Diễn đàn Đối thoại Shangri La tại Singapore đã kết thúc, giữa lúc những căng thẳng trên biển Đông đang khiến nhiều nước quan ngại. Vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Viking của Petro Việt Nam đã là vụ thứ nhì. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Nick Bisley dạy môn quan hệ quốc tế tại trường đại học La Trope của Úc. Giáo sư Bisley cũng là thành viên của Hội đồng an ninh và hợp tác châu Á Thái Bình Dương, và đã có mặt tại diễn đàn đối thoại Shangri La vừa qua ở Singapore.
Cơ cấu kiềm chế xung đột
Việt Hà: Xin ông cho biết những căng thẳng trên biển Đông có ảnh hưởng thế nào đối với Úc?
Nick Bisley: quan điểm của Úc cũng giống như nhiều nước khác quan tâm đến các diễn biến trên biển Đông. Mối quan ngại lớn nhất là những xung đột rõ ràng tại biển Đông, nơi quyền lợi của các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc cùng một số nước khác tại Đông nam Á lại trùng hợp nhau. Những đụng độ xẩy ra thường xuyên xuất phát từ nguyên nhân do mối lợi bị va chạm thì sẽ không chỉ là những đụng độ nhỏ trên biển mà có thể xảy ra những xung đột lớn hơn.
kể cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn đi theo hướng mà họ cho là có thể ràng buộc những họat động của họ trong một quá trình đa phương
GS Nick Bisley
Quan điểm của Úc cũng như một số nước khác trong khu vực là cần tạo ra một cơ cấu để có thể kiểm soát và kiềm chế được các xung đột này, tránh các xung đột có thể leo thang thành xung đột lớn hơn. Nhưng vấn đề mà chúng tôi gặp phải, cũng được thể hiện ở Shangri La, là kể cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn đi theo hướng mà họ cho là có thể ràng buộc những họat động của họ trong một quá trình đa phương. Cho nên ASEAN, Úc, Nhật, Hàn Quốc đã nhiều lần đưa ra các đề nghị nhiều bên để kiểm soát và kiềm chế những xung đột trên biển, hay khi xày ra khủng hoảng, thậm chí đề nghị một bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không muốn bị ràng buộc bởi cơ chế này. Úc cũng như nhiều nước khác cũng có quyền lợi gián tiếp liên quan đến những sự kiện tại biển Đông nhưng không thể làm được gì nhiều bởi những ảnh hưởng mạnh từ hai cường quốc, mà họ không sẵn sàng thay đổi lập trường để phù hợp với một quá trình đa phương.
Úc nghiêng phía nào?
Việt Hà: ông có nghĩ có một lúc nào đó Úc sẽ trực tiếp can thiệp vào những căng thẳng trên biển Đông ? Nếu có là trong trường hợp nào? Mức độ ra sao?
Nick Bisley: tôi nghĩ rất khó có khả năng Úc sẽ can thiệp vào những sự kiện đụng độ nhỏ trên biển Đông, Úc không muốn tham gia về mặt quốc phòng vào các khu vực nhạy cảm như biển Đông. Úc sẽ rất miễn cưỡng trong chuyện này trừ khi có sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc hay đa quốc gia.
nếu Mỹ cần sự đóng góp của Úc thì Úc sẽ không thể không tham gia dù khó khăn,
GS Nick Bisley
Ngoại lệ duy nhất là khi xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa Trung Quốc với Mỹ. Trong trường hợp đó, vị trí của Úc là rất khó khăn vì Úc là đồng minh của Mỹ, tôi cho là sẽ không có một hành động can thiệp quân sự nào của Mỹ mà Úc không tham gia. Về mặt chính trị thì cũng sẽ rất khó cho Úc để nói “không” với Mỹ. Tôi nói một ví dụ về Đài Loan, dù đây không phải là biển Đông nhưng cũng gần đó, và đây là một bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi nghĩ Úc sẽ rất khó khăn khi phải chọn lựa giữa một bên là đồng minh Mỹ và một bên là một nước nhập khẩu lớn của Úc, đối tác thương mại lớn của Úc là Trung Quốc. Có rất nhiều lý do mà Úc muốn tránh can thiệp nhưng cuối cùng nếu Mỹ cần sự đóng góp của Úc thì Úc sẽ không thể không tham gia dù khó khăn, kể cả vấn đề về biển Đông.
Trung Quốc không đáp ứng
Việt Hà: Vậy theo ông chính phủ Úc sẽ làm gì trong thời gian sắp tới và phải làm gì để thúc đẩy quá trình đưa đến việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề biển Đông?
Nick Bisley: đối với Úc, cách duy nhất để Úc có thể đạt được mục đích về chính sách trong khu vực là tìm đối tác để cùng làm việc. Úc một mình chỉ là nước nhỏ và không muốn đơn độc một mình, mà muốn làm việc với các nước khác có cùng quan điểm để tìm ra một cơ chế đa phương. Thái độ của Úc như tôi biết được qua sự tiếp xúc với giới chức chính phủ lúc này là đồng hành với ASEAN để đạt được bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông, hay có thể là một tuyên bố mạnh hơn bản tuyên bố năm 2002. Cho nên Úc đang cố gắng hết sức mình để làm việc cùng ASEAN hầu tìm ra cách kiểm soát các vấn đề về biển Đông. Nhưng viễn ảnh đạt được kết quả như mong muốn thì thực sự không sáng sủa lắm. Theo tôi bên ngoài ASEAN mọi người muốn nhìn thấy Úc thành công trong việc thực hiện được một điều gì đó để cuối cùng ASEAN, Úc, Nhật, Hàn quốc có thể tạo dựng được một cách để kiềm chế khủng hoảng trên biển Đông. Nhưng tất cả còn lệ thuộc vào sự hưởng ứng của Mỹ và Trung Quốc. Trong hai nước lớn này, nước có vẻ sẵn sàng hơn trong việc ủng hộ sự thành hình những quy định chung cho biển Đông là Mỹ. Chính bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã nói tại Shangri-la là nếu không có một quy định chung như vậy thì khả năng căng thẳng leo thang là có thể xảy ra. Quả bóng đang ở bên sân của Trung Quốc nhưng với những gì mà tôi quan sát thì tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ có những chuyển động tích cực đáng nói trong vấn đề này.
May lắm chỉ đạt một thời biểu
Việt Hà: Ông có nói đến việc đưa ra một cơ chế đa phương cho vấn đề biển Đông. Chúng ta đã có tuyên bố về ứng xử của các bên và đang mong đợi một bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông, theo ông đâu là khó khăn cho ASEAN trong việc tiến tới một bộ quy tắc như vậy?
Nick Bisley: tôi nghĩ là khả năng của Asean để nhất trí với nhau về vấn đề này là rất hạn chế. Chúng ta thấy một ví dụ điển hình là xung đột đang diễn ra giữa Thái lan và Campuchia cho thấy khả năng giải quyết vấn đề của ASEAN giữa các thành viên hạn chế thế nào. Rõ ràng là ASEAN cũng làm được những điều có lợi cho các nước thành viên nhưng trong các vấn đề về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thì ASEAN còn hạn chế. Và việc mà chúng ta đang làm là thiết lập được COC cho ASEAN và Trung Quốc. Điều này đang tạo ra một khó khăn kép cho ASEAN.
do sự khác biệt giữa các nước mà một COC có tính ràng buộc là rất khó đạt được
GS Nick Bisley
Thứ nhất là sự khác biệt giữa các nước thuộc khối, họ cũng có tranh chấp. Thứ hai là với Trung Quốc rồi còn Mỹ. Cho nên khó mà có thể hy vọng vào một COC phát xuất trước từ ASEAN có tính ràng buộc và làm nguội tình hình trong tương lai gần. ASEAN theo đuổi con đường ngoại giao và điều có thể xảy ra theo tôi có lẽ là một dạng giữa COC và tuyên bố về cách ứng xử của các bên, có thể là một thỏa thuận giữa các bên về một quá trình tiến tới để đạt được COC. Tôi nghĩ do sự khác biệt giữa các nước mà một COC có tính ràng buộc là rất khó đạt được, nhưng rõ ràng là đã 9 năm rồi và vấn đề chỉ càng trở nên phức tạp hơn ngay cả trong trường hợp ASEAN muốn giữ thể diện của mình mà nói rằng muốn làm được cái gì đó để có thể cho mọi người thấy. Tôi nghĩ là rất có thể chúng ta sẽ nhìn thấy cái gì đó như là một tiến trình, một thời biểu thôi, vì ASEAN thì thích cái gọi là quá trình nhưng tôi không tin là một COC có thể thỏa mãn được tất cả các bên có thể sớm thành hình.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài Á châu tự do buổi phỏng vấn này.