Chai bia mang tên biển đảo nhằm nhắc đừng quên lịch sử chủ quyền

0:00 / 0:00

Hôm 19 tháng Một năm 2021, Công ty TNHH Seefahrer Premium Beer, một trong những nhà sản xuất bia tươi tại Việt Nam cho ra mắt hai sản phẩm bia mang tên Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có bia mang tên biển đảo.

Ông Trần Song Hải, giám đốc công ty Seefahrer Premium Beer chia sẻ, trong một lần đươc gặp một vị quan chức Việt Nam có trách nhiệm về vấn đề biển đảo, vị này đặt câu hỏi: Tại sao Nhật Bản có bia Sapporo và Kirin gắn với tên hai hòn đảo nổi tiếng, Trung Quốc có bia Shingtao - Thanh Đảo, mà Việt Nam lại không có bia mang tên Hoàng Sa và Trường Sa? Từ đó ông Hải nung nấu ý định phải có sản phẩm bia mang tên hai quần đảo này.

Trò chuyện với RFA sau hai ngày ra mắt sản phẩm, ông Hải giải thích ý nghĩa hình ảnh trên hai chai bia:

“Trên vỏ chai bia Hoàng Sa có một tấm bảng, là lệnh của vua Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra để thăm dò, đo đạc thủy trình Hoàng Sa, thực thi trách nhiệm về mặt pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hòn đảo này từ xa xưa. Các chữ viết này là chữ Nôm chứ không phải là chữ Hán.

Còn trên vỏ chai Trường Sa thì có hình tấm bia chủ quyền. Nói tới bia chủ quyền thì chúng ta không thể nào quên trận chiến năm 1988. Ngoài tấm bia chủ quyền thì phía sau có hình ảnh con tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ trong trận chiến năm 1988. Dù bị bắn trúng những vẫn lao lên đảo chìm Cô Lin với lá cờ Việt Nam, giữ được chủ quyền hòn đảo cho tổ quốc.”

Cái mơ ước của mình là được một cái thông điệp lịch sử đến các bạn trẻ. Đừng bao giờ quên lịch sử của chúng ta, đừng quên truyền thống của chúng ta. Thông qua một chai bia như thế này tôi rất mong muốn các bạn trẻ hiểu được cái tấm lòng, cái nguyện vọng, cái ước nguyện của người Việt Nam. -Ông Trần Song Hải

Theo sử sách ghi lại, đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn với tư cách Nhà nước đã chính thức xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn bao gồm các công việc khảo sát đo đạc thủy trình, đo vẽ bản đồ dài ngày, cắm bia chủ quyền, và cứu hộ hàng hải quốc tế.

Ngày 19 tháng Một năm 1974, một trận hải chiến xảy ra ở vùng biển Quần đảo Hoàng Sa giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân VNCH. Một ngày sau, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát tất cả các đảo từ phía VNCH. Đến nay là đúng 47 năm.

Còn với Trường Sa, ngày 14 tháng Ba năm 1988, sau cuộc hải chiến giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung Quốc, chiếc tàu HQ-505 thuộc Lữ đoàn 125 trở thành "pháo đài thép" cắm mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin dù chiếc tàu bị trúng đạn pháo của Trung Quốc có nguy cơ chìm.

Ông Trần Song Hải nói thêm rằng, thời đại bây giờ chúng ta buộc lòng phải hòa nhập với thế giới. Ông mong những chai bia mang tên Hoàng Sa, Trường Sa truyền tải được lịch sử chủ quyền quốc gia và khơi dậy lòng yêu nước đến các bạn trẻ.

“Hòa nhập với thế giới nhưng hòa nhập chứ đừng hòa tan. Cái mơ ước của mình là được truyền một cái thông điệp lịch sử đến các bạn trẻ. Đừng bao giờ quên lịch sử của chúng ta, đừng quên truyền thống của chúng ta. Thông qua một chai bia như thế này tôi rất mong muốn các bạn trẻ hiểu được cái tấm lòng, cái nguyện vọng, cái ước nguyện của người Việt Nam.”

bia-truong-sa-va-hoang-sa-16111448299211737804023.jpg
Những chai bia mang tên Hoàng Sa, Trường Sa.

Từ bao nhiêu năm qua, mỗi khi người dân tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ hải quân tử trận trong các trận hải chiến với Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa thì bị chính quyền đàn áp, đánh đập, bắt bớ. Những năm gần đây, có lẽ nhận thấy nguy cơ mất nước là có thật và sức mạnh lòng dân là quan trọng, chính quyền bắt đầu có những lời kêu gọi toàn dân quyết tâm giữ gìn biển đảo.

Có thể nêu ví dụ, tháng Tư năm 2018, tại buổi nói chuyện với sinh viên TP.HCM về tình ninh an ninh, quốc phòng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và biển đảo của Việt Nam, Trung Tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng Ủy, Chính Ủy Quân Khu 7 chia sẻ:

“Hiện nay nguy cơ mất nước, nguy cơ bị làm nô lệ là có thật và đang tồn tại. Nếu như không tỉnh táo, không khéo, không xây dựng quân đội mạnh thì chúng ta có thể mất nước và bị làm nô lệ ngay khi những người lính chưa kịp xung trận, ngay khi những người lính chưa kịp nổ súng.”

Tháng Tư năm 2020, trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ có bài viết về chủ đề giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Bài báo kêu gọi, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mỗi công dân Việt Nam.

Những bài báo trước đây không dám nêu đích danh tên Trung Quốc trong những dịp tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa 1974, hay hải chiến Trường Sa 1988. Những năm gần đây được cho là có thay đổi khi có báo gọi thẳng Trung Quốc là kẻ xâm lược. Bài viết trên báo Thanh Niên hôm 19 tháng Một vừa qua có tựa “47 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa: Kẻ xâm lược nguỵ tạo ký ức như thế nào?” là một ví dụ cụ thể.

Anh Quang từ Đà Nẵng cho rằng, đây là dấu hiệu Nhà nước bật đèn xanh cho việc chống Trung Quốc. Và hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa trên những chai bia mang thông điệp xác nhận chủ quyền là một hình thức tuyên truyền hữu hiệu. Anh nói:

“Tuyên truyền nó có nhiều hình thức và tôi nghĩ đây là một hình thức tốt. Trước đây nhà nước cố tình tránh né mấy từ như Trung Quốc xâm lược hay xâm lăng. Bây giờ khác rồi. Hôm 19 tháng Một báo Thanh Niên có chỉ đích danh Trung Quốc xâm lược.

Như vậy là có chuyển biến về nhận thức trong giới lãnh đạo cấp cao về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Cùng đi với chuyện đó thì việc ra đời của loại bia mới có tên Hoàng Sa, Trường Sa, hay những con đường mang tên Hoàng Sa, Trường Sa ở Đà Nẵng và TP.HCM…

Đó là những hình thức tuyên truyền tác động đến nhận thức người dân theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Với tư cách là một công dân thì tôi nghĩ cách tuyên truyền này rất có tác dụng.”

Phải cùng nhau xây dựng. Nếu thanh niên Việt Nam, giới trẻ Việt Nam thế kỷ 21 có 1000 người, mỗi người có một kế hoạch nhỏ thì Việt Nam thành cường quốc. Mà thành cường quốc thì mới lấy lại được Hoàng Sa. - Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với đội ngũ thanh niên đông đảo, tiếp thu nhanh chóng các tiến bộ phát triển của thế giới. Đây cũng là đối tượng chính trong việc tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước với quyết tâm giữ gìn chủ quyền quốc gia, lấy lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc một ngày nào đó, như chia sẻ của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã:

"Chỉ khi nào Việt Nam thành cường quốc biển thì mới lấy lại được biển đảo đã mất thôi, chứ mình còn yếu thì mình sẽ bị phụ thuộc. Phải cùng nhau xây dựng. Nếu thanh niên Việt Nam, giới trẻ Việt Nam thế kỷ 21 có 1000 người, mỗi người có một kế hoạch nhỏ thì Việt Nam thành cường quốc. Mà thành cường quốc thì mới lấy lại được Hoàng Sa."

Ông Trần Song Hải, giám đốc công ty Seefahrer Premium Beer thì mong các bạn trẻ sau khi uống bia hãy giữ lại chai bia vì trên đó là câu chuyện ý nghĩa về lịch sử, gắn với những sự kiện diễn ra liên quan đến cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa. Ông nhấn mạnh, ông không khuyến khích giới trẻ uống nhiều bia rượu.