Người dân nói về anh Vươn
Trao đổi với giới truyền thông, ông Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng là Ngô Ngọc Khánh khẳng định rằng anh Đoàn Văn Vươn không phải là người tốt. Theo ông Khánh, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha đất và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Theo ông Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, nhiều năm qua anh Vươn hoàn toàn ăn không, anh ta đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội.
Để làm sáng tỏ tuyên bố này của viên chức nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của dư luận, chúng tôi trao đổi thêm về cuộc sống cá nhân của anh Đoàn Văn Vươn từ những người nông dân vùng biển cùng canh tác với anh tại xã Vinh Quang. Một người dân sống gần nhà anh cho đài Á Châu tự do biết như sau:
"Anh Đoàn Văn Vươn là một người giáo dân rất là tốt và hai nữa là anh sống với bà con dân làng ở đây không mất lòng ai. Mà đồng của anh ấy không phải trông coi, trông giữ gì cả. Toàn bộ dân không ai dám ra đấy bắt bớ cái gì, bắt trộm bắt cướp cái gì của anh ấy cả. Anh ấy đối xử với dân làng ở đây là rất tốt, như là tết Trung thu hoặc cắm trại của các cháu, anh đều có quà. Và hai nữa, gia đình nào có người qua đời là anh đều vào thăm vào viếng hết.
Anh Đoàn Văn Vươn là một người giáo dân rất là tốt và hai nữa là anh sống với bà con dân làng ở đây không mất lòng ai. Đến bây giờ nợ nần còn rất nhiều mà anh ấy cũng chưa có một cái gì gọi là....
Người dân địa phương
Đấy là về anh Vươn, chỉ là một người dân suốt ngày nằm bờ sông bãi sú. Đến bây giờ nợ nần còn rất nhiều mà anh ấy cũng chưa có một cái gì gọi là. Cái xe máy anh đi làm cũng là cái xe tàng tàng thôi."
Trong mắt người dân địa phương, anh Đoàn Văn Vươn còn là một mẫu người hùng miệt nông thôn vùng biển, bởi gia đình anh Vươn đã dám đương đầu với bão tố thiên tai, làm được việc mà lực lượng thanh niên xung phong không làm được, phải bỏ đi. Nhờ những bờ kè tiến ra vùng biển hoang từ gia đình anh Vươn mà nhiều lao động địa phương được giải quyết công ăn việc làm trên những bãi đất bồi tốt tươi.
Để có thể hiểu được công khó của người lao động vùng Tiên Lãng thì phải biết quy trình đắp đồng tạo đất canh tác ở đây. Vùng đầm bị cưỡng chế hiện nay vốn là những bãi lầy hoang, đầu tiên phải trồng rừng ngập mặn bằng cây sú cây vẹt để chắn sóng, sau đó mới tiến hành đắp đê lấn biển. Mà nào có phải là đơn giản, hôm nay mới đắp đất lên thì ngày mai sóng biển lại ập đến cào đi. Mãi đến vài năm công trình đắp đê lấn biển được tạo thành từ mồ hôi nước mắt của người nông dân mới thành hình, nhưng chỉ cần một cơn bão tràn qua là phá tan tất cả. Để có được thành công hôm nay, gia đình anh Đoàn Văn Vươn phải trải qua tất cả những gian khó này. Sau những chuyện xảy ra, người dân vùng biển địa phương vẫn không quên ơn người đi mở đất, nhờ học tập theo cách đắp đồng của người kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn mà hàng ngàn héc ta rừng ngập mặn xã Vinh Quang được xây dựng thành công.
Trong những ngày qua, dư luận xã hội sửng sốt trước cảnh xung đột ở xã Vinh Quang lại càng băn khoăn về mục đích thu hồi đất của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng. Tại sao họ không để cho các gia đình đã đầu tư bao nhiêu công sức tiền của vào mảnh đất đó được tiếp tục canh tác mà lại có thái độ cưỡng chế quyết liệt đến vậy. Nếu như theo vị Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đã nói với báo chí, khu vực đầm tôm cưỡng chế giải tỏa sẽ là tâm điểm xây sân bay trong thời gian tới. Liệu đây có phải là câu trả lời thỏa đáng chưa, phóng viên đài Á Châu Tự do đã chuyển câu hỏi của dư luận xã hội đến với người dân xã Vinh Quang và được trả lời như sau:
"Lê Văn Hiền là Chủ tịch huyện là anh trai của Lê Thanh Liêm, Lê Thanh Liêm là Chủ tịch xã Vinh Quang. Tức là anh ở trên huyện còn em là ở dưới, cho nên bằng mọi giá là lấy bằng được đồng của Vươn để mà giao cho người khác. Sau khi cái sự vụ còn đang tranh chấp đồng, coi như là giải tỏa ngày hôm đấy thì đến chiều xã Vinh Quang đã gọi người ra đo đất và giao cho một số hộ tiếp quản đồng ngay. Ngày hôm sau là cái đoàn đó, họ đã đem máy đến họ ủi hết, san bằng hết nhà của anh Vươn và anh Quý. Tức là cái nhà hai tầng ấy sang bằng hết, không còn thứ gì cả, còn những thứ gì vật dụng gì ở đấy coi như là đốt hết."
Cách hành xử của chính quyền
Bên cạnh thái độ quyết liệt của chính quyền huyện Tiên Lãng, hành vi của một số người thi hành luật pháp liên quan đến người thân của anh Đoàn Văn Vươn thiết tưởng cần phải làm sáng tỏ trước công luận, được người dân địa phương ghi nhận như sau:
"Đến khi không bắt được Vươn thì quay lại bắt em dâu với vợ Vươn và đánh hai người đàn bà đấy. Xích chị ấy giong đi dọc đường, chửi câu nào là dùi cui ghè vào mồm câu ấy. Và như thế là lên gối đánh chị Hiền vợ anh Quý. Đấy là hành động trước công chúng rất là đông người, và giong đi dọc đường đi đến đâu là đánh đến đấy.
Còn cái đứa trẻ con sau khi thấy mẹ nó bị bắt thì nó bắt đầu giằng giẹ, lủi chạy vào trong dân; nó chui vào trong bếp cũng lôi ra, rồi đánh đến khi lột quần áo ra thấy nó có thẻ học sinh. Chúng tôi thấy một đứa trẻ con, nó còn là học sinh, nó chưa hề biết việc chính trị hoặc việc làm. Nhưng mà bằng đã coi như là dùi cui và nắm đấm.
Báo cáo anh, như thế là chúng tôi căm phẫn về hành động của một số người đại diện cho chính quyền."
Đến khi không bắt được Vươn thì quay lại bắt em dâu với vợ Vươn và đánh hai người đàn bà đấy. Báo cáo anh, như thế là chúng tôi căm phẫn về hành động của một số người đại diện cho chính quyền.
Người dân địa phương
Sự việc xảy ra ở Tiên Lãng đang chứng tỏ sức chịu đựng của người bị mất đất đã tiến đến giới hạn cuối cùng, tập tính thuần lương của nông dân đang bị những lần khiếu kiện vô vọng và dùi cui đập vỡ đi.
Trong những năm qua, chính sách thu hồi đất đai có vẻ nóng dần theo những đợt tăng giá bất động sản. Nếu như năm 1997, cơn sóng đầu cơ bất động sản đầu tiên của Việt Nam đóng dấu bằng sự kiện Thái Bình thì vụ việc mở màn cho bối cảnh năm 2013, thời điểm có hàng loạt mảnh đất nuôi trồng thủy sản bị hết thời hiệu giao đất theo luật Đất đai năm 1993, có lẽ chính là những gì đang xảy ra tại Tiên Lãng Hải Phòng.
[ Video: Công an, bộ đội bị bắn trọng thươngOpens in new window ]