Chống dịch tả lợn Châu Phi: ‘trấn an, đe dọa’

0:00 / 0:00

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan nhanhh chóng ở Việt Nam. Cả chính quyền trung ương, các địa phương và người dân đều lên tiếng về công tác chống dịch.

Tính đến ngày 14/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La và Nghệ An.

Tỷ lệ heo chết khi nhiễm Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lên đến 100%. Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, tính đến ngày 11/3, hơn 14.300 con heo phải tiêu hủy vì nhiễm bệnh. Hầu hết các ổ dịch xuất hiện tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không bảo đảm.

Một cán bộ thú y Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết tình hình tại địa phương mình:

Họ cũng kêu gọi cấm đưa heo từ miền Bắc vào trong miền Nam, nhưng theo như tôi thấy thì thịt heo miền Bắc không biết bằng cách nào vẫn vào trong Nam rất là nhiều.<br/>-Nguyễn Tấn Hậu

“Chúng tôi đã triển khai đến các xã và các chốt chặn đều có làm công tác phòng, từng hộ chăn nuôi đã có làm công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát. Phổ biến cho các hộ gia đình là khi có dấu hiệu lạ trong các đàn lợn chăn nuôi thì phải báo cho cơ quan thú y tại cơ sở xem xét cụ thể. Đối với cơ quan thú y đã triển khai tất cả các xã trên toàn huyện là tiêm phòng dịch và sát trùng ở vụ xuân rồi. Còn vấn đề tiêu thụ thịt lợn thì tuyên truyền cho các hộ giết mổ xác định nguồn gốc của những cơn lợn đã nuôi của từng hộ.”

Trong khi đó tại Huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, thì một người dân lại cho biết chỉ nghe qua loa phát thanh tuyên truyền, chứ chưa thấy gì cụ thể:

“Mấy hôm rồi tôi cũng thấy trên loa truyền thanh nói ai có nuôi lợn thì đến kê khai, viết cam kết để đảm bảo vệ sinh, nếu lợn chết thì phải đưa đi xét nghiệm. Tôi không thấy họ xuống. Trong khi đó tỉnh Hòa Bình ở cách nhà tôi rất là gần đã có ổ dịch rồi, ở chợ thì vẫn thấy bán thịt lợn rất nhiều, nhưng vấn đề kiểm dịch như thế nào thì tôi cũng không nắm rõ lắm ạ.”

Khi trao đổi với chúng tôi hôm 14/3, anh Nguyễn Tấn Hậu, giám đốc Công ty Chăn nuôi Tám Do, ở Đồng Nai, cho biết:

“Theo tôi nắm được thì báo đài cũng công bố 17 tỉnh phía Bắc có heo nhiễm bệnh, còn phía Nam thì chưa có công bố gì, chỉ có tin đồn. Cơ quan nhà nước cũng chưa công bố gì trong Nam, chỉ công bố 17 tỉnh từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc. Họ cũng kêu gọi cấm đưa heo từ miền Bắc vào trong miền Nam, nhưng theo như tôi thấy thì thịt heo miền Bắc không biết bằng cách nào vẫn vào trong Nam rất là nhiều. ”

Trên trang thông tin điện tử của Cục thú y Việt Nam, cũng có đưa ra khuyến cáo các hộ chăn nuôi phải chủ động thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh. Không mua bán, vận chuyển heo bệnh và các sản phẩm từ thịt heo bệnh.

Chúng tôi liên lạc ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y Việt Nam để tìm hiểu thêm về công tác giúp dân phòng chống dịch thì được trả lời như sau:

“Tôi đang ở chỗ này… nhé… không phỏng vấn được đâu… nhé… có gì cần hỏi đến nhé…”

Tương tự, Bà Nguyễn Thu Thủy, Cục phó Cục Thú y cũng tử chối trả lời:

“Xin lỗi em… chị bận… em gọi điện cho Cục trưởng nhé… chứ Chị không trà lời qua điện thoại nhé…”

Chúng tôi nhiều lần liên lạc đến Cục Thú y để gặp Cục trưởng, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (RFA)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, phương châm là phòng bệnh hơn chữa bệnh, từ khâu giống đến trại nuôi, phòng ngừa, ông nói tiếp:

“Phải nói cho rõ, nếu mà có bệnh, hay khi đã gọi là dịch thì là nghiêm trọng rồi. Khi có dịch thì quan trọng nhất là cách ly, từ khâu sản xuất này sang khâu khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Khi địa phương nào có dịch thì phải phong tỏa không cho xuất ra khỏi tỉnh, đó là cơ bản. Bên chăn nuôi thì nhiều bệnh liên quan đến con người nên rất là nguy hiểm, cần kiểm soát chặt chẽ hơn. ”

Theo kinh nghiệm những lần có dịch bệnh trước đây, Anh Nguyễn Tấn Hậu cho biết, thường nếu dịch bệnh phát triển nhiều và rộng, nhà nước phát động phong trào rộng, thì khu nào có dịch thì họ cũng khoanh vùng, dân phòng canh nhiều nơi. Nhưng hiện giờ anh đi trong tỉnh Đồng Nai thì thấy chốt chặn vẫn chưa có, trên quốc lộ 1 từ miền Bắc vào Đồng Nai hay TPHCM vẫn chưa thấy làm gắt gao lắm, nên heo ngoài Bắc vẫn vào Nam. Anh nói tiếp:

“Cũng lo lắm chứ, nhưng biết làm sao, mình cũng phun sát trùng khử độc, tăng cường vệ sinh sát trùng chuồng trại chứ cũng đâu biết làm gì? Còn về phía nhà nước kêu gọi vậy nhưng cũng chưa có gì khả thi lắm. Mình tự làm hết, bên chính quyền không hỗ trợ gì, sát trùng cũng không hỗ trợ cho trại, mình phải tự mua, chỉ có các công ty bán cám là đối tác của mình họ cũng lo ngại cho mình nên tặng hỗ trợ, chứ phía nhà nước thì không có.”

Anh Hậu cũng là hội viên Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, anh cho biết, hiệp hội cũng gởi công văn lên chính phủ, để yêu cầu ngăn chặn heo từ phía bắc chở vô Đồng Nai, tức ngăn chặn các cửa ngõ. Công văn gởi đi rồi nhưng động thái từ phía Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và chính phủ vẫn chưa biết họ có làm gì không, nhưng theo anh là vẫn còn heo từ ngoài bắc vô Nam. Gây lo ngại và ảnh hưởng giá cả thị trường trong Nam rất lớn.

Mình tự làm hết, bên chính quyền không hỗ trợ gì, sát trùng cũng không hỗ trợ cho trại, mình phải tự mua, chỉ có các công ty bán cám là đối tác của mình họ cũng lo ngại cho mình nên tặng hỗ trợ.<br/>-Nguyễn Tấn Hậu

Tại hội nghị Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, với chủ đề “Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức ngày 14/3. Các đại biểu cho biết, nếu không có biện pháp kiểm soát bệnh kịp thời dịch tả lợn Châu Phi, sẽ có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi trả lời truyền thông lại nói rằng, dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì lây lan rất nhanh, đồng thời không có vắc xin phòng bệnh. Ông cho rằng, quan trọng nhất là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm "phòng là chính"!?

Trong khi công tác tổ chức phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam được người chăn nuôi đánh giá là chưa đồng loạt và quyết liệt tại các địa phương, thì mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có gửi công văn kiến nghị Bộ Thông tin – Truyền thông xử lý những thông tin bị cho là sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi, gây hoang mang xã hội.

Cụ thể, trong văn bản có nhắc tới nhiều fanpage và facebook cá nhân như ‘Đầm bầu thời trang Mami, Trang Thao Mandy’… đăng tải thông tin và hình ảnh được cho là sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt…

Ngoài ra, vào ngày 14/3, có hai người đăng tin dịch tả lợn Châu Phi đến Cà Mau bị lập biên bản, buộc viết cam kết không tái phạm. Chi cục Thú ý tỉnh Cà Mau khẳng định không hề có chuyện dịch tả lợn đến Cà Mau, nên khẳng định hai người đăng tải thông tin sai sự thật, buộc gỡ bỏ toàn bộ nội dung này.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Và hiện tại chưa có vắc xin để phòng bệnh này.

Trung Quốc và Mông Cổ là hai nước có dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên trong đợt này. Vào ngày 13 tháng 3, cơ quan chức năng Bắc Kinh ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt và sản phẩm lợn từ Việt Nam. Trước đó một số quốc gia trên thế giới cũng có lệnh tương tự và thông báo qui định xử phạt nặng những ai vi phạm.