Mấy hôm nay, trên mạng xã hội xuất hiện video clip gây phản ứng mạnh khi một thanh niên bị lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ phương tiện xe máy, giấy tờ do “ra đường nhưng không có nhu cầu thiết yếu” khi trên xe anh thanh niên có treo túi đựng một ổ bánh mì và một chai nước. Người thanh niên tên Trần Văn Em và lực lượng làm việc thuộc UBND Phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.
Tại trụ sở ủy ban phường, anh cán bộ phân tích cho anh thanh niên thấy rằng việc mua bánh mì trong giai đoạn này là không cần thiết qua lời giáo huấn: “Bánh mì đâu phải lương thực, thực phẩm. Lương thực là gạo, rau củ, muối cá, thịt... những cái thức ăn. Bánh mì là món ăn luôn rồi! Từ ngữ lương thực không phải vậy. Em lên Google search ra mới hiểu được”.
Đến ngày 20 tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nha Trang có thư gửi anh Trần Văn Em. Nội dung thư xin lỗi và nhận khuyết điểm về thái độ thiếu chuẩn mực đối với người dân do chưa nhận thức đầy đủ Chỉ thị 16 của Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa - Trần Lê Hữu Thọ, người xử lý vụ việc.
Về câu nói của ông Trần Lê Hữu Thọ với anh công nhân Trần Văn Em tại trụ sở ủy ban, thoạt nghe thì người ta cho rằng ông Thọ phát ngôn bậy bạ, coi dân như con nít. Nhưng nhiều người có cái nhìn khác.
Hiện nay, những vấn nạn của bộ máy chính quyền Việt Nam thường rơi vào hệ thống chính quyền cơ sở. Càng xa trung ương thì càng xuất hiện một số cán bộ giống như sai nha thời phong kiến thực dân chuyên hà hiếp những người dân yếu thế và không nắm rõ luật pháp. - Nhà giáo Đinh Kim Phúc
Nhà giáo Đinh Kim Phúc bày tỏ quan điểm của mình:
“Hiện nay, những vấn nạn của bộ máy chính quyền Việt Nam thường rơi vào hệ thống chính quyền cơ sở. Càng xa trung ương thì càng xuất hiện một số cán bộ giống như sai nha thời phong kiến thực dân chuyên hà hiếp những người dân yếu thế và không nắm rõ luật pháp.
Thêm vào đó, trong quy chế chọn lựa cán bộ hiện nay, theo quy định của Bộ nội vụ hay bên tổ chức các cơ quan của đảng, có rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng thực tế hiện tượng mua bằng, chạy chức rất phổ biến. Ai cũng hai, ba tấm bằng nhưng có rất nhiều cán bộ cơ sở không có những kiến thức phổ thông.
Qua phát ngôn ‘bánh mì không phải thực phẩm’ của anh Trần Lê Hữu Thọ, chúng ta thấy rõ rằng các quy định dể xây dựng một bộ máy chính quyền từ địa phương đến trung ương không hề thiếu. Nhìn vào thấy rất chuyên, rất hồng nhưng thực tế không phải như vậy.”
Ông Phúc nói thêm rằng, bất cứ ai được học dưới mái trường XHCN từ sau năm 1975 đến nay đều biết ‘sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản (CNTB). Nhưng khi anh công nhân phải ra ngoài mua nước, mua bánh mì mà bị như thế thì anh công nhân chưa kịp đào mồ chôn CNTB đã bị chính quyền địa phương đào mồ chôn anh.
Chị G., một người dân Sài Gòn cho rằng, cách hành xử của lực lượng chống dịch là không có tình người:
“Mặc dù người dân cũng phải tuân theo Chỉ thị 16, nhưng thái độ của những người làm công tác chống dịch nên nhẹ nhàng, đối xử với đồng bào mình sao cho có tình người, có tình yêu thương.
Người dân cần sự thông hiểu, có tình và lý. Bây giờ là lúc đùm bọc và cưu mang. Đó là cái gốc của vấn đề.”
Câu chuyện ‘bánh mì không phải thực phẩm’ không phải là câu chuyện duy nhất, mà cũng không phải là lý do duy nhất khiến dư luận bất bình về cách chống dịch của chính phủ hiện nay. Nhiều người cho rằng, cách điều hành yếu kém của Chính phủ hiện nay dẫn đến việc lạm quyền của những người thực thi nhiệm vụ. Có những thứ người dân cho rằng thiết yếu nhưng cơ quan chức năng bảo không dẫn đến đôi co. Phần thua thiệt lại thuộc về người dân vì ‘có thái độ chống đối’.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu nhận định:
“Nếu mà chỉ nói một mình ông Phó Chủ tịch phường thôi thì chưa đủ đâu. Ông này chỉ là giọt nước tràn ly khi lên giọng giáo huấn cho anh công nhân rồi quay clip lại. Thật ra trước đó, lực lượng kiểm soát di động đã có ý niệm này trước rồi. Họ cũng không cho rằng bánh mì là thực phẩm, từ đó mới có việc đưa anh công nhân này về cho ủy ban phường xử lý.
Người xử lý là ông Phó chủ tịch làm bước cuối cùng là quay clip post lên mạng như một hình thức tuyên truyền cách xử lý vụ việc. Ông này chỉ là nút chặn cuối cùng. Còn một loạt sai phạm đằng trước đó, của các nhân viên công lực thi hành trên đường nữa. Họ có những quan niệm hết sức lệch lạc khi cho rằng bánh mì không phải là thực phẩm.”
Ông này chỉ là nút chặn cuối cùng. Còn một loạt sai phạm đằng trước đó, của các nhân viên công lực thi hành trên đường nữa. Họ có những quan niệm hết sức lệch lạc khi cho rằng bánh mì không phải là thực phẩm. - Luật sư Đặng Đình Mạnh
Theo Luật sư Mạnh, cách chống dịch hiện nay dường như không có một ‘nhạc trưởng’ thực sự để điều phối mọi hoạt động, cũng không có một chính sách thống nhất. Có những cái gọi là quy định chống dịch của các cơ quan phòng chống dịch thì hầu như mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau nên làm khác nhau. Thậm chí trong cùng một địa phương cũng hiểu khác nhau. Mọi thứ gần như hoàn toàn tự phát. Điều đó hết sức tai hại cho người dân. Ông nêu ví dụ:
"Ví dụ chợ là nơi cung cấp nguồn thực phẩm chủ yếu cho người dân nhưng chợ truyền thống bị coi là nơi có thể lây lan dịch bệnh cho nên họ đóng cửa, chỉ cho siêu thị và chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh mở. Ngay lập tức, Bách hóa xanh trở thành độc quyền và họ tăng giá như một cách ép dân lành."
Nạn lạm quyền từ những cán bộ cấp cơ sở ở thành phố, chẳng hạn như lực lượng dân phòng, là vấn nạn chung lâu nay chưa thể giải quyết. Mạng xã hội tại Việt Nam vào đầu tháng 4 năm 2021 lan truyền một đoạn video dài hơn một phút ghi cảnh hai thiếu niên bị bảo vệ tổ dân phố 12, phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh liên tục đấm, đá, tát vào mặt tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10. Hai thiếu niên liên tiếp van xin nhưng người bảo vệ dân phố tên L.Q.H vẫn không ngừng tay.
Câu chuyện ‘bánh mì’ được coi là đang nóng trên mạng xã hội mấy hôm nay. Chỉ cần mở Facebook lên thì hình ảnh bánh mì liên tiếp xuất hiện trong các dòng trạng thái. Hầu hết người dân đều đứng về phía anh thanh niên Trần Văn Em.
Dường như câu nói của nhân vật lịch sử Hoa Kỳ Bejamin Franklin, “Where there’s no law, there’s no bread” tạm dịch là “Nơi nào không có luật pháp, nơi đó không có bánh mì” lại đúng cho Việt Nam hôm nay?!