Cúng dường qua ví điện tử: Chùa trọng tiền hơn đạo?

0:00 / 0:00

Đầu năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thử nghiệm cách cúng dường qua ví điện tử, một cách làm quá mới mẻ khiến nhiều người phản ứng. Người ta cho rằng đây là hình thức thương mại hóa chùa chiền, làm mất yếu tố tâm linh trong tôn giáo.

Cúng dường là dâng cúng các phẩm vật thiết yếu cho đức Phật và chư Tăng với lòng chân thành, cung kính. Mục đích cúng dường là để nuôi chư Tăng tu học, xây dựng chùa chiền, thỉnh tượng cúng chùa, đúc chuông, dâng hoa, trầm, hương, đèn, nến …

Cách cúng dường theo truyền thống xưa nay là đồng bào phật tử sẽ đến lễ chùa rồi bỏ tiền vào thùng công đức (thùng phước sương).

Thầy Thích Thiện Phúc, trụ trì Chùa An Cư ở Đà Nẵng nói với RFA:

“Công đức không căn cứ ở phẩm vật mà căn cứ ở sự thành tâm. Để giữ truyền thống tốt đẹp của một Phật tử cúng dường thì họ tự đem tới chùa họ cúng. Không nên cúng qua thẻ, qua tài khoản hay ví điện tử vì nó sẽ làm cho tâm bị chi phối và không còn cái giá trị nguyên bản của sự cúng dường trong nền tảng giáo dục của đạo Phật. Chưa bao giờ thầy thấy như thế cả.”

Để hiểu thêm về cách cúng dường online mới mẻ này, RFA liên lạc với Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, Ủy viên Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vào sáng ngày ba tháng Ba thì được thầy cho biết, tất cả ý kiến về việc này Thầy đã phát biểu và post hết lên Facebook mang tên Thầy, cứ lên đó mà lấy. RFA trích đăng một đoạn phát biểu của Thầy:

“Ban thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam áp dụng thử nghiệm trước Tết là sáu chùa. Trước rằm tháng Giêng thêm sáu chùa nữa là 12 chùa. Về phương diện kỹ thuật, bản thân tôi là người đã tới gần 30 quốc gia thuyết giảng cho cộng đồng Việt Nam thì tôi thấy đây là một tiện ích không thể thiếu, và đó là xu thế của toàn cầu.

Vấn đề thứ hai, một số người cho rằng giao dịch qua ví điện tử như vậy là mất yếu tố tâm linh, có thể tạo tiền đề cho thương mại hóa. Họ hiểu quá sai lầm…

Vấn đề thứ ba, tôi nêu cụ thể như Chùa Giác Ngộ của tôi, trên chánh điện chỉ có một thùng phước sương cho diện tích 300 mét vuông. Nhiều chùa diện tích to hơn nhiều mà chỉ có một hoặc hai thùng phước sương. Vào những ngày lễ lớn có hàng ngàn, hàng vạn người có thói quen bỏ tiền công đức vào thùng phước sương sau khi lễ Phật. Như thế sẽ mất bao nhiêu tiếng mới tới phiên mình?

Nó mất rất nhiều thời gian và nhiều người muốn cúng họ không thể chờ được. Và phương tiện ví điện tử sẽ trở thành mô thức thực hiện giúp cho người muốn cúng dường tiết kiệm được thời gian và có độ chính xác cao.”

000_92T6RD.jpg
Đồng bào Phật tử khấn nguyện tại chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội vào ngày 12 tháng 2 năm 2021, tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. AFP

Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện thử nghiệm cúng dường qua ví điện tử đối với các chùa: Phúc Khánh (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Phật Tích (Bắc Ninh), Đại Tuệ (Nghệ An).

Theo giải thích của Thượng tọa Thích Đức Thiện với truyền thông trong nước, việc cúng dường mà không cần tới chùa nhằm đáp ứng nhu cầu được cúng dường của người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19, đồng thời để các chùa dễ dàng minh bạch số tiền công đức mà chùa nhận qua việc cúng dường của người dân. Đây cũng là thử nghiệm để xác định một hướng mới trong tương lai cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động văn hóa, xã hội và tín ngưỡng.

Trong khi đó, một Phật tử từ Sài Gòn pháp danh Diệu Hạnh lại có quan điểm khác. Cô nói:

“Em sẽ không cúng online vì ai cũng có niềm tin, ai cũng có cái tâm hướng về Phật. Em vô chùa lễ Phật và bỏ tiền cúng vô thùng tam bảo để các thầy làm phụng sự trong chùa.

Em không cúng chùa bằng hình thức online chuyển tiền vào tài khoản cho chùa vì thực sư đó là số tài khoản của thầy trụ trì. Không phải tài khoản của chùa. Em chỉ bỏ vô thùng tam bảo tại chùa mà thôi.”

Điều cô Diệu Hạnh nói nhắc nhớ câu chuyện xảy ra với vị sư trụ trì chùa Nga Hoàng cách đây gần hai năm. Chỉ trong hơn 10 năm trụ trì, Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, đã có khối tài sản lên đến 300 tỷ do chính vị sư này công bố tại cuộc họp vào ngày 5 tháng 10 năm 2019 về việc xin xả giới, hoàn tục sau tai tiếng “gạ tình” phóng viên báo Phụ Nữ.

Việc đồng bào phật tử xưa nay đi chùa rồi cúng dường vào hòm công đức hay thùng phước sương là chuyện bình thường mà không ai phản đối hay phàn nàn. Đến năm 2020, đại dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều thứ trong xã hội, mà tôn giáo không là ngoại lệ.

Do đại dịch bùng phát, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những văn bản hướng dẫn cho các tăng ni phật tử, cơ sở tự viện lo việc chống dịch nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu tâm linh theo văn hóa truyền thống của người Việt. Giáo hội đã thực hiện qua lễ cầu an và tụng kinh online. Từ đó dẫn tới việc cúng dường online.

Một số người không đồng tình với tính tâm linh; một số người lo ngại thương mại hóa chùa chiền; một số người quan ngại về khía cạnh pháp lý.

Luật sư Đặng Đình Mạnh có bài viết trên mạng xã hội liên quan vấn đề này và RFA đã được phép sử dụng một đoạn cho bài viết này:

“Về đạo lý xã hội, bằng việc cúng dường tam bảo, người cúng dường vốn thu hoạch được những lợi ích qua việc được truyền dạy đạo lý tốt đẹp làm người, nên thực hiện nghĩa vụ lương tâm "Uống nước nhớ nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để đền đáp lại.

Với ý nghĩa đó, về pháp lý, việc cúng dường tam bảo là một hành vi ưng thuận kết ước Khế Ước Tặng Cho Tài Sản, là một loại khế ước đơn phương. Vì lẽ, khế ước chỉ phát sinh nghĩa vụ ở một bên mà thôi. Trong đó, bên cho là người cúng dường và bên nhận là đại diện cơ sở tôn giáo. Nghĩa vụ chỉ phát sinh đơn phương ở bên cho (tức bên cúng dường) là phải giao tài sản cho bên còn lại.

Hành vi giao nhận tài sản có thể trực tiếp trao tay, ghi vào sổ công đức hoặc phát hành chứng chỉ, chứng nhận công đức hay đặt tài sản cho vào thùng công đức (tức thùng phước sương). Là một khế ước đơn phương, nên bên nhận tài sản không có bất kỳ nghĩa vụ gì phải thi hành để đối ứng cho đối tác cả.”

Theo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thì việc cúng dường qua ví điện tử mới chỉ là thử nghiệm ở 12 ngôi chùa. Đó là con số quá ít ỏi so với con số chùa, chiền... ở Việt Nam hiện nay.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam năm 2020, Việt Nam hiện có hơn 4,600,000 tín đồ Phật giáo. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.500 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.

Phần bổ sung: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện góp thêm ý kiến về vấn đề cúng dường qua ví điện tử như sau:

"Điều đó hoàn toàn xa lạ với truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Nó quá mới mẻ và gây sốc cho những phật tử thuần thành. Tôi không biết chủ trương này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là gì?

Có người giải thích với tôi là trong lúc dịch Covid thì việc vận hành chùa, bao gồm bảo vệ, điện nước, người trông nom và các hoạt động khác vẫn diễn ra nhưng không có người đến cúng kiếng, lễ bái nên không thu được tiền. Điều đó làm cho chùa bị thất thu.

Không hiểu những công ty ẩn kinh doanh về lĩnh vực này có mối liên hệ gì với Giáo hội Phật giáo Việt Nam không mà lại được cho phép thí điểm cúng dường như thế."