Công nghệ lạc hậu vẫn tràn vào Việt Nam

0:00 / 0:00

Vẫn lo sau nhiều năm cảnh báo

Nỗi lo nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời vào Việt Nam từng được giới chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm nay. Tuy nhiên đến nay thực tế đáng ngại đó vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan.

Trong nhiều cuộc họp quốc hội trước đây, các vị đại biểu quốc hội đã từng thừa nhận Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời cả hai ba thế hệ và không có giải pháp kỹ thuật đi kèm khi cần bảo trì, sửa chữa, nâng cấp.

Vấn đề được các vị đại biểu quốc hội đưa ra là Việt Nam đã nhận những loại công nghệ bị cho là bẩn, không còn được sử dụng tại quốc gia bán cho Việt Nam. Những công nghệ cũ kỹ lạc hậu cả mấy đời là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay việc nhập công nghệ ở Việt Nam rất là phổ biến, bởi vì chúng ta gần như là chưa phát triển, cái gì cũng cần nhập. Bởi vì thiếu hiểu biết nên đúng là ở Việt Nam có nhiều công nghệ nhập về bị lỗi mốt.<br/>-PGS. TS. Tạ Cao Minh

Mới đây nhất là vào ngày 17 tháng 9 năm 2018, tại Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 ở Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đưa ra cảnh báo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các dự án đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị đẩy cho các công nghệ lạc hậu và phế thải.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết:

“Tôi hoàn toàn nhất trí với cái nhận xét, cái ý kiến của ông Tổng kiểm toán nhà nước tại Hội nghị kiểm toán Châu Á. Và tôi cho rằng đây cũng phải là nhận xét mới, mà cũng đã được đưa ra từ lâu, chỉ có điều khắc phục tình trạng tiếp nhận các công nghệ lạc hậu vẫn chưa làm được tốt.”

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thừa nhận thực trạng này:

“Hiện nay việc nhập công nghệ ở Việt Nam rất là phổ biến, bởi vì chúng ta gần như là chưa phát triển, cái gì cũng cần nhập. Bởi vì thiếu hiểu biết nên đúng là ở Việt Nam có nhiều công nghệ nhập về bị lỗi mốt.”

Nhà máy xe lửa Gia Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa chụp năm 2017.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa chụp năm 2017. (AFP PHOTO)

Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra ví dụ về việc sử dụng công nghệ lạc hậu khi Việt Nam xây dựng hàng loạt nhà máy xi măng lò đứng, trong khi các nước đều làm lò ngang. Ông dẫn chứng thêm nhiều dự án khác:

“Việt Nam xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điệt chạy than nhưng công nghệ cũng lạc hậu. Kể cả gần đây quy hoạch lại đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, bây giờ trên thế giới người ta xây dựng những nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, thì trong khi đó đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn thì cứ quy hoạch nhiệt điện ở đấy.”

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong xu thế hội nhập thì Việt Nam muốn thu hút đầu tư, nhưng không phải đầu tư bằng mọi giá. Đầu tư phải đảm bảo môi trường, đầu tư phải bảo đảm hiệu quả, chất lượng, công nghệ phải tiên tiến. Theo ông, nếu sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ gây những hệ lụy rất lớn. Thứ nhất nó sẽ làm tăng chi phí giá thành, thứ hai không thể cạnh tranh và thứ ba là nó sẽ tạo thành một bãi rác ảnh hưởng đến môi trường.

Việt Nam trở thành “bãi đáp” công nghệ cũ của Trung Quốc

Hiện nay, trong số các doanh nghiệp, các dự án đầu tư tại Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu, thì phần lớn là công nghệ cũ nhập từ Trung Quốc. Thực tế, Việt Nam trở thành “bãi đáp” công nghệ cũ của Trung Quốc đã không còn là cảnh báo nữa.

Theo số liệu của Bộ kế hoạch đầu tư, Trung Quốc hiện đầu tư hơn 1.600 dự án tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư hơn 11,2 tỉ USD, là một trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Một trong những ví dụ Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu sang Việt Nam là trong lĩnh vực nhiệt điện than. Trong khi Trung Quốc đã đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện than thì vài năm nay, hàng loạt nhà máy nhiệt điện từ Trung Quốc được đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Riêng tại các tỉnh đồng bằng sông cửu long đã có 14 nhà máy nhiệt điện, hơn nửa số nhà máy đó là do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Trung Quốc người ta có một cái kỹ thuật là bao giờ người ta cũng bỏ thầu với giá rất thấp, các đối thủ khác sẽ bị thua. Nhưng trong quá trình cung cấp thiết bị, thì người ta thay đổi những cái hàng hóa, thay đổi những thiết bị so với ban đầu, thay đồi công nghệ.<br/>-PGS. TS. Tạ Cao Minh

Làm cách nào mà công nghệ lạc hậu của Trung Quốc có thể dễ dàng vào Việt Nam, trong khi hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều qua đấu thầu. Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh đưa ra nhận định:

“Phía Trung Quốc người ta có một cái kỹ thuật là bao giờ người ta cũng bỏ thầu với giá rất thấp, các đối thủ khác sẽ bị thua. Nhưng trong quá trình cung cấp thiết bị, thì người ta thay đổi những cái hàng hóa, thay đổi những thiết bị so với ban đầu, thay đồi công nghệ mà mình không kiểm soát được. Đây là cái cách mà Trung Quốc làm để thắng các đối thủ ở Việt Nam, đây là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Theo tôi nghĩ, chúng ta cấm Trung Quốc bỏ thầu cũng không được, vì đó là thông lệ quốc tế. Vì vậy chúng ta mà muốn nhập đúng thiết bị thì chúng ta phải ra cái bài thầu, làm thế nào để có thể loại trừ những hàng hóa của Trung Quốc. Ví dụ mình có thể cài thêm cái tham số nào mà Trung Quốc không có, hoặc thêm cài thêm cái ý là chỉ nhập ở các nước G7... Đó là trường hợp hoàn toàn song phẳng, tôi không muốn nói ở đây là có những lợi ích cá nhân nhập về, hay có những cái feedback phần trăm hoa hồng là tôi không nói ở đây.”

Theo ông Tạ Cao Minh, mặc dù vận dụng luật đấu thầu quốc tế, nhưng Việt Nam cũng có thể nghiên cứu để ban hành những quy định riêng của bản xứ, nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế bớt các sản phẩm của Trung Quốc. Theo ông cần có sự can thiệp của chính phủ Việt Nam thì mới làm được, chứ một cá nhân, một tổ chức khi đã đưa đấu thầu thì rất khó có thể làm được gì.

Liên quan vấn đề vừa nêu, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét:

“Việt Nam nói chung luật thì không thiếu nhưng trong quá trình thực thi người tổ chức thực hiện chưa nghiêm chỉnh, chưa đúng. Thứ hai là đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực mới, chưa có kinh nghiệm, cho nên những cái luật soạn thảo ra phần lớn còn có những khuyết tật, vì vậy còn nhiều vấn đề còn bất cập.”

Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay cái chính là vấn đề người thực thi và tính nghiêm minh của luật pháp. Theo ông nếu người thực thi mà cố ý làm không đúng, thì chế tài tại Việt Nam chưa thật nghiêm. Ống nói rõ rằng các doanh nghiệp không sợ pháp luật mà họ sợ nhất là người thực thi pháp luật không công tâm mà chỉ vì vụ lợi, gây phiền hà nhũng nhiễu để được hối lộ.