Lý giải nguyên nhân
Mạng xã hội cũng như báo chí chính thống mấy hôm nay lan truyền video clip một phụ nữ la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở sân bay.
Sau đó các báo nêu đích danh tên bà là Lê Thị Hiền (quê ở Thanh Hóa), mang hàm đại úy, là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội.
Về việc này, Blogger - Nhà đấu tranh Nguyễn Thị Bích Ngà đưa ý kiến của mình qua ứng dụng Facebook Messenger với RFA sáng 23/8:
"Mình nghĩ đó là do bản chất côn đồ. Nói cho công bằng, hiện nay ngày càng nhiều người Việt có bản chất côn đồ như vậy, không riêng ngành công an. Nhưng ngành công an thì côn đồ hung hăng hơn bởi họ có quyền lực, ỷ vào quyền lực. Cái thói côn đồ hung hăng ăn hiếp dân - là những người yếu thế - được tấm áo ngành che chắn nên họ ngang nhiên, tự do lắm. "
Dư luận xã hội cho rằng những bất công trong xã hội nhan nhản khắp nơi, nhưng hình ảnh phản kháng mạnh mẽ lại không nhiều vì đa số người dân họ đã cam chịu, im lặng “cho xong việc” như lời Nhà nghiên cứu xã hội học, tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam nói với RFA là “người dân vẫn muốn được việc nên họ cứ ôn hòa, hạ mình cho xong việc”. Bà nói tiếp:
“Những người làm công chức nói chung và ngành công an nói riêng thì họ vẫn còn nặng thói cửa quyền. Họ quen ở trong tư thế người ban phát dịch vụ và người khác phải nhận dịch vụ của mình. Họ luôn luôn ở tư thế của những người quen được người khác ‘cung phụng, nịnh hót, không bao giờ dám làm phật ý.”
Bà so sánh thái độ hung hăng của viên đại úy công an ở sân bay với một đứa trẻ được cung phụng, cưng chiều. Bây giờ ở thế bị đối xử không công bằng nên mới phản ứng mạnh, không kiểm soát được như vậy.
Mình nghĩ đó là do bản chất côn đồ...Cái thói côn đồ hung hăng ăn hiếp dân - là những người yếu thế - được tấm áo ngành che chắn nên họ ngang nhiên, tự do lắm. - Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo quan sát của RFA, trong mắt người dân Việt Nam hiện nay, hình ảnh những viên công an đủ mọi chức danh là những người hách dịch, tham nhũng, quan liêu, vô văn hóa, vô đạo đức. Họ luôn cho mình ở vị trí ban phát, coi dân là những người phải cần đến họ chứ không phải đó là công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân mà họ nhận lãnh và được quy định trong Luật công an nhân dân. Đây là những điều không phù hợp, cần phải bãi bỏ nhưng không thể một sớm một chiều vì nó đã tồn tại từ mấy chục năm qua.
Luật sư Phạm Công Út cho rằng, dưới chế độ phong kiến thì xã hội Việt Nam có hai giai cấp là Địa chủ và Nông dân; còn ở chế độ hiện nay thì Việt Nam có hai giai cấp phân hóa rõ rệt mà ông gọi là “Giai cấp thống trị” và “Giai cấp bị trị”. Đó là cán bộ công chức Nhà nước và Người dân.
Theo ông thì cách hành xử của cán bộ công chức hiện nay khiến người dân “hả hê” chứ không bực tức bởi người ta nhìn thấy được mặt trái của “tầng lớp thống trị”:
“Do mạng xã hội phát triển nên chúng ta có dịp nhìn thấy bộ mặt xấu xí của cán bộ công chức Nhà nước. Cán bộ công chức được tuyển chọn, được đào tạo nhưng cách hành xử nhiều lúc rất côn đồ, nhất là những người có điều kiện lạm quyền như công an, cảnh sát giao thông…Họ lạm quyền trước mặt dân hoặc trong những bức vách như các điều tra viên…”
Giải quyết như thế nào?
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4/5/2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ và là người phát ngôn của Chính phủ, khi nói về vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) đã phát biểu: "Tinh thần của chúng ta là rất minh bạch, công khai, nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Phát biểu đó được người dân cho rằng thể hiện sự bất bình đẳng, coi thường luật pháp trong việc quản lý nhà nước, trái với nguyên tắc, "toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Với trường hợp bà Hiền, báo chí trong nước cho biết bà bị phạt 200 ngàn đồng về hành vi gây mất trật tự ở khu vực cảng hàng không. Báo Pháp luật hôm 23/8 dẫn lời luật sư Thái Văn Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) rằng hành vi của bà Hiền là vi phạm trong lĩnh vực hành không dân dụng (lĩnh vực chuyên ngành) nên phải được xử lý theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng:
"Với diễn biến sự việc như trên, theo tôi, cần xử phạt bà Hiền về ba hành vi: không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên hàng không (mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng); lăng mạ nhân viên hàng không (mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng) và gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không (mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng)".
Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà nhận xét:
" Sau mỗi lần hành xử ngang ngược bị phát hiện, họ lại được bao che để tiếp tục nên quyền lực bị lạm dụng một cách tối đa. Bản chất của chế độ, bản chất ngành công an hiện nay là như thế: hung hăng với kẻ yếu, s ẵ n sàng lấp liếm dối trá để che đậy điều xấu, vu vạ để đổ thừa lỗi cho người khác, nhưng lại hèn nhát và khiếp nhược trước kẻ khác có vẻ mạnh hơn. Chính quyền như vậy nên các ngành dọc và người dân cũng vậy thôi. Số người có liêm s ỉ không còn nhiều. "
Người dân hả hê với bức tranh phơi bày như thế. Hoàn toàn không căm phẫn, bởi nếu là người dân thì có thể bị còng, bị bắt vào đồn công an và cuối cùng là 'tự tử chết trong đồn công an' - LS. Phạm Công Út
Luật sư Phạm Công Út cho rằng mức xử phạt 200 ngàn đồng chỉ khiến người dân cười vì dư luận vẫn cho rằng những người càng “xấu xí” thì càng lên cao; càng bị kỷ luật thì càng yên ổn và lên vị trí cao hơn. Ông nêu sự khác biệt giữa công an và dân khi có vi phạm:
“Người dân hả hê với bức tranh phơi bày như thế. Hoàn toàn không căm phẫn, bởi nếu là người dân thì có thể bị còng, bị bắt vào đồn công an và cuối cùng là ‘tự tử chết trong đồn công an’”.
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thì việc xử lý nghiêm các quan chức vi phạm thì cũng có tính răn đe, nhưng về mặt xã hội thì bà không thấy nó có tác dụng mạnh bằng việc một clip như trường hợp bà Hiền được tung ra. Theo bà thì truyền thông có tác dụng rất mạnh trong việc giúp người dân nhận biết các quyền của mình::
“Tôi thấy đây là một dịp rất hay để cả xã hội nhìn lại rằng, bình thường chúng ta vẫn bị đối xử như thế này nhưng chúng ta cam chịu, chấp nhận. Và chuyện đó nó quá bình thường đến nỗi chẳng ai quay lại cảnh chấp nhận hàng ngày. Bây giờ người ta nhìn thấy một cảnh rất thực như vậy thì người dân sẽ nhận ra mình được đối xử thô bạo và không công bằng.”
Trong một lần trò chuyện với RFA về cách hành xử của quan chức hiện nay, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu lên rằng, việc chế độ dung dưỡng, không chế tài thích đáng đối với những quan chức cao cấp có hành vi lạm quyền, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chính chế độ.