‘Đà Nẵng phải biến thành chỗ tiêu tiền, thiên đường ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm cho các tỉnh miền Trung, khách du lịch quốc tế.’
Ông Trần Thanh Mẫn - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội đưa ra yêu cầu như vừa nêu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Mong muốn của lãnh đạo phải sát thực tế
Một người dân sinh sống ở miền Trung không muốn nêu tên vì lý cho an toàn, hôm 15/5/2024 cho RFA biết ý kiến:
“Đã làm lãnh đạo, dù là cấp nào thì nên nói ít, làm nhiều, nói phải trên cơ sở thực tiễn khách quan chứ nói cho sướng miệng thì ai nói chẳng được! Nhớ hồi ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, khi đi đến tỉnh nào cũng nổ: nào là phải đầu tàu, nào là phải đi đầu trong lĩnh vực nào đó… nhưng không dựa vào năng lực của địa phương ấy, cuối cùng những lời phát biểu của ông ta trở thành trò cười của thiên hạ.”
Với “mong muốn” của ông Trần Thanh Mẫn biến Đà Nẵng thành chỗ tiêu tiền, thiên đường mua sắm, vui chơi… Người dân miền Trung này nhận định:
“Đối với Đà Nẵng, đành rằng thành phố này là một thành phố phát triển năng động, đáng sống, nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế về quy hoạch xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí của người dân thành phố và khách du lịch. Ngay Bà Nà Hill là một khu du lịch lớn mà việc xây dựng trong khu như một nồi lẩu thập cẩm, không ra gì. Mặt khác, giá cả các sản phẩm du lịch, giá cả hàng hóa cũng còn đắt đỏ thì mua sắm, tiêu dùng ra sao vì du khách đâu phải ai cũng giàu. Làm thế nào để một người dân với mức thu nhập trung bình đến du lịch mới giỏi.”
Người này cũng cho rằng, nếu tất cả những điều ông Mẫn nói được nằm trong một kế hoạch tổng thể và phân kỳ đầu tư, có lộ trình cụ thể thì còn khả thi, chứ theo kiểu ‘nói lấy được, đánh trống bỏ dùi’ thì ai nói cũng được!
Đã làm lãnh đạo, dù là cấp nào thì nên nói ít, làm nhiều, nói phải trên cơ sở thực tiễn khách quan chứ nói cho sướng miệng thì ai nói chẳng được!
-Người dân miền Trung
Lâu nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam khi phát biểu đều mong muốn thành phố này hay thành phố kia của Việt Nam sẽ sớm sánh ngang các địa phương khác trên thế giới… Đơn cử như tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” hôm 27 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng, trong bối cảnh hiện nay Hà Nội sẽ có thể thành trung tâm kinh tế của khu vực. Hay trước đó vào năm 2018, chính ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng Hà Nội sẽ sớm đạt được mục tiêu đuổi sát Singapore... Bốn năm trôi qua, hiện Hà Nội đã đuổi sát được Singapore chưa?
Một ví dụ khác là vào tháng 7 năm 2020, ông Vương Đình Huệ khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát biểu rằng Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á. Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 10/2022, cũng từng yêu cầu phải phát triển Đông Nam Bộ thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, những yêu cầu trên vẫn được cho là “không khả thi”.
Cần sức bật mới
Trở lại với yêu cầu Đà Nẵng phải biến thành chỗ tiêu tiền, thiên đường giải trí, mua sắm… của ông Trần Thanh Mẫn, có ý kiến khác cho rằng trong khi du lịch ở thành phố đáng sống nhất Việt Nam vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, đời sống người dân cũng chưa được trở lại như trước đại dịch COVID-19, thì việc vực dậy Đà Nẵng trở thành thiên đường giải trí, mua sắm như Singapore, Thái Lan… là viễn vông!
Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương, thấp nhất trong khối năm thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Đà Nẵng, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 15/5/2024 cho RFA biết tình hình thực tế tại địa phương:
“Theo tôi, hiện bây giờ cuộc sống người dân Đà Nẵng đang xuống, đi đâu cũng nghe tiếng than, tiểu thương bán ế, trả mặt bằng khắp nơi, kinh tế rất bất ổn, lãnh đạo chỉ nói mà không làm. Muốn mọi việc đi lên thì trước mắt cuộc sống của dân phải ổn định, kinh tế phải ổn, thì mới cùng nhau đẩy thành phố đi lên được. Du lịch Đà Nẵng cũng không có gì đổi mới để thu hút khách du lịch, một thành phố đáng sống vì sạch và đẹp, nhưng tư duy đổi mới chưa có. Đà Nẵng chưa đủ tầm để phát triển mạnh, tư duy đổi mới nên dựa vào các lực lượng trẻ có tâm và có tầm, chứ không thể dựa vào kinh nghiệm cũ mèm của những lãnh đạo đã lớn tuổi.”
Theo doanh nhân này, Đà Nẵng cần một sức bật, mà quan trọng hơn là ai sẽ “đẩy” thành phố này “bật dậy” là vấn đề cần phải bàn… Nói về du lịch, người dân này cũng cho biết, không thể dựa hoàn toàn vào du lịch, mà phải đầu tư vào kinh tế, đầu tư các khu công nghiệp, ưu đãi và chính sách rõ ràng cho nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm ổn định… thì thành phố mới có thể phát triển theo chiều sâu và lâu dài…
Không hiểu lòng dân
Ở Đà Nẵng trong vòng một tháng qua có tới 12 vụ nhảy cầu tự tử do áp lực cuộc sống, tăng gấp ba lần so với những tháng trước. Chứng tỏ tình hình kinh tế đời sống của người dân đang rất khốn khổ và bế tắc.
-Ông Trần Anh Quân
Nói về Đà Nẵng, ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 15/5/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng:
“Ở Đà Nẵng trong vòng một tháng qua có tới 12 vụ nhảy cầu tự tử do áp lực cuộc sống, tăng gấp ba lần so với những tháng trước. Chứng tỏ tình hình kinh tế đời sống của người dân đang rất khốn khổ và bế tắc. Đà Nẵng vẫn đang chịu thiệt hại nặng nề sau dịch bệnh và bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến tranh trên thế giới. Tuy nhiên vì trước nay vẫn được tung hô là ‘thành phố đáng sống nhất Việt Nam’ nên lãnh đạo nào tới đây cũng dùng khái niệm này để hô hào dân tuý.
Thử hỏi ở thành phố đáng sống nhất mà dân vẫn nhảy cầu tự tử thì những thành phố, địa phương khác sẽ như thế nào? Ông Mẫn là người điều hành Quốc hội mà không nắm rõ tình hình đời sống người dân, chỉ giỏi hô hào rồi nói chuyện đao to búa lớn.”
Theo ông Quân, lãnh đạo quốc hội mà nói chứ không nắm tình hình thì cũng cho thấy Quốc hội này không do dân bầu ra, không đại diện cho người dân và không hiểu được lòng dân.
Không chỉ người dân mà ngay cả chuyên gia kinh tế cũng cho rằng muốn Đà Nẵng trở thành trung tâm để tiêu tiền thì Chính phủ phải đầu tư phát triển thêm các dịch vụ cần thiết. Điều đó được chuyên gia Kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA như sau:
“Có lẽ ông Trần Thanh Mẫn cho chỉ đạo có tính chất chiến lược tầm xa và trình bày với ngôn từ có tính chất lãng mạn, bay bướm là ‘Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm để người ta tiêu tiền’… Để làm được điều đó thì tôi nghĩ Đà Nẵng đã có địa thế thuận lợi gần biển, có khí hậu tốt, rất thích hợp… Nhưng Đà Nẵng cần phải phát triển thêm những dịch vụ mà phù hợp với nhu cầu hiện nay. Đồng thời phải phát triển kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ điện tử… để tạo điều kiện cho mọi thủ tục hành chính có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, không mất nhiều chi phí thời gian và tiền bạc.”