Ý nghĩa của hội nghị
Hôm nay tại Hà Nội diễn ra hội nghị chính thức đầu tiên giữa các tư lệnh hải quân các quốc gia ASEAN. Nghị trình của hội nghị là vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Hội nghị nhóm họp vào thời điểm này mang ý nghĩa gì?
Được dự trù trước khi khối ASEAN và các nước liên quan họp Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN tại Indonesia, nhưng hgn này mang ý nghĩa ở chỗ địa điểm họp là Hà Nội, và Philippines đã nói lên lập trường cương quyết và cứng rắn nhất đối với Trung Quốc về vụ tranh chấp lãnh hải quanh Trường Sa. Ý nghĩa đoàn kết đối đầu với Trung Quốc thể hiện qua việc Việt Nam và Philippines là hai nước trực tiếp tranh chấp với Trung Quốc về lãnh hải, Việt Nam là nước bị bức hiếp nhiều nhất, thì cũng là nước chủ nhà của Hội nghị các tư lệnh hải quân ASEAN.
Tính cách đa phương
Trưởng phái đoàn của nước chủ nhà là Thứ trưởng bộ quốc phòng, Tư lệnh hải quân Việt Nam, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, tuyên bố rằng bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự đoàn kết lực lượng và trí tuệ của các nước ASEAN để giải quyết. Vị Tư lệnh hải quân Việt Nam thúc giục các tướng lãnh tương nhiệm trong khối ASEAN hãy sớm bắt tay nhau để từ chỗ định hướng, lập kế hoạch, tiến nhanh nhất đến những hoạt động phối hợp.
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh tính cách đa phương của vấn đề, khi nói rằng biển Đông mang bản chất một vấn đề quốc tế, không phải vì mấy nước ASEAN kéo các nước khác vào để quốc tế hóa. Ông nói, khối ASE
AN phải cùng xác định lập trường chung, kiên định về giải pháp hoà bình qua đàm phán, dựa trên luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc.
Tất nhiên các bên đều phải nói đến giải pháp hoà bình trước, nhưng hẳn nhiên người ta đều thấy đây là lời kêu gọi nhanh chóng kết hợp lực lượng trên mặt biển để đối đầu với những hành động xâm lấn, bức hiếp của chú khổng lồ Trung Quốc đang bành trướng ra biển khơi, trước nhất là chiếm giữ quyền sở hữu hành lang huyết mạch và dồi dào dầu khí ở biển Đông, mà họ ngang nhiên vạch ranh giới coi đó như ao nhà của họ.
Chuẩn bị chiến tranh
Vì thế đó là lời kêu goi chuẩn bị đối phó với chiến tranh dù Việt Nam và ASEAN không bao giờ muốn đối đầu quân sự với người láng giềng khổng lồ kia. Hội nghị Hải quân tại Hà Nội đã nêu nhiều sáng kiến để mở rộng công cuộc hợp tác với các nước bên ngoài khu vực, là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn chứ không ai khác, và để phối hợp với nhau tuần tra chung, chia sẻ thông tin qua một cổng thông tin điện tử và trung tâm thông tin phối hợp.
Thêm vào đó các tư lệnh còn đồng ý sẽ có những hoạt động hợp tác quân sự như lập đường dây nóng để liên lạc giữa các tư lệnh và cả các cấp tác chiến nữa, rồi hợp tác tình báo song phương, đa phương giữa toàn thể các quốc gia trong khối,chưa kể những kế hoạch trao đổi thăm viếng giữa các sĩ quan chi huy, phối hợp huấn luyện, tập trận chung, nói là để đối phó với những thách thức về an ninh trong khu vực.
Trong những hoạt động này hẳn nhiên không thể vắng bóng cường quốc đại dương của Thái Bình Dương, với hạm đội số 7, chưa kể Nhật Bản và Ấn Độ đã từng hứa hẹn trợ giúp Đông Nam Á. Tàu chiến của Ấn thường ghé thăm Việt Nam. Hồi tháng năm năm nay hai tàu INS Delhi và INS Kirch thăm Thành phố Hồ Chí Minh, nói là để thắt chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác, trong đó có lĩnh vực quốc phòng. Sang tháng 7, tàu INS Airavat đã cặp Quân cảng Nha Trang - Học viện Hải quân - thăm chính thức tỉnh Khánh Hòa, trao đổi huấn luyện và thao dượt với hải quân Việt Nam.
Như vây Hội nghị các tư lệnh hải quân ASEAN lần này tại Việt Nam là một hội nghị quân sự hiếm có, trong đó các nước Đông Nam Á đã gấp rút đề ra những biện pháp kết hợp lực lượng rất cụ thể và hữu hiệu. Thêm nữa, Hội nghị này chỉ là môt trong ba hội nghị quân binh chủng hải lục không quân của các quốc gia ASEAN, với mục đích rõ ràng là hợp tác thiết thực về quân sự để đối đầu với Trung Quốc. ASEAN rõ ràng đang tiến tới một Liên minh quân sự, là điều chưa từng có xưa nay. Trong lúc nói đến giải pháp hoà bình, thì họ vẫn mài dao, lau súng để chuẩn bị, hay ít nhất cũng để cho nước lớn kia kiêng dè đôi chút... Giống như lời tuyên bố của Đô đốc Abdul Aziz Jaafar tư lệnh hải quân Malaysia, từ Hà Nội đã cảnh cáo Bắc Kinh hãy tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực...
Nhất quyết đương đầu
Người ta cũng không quên vai trò của Philippines trong cuộc tranh chấp biển Đông, thể hiện ở hội nghị này. Tư lệnh hải quân Philippines là Chuẩn Đô đốc Alexander Pama cho biết sẽ dùng tàu chiến lớn nhất của Hải quân Phi, mới mua của Mỹ, để tuần tra và bảo vệ bờ biển. Ông nói rằng hải quân Philippines nay đã sẵn sàng trong mọi tình huống, khi được hỏi về lời tuyên bố của Tổng thống Aquno nói sẽ dùng biện pháp quân sự bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Tại Hà Nội, các phóng viên trong và ngoài nước vây quanh ông, chứng tỏ vai trò tiên phong của Philippines trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc, mặc dù xứ này chưa phải là nước bị lấn áp nhiều nhất.
Lập trường cứng rắn của Philippines thể hiện rõ nhất vào hôm thứ hai, khi Tổng thống Benigno Aquino, trong bản thông điệp gửi toàn dân đọc tại Quốc hội, đã tuyên bố nước ông muốn thế giới biết rằng Philippines sẵn sàng bảo vệ những gì thuộc quyền sở hữu của mình. Tổng thống Aquino xác định rằng Philippines sẽ không còn cho phép các nước khác làm theo ý muốn của họ trong cuộc tranh chấp lãnh hải. Ở chỗ hùng hồn nhất trong bài diễn văn, Tổng thống Philippines nhấn mạnh, ai đó mà đặt chân lên đảo Recto ở Trường Sa thì chẳng khác nào bước lên đại lộ Recto ở Manila.
Recto-Bãi Cỏ Rong
Recto là đại lộ chính của thủ đô Manila, cũng là tên mà Philippines đặt cho hòn đảo nhỏ mang tên Bãi Cỏ Rong ở Trường Sa. Bãi cỏ Rong là địa danh mà xưa nay Việt Nam đã đặt cho đảo này, từ trước khi các nước khác đục nước béo cò, xâu xé vùng đảo Trường Sa trong lúc Việt Nam gây nên cuộc chiến tương tàn để hai quân đội hùng mạnh nhất Đông Nam Á lăn xả vào bắn giết lẫn nhau suốt hai mươi năm...