Những điểm sáng và tối của Giáo dục Việt Nam năm 2011

Giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu của Việt Nam và trong buổi gặp gỡ với báo chí cuối năm, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Phạm Vũ Luận nhận định đã có nhiều sự kiện lớn được xã hội quan tâm trong năm qua.

Bên cạnh đó, báo chí cũng tổng hợp và nêu lên những tình trạng tồn đọng mà dư luận cho rằng Bộ GD&DT cần chú trọng nhiều hơn nữa để tập trung giải quyết. Nhân dịp này, chúng tôi ghi nhận một số điểm đáng chú ý trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam năm qua.

Giảm tải SGK

Dù vẫn còn nhiều tranh luận, nhưng có thể xem kế hoạch hướng dẫn “giảm tải sách giáo khoa” từ tiểu học cho đến trung học phổ thông của Bộ GD&DT đưa ra trong năm học 2011-2012 là một sự kiện được dư luận quan tâm.

Nội dung kiến thức giảm tải tập trung trọng tâm vào 5 nhóm. Trong đó trọng tâm bao gồm những nội dung bị trùng lặp ở các lớp; những bài tập câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lý của học sinh; điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương.

Điểm đáng ghi nhận kế tiếp là chỉ thị số 10 của chính phủ ban hành ngày 5/12/2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Bộ GD&DT chỉ đạo xây các trường mầm non công lập cho trẻ 5 tuổi ở miền núi, nếu học sinh nghèo sẽ được miễn học phí, lên kế hoạch đến 2015 có trên 95% các trẻ đi học 2 buổi/ngày.

Kế tiếp là trong năm 2011, Bộ GD&DT đã ban hành chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở những vùng kinh tế khó khăn như Tây Nguyên. Trong đó chú trọng tăng cường đầu tư xây dựng ký túc xá trong giai đoạn 2011-2015 để đáp ứng tối thiểu 60% nhu cầu chỗ ở cho học sinh sinh viên. Đồng thời, thực hiện chính sách phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục và đào tạo, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo quy định hiện hành, chế độ phụ cấp lưu động như giáo viên thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Trong năm qua, các đoàn học sinh Việt Nam tham dự những kỳ thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao. 23 thí sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó có 2 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 15 huy chương đồng và 1 bằng khen. Và có thể nói bài văn “lạ” của cậu học trò nghèo Nguyễn trung Hiếu-trường trung học phổ thông Amsterdam Hà Nội- nói lên quan điểm của mình về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống. Hiếu đã lấy câu chuyện thật đang xảy ra với gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền. Bài văn là một thông điệp sống, gạt bỏ sự ích kỷ, nhân lên tình thương yêu, vị tha và trách nhiệm, có tác dụng thức tỉnh nhiều bạn trẻ chưa nhận diện đúng giá trị của đồng tiền đối với cuộc sống. Hiếu đã nhận được học bổng và lên đường du học ở Hoa Kỳ vào ngày 30/1 nhờ vào bài văn “lạ” này.

Thừa đại học, thiếu mầm non

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, ngành giáo dục Việt Nam trong năm qua cũng tồn tại một số sự kiện khiến dư luận quan tâm.

000_Hkg5079046-250.jpg
Các sinh viên vừa hoàn tất bài thi đại học trong kỳ tuyển sinh hôm 05/7/2011 tại Hà Nội. AFP (Các sinh viên vừa hoàn tất bài thi đại học trong kỳ tuyển sinh hôm 05/7/2011 tại Hà Nội. AFP)

Trước hết có thể nói là tình trạng thừa đại học, thiếu mầm non. Trong khi các trường mầm non chưa được quan tâm đúng mức thì lại có hàng loạt trường đại học được mở ra, đào tạo không như giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Trong khi đó, tình trạng các trường liên kết đào tạo với nước ngoài không đảm bảo chất lượng, bằng cấp không được công nhận vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GD. Đa phần các phụ huynh và sinh viên của các trường này phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.

Thực trạng mất cân đối trong việc đăng ký học ở các trường đại học và cao đẳng giữa học sinh với nhu cầu thực tế. Các ngành như khoa học xã hội, ngành nông lâm ngư chỉ có 2,5% hồ sơ đăng ký dự thi trong khi Việt Nam có đến 70% dân số là nông dân. Còn những ngành thời thượng như kinh doanh, du lịch…thì gặp phải nghịch cảnh trong công tác đào tạo và tuyển dụng bị xa rời thực tiễn dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc. Tình trạng cơ sở vật chất các trường còn thiếu thốn, nhiều trường lạm thu vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Và có thể nói, lương giáo viên cũng là một vấn đề gây nhiều trăn trở cho ngành giáo dục nói riêng và công luận nói chung trong năm 2011. Bộ trưởng GD&DT Phạm Vũ Luận thừa nhận rằng mức lương hiện nay không đáp ứng được cho đời sống của giáo viên khi lạm phát ở mức cao, và mặc dù Bộ đã nhiều lần đề xuất tăng lương, nhưng chính phủ vẫn chưa chấp nhận đề xuất này.

Tại đại hội Đảng lần thứ 11 vừa qua, chính phủ khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vận mệnh Việt Nam sẽ ra sao là tùy thuộc vào những người tài được giáo dục và đào tạo từ hôm nay. Mối quan tâm lớn nhất của người dân vẫn là giáo dục với hy vọng chính phủ sẽ thực thi điều mà họ khẳng định để nền giáo dục Việt Nam được tươi sáng hơn trong năm 2012 này.

Theo dòng thời sự: