Cảnh giác ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 20/1/1974 là một sự kiện lịch sử bi tráng đối với dân tộc Việt Nam. Đó là ngày Hải quân Trung Quốc đã bất ngờ tấn công, chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa từ tay của Hải quân Việt Nam Cộng hoà. Trong trận chiến thư hùng đó, 74 chiến sĩ của Hải quân Việt Nam Cộng hoà đã tử vong.

Tình cảnh của Việt Nam Cộng hoà lúc đó khá bi đát khi đang đứng trước nguy cơ thất trận trước người anh em cùng một mẹ - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chưa kể sự rút lui của Hoa Kỳ sau Hiệp định Paris 1973 đã khiến phía Việt Nam Cộng hoà bị mất tinh thần. Nhân cơ hội đó, “thế” và “thời” đều thuận lợi, nên Trung Quốc đã chọn lựa thời điểm tốt nhất để tấn công, sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó rất lâu.

Hoàng Sa là bước đầu tiên để Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình trên biển trước Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Và cũng là bước thể hiện đầu tiên trong ý đồ “vươn ra biển khơi” mà Trung Quốc đã “nung nấu” trước đó.

Hoàng Sa cũng chưa phải là sự kiện duy nhất Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục tấn công người anh em sinh đôi của Việt Nam Cộng hoà (lúc đó đã đổi tên là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) tại khu vực Trường Sa. Phía Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với tiềm lực vô cùng hạn chế, cộng với ý đồ quân sự bị lộ, khi tính đưa công binh ra nhằm khẳng định chủ quyền, đã bị Hải quân Trung Quốc với tiềm lực mạnh hơn tấn công. Sau sự kiện 1988 đó, Gạc ma đã mất tiếp vào tay Trung Quốc.

Hình minh họa. Những người biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội hôm 14/3/2016 nhân kỷ niệm trận chiến Gạc Ma năm 1988
Hình minh họa. Những người biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội hôm 14/3/2016 nhân kỷ niệm trận chiến Gạc Ma năm 1988 (AFP)

Năm 1995, Trung Quốc tiếp tục chiếm Bãi Vành khăn từ tay quân đội Philippines. Philippines uất ức nhưng với tiềm lực quân sự quá yếu đành nhìn Trung Quốc chiếm trọn Vành khăn.

Trung Quốc từ chỗ không kiểm soát bất cứ thực thể nào ở Trường Sa, sau khi ra tay chớp nhoáng, biến mọi sự thành chuyện đã rồi thì nay Trung Quốc đang chiếm giữ 7 thực thể tại Trường Sa. 7 thực thể này đã được Trung Quốc bồi lấp thành các đảo nhân tạo và trang bị vũ khí quân sự trên đó.

Tuy vậy, luật pháp quốc tế đã không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại tất cả các khu vực này, cho dù Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa và 7 thực thể ở Trường Sa. Bởi vì luật pháp quốc tế từ sau khi Liên Hợp Quốc được thành lập, đã không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một lãnh thổ thuộc một quốc gia khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một quốc gia gần như không biết đến sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, một lo ngại đặt ra là liệu Trung Quốc có thể lặp lại các hành động xâm chiếm như đã từng làm trong quá khứ hay không?

Năm 2012, Trung Quốc chưa cần dùng biện pháp quân sự nhưng đã sử dụng chiến thuật “bắp cải” để ngang nhiên giành quyền kiểm soát bãi Scaborough từ tay của Philippines. Chính vì vậy, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra một Hội đồng trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước luật biển 1982 (UNCLOS). Và Toà trọng tài năm 2016 đã có phán quyết lịch sử khi tuyên bố Philippines thắng cuộc.

Hiện nay, Trung Quốc một mặt đang "mua chuộc" các nước ASEAN thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của họ. Với những dự án hàng tỉ USD, Trung Quốc đang "chia rẽ" các quốc gia ASEAN. Đồng tiền của họ đang khiến các quốc gia ASEAN cách biệt nhau về quan điểm. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore đã cho thấy 7 trong 10 nước ASEAN thích Trung Quốc hơn. [1] Trung Quốc còn tuyên truyền mập mờ về tình hình "ổn định" ở Biển Đông và mốc thời gian sẽ hoàn thành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong 3 năm tới. Đây chính là một trong các "thủ pháp" ngoại giao của Trung Quốc, nhằm gây sức ép lên các quốc gia trong khu vực, đồng thời ngăn cản các quốc gia bên ngoài can dự vào Biển Đông.

Ông Antonio Carpio, Cựu thẩm phán Toà án tối cao Philippines, một trong những tác giả quan trọng của Phiên toà thế kỷ - Philippines kiện Trung Quốc đã cảnh báo rằng: "Trung Quốc sẽ không ngưng việc bồi lấp các đảo nhân tạo, và sẽ tiếp tục bồi lấp Scarborough, trước khi các bên ký kết COC". [2]

Cảnh báo của ông Carpio không phải là không có cơ sở. Trong quá khứ, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để tạo lợi thế kể cả bằng biện pháp quân sự, khiến “gạo đã thành cơm”. Thậm chí với các hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, ta có thể nhận thấy mục tiêu xuyên suốt của Trung Quốc là nhằm biến các vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp với các nước khác, nhằm ép buộc các quốc gia trong khu vực từ bỏ hợp tác khai thác với các quốc gia khác để hợp tác khai thác chung theo “cách thức” của Trung Quốc đó chính là “chủ quyền thuộc về chúng ta (Trung Quốc), gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”.

Chính vì vậy, các quốc gia ASEAN cần tỉnh táo trước một Trung Quốc đầy gian manh và xảo trá. Sự đoàn kết của ASEAN bảo vệ được chính ASEAN trước một Trung Quốc hung hăng và đầy tham lam. Còn nếu không, các quốc gia ASEAN sẽ phải trả giá ngay trong tương lai gần.


[1] https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/7-of-10-ASEAN-members-favor-China-over-US-survey?utm_campaign=RN%20Free%20newsletter&utm_medium=one%20time%20newsletter%20free&utm_source=NAR%20Newsletter&utm_content=article%20link&del_type=3&pub_date=20200119093000&seq_num=4&si=%%user_id%%

[2] https://www.philstar.com/headlines/2019/10/28/1964050/china-will-sign-south-china-sea-code-after-reclamation-scarborough-carpio