Vào ngày 28/7/2021, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ký ban hành quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng... yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Thực tế có như lời ông Nguyễn Phú Trọng nói? Trả lời RFA từ Nha Trang hôm 3/8, nhà báo Võ Văn Tạo, nhận định:
“Tuyên bố của ông Trọng vừa rồi thì tôi nghĩ đó là lời ổng nói thôi, chứ thực tế theo dõi sự vận động của xã hội Việt Nam với sự điều hành của Nhà nước và Đảng CSVN thì tôi nghĩ nó không đúng thực tế... Trừ giai đoạn 1986 mà tôi biết, khi ông Trường Chinh được chỉ định làm Tổng Bí thư sau khi ông Lê Duẩn mất, thì có khởi xướng phong trào đổi mới. Nói là đổi mới nhưng thực chất là bỏ những quy định áp đặt một cách duy ý chí rất tệ hại... để cho nền kinh tế trở lại bình thường như các nền kinh tế khác. Cái giai đoạn đó thì có việc những người đưa ra ý tưởng mới còn được bảo vệ ở một mức độ nào đó.”
Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh 'những người đưa ra ý tưởng mới' chỉ được bảo vệ ở một mức độ nào đó. Ông Tạo đưa ra ví dụ trường hợp không được bảo vệ vì đụng đến uy quyền của đảng:
“Ví dụ như Nhà văn Nguyên Ngọc, khi Đại hội nhà văn thì có đưa ra đề cương cởi trói cho văn nghệ được tự do phát triển, tự do phản ánh... thì anh Ngọc là người đầu tiên bị vùi dập trong chuyện đó. Khi người ta ngửi ra một cái gì đó có vẻ làm giảm uy quyền của Đảng Cộng sản, thì chắc chắn sẽ gặp vấn đề ngay.”
Tuyên bố của ông Trọng vừa rồi thì tôi nghĩ đó là lời ổng nói thôi, chứ thực tế theo dõi sự vận động của xã hội Việt Nam với sự điều hành của nhà nước và đảng CSVN thì tôi nghĩ nó không đúng thực tế...
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Riêng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua quá trình theo dõi hoạt động của ông Trọng, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng ông Trọng đại diện cho thế lực bảo thủ, chứ không theo nhóm có tư tưởng cấp tiến, tiến bộ... vì tới giờ phút này vẫn cứ hò hét Chủ nghĩa Xã hội - Kinh tế Nhà nước là chủ đạo... Vì vậy Nhà báo Võ Văn Tạo không tin những lời ông Trọng vừa nói là sự thật, lời nói sẽ không đi đôi với việc làm. Dù vậy ông Tạo cũng mong thực tế không như ông dự đoán, dù ông cho rằng có rất ít hy vọng.
Trước đó, vào tháng 1/2020, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng… Chỉ thị này được cho là nhằm góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống tiêu cực, nhưng không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do khi đó, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói:
“Thường những chỉ thị trong Đảng người ta nói trong nội bộ Đảng là chính, còn Luật tố cáo thì người ta nói trên phạm vi toàn xã hội, tất cả mọi người dân. Còn những biên bản của Đảng thì nó có giá trị trong nội bộ Đảng là chính. Ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng hô hào. Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.”
![8c003f0b-e401-4746-9251-f546f5d5de2e.jpeg](https://www.rfa.org/resizer/v2/DOI2QQV4MUDWMRA6BJQ5BVUCZQ.jpg?auth=7ee1963302ed00370813b3e23b22eb4e3b2bb6a8ed5a5103fcf4d889b7a1cdde&width=800&height=449)
Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân hạn chế về việc bảo vệ người tố cáo, là do cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng ở một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này... Do đó vẫn còn tình trạng lộ thông tin của người tố cáo, nhiều trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập...
Bà Lê Hiền Đức, một cụ bà được nhiều người tại Việt Nam biết đến vì từng giúp nhiều người khác đấu tranh chống tham nhũng. Bà cũng từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007. Khi nói chuyện với chúng tôi, bà Lê Hiền Đức kể lại kinh nghiệm của mình liên quan vấn đề này:
“Rất nhiều cán bộ bị tôi tố cáo nhưng nó bao che cho nhau, nó đùn đẩy chỗ nọ chỗ kia. Thanh tra bộ thì đẩy xuống tỉnh, tỉnh lại không giải quyết, lại trả lời tôi là tố cáo của tôi không có căn cứ. Nghĩa là trên thì đẩy xuống, dưới đẩy lên, và chúng nó bao che cho nhau, chúng nó không xử lý. Khi đó không biết ai trong số những người tôi tố cáo còn thuê người đem đến trước cửa nhà tôi, chặn một vòng hoa tang cao hơn đầu người tôi, với dòng chữ ‘Kính Viếng Hương Hồn Cụ’... Đấy là một điều chúng nó khủng bố tôi.”
Tôi nghĩ ông Trọng thực bụng muốn chống tiêu cực, nhưng quan sát thì thấy nhiều lúc có những vụ việc đánh động cả dư luận báo chí, cộng đồng mạng đặt vấn đề gay gắt, nhưng mà cũng không xử lý... Thế thì người ta mới nêu vấn đề hay là không công bằng hay do phe phái...
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Trở lại với quy định số 22 mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành, trong đó quy định mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ... Liên quan vấn đề này, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét:
“Tôi nghĩ ông Trọng thực bụng muốn chống tiêu cực, nhưng quan sát thì thấy nhiều lúc có những vụ việc đánh động cả dư luận báo chí, cộng đồng mạng đặt vấn đề gay gắt, nhưng mà cũng không xử lý... Thế thì người ta mới nêu vấn đề hay là không công bằng hay do phe phái... Đơn cử như trường hợp Bí thư Tỉnh Thái Nguyên, hay trường hợp bà Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Y tế, những lùm xùm xung quanh vụ thuốc ung thư giả ở Pharma-VN, nơi em chồng bà làm giám đốc... và nhiều bê bối khác khiến ai cũng nghĩ bà Tiến sẽ bị xử lý, nhưng cuối cùng lại không. Thế thì qua những việc như thế, người ta đặt câu hỏi, phải chăng việc chống tiêu cực không công bằng. Nhưng có tiêu cực là giải quyết, lựa chỗ nào đánh được thì đánh, phe ta hay phe địch mạnh quá thì né... chuyện đó dư luận đặt vấn đề tôi nghĩ có lý phần nào.”
Quy định này khuyến khích tố cáo, góp ý xây dựng và không loại bỏ người tố cáo dù là ở cương vị xã hội nào vẫn được bảo vệ. Dư luận cho rằng đó là một biểu hiện tích cực. Tuy nhiên, nhiều người trên mạng xã hội bày tỏ mong muốn việc này sẽ được diễn ra trong thực tế chứ không phải chỉ trong văn bản mà thôi.