Hiện đại hóa Hải quân, ngư dân Việt có an tâm hơn?

0:00 / 0:00

Mỗi khi Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản hằng năm tại một số khu vực ở Biển Đông thì lại liên tiếp có tin tàu cá của ngư dân Việt bị ‘tàu lạ’ tấn công tại ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Liên tục bị tấn công

Truyền thông trong nước loan tin từ trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 4 năm 2018, có đến 4 tàu cá Việt Nam bị tàu nước ngoài tấn công ngay trong ngư trường thuộc chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Tàu cá QNa 90822 TS, ở Quảng Nam, khi đang đánh bắt ở ngư trường gần đảo Tri Tôn, Hoàng Sa vào ngày 18 tháng 3, thì bị một tàu lớn không rõ số hiệu tấn công, cướp phá ngư cụ.

Tàu cá QNg 90599, ở Quảng Ngãi trình báo vào chiều ngày 19 tháng 3, trong khi đang neo đậu gần khu vực đảo Linh Côn, gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu vỏ sắt màu trắng, số hiệu 45103 áp sát, đâm vào phía sau cabin. Thuyền trưởng của tàu cá QNg 90599, ngư dân Trần Quang nói với Tuổi Trẻ Online rằng trên tàu vỏ sắt, có nhiều người mặc sắc phục Hải cảnh Trung Quốc, truy đuổi tàu cá của ông và còn phát loa yêu cầu ra khỏi vùng biển của Trung Quốc.

Vào ngày 4 tháng 4, hai tàu cá NA-84281-TS và NA-90427-TS, ở Nghệ An, bị một tàu lớn đâm chìm khi hai tàu này đang khai thác trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ, làm cho 19 ngư dân gặp nạn, trong đó có 7 người bị thương nặng. Báo VNExpress.net dẫn lời của ngư dân Hoàng Văn Mạnh, thuyền trưởng của một trong hai tàu cá này nói rằng do vụ việc xảy ra lúc trời tối nên không nhìn thấy được quốc tịch của tàu.

Cư xử là phản đối, không việc gì phải nghe họ cả và bảo vệ người ngư dân. Cách làm như thế là được rồi. Chứ còn làm hơn nữa thì để lúc nào mà căng thẳng quá đến mức người Trung Quốc để tàu Hải quân hay tàu Hải cảnh của họ, hay gọi là tàu Hải giám, thuộc lực lượng Hội Nghề Cá Trung Quốc vào ngăn cản và dùng vũ lực thì (Việt Nam) sẵn sàng cư xử một cách thích đáng thôi<br/>-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Tuy nhiên, trong cùng một bản tin, VNExpress.net lại cho biết theo ghi nhận của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam thì vụ việc xảy ra vào buổi sáng, cách Hòn Mê, thuộc tỉnh Thanh Hóa khoảng 90 hải lý về hướng Đông-Bắc và tàu cứu nạn SAR 411 đến sơ cứu các ngư dân trong đêm cùng ngày, trước khi đưa vào đất liền.

Trả lời câu hỏi của RFA qua các vụ việc vừa nêu, liệu rằng ngư dân Việt lo sợ đến sự an tòa của mình khi ra khơi đánh bắt ở ngư trường biển Đông, đặc biệt trong thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8, là thời điểm Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt ở khu vực Biển Đông; ngư dân Trần Văn Tuất, ở Nghệ An chia sẻ ông vẫn ra khơi mà không nao núng, bởi vì:

“Bây giờ ở Việt Nam, đoàn cứu hộ đông lắm. Có chuyện gì là tàu cứu hộ họ cứu hộ ngay. Nói chung là đầu tư nhiều, cho nên ngư dân đi biển được yên tâm hơn.”

Tiếp tục ra khơi

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về lệnh đơn phương cấm đánh bắt ở Biển Đông hàng năm của Trung Quốc, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cho biết Việt Nam cũng có quy định ngư dân khi nào được đánh bắt và khi nào không được đánh bắt để đảm bảo môi trường hải sản, tạo cân bằng về sinh thái trong môi trường biển. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ công bố thông tin về quy định này cho ngư dân trong vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải quốc gia. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh lệnh đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là vô lý:

“Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì người Việt muốn làm gì là quyền của người ta. Thế thì đấy là về mặt chủ quyền. Không chỉ riêng Trung Quốc và Việt Nam mà nhiều nước trong ASEAN cũng có các quy định chung về khi nào đánh cá và khi nào thì không. Thế nhưng đó không phải là lệnh cấm. Trung Quốc đưa ra lệnh cấm này là Trung Quốc mang màu sắc chính trị, mang màu sắc là tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, chứ không phải liên quan đến nghề cá.”

Chúng tôi nêu vấn đề theo như đề nghị của Hội Nghề Cá Việt Nam rằng Chính phủ Việt Nam cần thiết phải có những biện pháp ngăn chặn khác để Trung Quốc chấm dứt ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong 3 tháng, bên cạnh việc lên tiếng phản đối từ phía Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu lên nhận định của ông:

“Cư xử là phản đối, không việc gì phải nghe họ cả và bảo vệ người ngư dân. Cách làm như thế là được rồi. Chứ còn làm hơn nữa thì để lúc nào mà căng thẳng quá đến mức người Trung Quốc để tàu Hải quân hay tàu Hải cảnh của họ, hay gọi là tàu Hải giám, thuộc lực lượng Hội Nghề Cá Trung Quốc vào ngăn cản và dùng vũ lực thì (Việt Nam) sẵn sàng cư xử một cách thích đáng thôi.”

<i>Bây giờ ở Việt Nam, đoàn cứu hộ đông lắm. Có chuyện gì là tàu cứu hộ họ cứu hộ ngay. Nói chung là đầu tư nhiều, cho nên ngư dân đi biển được yên tâm hơn<br/>-Ngư dân Trần Văn Tuất</i>

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ghi nhận với chủ trương Việt Nam thực hiện hiện đại hóa Hải quân cùng với sự hỗ trợ của một số các quốc gia, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…về các hoạt động trên biển, ông cho rằng các lực lượng bao gồm Cảnh sát biển, Biên phòng và Hải quân luôn sẵn sàng bảo vệ cho ngư dân Việt ở ngư trường Biển Đông. Một vài chuyên gia về Biển Đông mà Đài RFA tiếp xúc cũng có cùng quan điểm với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp về xu thế Hải quân Việt Nam được hiện đại hóa thì sự an toàn của các ngư dân Việt được đảm bảo hơn trong tương lai, mặc dù khu vực biển Đông tranh chấp đang bị căng thẳng leo thang do từ phía Trung Quốc gây ra.

Tại cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào sáng ngày 2 tháng 4 vừa qua, ở Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai phía không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên biển.

Sự tin cậy không chắc chắn

Đài RFA trao đổi với một số những ngư dân dọc vùng biển miền Trung Việt Nam và được họ bày tỏ dù tình hình thế nào, nhưng vì cuộc sống mà họ vẫn ra khơi đánh bắt xa bờ. Qua các vụ tàu cá bị liên tục tấn công trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa rồi, những ngư dân cũng cho biết họ hy vọng một khi các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam được tăng cường thì họ càng an tâm hơn cho số phận của mình sẽ không còn bị cô thế ở ngư trường Biển Đông.

Tuy vậy, theo ghi nhận của thông tín viên từ Việt Nam thì cũng không ít ngư dân cho biết họ cứ mặc cho sự may rủi trong mỗi lần ra khơi kiếm sống, do hiện tại họ phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", vì ngư dân Việt bị uy hiếp, bị cướp bóc và đánh đập trên ngư trường Việt Nam là chuyện xảy ra như cơm bữa, nhưng Cảnh sát biển Việt Nam chẳng làm gì để bảo vệ được cho họ; còn tàu Hải cảnh Việt Nam thì thỉnh thoảng cặp theo tàu cá để xin tiền và hải sản ăn nhậu, chứ hiếm khi xuất hiện vào lúc tàu cá đánh tín hiệu cầu cứu, như một ngư dân chia sẻ: "Ảnh hưởng nói chung là mọi mặt. Bây giờ dân không biết nói sao hết. Đường nào ngư dân cũng phải gánh hết."