Bỏ tù nhưng khó thu tài sản

Cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ giữa năm 2016 đến nay được nói là quyết liệt và cũng gặt hái được một số thành tựu nhất định.

Hầu hết những vụ án tham nhũng được phanh phui bấy lâu nay đều là những vụ đại án, mà số tiền thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng cho mỗi vụ. Nhưng cho đến nay VN cho biết số tiền thiệt hại này không thu hồi được là bao. Tình trạng này bị cho ‘chống tham nhũng nửa vời’.

Thanh Tra Chính Phủ vào cuối năm 2016 đã ra một bản phúc trình tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng Chống Tham Nhũng, trong đó nêu rõ trong suốt 10 năm chỉ có 7,8% số tiền tham nhũng được trả lại cho ngân sách nhà nước, còn 92% số tài sản gồm tiền mặt và đất đai tham nhũng đã bị tẩu tán và không thể thu hồi được.

Đến cuối năm 2017, sau một năm chiến dịch chống tham nhũng “Lò nóng- củi tươi” của ông Nguyễn Phú Trọng được nói là rực lửa, Bộ Công an cho biết tài sản thu hồi cũng chỉ có 29% về số lượng tiền, 50% về đất đai, tài sản. Bộ Công an cũng cho biết nhiều vụ án số tiền thi hành án lên đến cả chục ngàn tỷ đồng nhưng thu hồi chưa đến 10%.

Đây là một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và thậm chí các nhà lãnh đạo cao cấp của VN đề cập đến nhiều lần và đưa ra nhiều biện pháp nhưng đến nay vẫn chưa thấy có hiệu quả thực sự.

Chính ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng từng nói chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản thì mới thành công được một nửa.

Chúng tôi trao đổi vấn đề này với luật sư Nguyễn Ngọc Lan, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. Luật sư Lan nhận định nguyên nhân gốc rễ dẫn đến khó khăn trong thu hồi tài sản là việc kê khai tài sản chưa rõ ràng:

Nó chưa đảm bảo rõ ràng bởi vì cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có được một cơ chế, một quy trình cụ thể để kê khai tài sản. Khi đến giai đoạn thu hồi tài sản đã là giai đoạn sau rồi, cho nên có thể tài sản đã bị tẩu tán. Một khi tài sản bị tẩu tán thì việc thu hồi hết sức khó khăn vì tài sản không còn nữa.

<i>Bởi vì cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có được một cơ chế, một quy trình cụ thể để kê khai tài sản. <br/>- LS Nguyễn Ngọc Lan</i>

Vấn đề kê khai tài sản ở Việt Nam bấy lâu nay được nói là không hiệu quả. Đầu năm ngoái, Cục Phòng chống tham nhũng cho biết nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực. Trước đó năm 2016, trong số 1 triệu bản kê khai, Chính phủ nói không phát hiện trường hợp nào vi phạm. Rồi thậm chí năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực.

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan cũng cho rằng tùy thuộc vào từng vụ án với tính phức tạp riêng mà tài sản có thể bị tẩu tán bằng các hình thức khác nhau.

Một vụ án khó thu hồi tài sản điển hình phải nhắc đến đó là vụ Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines. Theo đó ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị lẽ ra phải bồi thường 110 tỷ đồng nhưng chỉ thu lại được 21 tỷ đồng. Hiện tại Cục thi hành án Dân sự Hà Nội đã thừa nhận “bó tay” vì ông Dũng không còn tài sản nào khác.

Trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói rằng do các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng có tổ chức thực hiện trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện. Một số vụ án tham nhũng thường được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong một thời gian dài, đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm cách tẩu tán tài sản. Một số tài sản chuyển trái phép ra nước ngoài nên hết sức khó khăn khi thu hồi.

Cũng đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Ngọc Lan, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên Ủy viên Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cũng nói rằng số tiền tham nhũng được đã được tiêu dùng, chia chác và thậm chí tẩu tán trước khi đối tượng ra hầu tòa. Từ thực tế như vậy, ông đưa ra một đề xuất để đối phó với vấn đề này:

Trong quá trình điều tra phải yêu cầu họ trả lại phần tài sản đã lấy và coi đó là một tình tiết giảm nhẹ tội trạng của họ. Trong giai đoạn thanh tra, có thể cho họ [thanh tra viên] thỏa thuận với họ để họ trả lại tài sản. Nếu họ nộp lại thì sẽ giảm nhẹ hơn trong quá trình kết án. Như vậy sẽ thu được nhiều hơn so với cơ chế như hiện nay đó là thanh tra chỉ phát hiện chứ không có quyền xử lý mà phải báo với cấp trên. Trong quá trình xử lý cũng không có quyền xử lý hành chính, không có quyền thỏa thuận giảm nhẹ với người vi phạm.

Trong quá trình điều tra phải yêu cầu họ trả lại phần tài sản đã lấy và coi đó là một tình tiết giảm nhẹ tội trạng của họ. <br/>_ Ông Trần Văn Lĩnh

Còn với luật sư Nguyễn Ngọc Lan, bà cho rằng câu hỏi làm thế nào để khắc phục khó khăn trong thu hồi tài sản là một câu hỏi quá lớn, nan giải. Tuy vậy, bà vẫn đưa ra một số gợi ý đối với cơ quan chức năng:

Ngay trong giai đoạn điều tra phải nắm rõ đầy đủ thông tin liên quan đến khối tài sản tham nhũng. Tiếp nữa, nếu chờ đến khi phát hiện ra tham nhũng lúc bấy giờ mới làm thủ tục để thu hồi thì có lẽ đã quá muộn. Vì vậy phải có một quá trình giám sát của các cơ quan liên quan tới các hoạt động để đảm bảo toàn bộ tài sản được công khai và tránh tình trạng việc đã rồi mới quay lại điều tra tham nhũng bao nhiêu.

Câu hỏi này cũng được Quốc hội đặt ra với Bộ Trưởng Công an Tô Lâm, nhưng ông cũng chỉ đưa ra câu trả lời chung chung rằng bộ công an đã hướng dẫn các cơ quan tố tụng thúc đẩy tiến độ điều tra vụ án, tập trung thu hồi tài sản cho nhà nước; có biện pháp phong tỏa tài sản đối tượng phạm tội và thực hiện thu hồi không để tẩu tán và tăng cường công khai việc kê khai tài sản của công chức, viên chức phục vụ phòng chống tham nhũng.