Vậy con số gần 50.000 doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh này nói lên điều gì. Vũ Hoàng tìm hiểu và trình bày sau đây.
Giải thể tăng gần 22%
Hôm 1/10, trong báo cáo gửi lên Uỷ ban thường vụ quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2011, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước có 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Mặc dù không nêu cụ thể số liệu cho từng vùng miền và lĩnh vực kinh doanh, nhưng tựu chung có hơn 5.800 doanh nghiệp giải thể, gần 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và gần 31.500 doanh nghiệp dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể. So với năm ngoái, thì số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động tăng gần 22%.
Liệu đây là một tín hiệu đáng buồn vì những khó khăn kinh tế đang diễn ra mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể chống đỡ nổi hay là một tín hiệu vui vì những đào thải tự nhiên các doanh nghiệp yếu kém trong một nền kinh tế thị trường?
Hiện nay với vấn đề các đơn hàng mà mọi khi chúng tôi hoạt động bây giờ giảm, cộng thêm vấn đề huy động vốn, vốn lưu động của chúng tôi bị hạn hẹp.
Bà Thanh Hà
Một thực tế không thể phủ định là tình hình sản xuất của Việt Nam năm nay khó khăn hơn các năm trước nhiều: lạm phát tăng cao, lãi suất đi vay liên tục kịch trần, năng lực cạnh tranh tụt hạng, niềm tin của người dân giảm sút và mới đây Chính phủ cũng phải điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm xuống dưới 6%…Những khó khăn này cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến việc đi vay vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất gần như “không thể” vì thế, việc phải ngừng kinh doanh là điều khó tránh khỏi.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh đến sự khó khăn của các doanh nghiệp trong năm nay bắt nguồn từ nguyên nhân lãi suất vay quá cao, nguồn tín dụng hạn hẹp. Chính ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ cũng phải thốt lên "rất ít người vay được ở mức dưới 17%/năm."
Trao đổi với chúng tôi, bà Thanh Hà, trưởng phòng kinh doanh một công ty sản xuất và xuất khẩu bao bì trên thị trường Hà Nội cho biết những khó khăn mà doanh nghiệp bà gặp phải:
“Tôi hiện đang hoạt động ở một công ty chuyên sản xuất bao bì, doanh nghiệp của tôi chỉ là một doanh nghiệp vừa thôi, nhưng hiện nay với vấn đề các đơn hàng mà mọi khi chúng tôi hoạt động bây giờ giảm, cộng thêm vấn đề huy động vốn, vốn lưu động của chúng tôi bị hạn hẹp. Cho nên với tình hình này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề có thể tiếp tục hay là không. Hiện nay, tình trạng nghỉ việc của một số các phân xưởng cũng đành phải cho các anh em tạm giãn lại. Trong vấn đề này, chúng tôi đang chờ xem một tích cực từ huy động vốn như thế nào. Một là tiếp tục hai là phải ngừng hoạt động.”
Dấu hiệu bi quan?
Những khó khăn như thiếu vốn vay hoặc gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế như doanh nghiệp của bà Hà không phải là hiếm, vì lẽ đó, nó lý giải phần nào những gì diễn ra phía sau các con số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan thì con số gần 50.000 doanh nghiệp bị đóng cửa hoặc giải thể có phải là dấu hiệu bi quan? Câu trả lời là không.
Bởi theo quy luật kinh tế, trong hoàn cảnh bình thường thì bất kỳ nước nào cũng có một tỷ lệ nhất định các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản hoặc giải thể xét theo nguyên tắc thị trường.
Không phải là vô cớ mà 50% các doanh nghiệp FDI tuyên bố lỗ nhưng họ vẫn làm việc, mở rộng quy mô, trả lương cao, các hợp đồng ngày càng phát triển.
TS Nguyễn Minh Phong
Theo lời của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đăng tải trên báo Vneconomy gần đây thì “cái chết của doanh nghiệp thậm chí là niềm vui cho xã hội, bởi nguồn lực được dồn vào cho những ý tưởng tốt đẹp hơn” vì theo vị này thì doanh nghiệp là ý tưởng kinh doanh, ý tưởng tồi thì có thể thất bại chứ ý tưởng tồi mà cũng thành công là hỏng. Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết thêm, sau gần 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ công ty bị phá sản và giải thể vẫn còn quá ít, điều này chứng minh rằng nền kinh tế thiếu năng lực cạnh tranh.
Cùng với quan điểm này, T.S Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng Nghiên cứu, Viện Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội cho rằng kể từ đầu năm tới nay, Việt Nam ghi nhận thêm gần 57.000 doanh nghiệp mới, trong khi số phá sản hoặc ngừng hoạt động mới chỉ gần 50.000, vậy vẫn còn dôi dư khoảng 6-7.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Vì thế, đây cũng vẫn là một dấu hiệu tích cực.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến con số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, T.S Phong cho biết ngoài lý do lãi suất vay cao thì còn do thị trường truyền thống là Hoa Kỳ, E.U và Nhật Bản của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang bị thu hẹp, ông cho biết:
“Thị trường tiêu thụ một số hàng của Việt Nam trên các thị trường truyền thống như Mỹ, E.U, Nhật Bản – 3 thị trường rất quan trọng để xuất khẩu của Việt Nam thì lại là 3 khu vực đang gặp khó khăn lớn nhất, điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam khiến tỷ lệ các doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản tăng lên.”
Về khía cạnh quốc tế này, ai cũng nhận thấy tình hình kinh tế chung toàn cầu đang lâm vào một cuộc suy thoái, các nước Châu Âu khủng hoảng nợ, Hoa Kỳ khủng hoảng việc làm, còn Nhật Bản lại vừa đối mặt với thảm hoạ kép động đất và sóng thần hồi đầu năm. Do vậy, việc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ít hoặc không có đơn đặt hàng dẫn tới dừng sản xuất kinh doanh là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, ở góc độ chủ quan, nghĩa là từ phía chính các doanh nghiệp cố tình tự động dừng hoạt động kinh doanh lại là vấn đề cần phải chú ý. Giải thích về nguyên nhân kỹ thuật này, T.S Nguyễn Minh Phong phân tích:
“Chưa kể còn có một số các doanh nghiệp họ cố tình giải thể về mặt kỹ thuật. Nghĩa là họ thành lập để họ mua bán hóa đơn, thành lập để nhập khẩu một số lô hàng lớn để hưởng ưu đãi ban đầu, sau đó họ giải thể hoặc đột ngột chấm dứt để hưởng lợi hoặc trốn thuế.
Vì nước mình cho phép chậm thuế, nghĩa là nhập khẩu vào rồi trả thuế nhập khẩu sau, tình trạng đó khiến một số doanh nghiệp, khai thuế nhập hàng xong, thông quan xong là họ tuyên bố phá sản.
Trong chuyện một số doanh nghiệp dừng và phá sản có yếu tố kỹ thuật chứ không thuần tuý chỉ vì bối cảnh kinh tế khó khăn.”
Như vậy, có thể nhận thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã triệt để khai thác những kẻ hở và những ưu đãi ban đầu Chính phủ dành cho các doanh nghiệp mới thành lập. Theo luật Doanh nghiệp, chỉ với 1,5 triệu đồng và một cái tên là người ta có thể dễ dàng thành lập một doanh nghiệp và được hưởng nhiều ưu đãi trong 2 năm hoạt động đầu tiên.
Theo T.S Nguyễn Minh Phong điều này giải thích vì sao Việt Nam không chống được chuyển giá. Nghĩa rằng Việt Nam chỉ yêu cầu những công ty có lãi phải nộp thuế, còn lỗ thì không phải nộp thuế. Đây là một chính sách sai lầm, khiến không ít các doanh nghiệp “lách luật”. T.S Nguyễn Minh Phong giải thích:
“Điều đó không phải là vô cớ mà 50% các doanh nghiệp FDI tuyên bố lỗ nhưng họ vẫn làm việc, mở rộng quy mô, trả lương cao, các hợp đồng ngày càng phát triển. Vì nó có một kẽ hở là lỗ không phải nộp thuế thì tội gì họ lại báo lãi đúng không.”
Vẫn biết chuyện đào thải các doanh nghiệp yếu kém trong một nền kinh tế thị trường là chuyện đương nhiên, những khó khăn khách quan tác động đến môi trường kinh doanh là điều bắt buộc. Nhưng với con số biết nói gần 50.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đang gửi đến một thông điệp là chính sách quản lý Nhà nước các doanh nghiệp có vấn đề, cơ chế giám sát và điều tiết thị trường còn nhiều lỗ hổng khi chính các doanh nghiệp là người được lợi trong khi nhà nước lại thất thu.