Nhiệm vụ và trách nhiệm của quân đội có thật sự như phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng?

0:00 / 0:00

Có trách nhiệm với dân hay đảng?

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vào sáng 28/9, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Trước diễn biến phức tạp của tình hình, quân đội luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường ‘trong ấm, ngoài êm’ cho đất nước”.

Bên cạnh đó, trong những bản tin được báo nhà nước Việt Nam dẫn nhận định của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn cho rằng “quân đội ta là quân đội nhân dân, quân đội của dân, do dân, vì dân và được đặt dưới sự lãnh đạo ‘tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt’ của Đảng; do vậy quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội, với phát biểu vừa nêu, ông Nguyễn Phú Trọng đã lộ rõ hơn mưu đồ là đang biến quân đội thành quân đội của đảng cộng sản:

“Theo đúng nghĩa thì quân đội là một lực lượng để bảo vệ đất nước, chống lại ngoại xâm và chỉ trung thành với đất nước, nói rộng ra là nhân dân, không thể trung thành với bất kể một đảng phái chính trị nào cả. Rất đáng tiếc ở Việt Nam đảng cộng sản Việt Nam luôn đánh đồng mình với nhân dân, với đất nước và đôi khi họ đã biến lực lượng quân đội trở thành người bảo vệ cho chính đảng cộng sản.”

Đồng quan điểm vừa nêu, ông Hai Lúa, đang sống tại tại Cần Thơ bày tỏ sự không đồng tình với nhiệm vụ và trách nhiệm của lực lượng quân đội mà ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước nói trong buổi đại hội ngày 28/9:

“Ông muốn nói gì thì nói chứ thật ra quân đội bây giờ cũng như công an là ‘còn đảng còn mình’ nên bảo vệ hoài. Ông nói sao tùy ông chứ quân đội không như Việt Nam Cộng Hòa thời xưa là không theo đảng phái nào, bảo vệ dân, lo cho dân còn quân đội bây giờ chỉ lo bảo vệ đảng chứ có bảo vệ dân gì đâu. Không có thực tế gì hết, nội biển đảo Trung Quốc xâm chiếm gần hết mà vẫn không thấy đưa quân đội ra. Đề nghị tướng quá nhiều nhưng để đánh giặc thì không dám mà cứ xúi dân, phát cờ cho dân đưa ra biển để bảo vệ biển đảo chứ quân đội chỉ ở trên bờ, núp trong mé, không thấy anh hùng gì hết. Nói để nói chứ thực tế không thấy quân đội làm gì giúp dân.”

Nhiệm vụ ngược trách nhiệm?

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam trong buổi đại hội cũng đưa ra phát biểu cho rằng “trước đòi hỏi của tình hình mới, với điều kiện và khả năng của mình, quân đội phải đi đầu đấu tranh phản bác mạnh mẽ những quan điểm sai trái, thù địch, không chỉ trên báo chí, mà ngay trong nội bộ cũng như ngoài xã hội, tuyệt đối không để những quan điểm sai trái xuất hiện, tồn tại trong quân đội”.

Trao đổi với RFA tối 28/9, ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội Tổng cục II cho rằng:

Lãnh đạo nhà nước Việt Nam và các đại biểu dự đại hội.
Lãnh đạo nhà nước Việt Nam và các đại biểu dự đại hội. (Nguồn: qdnd.vn)

“Tôi chỉ nói định nghĩa sơ đẳng nhất của một sư tổ cộng sản là ông Engels về quân đội là một tổ chức được sinh ra thuần túy chỉ để đấu tranh bằng quân sự nên việc giao cho nó những nhiệm vụ kiểu như thế là rất tào lao, không đúng với chức trách, nhiệm vụ của quân đội. Chức trách, nhiệm vụ của quân đội trong thời chiến là đấu tranh chống lại các cuộc xâm lược bên ngoài. Còn trong thời bình sẵn sàng chiến đấu, tăng cường rèn luyện, huấn luyện, bổ sung kiến thức, thói quen, chuyên môn nghiệp vụ quân sự để sẵn sàng có thể chiến đấu tốt khi có tình huống chiến tranh xảy ra. Thế nhưng bây giờ lại giao quân đội nhiệm vụ tào lao như vậy thực chất là không đúng, một khi không đúng thì không làm được.”

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sở dĩ ông Nguyễn Phú Trọng đề ra nhiệm vụ cho lực lượng quân đội nhưng không được ủng hộ là do hệ quả không thể tránh khỏi của tư tưởng như của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông giải thích:

“Bởi vì như thế quân đội là một bộ phận cấu thành của đảng và trở thành một lực lượng lá chắn sức mạnh của đảng cộng sản để đối phó với tất cả lực lượng khác mà có thể làm nguy hại đến sự tồn vong của đảng cộng sản. Như thế có thể có nhiều tầng lớp nhân dân không thích đảng cộng sản, lúc đấy theo tư duy như của ông Trọng thì quân đội sẽ phải đứng ra đàn áp cả những người ấy không chỉ bằng lời lẽ, bằng ngôn từ như họ đã làm từ trước đến nay mà có thể dùng cả vũ khí. Đó là điều hết sức nguy hiểm.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng đưa ra ví dụ điển hình như việc chính phủ Bắc Kinh đã dùng quân đội đàn áp người dân Trung Quốc tại Thiên An Môn trước đây.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng hoạt động trong quân đội, ông Vũ Minh Trí lại cho rằng quân đội suy cho cùng cũng là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, trừ một số thành phần rất ít đã được hưởng đặc quyền đặc lợi, ví dụ như được ngồi những vị trí cao cấp nhất nên có thể đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Còn đại đa số chiến sĩ là hạ sĩ quan và sĩ quan cấp thị vẫn gắn bó rất trực tiếp và máu thịt với nhân dân, nên ông nghĩ rằng nếu có tình huống cụ thể, quân đội sẽ xác định đúng mục tiêu và hành động của mình.

“Thực tế đã chứng minh quân đội khi phải lựa chọn cầm súng bắn vào dân hay quay về phía ngược lại thì người ta tự khắc chọn hướng súng cho đúng. Thực tế ở tất cả các nước như Liên Xô cũ hay các nước Đông Âu và gần đây là Ai Cập chẳng hạn, quân đội rất trung thành với nhà độc tài, ví dụ như ở Ai Cập thì quân đội rất trung thành với Mubarak nhưng đến khi Mubarak ra lệnh cho quân đội chĩa pháo, chĩa súng vào đoàn biểu tình và nhân dân thì họ đã bất tuân và quay súng trở lại. Kết cục là Mubarak bị sụp đổ và ra tòa. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có và Nguyễn Trãi có câu thơ rất hay là ‘Lúc lật thuyền mới biết sức dân như nước’.”

Truyền thông trong nước thời gian vừa qua liên tục đưa tin về những phiên xử các tướng quân đội có những sai phạm kinh tế, tham nhũng… khiến người dân phần nào vơi bớt niềm tin vào lực lượng bảo vệ đất nước.

Theo ông Vũ Minh Trí, với tình trạng ‘tham nhũng’ chính trị trong bộ máy chính phủ Hà Nội hiện nay thì việc tham nhũng đất đai, tài chính… là điều đương nhiên và quân đội cũng không nằm ngoài tình trạng này.

“Những viên tướng bị bắt là ‘không may’ so với những người còn lại chứ tình trạng chung là 100 người và cả trăm là như thế.”

Nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng trong Quân đội, Bộ Quốc phòng vào tháng 6 vừa qua đưa ra dự thảo không để những người bị thôi việc, kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan Nhà nước mở công ty trong 12 tháng đầu tiên.

Trước đó, Bộ Quốc Phòng Việt Nam vào ngày 12/2/2020 đã khẳng định với cử tri Đà Nẵng qua văn bản trả lời rằng trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng.