí bắt bớ; trong khi đó việc các đại biểu của người dân chính thức tưởng niệm chưa thấy có.