Câu chuyện nữ đại gia thủy sản và khoản nợ cả ngàn tỷ đồng

Báo chí trong nước tiếp tục đưa tin, đồng thời phản ảnh thắc mắc của dư luận quanh chuyện công ty thủy sản Bianfishco do vợ chồng ông Trần Văn Trí và bà Phạm Thị Diệu Hiền làm chủ, với tổng số nợ khổng lồ lên tới trên 1300 tỷ đồng.

Có điều gì đó bất thường

Công ty cổ phần thủy sản Bình An tức Bianfishco do bà Phạm Thị Diệu Hiền làm tổng giám đốc, hiện là con nợ của trên 10 ngân hàng thương mại, cùng các cá nhân doanh nghiệp và nông gia với tổng số nợ hơn 1300 tỷ đồng.

Số nợ này chưa thật sự chính xác mà còn tăng dần, Bianfishco còn bị nhiều công ty cùng cá nhân khởi kiện vì có làm ăn, mua bán, có cho vay mượn, cung cấp nguyên liệu, thức ăn nuôi thủy sản. Bianfishco tuyển dụng lực lượng lao động hơn 2000 công nhân, nay đang lâm cảnh thất nghiệp tạm thời, chưa biết khi nào mới đi làm trở lại.

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Trung ương Nghề cá Việt Nam, qua câu chuyện với RFA cho rằng, vụ làm ăn và tình trạng thua lỗ này là việc chưa từng xảy ra bao giờ:

“Chúng tôi có thể khẳng định đây là trường hợp hi hữu, chứ không phải là việc phổ biến của doanh nghiệp Việt Nam. Về nguyên nhân thì tôi không rành lắm, nhưng cũng do các hành động mà bà Diệu Hiền lừa được các ngân hàng.”

Ông cũng đặt nghi vấn về chuyện kinh doanh của công ty Bianfishco, mà ông cho là có điều gì bất thường, khó hiểu, với lý do như sau:

“Các doanh nghiệp Việt Nam hàng năm phải báo cáo giá trị tài sản và kết quả kinh doanh trước cơ quan tài chính, nếu là doanh nghiệp cổ phần thì trước đại hội cổ đông. Nếu có rủi ro nào đó về tài chính thì đã được báo động trước, và tìm cách giải quyết, không thể để xảy ra như trường hợp đối với công ty Bình An.”

Ông tin rằng hệ thống tư pháp Việt Nam sẽ vào cuộc và có biện pháp thích đáng đối với việc kinh doanh bất chính như thế:

“Sự việc đang trong tiến trình điều tra, để nắm chính xác con số nợ và sau đó đương nhiên các cơ quan luật pháp sẽ có giải pháp để giải quyết số nợ mà công ty Bình An đang mắc phải.”

Với lý do phải đi trị bệnh ở nước ngoài, cuối tháng 3, bà Diệu Hiền xin xuất ngoại qua Singapore rồi từ đó sang Hoa Kỳ, nói là để trị bệnh ung thư và ủy quyền cho chồng là ông Trần Văn Trí, làm tổng giám đốc Bianfishco.

Các doanh nghiệp hàng năm phải báo cáo giá trị tài sản và kết quả kinh doanh. Nếu có rủi ro nào đó thì đã được báo động trước, và tìm cách giải quyết, không thể để xảy ra như trường hợp đối với công ty Bình An.

Ông Nguyễn Tử Cương

Người ta vẫn còn nhớ hồi tháng 2 vừa qua, dân vùng Tây Đô bán tán xôn xao khi cặp vợ chồng đại gia này tổ chức tiệc cưới linh đình từ Saigon đến Cần Thơ, cho con trai là Trần Văn Chương với hot girl Quỳnh Chi. Ngay trong lúc tiệc cưới diễn ra tại tư gia, nhiều nông dân đã tập họp trước biệt thự, căng băng rôn đòi bà Hiền gấp rút trả nợ.

Tuần rồi khi gặp nhiều chục hộ nông dân bán cá, ông Trần Văn Trí, trước đó là giám đốc sở Giao thông vận tải Cần Thơ, nghỉ việc để làm tân tổng giám đốc công ty Bianfishco, ông Trí không đưa ra được thời điểm cụ thể trong việc thanh toán nợ nần, mà yêu cầu nông dân chờ đợi, khiến các chủ nợ có phản ứng mạnh mẽ.

Theo báo Pháp Luật, đại diện cho một số nông dân chủ nợ của Bianfishco đề nghị quận Ô Môn áp dụng biện pháp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông Trần Văn Trí.
Khi liên lạc với tư gia ông Trí ở Cần Thơ, một người giúp việc nhà cho biết:

“Ổng đi vắng rồi, không có nhà để tôi cho ổng hay, gọi lại đi, có gì thì ngày mai gặp ổng, tôi làm công cho ông chủ, cái chuyện bị nợ đòi thì cái đó phải rồi, có gì trao đổi với ổng nghe.”

Nhiều nông dân thắc mắc không biết Bianfishco sẽ xoay sở ra sao để kiếm đủ số tiền hơn 1300 tỷ đồng, cho dù bán hết của cải, tài sản như biệt thự ở Beverly Hills, California, được rao bán với giá là 2 triệu 745 ngàn đô la, nhà máy chế biến thủy sản khoảng gần 90 triệu đô la, xe Rolls Royce hơn triệu đô la cũng chưa thấm vào đâu so với từ mà báo chí dùng là “món nợ khủng” tính ra gần 90 triệu đô la Mỹ.

Có những chủ nợ khai là công ty Bianfishco còn thiếu của hộ mỗi người 40 hay 50 tỷ đồng, phần lớn là những người bị công ty này thiếu nhiều tỷ đồng.

Theo VNExpress thì thông tin từ gia đình cho biết bà Diệu Hiền bị ung thư vú tái phát, lây truyền qua gan, gây chứng bại liệt nhẹ tay trái. Ông Trần Văn Trí, chồng bà Hiền đưa ra tấm ảnh chứng minh cho việc vợ ông đang được điều trị ở tại Hoa Kỳ. Các nhân chứng thắc mắc vì ảnh đó có ghi ngày chụp là 16 tháng 9 năm 2009. Gia đình bà Hiền nói máy ảnh này mới mua, chưa điều chỉnh lại ngày tháng chính xác.

Sẽ xử lý đến đâu?

soha.vn-250.jpg
Bà Phạm Thị Diệu Hiền, tổng giám đốc Bianfishco. Courtesy of soha.vn (Bà Phạm Thị Diệu Hiền, tổng giám đốc Bianfishco. Courtesy of soha.vn)

Tổ Kiểm tra nợ của công y Bianfishco do ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thành lập yêu cầu cơ quan chức năng cho mời bà Phạm Thị Diệu Hiền về nước để giải quyết khó khăn tài chánh mà doanh nghiệp của vợ chồng bà phải đối phó.

Các nhân viên điều tra nói nếu quả thật bà Hiền đang lâm chứng bệnh ngặt nghèo nên không thể trở về nước lúc này thì cần phải chuyển bệnh án của bà Hiền về Việt Nam, với sự xác nhận của chính quyền hai nước.

Qua câu chuyện với luật sư Nguyễn Văn Hậu là người từng bênh vực cho bà con nông dân huyện Cần Giờ, trong vụ án dai dẳng khiếu kiện công ty bột ngột Vedan đã xả nước thải độc hại, hủy hoại môi trường sống của nông dân ngành thủy sản, thì nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền có thể bị dẫn độ từ Mỹ về nước:

“Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều trường hợp dẫn độ, gọi là ‘có đi có lại’, một doanh nghiệp làm ăn không đúng đắn, dùng những thủ đoạn gian dối thì tôi nghĩ rằng họ không chừa bất cứ việc gì, cho nên trường hợp này cần phải được xử lý theo pháp luật Việt Nam.”

Về phần các nông gia chủ nợ của Bianfishco thì có ông Thái Bá Thi, quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ cho biết, ông có đến công ty này suốt 10 tháng qua nhưng chỉ được ban giám đốc trả lại nợ của ông một cách nhỏ giọt. Ông cũng mang nợ nhiều người khác, bị họ kéo tới nhà gây khó dễ, đòi xiết nợ. Ai nấy cũng khổ lắm rồi, nên sẽ tiến hành những bước cần thiết theo đúng thủ tục pháp lý.

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn lúc này, ông Thi cũng không biết phải nói gì?

“Thông cảm đi, cái chuyện của tôi thì đã trao đổi trong hội nghị rồi, không có gì phải cung cấp hay trao đổi thêm đâu.”

Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều trường hợp dẫn độ, gọi là ‘có đi có lại’, cho nên trường hợp này cần phải được xử lý theo pháp luật Việt Nam.

LS Nguyễn Văn Hậu

Ông Lê Văn Chiến, đại diện một số nông dân còn bị Bianfishco nợ, than thở rằng nhà nông không có vốn liếng, phải đem tài sản thế chấp cho ngân hàng, cho bạn hữu, để hy vọng thoát cảnh nghèo khó, cải thiện cuộc sống gia đình, nào ngờ đã bị công ty Bianfishco chiếm dụng và lừa gạt hết vốn. Vốn và lãi vay mượn của ngân hàng tăng dần mỗi ngày, khiến nhiều nông gia lâm vào bước đường cùng, những nợ con tức vốn vay từ người dân bị chủ nợ kéo đến nhà hăm dọa, mắng chửi.

Người em gái của ông nói là ông Chiến thường xuyên vắng nhà:

“Tui là em thôi chứ không có đứng ra mua bán gì, nên không rành, để anh Ba về tui nói lại, chắc mai mới về.”

Mỗi khi gọi đến tư gia doanh nghiệp có liên quan đến chuyện nợ nần của Bianfishco thì đều nghe tiếng trả lời gần giống nhau:

“Ông ấy đi vắng rồi, tôi không biết, vợ chồng không có ai ở nhà, có con nợ đến đòi gì đó, tôi cũng không biết nữa.”

Bà Phạm Thị Mai, còn bị Bianfishco nợ 16 tỷ đồng nói với báo chí là chỉ vì chuyện nợ nần và nhiều gia đình, vợ chồng xích mích, bị ly tán, con cái phải bỏ học, đau yếu không thuốc men, rơi vào cảnh bi đát, hoang mang, bất an, vô vọng.

Dư luận cho rằng ở Việt Nam, chủ trương trừng trị tham nhũng chỉ nhắm đến những ‘con cá bé’ hay ‘tép riu’, còn cá mập, cá voi khổng lồ như chuyện Vinashin hay Bianfishco thì những cấp lãnh đạo dễ dàng hạ cánh an toàn lý do dễ hiểu là có “bùa hộ mạng’từ trên cao.

Theo dòng thời sự: